Thầy chế tạo máy tỉa hạt vì học sinh hay nghỉ học

07:08, 03/08/2013

Một chiếc máy tỉa hạt: nhỏ gọn, dễ vận hành và năng suất làm việc cao gấp 7- 15 lần so với thủ công, hơn nữa, nó còn bón phân trong quá trình sinh trưởng. Đó là sáng kiến của thầy giáo Nguyễn Văn Anh (Trường THCS Trần Phú, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai).

Một chiếc máy tỉa hạt: nhỏ gọn, dễ vận hành và năng suất làm việc cao gấp 7- 15 lần so với thủ công, hơn nữa, nó còn bón phân trong quá trình sinh trưởng. Đó là sáng kiến của thầy giáo Nguyễn Văn Anh (Trường THCS Trần Phú, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai).

Chế tạo máy vì học sinh

Cứ đến đầu mùa mưa là nhiều học sinh (thuộc các tỉnh Tây nguyên) phải nghỉ học để lên nương tỉa bắp cả tuần lễ. Hậu quả là ngày hôm sau, tay em nào cũng đỏ au vì đi tỉa bắp, nhìn mà xót ruột.

Máy tỉa hạt, bón phân do anh Văn Anh thiết kế, chế tạo. Ảnh: Internet


Để động viên các em đi học tôi nói: “Các em cố gắng đi học, thầy sẽ chế ra các máy tỉa hạt cho bố mẹ các em. Nó tỉa rất nhanh các em không phải đi lên nương nữa”- thầy giáo Văn Anh kể.

Từ đó, thầy giáo Văn Anh đã bắt tay vào thiết kế chiếc máy này với một số phương pháp vật lý. “Tôi là giáo viên vật lý thì hiểu về các nguyên tắc vật lý, không phải là thợ cơ khí nên có những khó khăn về mặt gia công. Hơn nữa, tiền lương không đủ thực hiện nghiên cứu”- thầy nói.

Giải thích về nguyên lý vận hành của máy, thầy cho biết: Nhờ vào truyền chuyển động ăn khớp biến đổi tốc độ quay của bánh xe và trục quay lẫn móc hạt.

Trong khi đó, lẩy móc hạt được gắn trên hộp hình tròn đặt khoảng cách đều nhau và được đặt trong hộp cho chuyển động quay tròn rồi móc hạt rơi xuống phần ống dẫn hạt. Một tiện ích nữa là máy có thể điều chỉnh khoảng cách một cách dễ dàng dựa vào bánh răng có số răng đặt chéo nhau, bánh xe có nhiều loại đường kính khác nhau và có thể thay đổi số lẩy móc hạt.

Sau nhiều tháng trời nghiên cứu, mày mò, chế tạo và thử nghiệm, chỉnh sửa nhiều lần, máy tỉa hạt và bỏ phân tự chế của thầy Văn Anh ra đời.

Theo đánh giá của thầy, đây là một sản phẩm giải quyết một khâu khá quan trọng trong nông nghiệp là gieo trồng và bón phân. Nó giải phóng sức lao động khá lớn. “Quan trọng hơn là các em học sinh của tôi được đi học đều đặn không phải lên nương để gieo hạt”- thầy Văn Anh chia sẻ.

Hiệu quả, giá rẻ

Hình dạng chiếc máy tỉa hạt của anh giống như một chiếc xe đạp khuyết, có tay cầm và một bánh cùng với bộ khung được thiết kế tương đối đơn giản. Theo thầy Văn Anh, tuy có vẻ đơn giản nhưng lợi ích máy mang lại rất lớn.

Do lượng hạt và phân bón được điều chỉnh và vận hành theo quy luật nên khoảng cách giữa các hạt đều, hạt không bị trầy hay tổn thương trong quá trình vận hành nên đảm bảo để nảy mầm.

Chiếc máy đã đạt những yêu cầu sau: cấu tạo, nguyên lý vận hành đơn giản, dễ vận hành, có thể áp dụng trên các địa hình khác nhau (phù hợp địa hình và tập tục canh tác với hộ nông dân nhỏ ở Việt Nam). Năng suất của nó cao gấp từ 7- 15 lần (tùy vào công suất của máy) so với thủ công và tỉa được hầu hết các loại hạt.

Đặc biệt, máy dùng để gieo hạt nhưng nó còn áp dụng để bón phân trong quá trình cây sinh trưởng (nó cày đất, bỏ phân, rồi lấp lại).

Do máy khá nhỏ ngọn nên đi vào các luống cây trồng để bón phân được. Trong khi đó trước đây, người dân hay bỏ ngay vào gốc và không lấp làm cho phân bốc hơi hay mưa trôi đi mất. Tuy nhiên, khuyết điểm của máy là không bỏ được loại hạt có tính bám dính mà hạt phải khô.

Mong muốn của thầy Văn Anh là thương mại hóa sản phẩm này để phục vụ bà con nông dân và giá rẻ cũng là lợi thế của chiếc máy. Dự kiến, máy sẽ có giá từ 1- 4 triệu đồng khi sản xuất đại trà. Giá sẽ tùy thuộc vào công suất của máy và vật liệu làm nó. Ví dụ: máy gieo mấy hàng, làm bằng inox hay bằng nhựa...

Sản phẩm của thầy Văn Anh đạt giải nhất chương trình Nhà Sáng chế số 17 và giải nhì hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2012” do Sở Khoa học kỹ thuật và Công nghệ Đồng Nai tổ chức.

Hiện thầy đã nộp đơn và đang hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền lợi của mình khi thương mại hóa sản phẩm này.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh