Giải pháp chữa cháy thông minh

09:10, 05/10/2013

LTS: Trước các vụ hỏa hoạn xảy ra- đặc biệt tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ hay cao ốc, tòa nhà văn phòng đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, KS. Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt đã đề xuất 2 giải pháp chữa cháy. Rất mong cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu và hoàn thiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do “bà Hỏa” gây ra.

LTS: Trước các vụ hỏa hoạn xảy ra- đặc biệt tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ hay cao ốc, tòa nhà văn phòng đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, KS. Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt đã đề xuất 2 giải pháp chữa cháy. Rất mong cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu và hoàn thiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do “bà Hỏa” gây ra.

Sau khi cứu hỏa, có thể nói nỗ lực của cảnh sát phòng cháy chữa cháy là rất cao nhưng hầu như tài sản phần bị đốt cháy, phần bị biến dạng và không còn giá trị sử dụng, còn các tòa nhà thì bị nứt vỡ kết cấu do nhiệt.

Đám cháy khói bốc ra nghi ngút. Có thể khống chế đám cháy bằng cách dùng khói làm ngộp lửa.

Ngoài ra, khi phun nước chữa cháy cũng làm cho các kết cấu sắt thép bê tông bị rạn nứt, gãy các liên kết. Vì vậy, giải pháp chữa cháy không dùng nước để hạn chế thiệt hại đáng được lưu tâm.

Sử dụng các tấm bạt khổ lớn

Theo KS. Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt, một trong những điều kiện tiên quyết để duy trì sự cháy tức là phải có khí ôxy, tức là không khí. Do đó, khi ta làm tắt hoặc giảm nguồn cung cấp không khí cho đám cháy thì tự nhiên ngọn lửa hung hãn cũng phải yếu dần và tắt hẳn. Nếu có điều kiện thì phun thêm khí CO2 (hoặc khói) thì đám cháy sẽ càng nhanh tắt.

Khi ta dùng một hay nhiều tấm vải bạt chuyên dùng (loại chịu nhiệt cao) khổ lớn để phủ lên đám cháy từ bên trên của tòa nhà thì khói sẽ bị hãm trong tấm bạt (hoặc có thoát mà không đáng kể) và môi trường bên trong tòa nhà đang cháy sẽ thiếu hẳn ôxy (không khí).

Lượng khói này sẽ làm cho đám cháy dù hung hãn đến đâu cũng bị “ngộp” nên nó sẽ yếu dần và tắt hẳn. Nói đơn giản là chữa theo phương pháp “lấy nó (khói) dập tắt chính nó (lửa)”. Các máy bay trực thăng đã được huấn luyện thuần thục cùng phối hợp đồng bộ với nhau để thực hiện việc thả các cuộn vải bạt xuống toàn bộ tòa nhà đang cháy.

Nếu kết hợp các ống phun khí CO2 từ các xe bồn chứa khí (thay vì chứa nước) đưa vào bên trong tấm bạt đang phủ tòa nhà đang cháy thì ngọn lửa gặp khí CO2 sẽ càng mau bị khống chế!

Với phương pháp này, sau khi dập tắt đám cháy, tài sản vẫn không bị thiệt hại nhiều, đặc biệt là tòa nhà không bị nứt vỡ kết cấu và có thể sử dụng lại được. Tuy nhiên, khi toàn bộ con người đã thoát ra ngoài hết thì mới có thể áp dụng phương pháp này.

Để thuận tiện cho việc phòng cháy chữa cháy theo hướng này, khi thiết kế xây dựng nhà xưởng phải đưa ra các quy phạm như: bố trí dây điện ngầm đi vào các phân xưởng tránh bị vướng, không trồng các trụ điện gần các phân xưởng, khoảng cách các tòa nhà tối thiểu với nhau để đảm bảo công tác chữa cháy…

 Hệ thống đường ống khí CO2 trong tòa nhà

Khi xây dựng các tòa nhà hay nhà xưởng sản xuất, kho chứa hàng, nên bắt buộc các chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ hệ thống các đường ống dẫn phun khí CO2 bên trong và xung quanh vách các tòa nhà kiểu đan lưới caro và bố trí nhiều tại những nơi dễ cháy như tủ điện, phòng nhiên liệu, kho chứa hóa chất, bao bì,...

Hệ thống ống dẫn có khoan những lỗ nhỏ trên đường ống dẫn khí và có các van tay khóa khí độc lập ở các tầng, các khu vực nhằm phân chia khu vực.

Khi có cháy xảy ra thì cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ lắp ống dẫn khí CO2 của các xe bồn chứa CO2 vào hệ thống đường ống chữa cháy của tòa nhà hay công trình, và chỉ việc mở van khóa bơm liên tục khí CO2 vào đường ống để dập tắt đám cháy tại khu vực bị cháy.

Lưu ý bố trí đường ống khí CO2 ở khu vực cửa sổ để ngăn không khí từ bên ngoài đi vào duy trì đám cháy. Có thể tận dụng hệ thống thông khí từ bên trong tòa nhà ra bên ngoài để làm nhiệm vụ dẫn khí CO2 bơm trở ngược vào bên trong tòa nhà khống chế đám cháy.

Với 2 giải pháp trên, việc khống chế ngọn lửa tương đối nhanh và không tốn quá nhiều sức người cũng như tính mạng lực lượng chữa cháy, đặc biệt là vẫn bảo tồn tài sản, kiến trúc công trình sau vụ hỏa hoạn.

 Giá thành các tấm vải bạt chuyên dùng với diện tích vài ngàn mét vuông khoảng vài trăm triệu hay hơn nhưng có thể tái sử dụng nhiều lần. Đặc biệt là việc chữa cháy các bồn chứa xăng dầu, hóa chất thì dùng tấm bạt này sẽ hữu hiệu, bởi dùng nước thì nước sẽ dẫn xăng cháy lan sang khu vực bên cạnh.

ĐÔNG PHƯƠNG (Trích lược)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh