
Hơn 63 đề tài nghiên cứu xuất sắc nhất của sinh viên các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) phía Nam vừa được tôn vinh tại Giải thưởng Euréka năm 2015.
![]() |
Các bạn trẻ ngày càng đam mê với nghiên cứu khoa học |
Hơn 63 đề tài nghiên cứu xuất sắc nhất của sinh viên các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) phía Nam vừa được tôn vinh tại Giải thưởng Euréka năm 2015. Cùng với đó, hàng trăm nghiên cứu có tính ứng dụng cao đã được trình diễn tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo lần VI, tiếp tục khẳng định sức sáng tạo của các bạn trẻ…
Đề cao ứng dụng
Công nghệ thực tại ảo đang được thế giới phát triển và ứng dụng hết sức mạnh mẽ, nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam. Lấy động lực từ đó, hai bạn trẻ Võ Lâm Khánh Duy và Nguyễn Xuân Giềng (sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM) đã nghiên cứu tạo ra môi trường thực tế ảo, với mong muốn mang lại những trải nghiệm mới và thú vị trong những lĩnh vực của đời sống như giao thông, y tế và đặc biệt là giáo dục.
Trên nền các công nghệ sẵn có là chiếc kính thực tế ảo Oculus, các bạn trẻ đã kết hợp với các thiết bị nhận dạng cử chỉ và hành động để đưa người dùng nhìn thấy các vật thể hoặc không gian 3 chiều. Nhờ khả năng kết hợp đó, người dùng có thể trải nghiệm ở nhiều không gian khác nhau như khám phá khu rừng huyền bí, khám phá vũ trụ, khám phá các bộ phận bên trong con người và khám phá các địa danh cổ đại nổi tiếng. Không chỉ nhìn thấy, mà người dùng còn được tương tác (sờ, nắm) các vật thể trong không gian ảo như hiện thực bên ngoài. Công nghệ mới, hiện đại mà khả năng ứng dụng lại rất gần gũi đời thường. Các bạn trẻ cho biết, có thể mang mô hình này đặt tại các trường học. Học sinh, thay vì học lý thuyết về địa lý, sinh học một cách khô khan, thì có thể nhìn thấy cận cảnh cơ thể người, nhìn thấy những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú như đang xảy ra trước mắt.
Cũng xuất phát từ nhu cầu “ứng dụng công nghệ phục vụ học tập”, một nhóm sinh viên đã miệt mài nghiên cứu, chế tạo ra robot T-res, có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng, biết biểu lộ cảm xúc, có khả năng cầm gắp vật thể, quan trọng nhất là có thể chống trộm, phát hiện cháy nổ, phát hiện trẻ em ngồi học sai tư thế… bằng cách tiếp nhận hình ảnh qua camera, cảm biến khí. Các thông tin thu thập được sẽ báo về điện thoại. Qua đó, phụ huynh cũng có thể quan sát và hỗ trợ con cái học tập từ xa.
Hay như tại cuộc thi Ý tưởng xanh mới đây, nhóm bạn trẻ đến từ Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Sư phạm TPHCM) đã chinh phục các nhà khoa học chỉ với một ý tưởng đơn giản mang tên “Vườn treo xanh”. Với những nguyên vật liệu vừa dễ tìm kiếm, vừa dễ tái sử dụng như chai nhựa, ống nước dẻo và băng quấn, “ý tưởng xanh” của các em là tái sử dụng nước thải từ máy lạnh, được dẫn qua những chai nhựa đựng cây cảnh để nuôi cây. Từ đó, phát triển mô hình “Vườn treo xanh” tại hộ gia đình cũng theo công nghệ như vậy. Cách làm không phức tạp, chi phí thấp, nhưng mỗi gia đình ở thành phố đều có thể ứng dụng được.
Hỗ trợ nhiều hơn
Điều dễ nhận thấy, các bạn trẻ ngày càng đam mê và dành thời gian nhiều hơn cho nghiên cứu và học tập. Đáng quý và trân trọng hơn ở các bạn chính là khả năng vượt khó để nghiên cứu. Có nhiều thời điểm, các bạn phải vừa nghiên cứu vừa ôn thi đại học, không đủ kinh phí, phải tự mày mò tìm hiểu các kiến thức xa lạ với mình như hóa học, lập trình… Bằng tất cả đam mê sáng tạo của người trẻ, những sản phẩm khoa học có ích với cuộc sống lần lượt ra đời. Thế nhưng, chứng kiến điều đó, những người quản lý khoa học không phải không có những ưu tư.
Anh Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM - người từng có hàng chục năm gắn bó với khoa học trẻ, thừa nhận rằng các “cây sáng chế” trẻ vẫn đang thiếu những nguồn hỗ trợ lớn và dài hơn. Có nhiều đề tài rất hay, rất sáng tạo, giành giải cao nhưng việc tìm kiếm kinh phí cho các em tiếp tục nghiên cứu lại gặp khó khăn. Cũng có em tốt nghiệp ra trường đã không lựa chọn con đường nghiên cứu và thế là đề tài phải dừng lại trong tiếc nuối. Những giải thưởng cho các bạn trẻ hiện chỉ ở mức tôn vinh, trong khi quá trình nghiên cứu, nhiều em phải bỏ tiền túi, thậm chí xoay xở bạn bè, thầy cô để có đủ kinh phí thực hiện.
Trước đây, Thành ủy và UBND TPHCM đã trao Thành đoàn 1 tỷ đồng để thành lập thành Quỹ Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, dùng hỗ trợ kinh phí cho sinh viên nghiên cứu khoa học, khen thưởng động viên các đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải cao. Cơ chế quỹ như thế cần được phát triển mạnh hơn, hỗ trợ các bạn trẻ ngay từ trong quá trình nghiên cứu. Điều đó không chỉ khích lệ các em mà còn giúp các em tạo ra được sản phẩm nghiên cứu đủ “chinh phục” doanh nghiệp.
Anh Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM, cũng cho rằng các đề tài được các bạn trẻ lựa chọn đã bao quát ở nhiều lĩnh vực. Các nghiên cứu trẻ tại TPHCM đang ngày một lớn mạnh và chất lượng. Đã đến lúc, các nghiên cứu trẻ cần được hỗ trợ để vươn mình đến các đơn vị ứng dụng nhiều hơn.
Theo http://www.sggp.org.vn/khoahoc_congnghe/2016/1/407892/
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin