Lan tỏa rộng, đi vào chiều sâu

08:09, 10/09/2013

Từ năm 2007 với tên gọi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long lần thứ I được tổ chức thành công, đến nay đã qua 4 lần tổ chức và đến lần thứ 2 được đổi tên thành Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa, hội thi đã tạo được sức ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh, thu hút ngày càng nhiều tập thể và cá nhân tham gia dự thi.

Từ năm 2007 với tên gọi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long lần thứ I được tổ chức thành công, đến nay đã qua 4 lần tổ chức và đến lần thứ 2 được đổi tên thành Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa, hội thi đã tạo được sức ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh, thu hút ngày càng nhiều tập thể và cá nhân tham gia dự thi.


Giải pháp “Lò nung gạch liên hoàn Vĩnh Long” của nhóm tác giả Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp xuất sắc đạt giải nhất hội thi năm nay.

Sức lan tỏa từ hội thi

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa được tổ chức để khơi dậy và phát huy sáng kiến của người dân trong tỉnh trong quá trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao năng suất góp phần phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa tỉnh nhà.
 
Ngoài ra, nó còn thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, hướng đội ngũ khoa học kỹ thuật thực hiện mục tiêu cải tiến, đổi mới công nghệ theo hướng tiên tiến, đồng thời khuyến khích các tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Hội thi đã thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp những sản phẩm trí tuệ của mình để góp phần phát triển tỉnh nhà.

Từ lần thứ I vào năm 2007, có 30 giải pháp dự thi và 15 giải pháp được xếp giải, đến hội thi lần thứ IV năm 2012- 2013 đã tăng lên 68 giải pháp dự thi và 32 giải pháp được chính thức xếp giải.
 
Các giải pháp cũng ngày càng đa dạng, đi vào chiều sâu, mang tính sáng tạo cao, phù hợp những vấn đề bức xúc và quan tâm của xã hội, hình thành từ thực tế lao động và sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội, có thể áp dụng rộng rãi vào đời sống.

Anh Phạm Văn Tâm- Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long- chia sẻ, sau khi tham gia và đạt giải nhì vào hội thi lần thứ II với giải pháp sản xuất nước tương bằng phương pháp hóa giải, đến nay, các cơ sở sản xuất trong tỉnh được chuyển giao công nghệ vẫn còn áp dụng sản xuất theo phương pháp này và đạt hiệu quả. Tôi cảm thấy rất vui về điều đó và nhận thấy được ý nghĩa, sức ảnh hưởng tích cực của hội thi này.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội thi vinh dự mang tên của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, một nhà khoa học nổi tiếng của quốc gia và thế giới.

Vì vậy, chúng ta cần tập trung khuyến khích, đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo ngày càng lớn mạnh, phát hiện và phát triển những khả năng sáng tạo của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trên các lĩnh vực, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, chú ý những giải pháp góp phần tăng năng suất, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người lao động.

Đi vào chiều sâu

Các giải pháp dự thi đã được ứng dụng hoặc đã được thử nghiệm, sản xuất thử và chứng minh được khả năng áp dụng có hiệu quả, chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, môi trường, xây dựng, giao thông, giáo dục- đào tạo; y tế và các lĩnh vực khác.

Từ lần thi thứ I đến lần thi thứ IV, đã có rất nhiều giải pháp đạt giải cao như: sản xuất nước mắm có hàm lượng đạm cao bằng phương pháp cô đặc trong môi trường chân không của DNTN Chế biến thực phẩm và thương mại Hồng Hương; quy trình công nghệ sản xuất nước tương bằng phương pháp hóa giải, sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Đây là những giải pháp mang tính thực tế cao, đã được áp dụng thành công tại một số cơ sở và có khả năng áp dụng cho các địa phương khác. Các giải pháp thuộc lĩnh vực công, nông nghiệp như: quy trình kỹ thuật ghép và trồng cà chua kháng bệnh héo rũ vi khuẩn và bệnh khảm cho năng suất, chất lượng cao; kỹ thuật trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa nhãn IDO; dụng cụ định hình chậu kiểng của Công ty TNHH SX TM DV Thành Hiệp (Bình Minh); hay giải pháp lò nung gạch liên hoàn Vĩnh Long đã xuất sắc đạt giải nhất trong hội thi năm nay.

Các giải pháp này cũng đều mang tính sáng tạo cao, đạt được hiệu quả kinh tế và giảm được chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra ở lĩnh vực giáo dục đã thu hút rất nhiều tập thể, cá nhân tham gia với số lượng giải pháp chiếm khá đông và có nhiều giải pháp đạt giải, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh như: giải pháp giải toán trên máy tính casio FX 570MS; buồng chân không cho thí nghiệm vật lý, tranh ảnh hạt cườm, mô hình dạy học “Vĩnh Long quê hương em”…

Ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: Hội thi đã tạo được sức lan tỏa rộng, thu hút ngày càng nhiều giải pháp tham gia. Nhiều mô hình sản xuất mới ra đời mang tính thực tế cao, tạo ra hiệu quả kinh tế- xã hội và có khả năng ứng dụng tốt vào sản xuất và đời sống”.

Các cơ quan tổ chức hội thi gồm có: Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long và một số sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.

Bài, ảnh: HẢI YẾN


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh