Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội thảo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội thảo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với quyết tâm tìm giải pháp đột phá cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sáng 19/3, tại huyện Kon Plông, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tham gia Hội thảo có các chuyên gia đầu ngành, đại diện một số doanh nghiệp trong, ngoài nước và lãnh đạo 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tại Hội thảo, hàng chục lượt ý kiến tham gia, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý lĩnh vực nông nghiệp đều khẳng định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp nước ta trong thời kỳ hội nhập.
Với Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao kinh tế cao, đặc hữu, như: sâm Ngọc Linh, rau hoa củ quả xứ lạnh, cây dược liệu, cà phê, chăn nuôi đại gia súc... song việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang còn nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể, đó là một số địa phương chưa có quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất của người dân manh mún, nhỏ lẻ; thiếu các nhà đầu tư có tiềm lực; lúng túng trong việc lựa chọn, kế thừa các thành tựu khoa học công nghệ cao…
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, để Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung thành công trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và từng người dân. Cùng với sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành Trung ương, sự đầu tư của doanh nghiệp, mỗi tỉnh phải xác định được hướng đi của địa phương mình.
“Để phát triển được nông nghiệp công nghệ cao ở địa bàn Tây Nguyên, đầu tiên các tỉnh phải xác định cho mình sản phẩm để phát triển. Sản phẩm đó là thế mạnh và cây đặc thù và số lượng của nó được quy hoạch có giá trị đóng góp kinh tế xã hội của từng tỉnh và của vùng Tây Nguyên. Thứ hai, các tỉnh phải tập trung vào việc quy hoạch sản phẩm đó để phát triển sản phẩm một cách khoa học, bền vững. Thứ ba là sản phẩm này phải được ứng dụng khoa học và công nghệ. Cần phải đưa khoa học công nghệ tốt, công nghệ mới, công nghệ phù hợp vào vùng đất Tây Nguyên,” Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh./.
Nguồn: http://vov.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-491094.vov
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin