Một hệ thống chống tên lửa đang được thử nghiệm tại Israel, trong đó sử dụng thiết bị laser để phát hiện và làm chệch hướng nhắm bắn của tên lửa, bảo vệ máy bay chở khách trước nguy cơ bị bắn hạ.
Một hệ thống chống tên lửa đang được thử nghiệm tại Israel, trong đó sử dụng thiết bị laser để phát hiện và làm chệch hướng nhắm bắn của tên lửa, bảo vệ máy bay chở khách trước nguy cơ bị bắn hạ.
Dự án phòng thủ tên lửa của Israel
Năm 2002, một máy bay của Israel đang bay ở độ cao hơn 150m trong không phận Mombasa, Kenya, thì bị tấn công bằng một tên lửa vác vai. Không có ai bị thương trong vụ việc nhưng nó trở thành lý do để chính phủ Israel bắt đầu tìm kiếm và thử nghiệm các biện pháp bảo vệ máy bay chở khách cũng như trực thăng của họ trước nguy cơ bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không di động cá nhân (MANPADS).
MANPADS từ lâu vốn được cho là mối đe dọa lớn đối với các loại phương tiện trên không. Hệ thống chống tên lửa hàng không thương mại cũng chưa được thiết kế tính năng bảo vệ máy bay trước sự tấn công của tên lửa đất đối không tầm xa (SAM). Hệ thống tên lửa phòng không Buk SAM được cho là có liên quan đến việc phi cơ MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ ở Ukraine.
Tuy nhiên, dù ở độ cao nào thì việc nhắm mục tiêu vào đầu tên lửa từ một phi cơ đang di chuyển là một việc rất phức tạp về mặt công nghệ. "Nó giống như việc bắn một quả bóng tennis với laser từ máy bay khi đang di chuyển với tốc độ 800-900km/h", một cựu quan chức có tên Dar của Lực lượng Quốc phòng Israel cho hay.
Dự án nghiên cứu công nghệ chống tên lửa và bảo vệ máy bay của Israel có tên SkyShield. Chương trình nghiên cứu tập trung vào các hệ thống hoàn toàn tự động như laser và bộ phận gây nhiễu radar. Hệ thống sử dụng thiết bị C-MUSIC được gắn ở dưới thân máy bay (bụng máy bay). Khi tên lửa đến gần, tia laser chĩa về phía bộ phận cảm biến của tên lửa sẽ hoạt động và làm chệch hướng bắn của loại vũ khí này.
Các chuyên gia tin rằng, chúng có thể thay thế phương pháp thả mảnh kim loại để gây nhiễu xạ và đánh lạc hướng hệ thống theo dõi, một kỹ thuật vốn được sử dụng phổ biến trong quân đội nhưng có thể gây nguy hiểm cho phi công.
Dự án được phối hợp hợp tác với Elbit Systems, một công ty công nghệ quốc phòng quốc tế có gần 10 năm nghiên cứu và phát triển giải pháp chống tên lửa cho máy bay chở khách. Elbit Systems đã triển khai công nghệ "biện pháp đối phó" trong quân đội Đức, Italy và một số nước khác ở châu Âu, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các nhà lãnh đạo hay nhân vật quan trọng.
Ngoài Israel, công ty này chưa ký hợp đồng với các hãng máy bay thương mại của quốc gia nào khác. Theo Elbit, Israel đã thử nghiệm thành công công nghệ chống tên lửa trên máy bay Boeing 777 và Boeing 80, trong đó có các cuộc thử nghiệm gần đây ở miền nam nước này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ hướng tiếp cận của Israel trong vấn đề này. Giáo sư Theodore Postal của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, nhận định hệ thống phòng thủ tên lửa cho máy bay sẽ không có hiệu quả. Đặc biệt khi thiết kế tên lửa ngày tinh vi hơn, giúp chúng khó bị phát hiện hay phá hủy, thì việc bảo vệ máy bay khỏi nguy cơ tấn công là điều vô cùng khó khăn.
Mô phỏng hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa trên máy bay thương mại của Israel. (Đồ họa: WSJ)
Dự án của Mỹ
Đối với Mỹ, vụ việc Mombasa năm 2002 và các cuộc tấn công ngày 11/9/2001 đã làm gia tăng lo ngại và mối quan tâm của nước này trong việc thúc đẩy biện pháp bảo vệ máy bay chở khách.
Tháng 5/2002, FBI cảnh báo mục tiêu tấn công của tổ chức khủng bố al Qaeda là nhằm vào ngành công nghiệp hàng không của Mỹ, và họ cần chú ý đến khả năng rằng tên lửa vác vai cũng có thể được sử dụng để chống lại máy bay thương mại của nước này.
Một năm sau, dự thảo trang bị hệ thống phòng vệ tên lửa cho máy bay thương mại được đưa ra tại quốc hội Mỹ. Theo dự thảo này, Bộ Quốc phòng sẽ phải chi khoảng một triệu USD để trang bị công nghệ chống tên lửa cho một máy bay thương mại.
Với khoảng 6.800 máy bay, số tiền sử dụng để trang bị hệ thống này lên tới gần 7 tỷ USD. Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó sử dụng phương án yêu cầu các nhà cung cấp máy bay nghiên cứu kỹ thuật chống tên lửa quân sự cho mục đích thương mại. Một trong số đó là chương trình chống tên lửa của Northrop Grumman.
Để giải quyết vấn đề chi phí, các dự án nghiên cứu trong những năm gần đây của Mỹ đã chuyển sang hướng đi khác. Dự án Chloe của Bộ An ninh Nội địa Mỹ tập trung vào nghiên cứu và sử dụng máy bay không người lái có tính năng phát hiện và đánh bại tên lửa. Phương pháp này sẽ được ứng dụng ở các sân bay.
Theo VnExpress
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin