Xử lý rơm rạ trực tiếp ngoài đồng bằng chế phẩm sinh học Trichoderma

04:03, 15/03/2013

Viện Lúa ĐBSCL vừa nghiên cứu, tuyển chọn và sản xuất thành công chế phẩm sinh học Trichoderma có khả năng xử lý rơm rạ trực tiếp ngoài đồng, với quy mô lớn, giảm chi phí thu gom rơm, vận chuyển và đánh đống ủ.

Viện Lúa ĐBSCL vừa nghiên cứu, tuyển chọn và sản xuất thành công chế phẩm sinh học Trichoderma có khả năng xử lý rơm rạ trực tiếp ngoài đồng, với quy mô lớn, giảm chi phí thu gom rơm, vận chuyển và đánh đống ủ.

Kết quả bước đầu đã tận dụng nguồn rơm rạ tại chỗ phục vụ cho sản xuất lúa, góp phần ổn định sự bền vững cho đất lúa thâm canh và nâng cao năng suất lúa ở ĐBSCL.

Từ đó, giảm chi phí phân bón hóa học và góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trồng lúa, đáp ứng chiến lược sản xuất nông nghiệp bền vững và bảo vệ tốt môi trường. Đây là một trong những thành tựu nổi bật của Viện Lúa ĐBSCL.

Chế phẩm Trichodema dùng để xử lý rơm rạ có nguồn gốc bản địa do Viện Lúa ĐBSCL phân lập và sản xuất dùng để xử lý rơm rạ cho sự phân hủy nhanh. Các chủng nấm Trichodema được thu thập và phân lập từ các hệ thống canh tác lúa ở ĐBSCL.

Chế phẩm Trichoderma có hiệu quả xử lý rơm rạ nhanh trên đồng ruộng, phù hợp với điều kiện canh tác ở ĐBSCL, làm gia tăng hàm lượng NPK.

Qua thí điểm tại An Giang (6ha/2 vụ): vụ Đông Xuân 2010-2011 với mô hình cày vùi rơm rạ có xử lý chế phẩm Trichoderma đã làm giảm lượng phân bón N, P2O5 và K2O.

Từ đó, giảm được chi phí phân bón hơn 1,8 triệu đồng/ha và tăng năng suất lúa là 0,33 tấn/ha (3,9%), tăng lợi nhuận gần 4,3 triệu đồng/ha và tỷ suất lợi nhuận tăng 29,3% so với mô hình canh tác thông thường của nông dân.

Theo Viện Lúa ĐBSCL, hiện ở Việt Nam cây lúa là cây lương thực chính với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 38 đến 40 triệu tấn trên diện tích gieo trồng khoảng 7,44 triệu ha. Nếu trung bình một tấn lúa cho ra 1 đến 1,2 tấn rơm rạ thì với sản lượng lúa hiện nay, ước tính lượng rơm rạ thải ra có thể lên đến 40 đến 46 triệu tấn/năm.

Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL đang tiếp tục mở rộng quy mô ứng dụng xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trichoderma với nhiều loại đất canh tác khác nhau tại khu vực ĐBSCL, trước khi ứng dụng vào thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa tại chỗ, góp phần giảm chi phí phân bón, giảm ô nhiễm môi trường.

Theo Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh