Trình độ lớp 5, chế xe máy “4 trong 1”

12:08, 18/08/2013

Mặc dù mới được học hết lớp 5 và “học mót” nghề cơ khí, nhưng đến nay ông Nguyễn Văn Hai (Bình Thuận) đã có nhiều sáng chế hữu ích.


Ông Nguyễn Văn Hai và sáng chế dùng xe máy làm máy phát điện.

Mặc dù mới được học hết lớp 5 và “học mót” nghề cơ khí, nhưng đến nay ông Nguyễn Văn Hai (Bình Thuận) đã có nhiều sáng chế hữu ích.

Xe máy “4 trong 1”

Ngoài công dụng chính là phương tiện đi lại, xe máy theo sáng kiến của ông Hai còn có các công năng khác như: phát điện, bơm nước, phun thuốc và chữa cháy. Trong đó, chức năng phát điện được ông Hai sử dụng nhiều nhất. Nguồn điện phát ra có thể sử dụng thắp sáng bóng đèn, quạt điện, tivi,...

Nói về chức năng này, ông Hai tâm sự: “Ở những vùng nông thôn, khi bị cắt điện đột ngột thì cả nhà chìm trong bóng tối. Mà vùng này, cắt điện như cơm bữa. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, người già và trẻ em là khổ nhất”. Từ thực tế đó, ông nảy ra ý tưởng sử dụng bệ đỡ cho xe máy để phát điện phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Để phát điện, chiếc xe máy “4 trong 1” này được chạy ở số 3. Khi khởi động, chiếc xe máy có thể thắp sáng được khoảng chục cái bóng điện, 2 chiếc quạt điện. Đây là ngưỡng an toàn của truyền tải điện đối với một chiếc xe máy số.

Ông Hai tính toán về sự hao phí nhiên liệu là không đáng kể. Hơn nữa, đây không phải là máy phát điện cố định, chỉ được coi là giải pháp tạm thời khi bị mất điện đột ngột nên thời gian chạy thông thường chỉ khoảng 1- 2 tiếng đồng hồ, tốn khoảng 0,5 lít xăng. Sau khi sử dụng thì nhất thiết phải chỉnh lại garanti, nếu không sẽ rất nguy hiểm khi khởi động lại. Nguyên lý này không ứng dụng đối với xe tay ga.

Ngoài ra, xe máy theo sáng kiến của ông Hai còn được sử dụng để phun thuốc, chữa cháy và bơm tưới nước cho những khu vườn rộng không thể mắc điện. Thiết bị nhỏ gọn này đặc biệt phù hợp trong “mùa cắt điện” hay ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Sản phẩm này ông Hai đã dự thi Nhà sáng chế số 1 trên VTV2.

Chú trọng quyền sở hữu trí tuệ

Không chỉ dừng lại ở đó, ông Hai còn có những sản phẩm sáng tạo hữu ích và gắn liền với cuộc sống. Điển hình như hệ thống tưới “3 trong 1”, hệ thống này dùng tưới riêng biệt cho phần ngọn, gốc và tưới phân cho cây thanh long vốn rất nhiều ở vùng đất quê ông; đã khắc phục được việc tưới tốn nước, mất nhiều công sức.

Khi tưới gốc thì van tưới ngọn sẽ đóng lại và ngược lại. Chính vì vậy, phần nước sẽ dồn vào một nhiệm vụ nên chỉ cần 20 phút là đủ nước cho các trụ thanh long. Vặn đồng hồ 1 ký sẽ là tưới gốc, tưới đồng thời 1.500 gốc, vặn 2 ký thì nước sẽ được dồn để tưới ngọn với khoảng 500 trụ một lúc.

“Do phần nước tưới mỗi phần đã được tính toán đủ nên sẽ không có nước chảy ra ngoài. Điều này khiến bà con tiết kiệm được nước tưới”- ông Hai nói.

Đặc biệt, hệ thống này khá đơn giản nên bà con nông dân có thể tự mua về và lắp đặt được với giá khoảng 30.000 đ/trụ thanh long. Hiện nay, ông Hai cũng đang lắp đặt cho một số hộ trong tỉnh. Ngoài dùng để tưới thanh long thì hệ thống này còn có thể tưới tiêu, điều, cà phê,...

Một sản phẩm khác mà ông Hai tỏ ra khá tâm đắc là máy tuốt củ lạc (đậu phộng). Loại máy này cũng đã có khá nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, chiếc máy của ông Hai có điểm đặc biệt là người dân chỉ cần nhổ lạc và cho vào máy. Máy sẽ tuốt phần củ và phần cây riêng biệt. Người dân không phải mất công sắp đầu ra đầu, củ ra củ mới cho vào máy như một số máy bán trên thị trường.

Chính vì vậy, mà sản phẩm này của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Đối với hệ thống tưới nước nói trên thì ông Hai đã nộp đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và đã được chấp nhận đơn hợp lệ.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh