Lão nông tái chế lốp cao su xuất khẩu ra nước ngoài

02:09, 30/09/2015

Lão nông được mệnh danh là "Vua tái chế cao su" đất Nam Định bởi có những sản phẩm đã được góp mặt ở trời Tây.

 

Lão nông được mệnh danh là “Vua tái chế cao su” đất Nam Định bởi có những sản phẩm đã được góp mặt ở trời Tây.

Ông Nguyễn Lương Thông (SN 1959, quê Ý Yên- Nam Định) được người dân trong vùng mệnh danh là “Vua tái chế cao su” bởi những sản phẩm tái chế của ông đã được xuất ra tận nước ngoài.

Các sản phẩm cao su của ông được tái chế từ các lốp ôtô đã bỏ đi để làm giỏ đựng rác, gương treo tường, xô, chậu và những sản phẩm phục vụ sản xuất trong các nhà vườn,
nông trại…

Các sản phẩm cao su được tái chế tại xưởng của gia đình ông Thông.
Các sản phẩm cao su được tái chế tại xưởng của gia đình ông Thông.

Sau khi tách các lớp cao su từ lốp ôtô hỏng thành các mảnh là đến công đoạn đo kích cỡ, thiết kế, lên mẫu hàng, quét sơn tạo màu sắc như mới
cho sản phẩm.

Sau đó, ông Thông phơi khô hàng mẫu, bắn ghim và khâu sản phẩm. Công đoạn cuối cùng mới là trang trí, bắn thêm quai xách hoặc quai cho từng loại khác nhau.

Hàng tháng, gia đình ông Thông chế tạo ra 20.000 sản phẩm. Với mức giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường dao động từ 3.500- 4.500 đ/kg lốp thường và 10.000 đ/kg lốp đặc chủng và giá bán ra cả trăm ngàn đồng/đôi, tùy loại, hàng năm gia đình ông thu nhập lên tới trên 12 tỷ đồng.

Ngoài ra, gia đình ông Thông còn kết hợp làm thêm các sản phẩm mây tre đan, vốn là thế mạnh truyền thống của địa phương.

Hiện nay, công ty gia đình ông Thông có hàng ngàn mét vuông nhà xưởng và đang mở rộng thêm, làm cả sang nhiều lĩnh vực khác để xuất đi nước ngoài. Trước đây, mỗi năm, gia đình ông xuất sang thị trường các nước khoảng 10.000 sản phẩm. Thời gian gần đây, con số này đã lên tới 15.000- 20.000 sản phẩm/tháng.

Xưởng sản xuất cao su của ông Thông đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động với mức lương từ 3- 7 triệu đồng mỗi tháng. Những lao động trong gia đình ông chủ yếu là người thân của các đồng đội nhập ngũ trước đây, mời về làm để tạo điều kiện tăng thêm
thu nhập.

Ông Thông chia sẻ, cơ duyên đến với sự nghiệp tái chế này bắt đầu rất tình cờ khi có người tự giới thiệu thuộc Công ty Thương mại Cánh đồng xanh, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) tìm đến, đưa các mẫu sản phẩm đặt ông làm thử. Sản phẩm của ông được khách hàng ưng ý và đem mẫu sản phẩm đi triển lãm Châu Âu vào năm 2007.

Với những thành quả đã đạt được, ông Thông tự tin rằng cơ sở sản xuất, tái chế cao su của mình là số một miền Bắc
hiện nay.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo Khoa học)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh