Ngày 9/3, người dân sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn hiếm gặp - nhật thực toàn phần, trong khi đó Việt Nam sẽ chỉ thấy một phần.
Ngày 9/3, người dân sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn hiếm gặp - nhật thực toàn phần, trong khi đó Việt Nam sẽ chỉ thấy một phần.
Giới thiên văn cho biết, vùng quan sát được nhật thực toàn phần nằm trong dải hẹp khoảng từ 94 km đến 155 km bắt đầu từ Ấn Độ Dương (phía tây đảo Sumatra) lúc mặt trời mọc, sau đó đi qua một số vùng trên lãnh thổ của Indonesia, rồi vượt ra ngoài Thái Bình Dương trước khi kết thúc ở khu vực phía bắc Thái Bình Dương (phía bắc đảo Hawaii).
Khu vực lớn thuộc châu Á - Thái Bình Dương như các nước Đông Nam Á và Australia sẽ chỉ quan sát được nhật thực một phần. "Trong lần này Indonesia là nơi có điều kiện quan sát tốt nhất", Đặng Tuấn Duy, Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC) nói.
Bức ảnh minh họa dải toàn phần (path of totality) màu đỏ, vùng tối (umbra) là vòng tròn màu đen, vùng nửa tối (penumbra) là các vòng tròn đồng tâm màu tối. Theo đó, các thành phố/khu vực như Palembang ở phía Nam đảo Sumatra, Tanjung Pandan (Sumatra); Palangkaraya, Balikpapan (Kalimantan); Palu (Central Sulawesi); Ternate (North Maluku) và Sofifi (Papua) nằm trên dải màu đỏ nên quan sát được nhật thực toàn phần. Việt Nam nằm trong vùng nửa tối nên quan sát được nhật thực một phần. Ảnh: NASA/Scientific Visualization Studio. |
Tất cả tỉnh thành Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần với độ che phủ cực đại trên 50%. Theo HAAC, khu vực quan sát nhật thực lý tưởng nhất là các tỉnh thành phía Nam, càng tiến về phía Bắc độ che phủ cực đại giảm dần. Cụ thể, Cà Mau quan sát nhật thực có độ che phủ lớn nhất với 58%, sau đó là TP HCM 52%, Đà Nẵng 36%, trong khi Hà Nội chỉ 22%.
"Thời điểm nhật thực đạt cực đại là vào buổi sáng lúc 7h, khi mặt trời mọc chưa đủ cao nếu điều kiện thời tiết thuận lợi", anh Duy thông tin và khuyên người xem nên tìm các khu vực có góc quan sát về hướng đông thật trống, tránh bị đồi núi, cây cối, nhà cao tầng che khuất. Người xem tuyệt đối không được quan sát nhật thực trực tiếp bằng mắt thường, vì ánh sáng mặt trời sẽ làm hỏng mắt, nên quan sát qua màng lọc, kính, phim lọc...
So sánh giữa nhật thực toàn phần (trái) và nhật thực hình khuyên (phải). Nếu đứng trong vùng bóng tối (a), vùng bóng tối giả (b) và vùng bóng nửa tối (c) thì sẽ quan sát được tương ứng nhật thực toàn phần, hình khuyên và một phần. Đồ họa: HAAC. |
Nhật thực toàn phần rất hiếm gặp. Tại Việt Nam, hiện tượng này diễn ra lần gần nhất ngày 24/10/1995.
Nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời. Nhật thực hình khuyên xảy ra hàng năm khi trái đất ở vị trí gần nhất so với mặt trời và mặt trăng ở vị trí xa nhất so với địa cầu. Do đó mặt trăng không đủ lớn để che khuất toàn bộ mặt trời và hai vùng nửa tối tạo ra bởi mặt trăng sẽ mở rộng hơn so với khi nhật thực toàn phần, đồng thời xen phủ nhau tạo thành một vùng gọi là vùng bóng tối giả.
Cư dân những vùng trên trái đất bị vùng bóng tối giả này quét qua sẽ quan sát được nhật thực hình khuyên, còn trong vùng nửa tối sẽ quan sát được nhật thực một phần.
Theo http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/viet-nam-sap-don-nhat-thuc-mot-phan-3363404.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin