Thành công tàu ngầm Trường Sa: Niềm tự hào dân tộc

08:01, 25/01/2014

Ngày 21/1/2014, ông Nguyễn Quốc Hòa- người đang tự chế tạo chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa đã thử nghiệm thành công. Sự kiện này đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ độc giả.

Ngày 21/1/2014, ông Nguyễn Quốc Hòa- người đang tự chế tạo chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa đã thử nghiệm thành công. Sự kiện này đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ độc giả.

Đây là một cú hích cho khoa học công nghệ 

Ngay sau khi biết tin, TS Trần Đình Bá (Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam- Hội Khoa học kinh tế  Việt Nam) đã gửi lời chúc mừng cho ông Hòa: “Sự thành công này là cú hích cho khoa học công nghệ để người Việt Nam làm nên những điều kỳ diệu sánh vai với cường quốc năm châu, làm chủ biển trời của ta”.

Tàu ngầm Trường Sa trong bể thử nghiệm.

 TS chia sẻ thêm: “Trước mắt, thành công của anh sẽ là tấm gương sáng cho 1.000 giáo sư tiến sĩ chuyên ngành giao thông vận tải biết phải làm gì để mở rộng hiện đại ĐS 1.435, đột phá vào hàng không để cho máy bay VAMII mang tên Việt Nam được cất cánh”. 

 Đồng tình với quan điểm của TS Trần Đình Bá, độc giả Minh Tâm cho hay: “Đây là một tin vui đầu năm 2014 không chỉ bác Hòa và những cộng sự của bác mà là niềm vui chung của người Việt Nam và tôi nghĩ với thành công này, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của những chiếc tàu ngầm Trường Sa lớn hơn, hiện đại hơn”.

Dự báo về một tương lai nhiều thành công hơn, bạn Huy Khánh bình luận: “Sẽ có hàng trăm, hàng ngàn chiếc Trường Sa mới, to gấp 3- 4 lần”. 

Ông Hòa vào bên trong tàu ngầm để vận hành thử.


Độc giả Tuấn Anh cũng chia sẻ niềm vui này: “Có lẽ sản phẩm do cá nhân nghiên cứu, chế tạo mang tính ứng dụng thực tế cao của anh Hòa là sản phẩm đầu tiên thành công. Vì trước đây, một số sản phẩm như tàu đệm khí của một anh nông dân và 1 chiếc khác của nhóm sinh viên bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chưa ứng dụng thực tế. Vì vậy, sản phẩm của anh có giá trị rất lớn về nhiều mặt. Trong đó có giá trị tinh thần, khuyến khích sự sáng tạo theo chiều hướng tạo ra những sản phẩm chuyên nghiệp, mang lại ứng dụng thực tế cho người Việt Nam”.

“Tiến sĩ giấy” cần xem lại các công trình nghiên cứu 

Không chỉ vậy, theo quan điểm của bạn Nhật Minh thì với những thành tựu đạt được cho thấy, khi một người thợ cơ khí Việt Nam có quyết tâm là làm được. “Ngẫm lại các loại máy nông cụ giúp bà con làm ăn thì chẳng thấy của ông giáo sư, tiến sĩ nào mà toàn của những Hai Lúa nghèo khó nhưng giàu đam mê và tôi ngầm hiểu rằng mấy giáo sư ấy đang làm đề tài trồng khoai lang cao sản cho bà con trên Mặt trăng, âu cũng là cái lo xa vượt tầng khí quyển”. 

 Bên cạnh đó, độc giả Trần Quốc Tuấn đưa ra quan điểm: “Tuy không phải là tất cả nhưng nhiều người Việt Nam rất thông minh, dám nghĩ, dám làm. Tàu ngầm chẳng qua là chiếc tàu nổi được quây kín lại, bổ sung thêm 1 số công năng lặn. Ở những nước tư bản, trước kia công nghệ chưa chắc bằng ta bây giờ nhưng họ đã làm được. Quan trọng bây giờ là chúng ta có người nào dám đứng ra suy nghĩ, đầu tư và làm thử hay không thôi”.

Những thành công này đem lại tia hy vọng mới cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng ta có thể sản xuất được tầu ngầm Trường Sa 1,2,3,4 và nhiều hơn thế, để làm hiện đại hơn vũ khí quốc phòng, phục vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. 

Độc giả Tuấn Anh phân tích: “Thực tế đã chứng minh bất cứ một thành công của khoa học thì thực tiễn sẽ chứng minh chân lý đó. Tuy nhiên, có thể từ thực tế cuộc sống tạo tiền đề cho khoa học. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu khoa học của Việt Nam cần thực tế hơn nữa”. 


ĐÔNG PHƯƠNG (nguồn ĐVO)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh