Phát triển cây dược liệu: Loay hoay "chọn mặt gửi vàng"

05:02, 28/02/2016

"Hàn Quốc chỉ có 2 loại cây dược liệu là sâm và linh chi, nhưng họ đã phát triển để toàn thế giới biết đến và sử dụng. Còn Việt Nam có tới 4.000 loại cây dược liệu quý, tại sao chúng ta không chọn được một vài loài để cung cấp trên phạm vi toàn cầu như họ?"

“Hàn Quốc chỉ có 2 loại cây dược liệu là sâm và linh chi, nhưng họ đã phát triển để toàn thế giới biết đến và sử dụng. Còn Việt Nam có tới 4.000 loại cây dược liệu quý, tại sao chúng ta không chọn được một vài loài để cung cấp trên phạm vi toàn cầu như họ?”- đó là trăn trở của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị Phát triển cây dược liệu ở Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 26/2.

Quá khó vì phải tự mày mò

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), nước ta hiện có khoảng 4.000 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài bản địa và nhập nội đã được phổ biến rộng trong sản xuất. Dù có tài nguyên cây dược liệu vô cùng phong phú, nhưng việc khai thác lại mang tính tận thu không bảo vệ duy trì và tái sinh nguồn tài nguyên này. Các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng không quan tâm đúng mức khiến nguồn tài nguyên này càng giảm sút nghiêm trọng, có nhiều loài đã tuyệt chủng.

Để phát triển dược liệu cần phải tìm hiểu những loại cây trồng có thế mạnh. Phát triển phải áp dụng công nghệ xanh, cần tìm tòi và áp dụng khoa học công nghệ mới. Chúng ta hãy phát triển loại cây dược liệu mà thị trường cần và đặt hàng và điều quan trọng là phải biết thị trường cần gì”- bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco.

Đánh giá về cây dược liệu ở Việt Nam, TS- dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm – tác giả của cây trồng trinh nữ hoàng cung Việt Nam chia sẻ: “Cây dược liệu đòi hỏi hoạt chất sinh học, không phải số lượng cây trồng. Hoạt chất sinh học liên quan mật thiết đến quy trình chăm sóc, bón phân nào, tưới nước ra làm sao, tuy nhiên đến nay gần như chẳng có quy trình nào được các cơ quan liên quan ban hành cho việc trồng cây dược liệu, người dân, doanh nghiệp đang phải tự mày mò áp dụng”.

Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận, ngành nông nghiệp đã có thiếu sót khi không quan tâm đúng mức đối với cây trồng dược liệu, cũng chính vì điều đó cho nên hiện nay Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan, thậm chí cả doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành dược liệu đang rất lúng túng trong quy hoạch vùng trồng dược liệu, không biết phải chú trọng phát triển những loài nào trong số 4.000 loài dược liệu.

“Tôi muốn lắng nghe nhiều ý kiến về việc chọn lọc một số loại ưu thế nhất trong 4.000 loài cây dược liệu để phát triển. Cần làm rõ cây trọng điểm, chọn như thế nào, cây nào có thị trường, cây nào có thể chiếm lĩnh được thị trường và thị trường nào”- ông Phát băn khoăn.

 Người trồng dược liệu gặp khó khăn khi không có thị trường ổn định.  Ảnh tư liệu
Người trồng dược liệu gặp khó khăn khi không có thị trường ổn định. Ảnh tư liệu

Nhu cầu tăng, nhưng phát triển thế nào?

Chuyên gia dược liệu Trần Khắc Bảo cho rằng: “Hiện nay nhu cầu sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng được bào chế từ các cây dược liệu có nguồn gốc tự nhiên ngày càng tăng, nên nhu cầu sử dụng cây dược liệu là rất lớn. Mặc dù vậy khi người dân xắn tay trồng dược liệu nhưng đến lúc thu hoạch thì không biết tiêu thụ đi đâu. Không có ai định hướng thị trường, làm thị trường cho người trồng dược liệu”.

Cùng chung quan điểm trên, bà Đỗ Thị Nhường – Công ty TNHH Châu Giang (Hưng Yên) chia sẻ: “Công ty Châu Giang phát triển cây thanh hao hoa vàng và cây bạc hà từ năm 1990, có thời điểm thu hút được 4.000 hộ tham gia trồng, tuy nhiên để kiểm soát các hộ trồng là rất khó khăn, không có sự hỗ trợ từ nhà nước, một mình công ty nỗ lực là chưa đủ. Khi người thu mua từ Trung Quốc đến tận vườn của các hộ trồng để trả giá cao, người dân bán luôn, sau đó thương lái Trung Quốc không thu mua nữa khiến các hộ dân lại trở nên bấp bênh khi không biết bán cho ai, công ty cũng thiệt thòi”.

Khẳng định quyết tâm phát triển cây dược liệu, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tôi sẵn sàng huy động nguồn lực, khăn gói đi tìm hiểu thị trường cùng doanh nghiệp. Để phát triển cây dược liệu cần phải áp dụng khoa học công nghệ, chọn lọc giống, cải tiến giống, phải làm rõ quy trình sản xuất tối ưu nhất, tiến đến ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hóa. Phải tổ chức sản xuất để thành chuỗi liên kết. Tổ chức sản xuất, doanh nghiệp cùng địa phương, người dân, đồng thời nhà nước phải có chính sách hỗ trợ”. 

Nguồn: http://danviet.vn/nha-nong/phat-trien-cay-duoc-lieu-loay-hoay-chon-mat-gui-vang-663503.html

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh