Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) để phục vụ phát triển sản xuất, đời sống là rất quan trọng. Ở Vĩnh Long, trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu KH-CN đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên (HS-SV), nhà KH trẻ…
SV ĐH Cửu Long đạt nhiều giải cao trong cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 25 (ảnh tư liệu).
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) để phục vụ phát triển sản xuất, đời sống là rất quan trọng. Ở Vĩnh Long, trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu KH-CN đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên (HS-SV), nhà KH trẻ…
Những thành tựu bước đầu
Ở Vĩnh Long, có thể thấy rõ công tác nghiên cứu KH và phát triển CN luôn bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Đặc biệt, tập trung triển khai các chương trình, đề tài, xây dựng các mô hình ứng dụng thiết bị KH-CN phục vụ đề án nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới… Bình quân, hàng năm có 15 đề tài, dự án được thực hiện trên nhiều lĩnh vực.
Theo Sở KH-CN Vĩnh Long, công tác quản lý nhà nước từng bước ổn định và phát triển. Thể hiện cụ thể như:
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đề án phát triển KH-CN; Đề án Phát triển CN sinh học;… đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tiềm lực KH-CN của tỉnh trong những năm qua từng bước được quan tâm đầu tư. Tính trong giai đoạn 2006- 2011, đã đầu tư 130 tỷ đồng cho các thiết bị, trại giống,…
Trong 3 năm gần đây, tỉnh đã đầu tư cơ sở thực nghiệm và ứng dụng CN sinh học, xây dựng trụ sở và thiết bị cho 3 đơn vị thuộc Sở KH-CN trên 36 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt 2 dự án trên 20 tỷ đồng nhằm phục vụ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Riêng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực KH-CN của tỉnh có sự phát triển nhanh về số lượng lẫn chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 60 tổ chức hoạt động KH-CN. Trong đó có 7 tổ chức nghiên cứu và phát triển KH-CN, 41 tổ chức dịch vụ KH-CN, 6 trường ĐH- CĐ. Có 40 tiến sĩ, 643 thạc sĩ, trên 12.000 cử nhân ĐH- CĐ…
Bên cạnh đó, Vĩnh Long từng bước xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với các viện, trường ĐH trong nước. Thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tích cực đóng góp trí tuệ và công sức vì sự phát triển tỉnh nhà.
Khuyến khích người trẻ tham gia nghiên cứu KH
Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu KH-CN ở các trường THPT, ĐH- CĐ cũng được đẩy mạnh.
Thầy Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho biết, trong năm học 2013- 2014, trường xét chọn 14 đề tài, nghiệm thu 5 đề tài nghiên cứu KH cấp trường; đề xuất 2 đề tài nghiên cứu KH cấp bộ năm 2015, 4 hồ sơ đề xuất nghiên cứu KH cấp tỉnh 2015. Trước đó, mô hình “Robot đa năng” của trường đã đạt giải nhì Hội thi Thiết bị tự làm toàn quốc.
Năm học 2012- 2013, ĐH Cửu Long có SV đạt nhiều thành tích cao trong cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 25 khu vực miền Nam với 4 giải nhất và 2 giải khuyến khích. Theo một lãnh đạo nhà trường, năm học mới 2013- 2014, nhà trường tiếp tục tăng cường hoạt động nghiên cứu KH-CN, khuyến khích sự sáng tạo của SV.
Trong khi đó, các trường ĐH- CĐ khác trên địa bàn đều có những hoạt động nghiên cứu KH-CN. Trong đó, cũng có một số đề tài, dự án được các tổ chức nước ngoài tài trợ.
Theo Hiệu trưởng Trần Thanh Tùng- CĐ Cộng đồng Vĩnh Long, chất lượng các đề tài đảm bảo giá trị KH, có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường nói riêng, của xã hội nói chung. Riêng ở CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, trong năm học 2012- 2013, trường đã đạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa, nhiều đề tài cấp trường và cấp cơ sở.
Để thúc đẩy nghiên cứu KH-CN
Hoạt động nghiên cứu KH-CN ngày càng thể hiện rõ vai trò trong sự phát triển bền vững kinh tế- đời sống. Do đó, thúc đẩy nghiên cứu KH-CN là một nhiệm vụ trọng tâm.
Theo Sở KH-CN, hoạt động nghiên cứu KH-CN của tỉnh hiện tại và trong thời gian tới cần tập trung vào các nội dung chính là: đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức các ngành, các cấp về tầm quan trọng của KH-CN trong thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
phát động rộng rãi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án KH-CN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng KH-CN phù hợp với từng ngành, từng sản phẩm;…
Bên cạnh đó, cũng cần duy trì mối quan hệ hợp tác với các trường ĐH lớn, các viện nghiên cứu. Qua đó đào tạo nguồn nhân lực, từng bước cải thiện, nâng cao trình độ CN của tỉnh.
Cô Nguyễn Thị Giang- Quyền Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long từng nói: Lĩnh vực nghiên cứu KH là một lĩnh vực khó, muốn đẩy mạnh phong trào này trong nhà trường, trước hết giảng viên phải “thu hút” được các em tham gia.
“Phát động là một chuyện, ý tưởng của các em là một chuyện nhưng phải có giảng viên hướng dẫn. Các em phải biết bắt đầu từ đâu và phương pháp nghiên cứu như thế nào”…
Ngày 18/5 hàng năm được chọn là ngày KH-CN Việt
Trong lễ kỷ niệm ngày KH-CN Việt Nam vừa được Sở KH-CN Vĩnh Long tổ chức, ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tùy điều kiện mà phát động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa; tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu thành tựu, ứng dụng KH-CN;… kêu gọi tất cả mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng trí thức, KH trẻ hãy phấn đấu học tập, nghiên cứu, sáng tạo để góp phần đưa KH-CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội;…
|
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin