16 nguyên tắc thành công mọi nhân viên Google đều phải biết

11:03, 25/03/2016

16 điều được đúc kết từ những người làm Google lâu năm nhằm giúp công ty phát triển đúng hướng.

16 điều được đúc kết từ những người làm Google lâu năm nhằm giúp công ty phát triển đúng hướng.

Nguyễn Phương Anh, Giám đốc tiếp thị Google phụ trách thị trường Việt Nam, tại buổi hội nghị hôm 12/3 - Ảnh: H.Đ
Nguyễn Phương Anh, Giám đốc tiếp thị Google phụ trách thị trường Việt Nam, tại buổi hội nghị hôm 12/3 - Ảnh: H.Đ

16 nguyên tắc này nằm trong Quyển sách của nhân viên Google (Googler Handbook) mà mọi nhân viên Google dù cũ hay mới đều đọc qua, bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc tiếp thị Google châu Á Thái Bình Dương, phụ trách thị trường Việt Nam cho biết.

Phát biểu tại hội chợ khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ - Saigon Tech Startup Fest – tổ chức hôm 12/3 tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM), bà Phương Anh nói rằng, mặc dù đọc qua các điều này, nhưng mỗi nhân viên Google lại tâm đắc với một điểm khác nhau.

Như bà Phương Anh đề cao sự chia sẻ. “Tôi nghĩ một trong các yếu tố quan trọng để thúc đẩy sáng tạo trong một công ty chính là sự chia sẻ. Một khi bạn có ý tưởng nào đó bạn nên chia sẻ với mọi người, không nên xấu hổ. Việc chia sẻ với nhau sẽ thu thập được nhiều ý kiến từ mọi người, hơn là chỉ một mình mình nghĩ cách giải quyết”.

16 nguyên tắc của Google được xây dựng từ những người đã làm tại Google lâu năm. Ví dụ, một trong các nguyên tắc là khi nói chuyện, hãy thuyết phục bằng con số, bạn phải có dữ liệu để bảo vệ quan điểm của mình chứ không thể chỉ dựa trên cảm giác. Kế đến, Google không coi mọi người là đối thủ, họ khuyến khích kiến tạo hệ sinh thái. Hay nguyên tắc nữa là “Dont be evil” - dù bạn làm bất cứ thứ gì, không nên làm điều xấu.

Tại buổi nói chuyện trước hàng trăm sinh viên và nhà khởi nghiệp, bà Phương Anh cho biết muốn nhấn mạnh đến 3 trong 16 nguyên tắc của Google. Đó là, người dùng quan trọng nhất, chọn thứ quan trọng nhất, nguyên tắc 20%.

Đầu tiên, xét về nguyên tắc luôn đặt người dùng quan trọng nhất. Google ra đời khá lâu nhưng sau đó mới xây dựng Google Adwork, hệ thống quảng cáo trên bộ máy tìm kiếm. Vì ngay từ đầu bộ máy tìm kiếm Google không phải xây dựng vì tiền, mà để xây dựng một bộ máy tìm kiếm hữu ích cho người dùng. Sau đó Google phát triển mạnh và cần kinh phí, nên mới nghĩ cách kiếm tiền.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này khi vào Google.com, bà Phương Anh nói, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một bảng quảng cáo lớn, dù cho công ty nào có trả mức giá cao thì Google cũng không đồng ý, vì trang chủ là của người dùng.

“YouTube cũng vậy, sau 5 năm kể từ ngày mua lại YouTube thì Google mới nghĩ đến việc kiếm tiền. Trên YouTube, bạn có thể bỏ qua quảng cáo nếu muốn”, nữ giám đốc 8x chia sẻ.

Về nguyên tắc chọn điều quan trọng nhất, nếu mỗi ngày có 24 tiếng đồng hồ và bạn có nhiều lựa chọn công việc để làm thì hãy chọn việc làm nào có sự thay đổi lớn lao nhất so với các việc khác. Ví dụ về xe tự lái ở Google. Mọi người vẫn thấy tỷ lệ tai nạn giao thông trên thế giới rất cao, phần lớn trong số đó là do lỗi của người lái.

“Giải pháp là gì? Chúng ta có thể nâng độ khó khi cấp bằng, tăng độ tuổi tối thiểu đối với người được cấp bằng… đều có thể góp phần giảm 1%, 5%, hay 10% tai nạn giao thông”, bà Phương Anh nêu giải pháp. "Tuy nhiên cách tốt nhất là gì? Là loại bỏ hoàn toàn yếu tố con người khi tham gia giao thông, và đó là lý do vì sao chúng tôi phát triển xe tự lái".

Nguyên tắc tiếp theo, khi làm một việc gì có thể bắt đầu từ việc nhỏ. Bạn có thể bắt đầu bằng việc giải quyết một vấn đề cho thành phố bạn sống, hoặc chỉ là trường đại học bạn học, hay là vấn đề của công ty khởi nghiệp của bạn. Ở Google có nguyên tắc tương tự là nguyên tắc 20% - nên dành 20% thời gian của bạn vào những việc bạn thực sự thích. Nó có thể là bất kỳ thứ gì. Ví dụ bạn muốn nhiều người dân Campuchia có thể lên mạng, do đó bạn dành 20% thời gian của mình để viết một ứng dụng dành cho sinh viên Campuchia chẳng hạn.

Ví dụ tại Google, Sundar Pichai - CEO Google hiện nay - đã tạo ra trình duyệt Chrome với 20% thời gian của mình. Hay ví dụ khác là Google Cardboard, đây là thiết bị thực tế ảo được làm từ giấy bìa cứng, kết hợp với smartphone để cho ra các hiệu ứng thực tế ảo, thay vì bắt người dùng phải mua các kính thực tế ảo đắt tiền, cũng được tạo ra từ 20% thời gian này.

16 nguyên tắc của Google có thể tạm dịch như sau: người dùng quan trọng nhất; vươn xa hơn, nghĩ lớn hơn; nói chuyện bằng số liệu; nhanh bao giờ cũng tốt hơn chậm; hợp tác tốt; nghĩ về hệ sinh thái và dài hạn; yêu đồng đội và thích cạnh tranh; khuyến khích sự cởi mở, mở lòng, nghĩ thoáng (openess); mọi người, mọi nơi (7 tỷ người dùng); nguyên tắc 70/20/10; nguyên tắc 20%; vui vẻ; không làm điều xấu; tận tâm tuyển người; đồng tiền thông minh.

Nguyên tắc cuối cùng thể hiện tầm nhìn xa và lấy yếu tố con người làm chủ đạo của Google: hãy tự tạo nguyên tắc cho mình.

TTheo ICTNews

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh