Khảo sát dữ liệu liên quan đến 900.000 học sinh tại 50 nước và vùng lãnh thổ cho thấy thức khuya ảnh hưởng đến thành tích học tập của các em.
Khảo sát dữ liệu liên quan đến 900.000 học sinh tại 50 nước và vùng lãnh thổ cho thấy thức khuya ảnh hưởng đến thành tích học tập của các em.
Các nhà khoa học Mỹ tại Học viện Boston cùng nhiều cộng sự quốc tế đã thu thập số liệu xếp hạng từ những khảo sát giáo dục toàn cầu như Nghiên cứu về khuynh hướng học tập toán và khoa học quốc tế và Nghiên cứu Quốc tế về tiến bộ trong kỹ năng tập đọc.
Tỉ lệ học sinh thiếu ngủ tại một số nước trên thế giới - Ảnh BBC |
Công trình này được xem là những nghiên cứu định chuẩn giáo dục quốc tế lớn nhất liên quan đến 900.000 học sinh tiểu học và trung học tại 50 nước và vùng lãnh thổ.
Mức xếp hạng căn cứ vào thành tích học tập toán, khoa học và tập đọc được công bố hồi cuối năm ngoái, trong đó hệ thống giáo dục châu Á được xếp đầu bảng.
Nhóm nghiên đặt câu hỏi với một số phụ huynh và thầy cô giáo về giấc ngủ của học sinh rồi đối chiếu với kết quả kiểm tra 3 môn học nói trên. Yếu tố dinh dưỡng cũng được tính đến trong khảo sát này.
Mỹ có số lượng học sinh thiếu ngủ cao nhất với 73% học sinh từ 9-10 tuổi và 80% từ 13-14 tuổi có kết quả học tập sút giảm do mất ngủ.
Tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ bình quân 47% học sinh tiều học và 57% học sinh trung học thiếu ngủ trên thế giới.
Những quốc gia có nhiều học sinh thiếu ngủ kế tiếp là New Zealand, Ả Rập Saudi, Úc, Anh, Ireland và Pháp. Ngay cả nước có thành tích giáo dục cao nhất như Phần Lan, học sinh cũng rơi vào tình trạng "ngáp ngắn ngáp dài".
Các nước học sinh có nhiều thời gian để ngủ hơn là Azerbaijan, Kazakhstan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Czech, Nhật Bản và Malta.
Chuyên gia giáo dục Chad Minnch nhìn nhận: “Chúng ta đã đánh giá thấp ảnh hưởng của giấc ngủ. Trẻ em ngủ đầy đủ thường đạt thành tích cao trong khoa học, toán và tập đọc. Yếu tố dinh dưỡng cũng có mối liên hệ tương tự như vậy”.
Nhiều chuyên gia lo ngại công nghệ hiện đại đã ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của trẻ em, đặc biệt là sử dụng smartphone và laptop muộn trên giường ngủ. TS Karrie Fitzpatrick thuộc Đại học Tây Bắc Illinois phân tích: “Dán mắt vào màn hình với khoảng cách 20 cm khiến ánh sáng tập trung vào mắt nhiều hơn xem tivi trong phòng. Ánh sáng đó nhắc não luôn thức”.
Các nhà khoa học cho rằng thiếu ngủ là rào cản ảnh hưởng đến việc học vì ngủ đầy đủ giúp não dễ tiếp nhận thông tin và củng cố trí nhớ.
Theo NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin