Người dùng di động không xa lạ với Line, Viber, Kakao Talk… là những ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí trên di động. Nhưng khác với các ứng dụng có nguồn gốc nước ngoài nói trên mà phần nào đó khiến người dùng cảm thấy còn “khoảng cách” thì với Zalo, một sản phẩm Việt… đã tạo nên hiện tượng trong thời gian gần đây khi nói đến ứng dụng miễn phí trên di động.
Người dùng di động không xa lạ với Line, Viber, Kakao Talk… là những ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí trên di động. Nhưng khác với các ứng dụng có nguồn gốc nước ngoài nói trên mà phần nào đó khiến người dùng cảm thấy còn “khoảng cách” thì với Zalo, một sản phẩm Việt… đã tạo nên hiện tượng trong thời gian gần đây khi nói đến ứng dụng miễn phí trên di động.
Khẳng định ứng dụng Việt
Gần đây, người tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng sử dụng nhiều hơn những phần mềm nhắn tin, gọi điện Internet miễn phí thông qua WiFi hay 3G giữa các smartphone, trong đó tiêu biểu là các phần mềm WhatsApp, Viber, Line...
Người dùng chỉ cần vào Appstore hay Google Play để tải về những phần mềm này, đăng nhập số điện thoại, máy sẽ tự động gửi mã xác thực và tìm kiếm trong danh bạ những người đã dùng ứng dụng. Từ đó, người dùng có thể dễ dàng gọi điện, nhắn tin miễn phí với nhau.
Mới đây nhất, Zalo đã đưa ứng dụng lên Appstore Google Play, Nokia Store và trong thời gian rất ngắn, Zalo đã chiếm và đang giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những ứng dụng hot nhất mục Social Network (MXH di động) của kho ứng dụng Apple.
Đây là một điều khá bất ngờ với ứng dụng Việt, là một tín hiệu vui, nhất là trong bối cảnh các ứng dụng thi nhau đưa ra chợ trên mạng…
Người dùng di động tha hồ chọn lựa ứng dụng miễn phí trên di động |
Nhìn quanh thị trường, thấy WhatsApp, Viber, Line… đã định vị được tính năng hữu dụng đối với người dùng smartphone, như Viber dùng để gọi điện miễn phí, WhatsApp thường dùng để nhắn tin miễn phí, Line hấp dẫn nhờ các sticker…
Trong đó, người dùng đã từng tỏ ra hài lòng với Viber nhưng thực tế gần đây, không ít người tỏ ra chán khi dùng ứng dụng này vì độ trễ của tin nhắn, cuộc gọi ngày càng cao và thậm chí rất khó kết nối thoại.
Tuy nhiên thực tế thị trường trong nước chỉ ra, dùng gì thì dùng nhưng người tiêu dùng vẫn mong và yên tâm hơn khi có một ứng dụng Việt. Nắm bắt xu thế này VNG đã ra mắt ứng dụng Zalo, dành cho việc trò chuyện và nhắn tin trên di động.
Khi đăng nhập, Zalo yêu cầu người dùng sử dụng số điện thoại cá nhân hoặc tài khoản Zing, Facebook để liên kết với bạn bè. Ngoài các tính năng cơ bản như nhắn tin bằng dòng text, giọng nói, hình vẽ, chia sẻ ảnh… thì thế mạnh của Zalo còn là tin nhắn thoại, là một ứng dụng khá mới mẻ và thú vị, nhất là với giới trẻ.
Để tạo sự khác biệt và tạo lòng tin với người dùng Việt, đội ngũ Zing Mobile gồm hơn 40 kỹ sư, nhiều người từng làm việc ở Mỹ, Anh, Nhật cho các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Samsung, HTC… đã nỗ lực suốt 12 tháng để phát triển Zalo trên tất cả các nền tảng điện thoại phổ biến (iOS, Android, và Nokia).
Ngoài ra, những nhân sự ưu tú nhất đến từ nhiều phòng ban khác nhau của Zing cũng được tập hợp lại để giúp Zalo trong các khâu phân phối, tiếp thị, quảng bá và vận hành sản phẩm…
Cạnh tranh quyết liệt
Zalo được định hướng thiết kế phù hợp nhất với môi trường Việt Nam, các kỹ sư phần mềm của VNG đã tối ưu sản phẩm để có thể hoạt động tốt ngay cả trên môi trường mạng yếu như 2G hay 2,5G.
Zalo cũng chạy tốt không chỉ trên những điện thoại thông minh (smartphone) mà toàn bộ thị trường đại chúng với các điện thoại feature phone.
Do toàn bộ đội ngũ kỹ thuật cũng như vận hành của Zalo đều là người Việt, nên ứng dụng này “nghe” được phản hồi người dùng, cải thiện sản phẩm một cách nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu của thị trường… đây chính là một trong những khác biệt của ứng dụng Việt so với các ứng dụng nước ngoài.
Thế nhưng, dù Zalo ưu việt nhưng sự cạnh tranh trong mảng ứng dụng miễn phí trên di động là điều không thể tránh khỏi. Dầu mới giai đoạn sơ khai nhưng nhắn tin, gọi điện miễn phí đang chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt với sự tham gia của nhiều sản phẩm quốc tế như Line, Viber…
Đây sẽ là cuộc chiến khó khăn với các doanh nghiệp trong nước khi phải đối đầu trực tiếp với các những tập đoàn công nghệ lớn vốn đầy kinh nghiệm và mạnh trong công nghệ, năng lực tài chính cũng như bề dày kinh nghiệm đến từ các thị trường rất phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...
Và dù Zalo đang có hướng đi riêng song trước mắt vẫn sẽ là “trận chiến” đầy khó khăn. Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, cho biết, VNG xác định thị trường di động nói chung và nhắn tin thoại nói riêng là hướng chiến lược trong thời gian tới.
Vì thế, VNG đã đầu tư rất quyết liệt cho sản phẩm này. Zalo sẽ liên tục cải thiện sản phẩm, lắng nghe phản hồi của người dùng và nghiên cứu phát triển tính năng mới để Zalo ngày càng thân thiện và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của người dùng Việt.
Về mặt chất lượng, một ứng dụng kết nối như Zalo phải đảm bảo tối ưu chất lượng gửi và nhận tin nhắn bất chấp rào cản về hạ tầng mạng của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, một ứng dụng cơ bản như Zalo sẽ luôn được người dùng sử dụng thường xuyên để phục vụ nhu cầu giao tiếp nên sản phẩm còn phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về tiết kiệm pin, bộ nhớ, băng thông sử dụng…
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin