Hậu Giang: Tiện ích với thiết bị lọc nước

03:08, 26/08/2014

Chỉ cần một ít than trấu với dung dịch axit hyfloric là có thể “biến” nước sông thành nước sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh. Đó là hiệu quả mà đề tài “Hệ thống xử lý nước giá rẻ hộ gia đình” của tác giả Nguyễn Trọng Hiếu, giáo viên dạy vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Ngã Bảy mang đến cho những vùng nông thôn thiếu nước sạch.

Chỉ cần một ít than trấu với dung dịch axit hyfloric là có thể “biến” nước sông thành nước sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh. Đó là hiệu quả mà đề tài “Hệ thống xử lý nước giá rẻ hộ gia đình” của tác giả Nguyễn Trọng Hiếu, giáo viên dạy vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Ngã Bảy mang đến cho những vùng nông thôn thiếu nước sạch.

Bằng cách tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, anh Hiếu đã chuyển than trấu thành than hoạt tính, là vật liệu lọc chính trong thiết bị lọc nước tại gia đình. Thiết bị lọc có thiết kế rất đơn giản gồm tro trấu, axit hyfloric (HF), ống nhựa, túi đựng than, hai bình chứa.

Chi phí không quá 100.000 đồng/thiết bị, nên mọi gia đình đều có thể áp dụng. Thiết bị lọc tốt cả nước sông, kênh, rạch hoặc nước từ giếng khoan. Sản phẩm cho ra là nước trong, sạch, không màu, không mùi, không vị, sử dụng an toàn trong sinh hoạt gia đình, có thể nấu để uống.

Thiết bị lọc của anh Hiếu vừa rẻ lại rất dễ làm.

Than trấu là nguồn nguyên liệu có sẵn ở vùng nông thôn, rất dễ tìm. Bản thân than trấu đã có sẵn độ hoạt tính. Qua nghiên cứu của mình, anh Hiếu đã tìm cách tăng cao độ hoạt tính của than trấu bằng dung dịch axit HF pha loãng. Axit HF có nồng độ rất thấp, không gây hại cho người sử dụng, lại có khả năng tan vô hạn trong nước và dễ dàng được rửa trôi bằng nước.

Trong than hoạt tính, có thành phần chủ yếu là carbon, cấu trúc dạng tổ ong nên lưu giữ lại những tạp chất, cặn lắng có trong nước. Nhờ đó, khi đi qua lớp than này, nước sông dù có đục, bốc mùi hôi vẫn được “tẩy trong” như nước máy.

Trên thị trường, một bình axit HF có giá 50.000 đồng có thể làm tăng độ hoạt tính của 40kg than trấu, dùng để lọc 250m3 nước. Theo dự tính của tác giả, tổng chi phí để lọc lượng nước này không quá 100.000 đồng. Như vậy, mỗi m3 nước đã lọc sạch chỉ tốn khoảng 200 đồng.

So với các thiết bị lọc nước bán trên thị trường, chi phí thực hiện hệ thống lọc nước bằng than trấu hoạt tính rẻ và đơn giản hơn rất nhiều. Với đặc điểm này, người dân nông thôn vùng sâu, thiếu nước sạch có thể áp dụng rộng rãi, bất cứ thời điểm nào, mẫu nước nào.

Điểm tiện ích của hệ thống lọc này là không sử dụng động cơ vận hành, chỉ tận dụng lực chảy từ trên cao xuống thấp. Chỉ cần 2 bình nước, một bình đặt trên cao, một để dưới thấp, một hệ thống lọc ở giữa hai bình là lấy được nước sạch. Nước đi qua hệ thống lọc có thể dùng ngay hoặc tích trong lu nước, bể chứa để dùng lâu dài.

Anh Hiếu cho biết thêm: “Đối với nghiên cứu này chỉ dùng một bình nhỏ để thử nghiệm. Nếu hộ muốn tăng lượng nước lọc thì dùng ống nước có diện tích lớn hoặc ghép song song nhiều ống nước chứa than trấu hoạt tính”.

Để có được đề tài này là do những lần về quê thăm cha mẹ, anh phát hiện những đống than trấu đổ gần chuồng nuôi heo đã lọc trong lượng nước thải khi chảy qua nó. Sau nhiều lần tìm hiểu nguyên lý của than trấu, anh đã biết được công dụng của nó nên tiến hành thực hiện đề tài của mình.

Mục tiêu lớn nhất của anh Hiếu là muốn chế tạo ra bộ lọc nước để người dân sử dụng rộng rãi trong các vùng nông thôn. Theo anh, hiện nay, nhiều hộ ở vùng quê vẫn còn xài nước sông trực tiếp. Mặc dù có lắng phèn nhưng vẫn chưa sạch hẳn vì phèn không thể diệt được chất độc, mùi hôi thối trong nước. Mong muốn lớn nhất của tác giả là giúp người dân tận dụng được nguồn than trấu bỏ đi, giảm ô nhiễm môi trường.

Anh Hiếu cho biết thêm: “Để kiểm tra tính hiệu quả, an toàn của thiết bị lọc nước, tôi đã lấy nước sông gần chợ Ngã Bảy lọc và gửi mẫu đến Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh nhờ kiểm tra các chỉ tiêu. Kết quả cho thấy: nước sau khi lọc đạt được 12/14 chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, tôi vẫn cần có thời gian cũng như kinh phí để cải tiến thiết bị lọc, nghiên cứu thêm làm sao lọc đạt tất cả các chỉ tiêu. Hiện tôi đang cải tiến thiết bị tốt hơn và dự định làm đề tài nghiên cứu sâu hơn”.

Được biết, đề tài này đã đoạt giải khuyến khích trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang lần VI. Đây là năm thứ 3 anh đoạt giải trong hội thi. Trước đó là những sáng kiến nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý, phục vụ cho công tác dạy và học trong nhà trường.

Ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đánh giá: Có thể nói, công nghệ mới này đã góp phần tận dụng phế liệu của ngành nông nghiệp là than trấu để tạo ra những nguyên liệu, sản phẩm mới có giá trị, đem lại lợi ích cho người dân. Đây sẽ là một giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu nước sạch hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo Báo Hậu Giang Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh