Trong những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Vĩnh Long tích cực tham gia, qua đó phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi đơn vị, cá nhân... Nhiều sáng kiến có giá trị được áp dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất của đơn vị, góp phần hợp lý hóa sản xuất, giảm chi phí vật tư, nhân công, giải quyết
Trong những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Vĩnh Long tích cực tham gia, qua đó phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi đơn vị, cá nhân... Nhiều sáng kiến có giá trị được áp dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất của đơn vị, góp phần hợp lý hóa sản xuất, giảm chi phí vật tư, nhân công, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tế công việc, tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Nhờ đó phong trào được duy trì đều đặn, ngày càng phát huy được cả về số lượng và chất lượng. Năm 2012, 41 đề tài sáng kiến đăng ký với Hội đồng, trong đó có 8 sáng kiến được công nhận cấp công ty. Hội đồng xét duyệt sáng kiến đã biểu dương 33 tác giả có ý tưởng hay với số tiền thưởng hơn 10 triệu đồng.
Một số sáng kiến tiêu biểu được ứng dụng vào lao động sản xuất trong thời gian qua như:
Sáng kiến “Dụng cụ mở vít bọt điện kế” của tác giả Huỳnh Huỳnh Tâm- công nhân gia công Tổ gia công cơ khí Phân xưởng Cơ điện- đã tận dụng bộ phận giảm xốc ôtô hàn cố định vào thân máy hình chữ U có tay quay rất thuận tiện cho việc vệ sinh, bảo trì điện kế và làm lợi 7.486.928đ.
Sáng kiến “Thiết kế lắp thêm gá đỡ cần FCO và LBF vào đầu thao tác, giúp cho việc lắp FCO và LBF vào ngàm tĩnh được thuận tiện hơn” của tác giả Phan Phạm Thái Nguyên- cán bộ an toàn Phòng Kỹ thuật an toàn- Điện lực Vĩnh Long: Việc lắp thêm chụp làm gá đỡ cần FCO và LBF sẽ giữ cần FCO và LBF vào ngàm tĩnh, không còn bị đong đưa, xê dịch; lắp cần FCO và LBF dễ dàng, đồng thời đảm bảo không làm rơi cần fuse gây mất an toàn và hư hỏng thiết bị, tạo thuận lợi và giúp người công nhân thao tác dễ dàng.
Cắt cáp thép theo sáng kiến “Sử dụng miệng cắt cáp thép lắp vào kềm ép thủy lực để cắt cáp thép”của tác giả Nguyễn Phước Năng và Lê Văn Hẳn.
|
Sáng kiến “Sử dụng miệng cắt cáp thép lắp vào kềm ép thủy lực để cắt cáp thép” của đồng tác giả Nguyễn Phước Năng (Giám đốc Điện lực Vĩnh Long) và Lê Văn Hẳn có giá trị làm lợi 270 triệu đồng. Việc cắt cáp thép làm chằng và các loại dây có lõi thép, cáp thép, đặc biệt cắt cáp thép ngoài hiện trường, cắt dây dẫn lõi thép trên trụ điện là công việc hết sức khó khăn, cần phải có thiết bị cắt chuyên dùng phù hợp. Dó đó, sau thời gian nghiên cứu giải pháp lắp 2 khuôn cắt vào kềm ép thủy lực 12T tương tự như lắp miệng ép của kềm ép. Sau đó đặt dây dẫn, cáp thép... thiết bị cần cắt vào vị trí (giống như ống ép), bơm kềm ép cho miệng có lưỡi cắt tiến đến thiết bị cần cắt, ép vào mặt phẳng làm điểm tựa để cắt, bơm kềm ép đến khi cắt được thiết bị cần cắt. Khi sử dụng miệng cắt lắp vào kềm ép thủy lực thì kềm ép trở thành kềm đa năng sử dụng 2 chức năng cắt và ép mang lại hiệu quả cao cho công tác. Giải pháp này có thể cắt các loại dây dẫn có lõi thép, cáp thép... cắt cáp thép ngoài hiện trường, cắt dây dẫn lõi thép trên trụ điện, với thao tác đơn giản, sử dụng rất an toàn thuận tiện, dễ di chuyển, tiết kiệm chi phí và giảm nhân công và tăng năng suất lao động. Hiện tại trên thị trường, giá bán 1 cây kềm cắt thủy lực khoảng 23 triệu đồng. Nếu đưa thiết bị trên vào sử dụng thì không cần trang bị 9 kềm cắt thủy lực cho 7 điện lực + 1 kho vật tư + 1 phân xưởng, tiết kiệm 207 triệu đồng.
Ngoài ra còn có các sáng kiến “Cải tiến xe đẩy trụ để vận chuyển máy biến áp có công suất từ 15kVA đến 37.5kVA ở các đường đi của vùng nông thôn” của tác giả Nguyễn Chánh Phúc- Đội Quản lý vận hành Điện lực Tam Bình; sáng kiến “Cải tiến cách bắt còi thử điện vào sào thao tác và sào tiếp địa” của tác giả Lê Thanh Xuân- Giám đốc Điện lực Bình Minh; sáng kiến “Sử dụng ống nhựa PVC thay thế máng che dây chằng để hạn chế mất cắp” của tác giả Lê Hoàng Thái- công nhân Đội Quản lý vận hành Điện lực Long Hồ… đã làm hợp lý hóa sản xuất trong công tác hàng ngày tại các đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Vĩnh Long trong thời gian qua.
Mỗi ý tưởng, mỗi đề tài sáng kiến là sự nỗ lực nghiện cứu, tìm tòi, học hỏi và phấn đấu không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công nhân viên trong toàn công ty. Hội đồng sáng kiến luôn ghi nhận và biểu dương tinh thần lao động sáng tạo của các tác giả. Đặc biệt phong trào phát huy sáng kiến đã có tính lan tỏa và được đông đảo cán bộ, công nhân viên nhiệt tình tham gia, là đòn bẩy thúc đẩy phong trào thi đua chung trong toàn đơn vị.
Bài, ảnh: TRẦN VĂN CHINH (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin