Sản xuất cây giống ở Vĩnh Thành Thay thế túi ni-lon bằng lá măng cụt và giẻ dừa

02:04, 30/04/2014

Đây là 1 trong 3 dự án của học sinh tỉnh Bến Tre được nhận giải ba trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2013-2014, vừa tổ chức tại TP. Cần Thơ.

Nhóm nghiên cứu Trường THPT Trương Vĩnh Ký gồm: Huyền, Thảo, Hương (từ phải sang) tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tổ chức tại TP. Cần Thơ. Ảnh: CTV

Đây là 1 trong 3 dự án của học sinh tỉnh Bến Tre được nhận giải ba trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2013-2014, vừa tổ chức tại TP. Cần Thơ. 

Hiện nay, ngành sản xuất cây giống, hoa kiểng ở xã Vĩnh Thành đang phát triển mạnh. Bên cạnh những giá trị kinh tế mà ngành này mang lại cho người dân thì lượng rác thải, tồn dư phân bón, thuốc trừ sâu… đang ngày càng làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Là cư dân của huyện Chợ Lách, nhóm học sinh Trường THPT Trương Vĩnh Ký gồm Nguyễn Thị Bé Thảo, Hồ Thị Ngọc Huyền, Phan Thị Quới Hương đã chọn dự án:

Thay thế túi ni-lon trong ngành sản xuất cây giống ở Vĩnh Thành bằng những vật liệu thân thiện với môi trường; giảm bớt chi phí đầu vào, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, cây măng cụt và dừa được trồng với diện tích rất lớn, lá măng cụt và giẻ dừa (phần giẻ giúp cho bẹ dừa ôm chặt thân cây) có kích thước tương đối lớn, khá bền có thể thay thế được túi ni-lon trong việc chiết cành và ươm cây con, cây giống. Nhóm nghiên cứu có sự tư vấn về kiến thức của thầy Đinh Công Nhân - giáo viên Trường THPT Trương Vĩnh Ký.

Mục tiêu của dự án là chiết cành thành công khi sử dụng lá măng cụt thay thế cho túi ni-lon, chế tạo được bao làm bằng giẻ dừa để ươm cây con, cây phát triển tốt và vận chuyển được khi đi xa.

Chọn đối tượng là cây tắc, nhóm nghiên cứu đã quan sát và thực nghiệm khoa học bằng cách dùng lá măng cụt để chiết cành, lấy giẻ dừa để làm bao ươm cây con.

Điểm mới của dự án này là so với phương pháp chiết cành, ươm cây con có sử dụng túi ni-lon thì cách làm của dự án không sử dụng chất kích thích ra rễ nhưng cây trồng vẫn ra rễ tốt, không sử dụng túi ni-lon, một vật liệu khó phân hủy. Vật liệu sử dụng trong dự án có khả năng tự phân hủy nhanh, bổ sung chất mùn cho đất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: khi chiết cành bằng lá măng cụt, tỷ lệ số cành ra rễ là 95%, thời gian ra rễ khi sử dụng lá măng cụt thay thế túi ni-lon (tính từ khi bóc vỏ cành chiết đến khi quan sát thấy phần chóp rễ màu trắng) trung bình khoảng 28 ngày.

Nhóm cũng sử dụng túi ni-lon để chiết cành ra rễ làm đối chứng, kết quả là 29 ngày. So với phương pháp chiết cành sử dụng túi ni-lon bao bên ngoài thì phương pháp dùng lá măng cụt thay thế túi ni-lon sẽ làm cho cành chiết mau ra rễ hơn (trung bình 1 ngày). Đến thời điểm cắt cành đi ươm thì lá măng cụt vẫn còn nguyên vẹn độ bền như ban đầu.

Thời gian để bầu được một cành chiết khi dùng lá măng cụt nhanh hơn khi sử dụng túi ni-lon, nên phương pháp này có thể giảm bớt được chi phí cho việc thuê nhân công. Rễ cây trong túi làm bằng giẻ dừa phát triển rất mạnh, có thể xuyên qua lớp giẻ dừa.

Khi phân hủy túi giẻ dừa tạo thêm chất mùn cho đất. Kết thúc quá trình ươm cây nhưng phần giẻ dừa vẫn giữ được độ bền, có thể vận chuyển đi xa.

Theo Đồng Khởi Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh