Sắp phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam

04:04, 25/04/2013

Vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, VNREDSAT- 1 sẽ được phóng lên quỹ đạo vào ngày 4/5/2013 từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp.

Vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, VNREDSAT- 1 sẽ được phóng lên quỹ đạo vào ngày 4/5/2013 từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp.

Ngày 25/4, tiến sỹ Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó Trưởng ban dự án VNREDSAT- 1 cho biết, Công ty Arianespace (Pháp), nhà thầu thực hiện phóng vệ tinh của Dự án VNREDSAT- 1 vừa thông báo hiện vệ tinh VNREDSAT- 1 đã được vận chuyển an toàn đến bãi phóng. Đây là khu vực nằm trong Trung tâm Không gian Guyana là bãi phóng vệ tinh của châu Âu.

Phác thảo vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, VNREDSAT- 1. (Nguồn: astrium.eads.net)


Vệ tinh VNREDSAT- 1 là vệ tinh quang học quan sát Trái Đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất.

Dự án VNREDSAT- 1 được xây dựng dựa trên những nghiên cứu, đánh giá về nhu cầu thực tiễn trong nước, công nghệ và xu hướng phát triển mới của công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất trên thế giới.

Đặc biệt, dự án VNREDSAT- 1 là sự phối hợp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có của hệ thống thu nhận, lưu trữ, xử lý ảnh các vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm tạo ra một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam.

Một trong những đặc tính nổi bật nhất của vệ tinh VNREDSAT- 1 là khả năng cung cấp những bức ảnh ngay tại thời điểm chụp một cách nhanh chóng. Điều này sẽ góp phần trong việc giúp đỡ các chuyên gia tổng hợp và cập nhật các số liệu về tình hình bão lũ, cháy rừng, tràn dầu… cũng như các vấn đề khác về thiên tai.

Bên cạnh đó, việc sử dụng vệ tinh VNREDSAT- 1 sẽ giúp các chuyên gia chủ động được về công nghệ, hệ thống… góp phần giúp quá trình nghiên cứu, khai thác, tổng hợp thông tin trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Dự án VNREDSAT- 1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu euro, từ nguồn vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Pháp và 64 tỷ 820 triệu đồng nguồn vốn đối ứng của Việt Nam./.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh