Không chỉ đơn thuần là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông trong quản lý nhà nước, mà quan trọng là nâng cao mức độ phục vụ công dân, đáp ứng tốt khi gia nhập vào "sân chơi" thế giới.
Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin chia sẻ, việc cụ thể hóa mô hình Chính phủ điện tử bằng cách đưa ra một khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử là một bước đi đột phá.
Không chỉ đơn thuần là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông trong quản lý nhà nước, mà quan trọng là nâng cao mức độ phục vụ công dân, đáp ứng tốt khi gia nhập vào “sân chơi” thế giới.
“Theo cách làm Chính phủ điện tử của Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc,… khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử là nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử”- Nguyễn Văn Hiền- CEO của Công ty iNet Slolutions. |
Có khung kiến trúc, lòng như “mở cờ”
Chia sẻ tầm quan trọng khi xây dựng Chính phủ điện tử, ông Nguyễn Văn Hiền- CEO của Công ty iNet Slolutions nói, chúng ta đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong đó có quy định rất chặt chẽ về sở hữu trí tuệ (liên quan bản quyền phần mềm công nghệ thông tin) và yêu cầu quy trình nghiệp vụ của hành chính phải minh bạch. Nếu vi phạm hoặc làm sai thì xem như các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài sẽ dựa vào “luật chơi” mà giải quyết.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin- truyền thông (thuộc Sở Thông tin- Truyền thông Vĩnh Long) Võ Văn Phước cho biết, nhiều hội thảo cho rằng, cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp của chúng ta còn mơ hồ về các điều khoản của Hiệp định TPP.
Nếu vậy sẽ bị thiệt thòi là chắc chắn, đặc biệt là vấn đề bản quyền phần mềm. Cho nên, ngoài động thái tích cực là chuyển qua sử dụng nguồn mở hoặc mua bản quyền một số phần mềm thì việc xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ cho quản lý nhà nước và phục vụ người dân là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Theo ông Cao Hoàng Nam (Cục Tin học hóa, thuộc Bộ Thông tin- Truyền thông), để tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin, đồng thời đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin,… thì Bộ Thông tin- Truyền thông đã ban hành khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử.
Từ đó, mỗi tỉnh- thành sẽ xây dựng khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử tỉnh phù hợp. Ông vui vẻ thông tin thêm, chúng ta đang xây dựng một cổng thông tin điện tử Chính phủ, đây là một trong những thành phần quan trọng của sơ đồ tổng thể khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử.
“Sau khi hoàn thành thì tất cả các cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, tỉnh,… sẽ kết nối trực tiếp với cổng thông tin điện tử Chính phủ. Qua đó người dân chỉ cần nhớ và truy cập đến đây để truy cập dịch vụ mà thôi”.
Đồng thời, xây dựng 6 cơ sở dữ liệu quốc gia để ưu tiên xây dựng (dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, thống kê tổng hợp về dân số, tài chính và bảo hiểm) từ đó tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
Bắt kịp xu hướng hội nhập
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhận định, xây dựng Chính phủ điện tử với hạ tầng hiện đại cùng các ứng dụng, dịch vụ công đầy đủ và vận hành thông suốt trở thành xu hướng tất yếu được Chính phủ các nước trên thế giới quan tâm xây dựng.
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thể hiện qua nhiều văn bản quan trọng.
Trong đó, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 36a/NQ-CP. UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời có nhiều nỗ lực phát triển Chính phủ điện tử nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Xây dựng Chính phủ điện tử là vẫn sử dụng những nền tảng công nghệ thông tin- truyền thông mà trước tới nay đã xây dựng, nhưng trước tới nay chưa gọi là Chính phủ điện tử vì mới chỉ ở mức thấp. Và các ứng dụng xây dựng tại mỗi đơn vị vận hành độc lập.
Tại Vĩnh Long, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Đoàn Hồng Hạnh, tỉnh đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, nhiều dịch vụ công trực tuyến, trang thông tin điện tử, ứng dụng chuyên ngành,… nhưng thực tế ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung.
Điều này gây lãng phí ở chỗ mỗi nơi xây dựng lại từ đầu đến cuối, không kết nối, liên thông được với nhau, thậm chí trùng lắp. Nên việc ban hành khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử xem như là một bước đi đột phá, tạo nền tảng xây dựng thành công Chính phủ điện tử đồng thời các ứng dụng ở tất cả các ngành, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đều nhắm tới mục tiêu chung.
Tỏ vẻ vui mừng, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, khi đã ký kết Hiệp định TPP thì việc Bộ Thông tin- Truyền thông sớm ban hành khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử để nhanh chóng thực hiện thành công Chính phủ điện tử, đáp ứng rất tốt và mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong xu thế hội nhập sâu rộng vào sân chơi thế giới.
Cùng với cả nước, để sớm thực hiện thành công Chính phủ điện tử- bà Đoàn Hồng Hạnh chia sẻ- điều quan tâm và kỳ vọng ở tỉnh khó khăn như Vĩnh Long là nguồn kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông, đặc biệt là chính sách ưu đãi cho đội ngũ chuyên gia, giữ chân và thu hút người tài.
Còn về hạ tầng như đường truyền mạng chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước, từ tỉnh đến huyện xã đã kết nối thông suốt, hay cơ sở hạ tầng của Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đã được Bộ Thông tin- Truyền thông đầu tư nâng cấp nên tỉnh tương đối thuận lợi.
Theo bà Đoàn Hồng Hạnh, hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo đầu tư thực hiện khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử tỉnh Vĩnh Long, năm 2016, Sở Thông tin- Truyền thông làm chủ đầu tư thực hiện.
Theo Sở Thông tin- Truyền thông, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt, Bộ Thông tin- Truyền thông sẽ thẩm định và thống nhất và tạm thời công nhận khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử tỉnh.
Đến khi triển khai ứng dụng, nếu liên thông 4 cấp (từ xã đến huyện, tỉnh, Trung ương) thì tới lúc đó bộ mới công nhận chính thức. Sở Thông tin- Truyền thông phụ trách về giải pháp, công nghệ nhưng khi vận hành ứng dụng thì liên quan tới quy trình nghiệp vụ tất cả các sở, ban, ngành... nên vai trò của Sở Nội vụ sẽ rất quan trọng.
Chính phủ điện tử giúp cho nền hành chính công khai, minh bạch hơn, góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. |
Theo lộ trình, đối với cấp huyện sẽ xây dựng phần mềm một cửa liên thông. Đối với sở, ban, ngành cũng tương tự là một cửa liên thông nhưng theo kiểu quy trình chuyên môn.
Xây dựng Chính phủ điện tử đã nghe và được nhắc đến nhiều lần, nhưng theo ông Võ Văn Phước nhận định, nếu tính thời điểm bây giờ thực hiện là tốt nhất. Vì trước đó, trình độ công nghệ thông tin, nhận thức của lãnh đạo, người dùng chưa cao, và phát triển khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử ở tỉnh là quá khó khi không có sự hỗ trợ nhiều của công nghệ như hiện nay. Nếu trễ hơn nữa thì lạc hậu so với khu vực và thế giới.
Trong lộ trình Chính phủ điện tử 2016- 2020, tất cả các tỉnh sẽ thực hiện và công bố khung kiến trúc, đồng thời xây dựng phần mềm một cửa liên thông (hay một cửa điện tử) cấp huyện/thành phố trong năm 2016.
Và trong lộ trình đến 2020, các sở, ban, ngành sẽ thực hiện một cửa liên thông ở những mức độ khác nhau. Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, công khai minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng đà hội nhập.
|
Chính phủ điện tử bao gồm những nền tảng đi kèm với bảo mật như cơ sở hạ tầng, máy chủ, đường truyền, các hệ điều hành cơ bản; kế là công nghệ điện toán đám mây để các ứng dụng và dữ liệu lưu trữ và đảm bảo tính liên tục, dự phòng. Đặc biệt là các ứng dụng bên trên, gồm ứng dụng giữa các cơ quan nhà nước, giữa Nhà nước với doanh nghiệp, giữa Nhà nước với người dân. Và mục đích mà Chính phủ điện tử hướng tới là để phục vụ tốt hơn cho công dân. |
Bài, ảnh: TẤN ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin