Truyện ngắn: Mưa rừng Sa-piêng

02:07, 21/07/2024

Chúng tôi là những người lính tình nguyện Việt Nam thuộc Đại đội 9, Sư đoàn 339 đóng quân tại huyện Ca-ra-van, tỉnh Pô-sát, với nhiệm vụ là giúp nước bạn Campuchia chiến đấu chống lại bọn diệt chủng Pol Pot.

MINH ĐIỀN

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Chúng tôi là những người lính tình nguyện Việt Nam thuộc Đại đội 9, Sư đoàn 339 đóng quân tại huyện Ca-ra-van, tỉnh Pô-sát, với nhiệm vụ là giúp nước bạn Campuchia chiến đấu chống lại bọn diệt chủng Pol Pot.

Vào đầu những năm 80 tình hình nước bạn còn nhiều phức tạp. Hàng tuần chúng tôi phải thực hiện những chuyến hành quân vào trong cánh rừng Sa-piêng tìm và tiêu diệt nhóm tàng quân còn trụ lại. Đôi khi, thay thế cho Trung đoàn Bộ đội biên phòng 250, còn gọi là công an vũ trang đang đóng quân sát biên giới giữa Thái Lan và Campuchia lui về nghỉ ngơi nơi thành phố sau thời gian dài phải sống và chiến đấu mệt mỏi nơi biên giới.

Đối với chúng tôi, nhiệm vụ nào cũng gian nan, nguy hiểm. Ngoài sự nguy hiểm của bom đạn trên chiến trường chúng tôi còn phải đối diện với nguy hiểm của thiên nhiên như rừng thiêng nước độc gây nên những căn bệnh quái ác, trong đó có những cơn mưa rừng gây không ít phiền phức trong những chuyến hành quân.

Mãi sau này, những cơn mưa rừng đó luôn là nỗi ám ảnh chúng tôi. Vì nó đã gắn với bao cuộc hành quân gian khổ, gắn với từng phân khúc thời gian trong cuộc đời quân ngũ. Trong đó có cuộc hành quân vào đầu tháng tư của năm 80 ở rừng Sa-piêng với nhiệm vụ chốt đường, làm thế nào để làm sạch bom mìn để đơn vị bộ đội tải gạo vào bên trong!

Mới hành quân hơn nửa ngày đường mà cánh rừng Sa-piêng chìm ngập trong cơn mưa. Đơn vị chúng tôi phải dừng lại dựng lều giữa rừng tạm nghỉ. Lúc này, ánh sáng của mặt trời đã chạy trốn mất hút sau đám mây đen trên bầu trời.

Từng giọt nước ngắn dài nối tiếp xuyên qua các táng cây cổ thụ như gội rửa làm trôi đi những khói bụi và cái căng thẳng của chiến trường. Gió lùa từng cơn, mang theo cái lạnh se sắt giữa nơi rừng già.

Mặc cho mưa rơi lộp bộp trên các tấm tăng, tôi vẫn nghe tiếng hát của đồng chí Văn- đại đội phó- vang lên trong căn lều: “Trường Sơn Tây anh đi, thương em, thương em bên ấy mưa nhiều, con đường mà gánh gạo. Muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo. Hết rau rồi em có lấy măng không…”.

Vì quê của Văn ở Quảng Bình nên đồng chí ấy thường hát nhiều về Trường Sơn, nhất là lúc đối diện với rặng núi Sa-piêng. Rồi mưa đột ngột tạnh hẳn! Có tiếng ai đó reo lên “hết mưa rồi, hết mưa rồi” làm cho điệp khúc về Trường Sơn cũng ngưng theo. Mới mưa ào ạt rồi bất chợt qua đi có khác gì những cơn mưa ở đất rừng Nam Bộ quê tôi đâu! Những hạt nước mưa trên tán cây rừng vẫn không ngừng rơi xuống mái lều.

Xa xa, ánh sáng mặt trời hiện ra làm cánh rừng bừng sáng trở lại. Lúc này, thay vào âm thanh của cơn mưa là tiếng của lũ vượn từ chòm cây nào đó như thông báo với nhau mưa đã tạnh, xen lẫn với tiếng chim rừng hót râm ran gọi bầy. Thứ âm thanh ấy không làm cho cảnh rừng vui hơn tí nào. Nhưng dù sao, nghe nó hiền hòa và dễ thương hơn tiếng ì đùng của đạn pháo mỗi khi tối đến. Tranh thủ lúc mưa tạnh, tôi đi sang lều của Văn, gặp mọi người tôi hỏi:

- Bộ nhớ Quảng Bình lắm sao mà cứ gọi Trường Sơn hoài vậy?

Nghe tôi hỏi, Thảo ngồi bật dậy phân bua:

- Dạ không! Anh Văn mới nhớ Quảng Bình, còn em chỉ nhớ Lai Vung, Đồng Tháp thôi! Bài ruột của ảnh đó anh Xuân. Em hẹn ảnh chừng nào nước bạn yên ổn, em về làm mai cho anh ấy một cô gái miệt vườn Nam Bộ da trắng như bông, coi ảnh còn nhớ Quảng Bình nữa không?

Tôi cười và cũng thêm câu bơn đùa:

- Nói phải giữ lấy lời đó! Anh sẽ ghi nhận lời hứa này của em giữa núi rừng Pô-sát! Lúc đó em làm ông mai, anh làm trọng tài, rồi bắt Văn phải cho ăn đầu heo đúng với phong tục Nam Bộ mới cho rước dâu nghen!

Thảo đưa tay lên gãi gãi đầu:

- Em nói thiệt đó! Anh Văn mà chịu về làm rể quê em là em làm mai liền.

Cả căn lều rộn lên tiếng cười vang. Nghe tiếng tôi, Văn cũng chui ra khỏi lều. Vừa gặp Văn tôi hỏi:

- Sao, đồng chí định cưới con gái Quảng Bình hay gái Đồng Tháp đây? Ở Nam Bộ có câu “Đèn nào cao bằng đèn Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Lai Vung và Nha Mân cũng gần nhau lắm, cho nên có nhiều gái đẹp lắm đó!

Văn vẫn ngượng ngùng, cố ý tránh câu hỏi của tôi:

- Anh Xuân sang gặp em chắc có chỉ đạo gì hả?

Văn là vậy đó, ít nói, sống kính đáo, chuyện gì cũng giấu kín trong lòng! Mỗi lần nhắc đến con gái thì lúc nào Văn cũng có vẻ ngượng ngùng. Có lần tôi hỏi Văn về chuyện tình yêu trai gái, Văn cũng trả lời thật là chỉ biết yêu đơn phương một cô bạn chung lớp từ thời cấp hai. Đến khi lên cấp ba thì mỗi đứa một phương, rồi cũng mất liên lạc nhau từ đấy.

Đến giữa năm lớp mười một thì chuyện học hành dang dở, đi vào quân đội mà chưa một lần nói tiếng yêu đầu đời. Còn Thảo là lính mới trong đội trinh sát của đại đội, hịch hạc chất phác và vui tính, luôn xởi lởi với mọi người.

Thảo thường kể nhiều về gia đình mình, quê mình. Lúc lên xe về chiến trường thì có đến tận hai cô gái đưa ra xe, khóc nức nở. Thế nhưng trong chiến đấu thì cả hai đều gan dạ và mưu trí lắm. Tôi quay sang Văn và nói:

- Giờ đã tạnh mưa, nhưng cũng đã về chiều rồi. Chắc phải cho anh em đóng quân tại đây cho qua hết đêm nay thôi.

Im lặng một chút, tôi nói tiếp:

- Nhưng đồng chí phải đánh giá tình hình coi hướng nào địch dễ tập kích chúng ta nhất, rồi cho anh em thay phiên trực sẵn sàng chiến đấu nhé.

Nói rồi, tôi nhìn quanh tìm chỗ ngồi nghỉ một chút. Hành quân hơn nửa ngày còn gì. Lúc tôi định ngồi lên sợi dây rừng lớn vắt ngang qua nhánh cây cổ thụ, thì Thảo thốt lên:

- Đừng ngồi! Đứng yên!

Nghe tiếng kêu, tôi đứng yên tại chỗ, đưa mắt nhìn quanh. Trên cọng dây rừng là một trái mìn được cài một cách kín đáo. Các bạn có biết, thời gian này chiến trường tạm yên thôi. Quân Pol Pot không còn đủ khả năng đối đầu trực diện với bộ đội chúng ta. Chủ yếu là những trận đột kích lẻ tẻ vào ban đêm.

Thế nhưng nguy hiểm lúc nào cũng rình rập anh em chúng tôi như bệnh sốt rét hay giẫm phải mìn như thế này. Vì thế, tôi thở phào một cái vì thoát chết trong gang tấc. Thảo chạy nhanh vào lều lấy chiếc ba lô đựng dụng cụ gỡ mìn. Rồi đồng chí ấy ra hiệu cho chúng tôi tản ra xa đến mức an toàn để các chiến sĩ làm việc. Nhìn Thảo nhanh nhẹn nhưng cẩn thận, nhẹ nhàng trong từng thao tác. Một phút… hai phút… rồi năm phút trôi qua! Chúng tôi không rời mắt vào nơi ấy.

Tôi rất tin vào kinh nghiệm gỡ mìn của các đồng chí mình. Nhưng mỗi khi phát hiện có mìn, thì người đứng bên ngoài căng thẳng đến từng phút giây như thế. Lúc sau, tôi thấy Thảo lấy tay chùi mồ hôi trên trán. Giây phút căng thẳng đã qua đi. Tôi vội đi nhanh tới ôm chầm lấy Thảo và không quên nói lời cảm ơn. Thảo cười và cầm ba lô bước vội về lều, dáng nhanh nhẹn như người nông dân miệt vườn Nam Bộ. Lúc này, Văn tiến lại gần tôi chỉ tay về dãy U-ran và nói:

- Anh Xuân, em thấy hướng núi này thì không nguy hiểm lắm vì bọn chúng có tập kích cũng không có đường rút lui. Nguy hiểm là hướng rừng thưa đằng kia, nên chút nữa em cho anh em dọn trống và đặt pháo quay về hướng đó anh thấy thế nào?

Im lặng một chút, tôi nói:

- Ừ! Tôi cũng có suy nghĩ như đồng chí, cứ tiến hành như vậy đi!

Chúng tôi về lều chưa được bao lâu thì bóng tối cũng len tới. Ngoài kia tiếng côn trùng bắt đầu rả rít. Thỉnh thoảng vang vào trong đêm tiếng của con chim lợn, chim ục nghe đến rợn người. Những con sao la, mèo hoang đưa đôi mắt dò xét trong đêm. Mắt chúng ánh lên sắc trắng giống như chiếc đèn rồi vụt biến mất.

Dù quen với cảnh đó, nhưng mỗi cử chỉ nhỏ của chúng cũng không lọt khỏi tầm ngắm của anh em. Lúc này, các chiến sĩ trong lều tranh thủ đi ngủ sớm. Các đồng chí còn lại thay phiên trực chiến đấu, trông các đồng chí ấy căng thẳng không kém gì gỡ một quả mìn trên đường hành quân đâu! Đối với cuộc hành quân của người lính đại đội, ngày cũng như đêm, nguy hiểm luôn rình rập.

Nhưng mỗi khi đêm xuống thì nguy hiểm hơn nhiều. Địch có thể tập kích bất cứ lúc nào, vì vậy người lính đứng canh gác cho giấc ngủ của đồng đội phải tập trung cao độ. Chỉ khi nào trở về được thị trấn Ca-ra-van, nơi đóng quân của đại đội, thì mọi người mới tận hưởng được những phút giây bình yên thôi.

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh