Quê anh ngày ấy- vùng "kháng chiến lõm"- ranh giới giữa hai phía ta và địch cứ đan xen nhau. Thông thường thì đêm là của ta và ngày là của địch.
NGUYỄN LINH
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Quê anh ngày ấy- vùng “kháng chiến lõm”- ranh giới giữa hai phía ta và địch cứ đan xen nhau. Thông thường thì đêm là của ta và ngày là của địch. Tuy nhiên, có khi vào ban ngày bọn chúng cũng tràn vào càn quét để lục lọi, tra hỏi, khám xét và bắt bớ những người tình nghi theo kiểu muốn bứng nhà bứng cửa, bứng mồ bứng mả của người dân. Những lúc như thế, chúng thường phải huy động lực lượng khá đông, xong tranh thủ rút quân ngay vì sợ.
Trên đường rút, chúng hay tiện tay hái dừa, bắt gà, bắt vịt,... của dân như là của vô chủ. Một vài tên thì: “Má ruột ơi, cho con xin mấy cái trứng gà. Chà, trứng đang ấp dốt dốt như vầy đem luộc nhậu thì còn gì bằng. Tụi bây xin má ít rau răm mọc ở mé mương luôn kìa!”, “ngoại ơi, cho con xin vài xâu khô cá chạch đang phơi ngoài sào, nghen”,...
Hỏi cho ra vẻ lịch sự nhưng không đợi khổ chủ gật đầu, miệng thì hỏi, tay thì bưng, tay hốt. Mấy bà, mấy cô thấy ghét nguýt bằng nửa con mắt rồi quay ngang nói thầm thì một mình: “Nghe tụi bây nói mấy câu ngọt xớt mà tao muốn nóng lạnh luôn hà!”.
Bà con ở vùng “kháng chiến lõm”, người thì trực tiếp tham gia kháng chiến, người đi du kích, làm giao liên, người thì tiếp tế lương thực,... hễ cách mạng hô là dân ứng. Vì vậy, mặc cho đồn bót cứ mọc lên, địch ráo riết thậm chí là điên cuồng càn quét, ta vẫn kiên cường bám trụ theo kiểu người người, nhà nhà đều là “người của mình”.
Điều đó đã khiến cho bọn chúng phải thấp thỏm, điên đầu vì không phân biệt được đâu là dân và đâu là bộ đội cụ Hồ.
Có lần, vài tên kè kè khẩu súng vô xóm ra oai, thị uy với dân để... “ăn cắp vặt” về làm mồi nhậu; mấy thằng háo sắc thì vô kiếm gái quê chọc ghẹo đôi lúc đến sỗ sàng... Đi lẻ tẻ kiểu vậy, gặp dân vùng “lõm” là kể như chết chắc, nhanh- gọn- lẹ, một đi không trở lại.
Lần khác, là chủ ý của chi bộ địa phương. Buổi sáng, chị Liên bơi xuồng đi chợ ấp ở đầu vàm, ngang đồn, bị tụi lính ngoắt lại để khám xét. Tên Trung úy Chiến bụng phệ, từng gây ra nhiều tội ác với dân đang lục lọi cái giỏ đệm.
Biết tên dê sồm này đã mê mình từ lâu, chị giả đò sửa lại cái quay giỏ rồi sờ trúng, vuốt nhẹ rồi xoa xoa bàn tay của hắn. Hơi giật mình, hắn ngẩng đầu nhìn, chị cười nhẹ, khẽ nháy mắt kiểu đá lông nheo.
Nhìn dáo dác, thấy mấy tên lính đang bồng súng đứng trên bờ, hắn nói nhỏ: “Chiều nay, anh vô nhà thăm em và má Năm. Mút mùa Lệ Thủy, mút chỉ cà tha luôn nghen, cưng!”. Nhớ lại những tội ác với dân và cách nói chuyện đến tởm lợm của hắn, chị tức cành hông nhưng giả bộ cười, gật đầu rồi chống xuồng rời bến. Sợ tụi lính trên bờ nhìn thấy, hắn không dám vẫy tay tạm biệt mà chỉ nhìn theo cô gái có đôi mắt đẹp hớp hồn, cười tít mắt.
Nắng chiều vừa nghiêng qua đọt gáo là hắn đã lò mò tới, tướng đi hệt như con chàng bè. Chị Liên niềm nở:
- Anh... Trung úy Chiến đi... có mình ên hén! Sao không rủ thêm mấy anh lính ở đồn cho vui?
Hỏi cắc cớ chơi, chị đã “đi guốc trong bụng” của hắn: vô nhà kiếm gái trong vùng “kháng chiến lõm” phải trốn đồn trưởng, giấu tụi sĩ quan và bọn lính trong đồn chứ đâu dám khoe khoang.
Tên Trung úy sờ sờ chiếc cà rá bự chảng, ngập ngừng rồi đánh trống lảng:
- Tại... tại... Ờ, má Năm có ở nhà không cô Liên?
- Dạ, hồi trưa má nói về nhà ngoại để chuẩn bị đám giỗ.
Tên Trung úy đẫm máu đồng bào đang khấp khởi trong lòng, tưởng dễ ăn cô gái quê đã đẹp lại nói chuyện như rót mật vào tai. Hắn đâu biết rằng sau hè có sáu anh bộ đội, du kích địa phương đang đợi thời cơ.
Sáng hôm sau, dân vùng “kháng chiến lõm” hả dạ truyền tai nhau tin đồn: Tên Trung úy Chiến ác ôn, tối hôm qua không biết đi đâu mà đến sáng vẫn chưa về. Tụi lính nhốn nháo sợ hắn đi đâu lẻ tẻ bị “Việt cộng” trả thù. Tên Đồn trưởng xanh mặt, luýnh quýnh nhờ bọn tề ấp điều tra sự việc viên sĩ quan mất tích bí ẩn.
Cùng với các bạn trang lứa, Út Lợi, cậu thiếu niên tuổi mười lăm, mười sáu đã theo bước cha anh chính thức tham gia vào du kích. Để rồi sau đó, bản thân đã cùng anh em đồng chí, bà con trong xóm trực tiếp tham gia nhiều trận đánh đồn, diệt ác. Có những trận ta toàn thắng và bảo toàn lực lượng, nhưng lại có những trận chạm trán khốc liệt khiến không ít đồng chí đã hy sinh.
Hôm ấy, hay tin khi đêm xuống sẽ có khoảng một trăm bộ đội miền Bắc về “ẩn” ở địa phương ít hôm rồi chia ra tăng cường cho các vùng kháng chiến. Bà con vùng “kháng chiến lõm” háo hức đợi chờ.
Mọi việc để đón tiếp đã được đồng chí bí thư chi bộ giao cho các bác, các cô chú chuẩn bị sẵn sàng. Mấy cô, mấy chị xúm nhau gói bánh tét, bà con thì chuẩn bị nào gạo, gà, vịt, bầu, bí, cá, khô,… Không khí đón các anh bộ đội miền Bắc đáng ra rất nhộn nhịp. Nhưng không, để bảo đảm an toàn, mọi việc đều được làm trong âm thầm, tuyệt mật. Út Lợi lúc ấy tuổi vừa mười bảy, nôn nao chờ để được gặp các anh bộ đội, nghe nói từ phương xa phải lội suối trèo đèo hơn cả ngàn cây số.
Buổi trưa, các anh tản ra, chia thành từng nhóm nhỏ sau vườn để kiếm chút gió mát. Trong khi đó, đầu làng, cuối xóm, các hướng Đông, Tây từ phía sông, phía đồng đều có người địa phương canh gác. Nếu có gì động tĩnh thì tất cả đều nhanh chóng “rút”, bí ẩn như một đội quân “thần”.
Út Lợi và một số du kích địa phương do rành địa hình nên được tổ chức phân công kề cận bảo vệ các anh bộ đội cụ Hồ. Tiếp xúc và nghe các anh tâm sự, Út Lợi tăng thêm cảm phục và ngưỡng mộ.
Minh Trường, chàng trai Hà Nội nhà ở đầu phố Hàng Đậu có nước da trắng, dáng người mảnh khảnh. Thoạt nhìn, không ai nghĩ anh là bộ đội cụ Hồ. Cũng phải, vì anh là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, gác sự nghiệp công danh, lên đường vì miền Nam ruột thịt.
Là dân trí thức, chữ viết đẹp, văn hay, thơ giỏi, còn giọng hát nếu đánh giá một cách khiêm tốn cũng vào loại khá nên anh thường được xếp vào ban văn nghệ của đơn vị. Anh nói Hà Nội quê anh không có vùng “kháng chiến lõm” như nơi này.
Dân ta, đất của ta, mỗi khi máy bay Mỹ ném bom thì tất cả bộ đội, dân quân, tự vệ,… được trang bị pháo cao xạ, súng máy phòng không, súng trường,… phục sẵn từng điểm để bắn khi mục tiêu xuống thấp. Hà Nội đâu đâu cũng thấy hầm và hố, trên đường phố, vỉa hè, trước cửa nhà.
Người dân hễ nghe loa phóng thanh cùng tiếng còi báo động phòng không hú vang là hối hả xuống các hố cá nhân hoặc hầm tập thể tránh bom. Có giai đoạn nhiều người dân Hà Nội đã sơ tán về vùng ven lân cận. Trẻ em đến trường được giáo viên dạy chữ, bện mũ rơm, cầm cuốc, xẻng để đào hầm dã chiến.
Anh Trường nói nếu không có chiến tranh thì Hà Nội quê anh đẹp lắm. Phố Hàng Đậu nơi anh ở có tháp nước Hàng Đậu xây theo kiến trúc Pháp nên lúc nhỏ anh ngây thơ nghĩ nó là ngôi nhà cổ kính. Anh ao ước được bách bộ từ nhà đến hồ Hoàn Kiếm, dạo quanh bờ hồ để ngắm Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc,… khi hết khói lửa chiến tranh, nước nhà thống nhất.
Anh Hòa quê ở làng quê Bắc Bộ. Chiến tranh, nhà nghèo, anh không được học nhiều. Đến tuổi hăm hai thì lên đường vào Nam vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hồi nhỏ, những buổi chạng vạng, bà anh hay gom củi vụn, vỏ cây un khói đuổi muỗi. Khói bay lên cay xè, nồng nồng, anh quẹt tay dụi mắt.
Giờ xa quê, nhìn khói chiều bay lên từ những mái nhà ẩn khuất sau chòm cây, anh càng nhớ lời của bà, khói nhà quê thơm lắm đấy cháu à! Lần đầu biết miền Tây Nam Bộ, anh cảm nhận sự chân tình, nồng nhiệt của bà con dành cho bộ đội miền Bắc. Đặc biệt, các bà má miền Nam gặp bộ đội thì cầm tay, sờ vào mặt như những đứa con lâu ngày mới gặp lại. Anh nói không thể nào quên bà ngoại nhà bên kia con mương nhỏ.
Hôm bơi xuồng qua thăm bộ đội miền Bắc, gặp anh, ngoại nói nhớ đứa cháu đang hoạt động ở chiến khu, hai năm rồi chưa về thăm nhà. Ngoại khóc. Anh Hòa còn bảo nghe mến vô cùng tiếng “dạ” dễ thương hay “mình ên”, “đi dìa”,… lạ lẫm mà rất đáng yêu của các cô gái Nam Bộ.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Mấy năm sau, thấy Út Lợi gan dạ, dũng cảm, đủ bản lĩnh chính trị lại đang là chi ủy viên chi bộ, cấp trên phân công anh nhiệm vụ “Bám kềm đánh bình định, diệt ác ôn và tổ chức cơ sở bí mật”. Cụ thể trước mắt là anh phải xây dựng được ít nhất hai cơ sở binh vận trong lòng địch. Hoàn thành nhiệm vụ được giao, lấy đà, anh cùng với các anh em đồng chí liên tiếp lập nhiều chiến công. Tiêu biểu như lần các anh đánh tan một đồn bót, tiêu diệt một đoàn bình định gồm mười tên ngụy và hai ban tề ấp.
Theo lệnh của Tỉnh ủy, ta tổ chức thành hai đợt. Đợt một đánh vào ban ngày. Anh được phân công cài mìn rồi cùng cơ sở du kích tiến đánh khiến tên trưởng ấp bị thương, tiêu diệt hai tên phó ấp. Đợt hai, thực hiện vào lúc mười giờ đêm, đánh đồn bình định, một ban tề ấp và một trung đội lính bảo an. Để tiến hành, các anh đã cài hai cơ sở bí mật trong đồn và kết hợp với một trung đội bộ đội từ ngoài tiến hành theo hình thức nội công ngoại kích.
Để thuận lợi hơn, các anh đã khéo léo kêu gọi, làm công tác tư tưởng nhóm lính phòng vệ gác cổng. Nhờ sự đồng thuận của một vài người, ta đánh thẳng vào trong. Điên tiết, chúng bắn bị thương một anh phòng vệ đã quay đầu về phía cách mạng, giúp ta. Lúc ấy, nhóm lính phòng vệ chia thành hai phe, một phe quyết bảo vệ đồn, một phe theo ta bắn trả tạo ra cảnh hỗn loạn. Cuối cùng, bằng sự dũng cảm, mưu trí, các anh đã tiêu diệt được bọn tề ấp, bắt sống hai lính phòng vệ và tiêu diệt đồn khá dễ dàng.
Một lần, được lệnh của cấp trên, chi ủy phân công anh nhiệm vụ chỉ huy một trận đánh. Anh cùng với các đồng chí là du kích địa phương từ vùng “kháng chiến lõm” kết hợp với nhóm dân công mở chiến dịch đồng loạt tấn công ra vùng “kềm” bên ngoài.
Khoảng bảy giờ tối, các anh bắt đầu tiến ra vùng “kềm”. Theo kế hoạch, từ xa, khi nhìn thấy ám hiệu ngọn đèn dầu treo trước cửa thì các anh sẽ tiến đến cơ sở mật của ta ở nhà anh Bảy Quan. Nhưng mọi người cố căng mắt nhìn mà cũng không thấy.
Linh tính có chuyện không hay, anh quyết định thay đổi kế hoạch đi vòng xuống hướng dưới đến nhà cô Hai Chè, cũng là cơ sở mật của ta. Đến nơi, được biết có hai trung đội địch đang lẩn quẩn quanh khu vực nhà anh Bảy Quan. Thế là anh và các đồng chí tiến lên thêm một đoạn nữa, án ngữ tại nhà của bà Hai Lực để chờ kết hợp với nhóm dân công của ta đến.
Sau những phút giây căng thẳng vì chờ đợi, anh bắt được tin nhóm dân công đã lên trước và... đã có người hy sinh. Cố giữ bình tĩnh, anh động viên anh em rồi cùng xung phong tiến lên phía trước. Hình như mọi người đã biến đau thương thành sức mạnh, quyết chiến đấu để trả thù cho các anh em vừa hy sinh. Không trụ nổi với sức mạnh của ta, địch vừa đánh cầm cự vừa rút quân.
Sau khi chúng rút, anh và mọi người cố ngăn dòng lệ nhìn đồng chí Hùng hy sinh ngay trên hàng ba, đồng chí Lâm thì ngoài sân nhà anh Bảy Quan. Nhóm dân công cho biết lúc nguy cấp có một đồng chí nhảy xuống sông lớn, nước đang chảy xiết. Mọi người tức tốc chia nhau tìm kiếm. Cuối cùng, mấy người dân nhà cặp mé báo tin có một chiến sĩ đã lội vượt qua sông an toàn, các anh thở phào nhẹ nhõm.
Nhìn hai chàng trai trẻ tuổi mới mười sáu, mười bảy nằm bất động, dì Năm, mẹ của anh Bảy Quan kéo khăn rằn lau nước mắt: “Trời ơi! Chiến tranh! Chiến tranh bao giờ mới chấm dứt? Tội nghiệp hai thằng nhỏ! Thằng Hùng, má nó bệnh mất mấy năm trước. Ba của nó, rồi anh Hai, anh Năm, anh Bảy của nó đều lần lượt hy sinh. Bây giờ lại tới nó... ra đi, nhà chỉ còn lại thằng Út còn khờ quá! Ông trời ơi, dân xứ này có làm gì nên tội?”.
Có tiếng gió thổi, khua nhẹ lá vườn, tôi chợt nghe lòng mình chùn xuống và tim thoi thóp đến khó thở. Dì Năm lại thút thít tiếp, giọng ướt rượt nước mắt: “Còn thằng Điền nữa, ba nó vừa đi tù Côn Đảo về, lại tiếp tục theo anh em kháng chiến. Má nó cũng là cơ sở của cách mạng. Trời ơi, không biết hay tin dữ này bả có... Trời ơi!”.
Tiếng kêu trời của dì Năm như tiếng gió thở nhẹ, run rẩy, lan nhẹ trong màng đêm. Và anh, nước mắt anh chợt rớt xuống, lăn dài nóng hổi. Các anh nhanh chóng đưa hai đứa em mà cũng là đồng chí vừa mới hy sinh về an táng. Nhìn hai em với đôi mắt nhắm nghiền, anh chợt nghĩ đến bản thân, chúng cũng hồn nhiên như anh hồi hơn mười năm về trước, cái dạo anh vừa bỡ ngỡ, vừa háo hức khi được các cô chú cho vào du kích.
Mới hai ngày trước thôi, thằng Hùng còn vui đùa bên anh. Thấy nó có vẻ còn hồn nhiên, anh ghẹo:
- Ê, Hùng, có ghệ gộc, mèo mỡ gì chưa mậy?
Nó tròn mắt, chớp chớp hàng mi dài:
- Trời ơi, cái ông này, người ta mới mười sáu, mười bảy tuổi, còn nhỏ xíu hà! Nói gì nghe kỳ muốn chết!
Tôi cười, lại ghẹo tiếp:
- Thôi đừng có giấu, hồi bằng tuổi mầy là tao đã biết để ý con gái rồi đó. Mà, kỳ cục lắm mầy ơi, hễ nghĩ tới người đó là đêm ngủ hổng được, cứ lăn qua lăn lại hoài hà.
Thằng Hùng im lặng, đưa tay gãi đầu. Anh bồi tiếp:
- Tao thấy con nhỏ tên Hoa, tên Huê gì đó làm giao liên, con bà Năm xóm trên được gái và giỏi giang lắm đó. Chớ mấy đứa con gái thành thị ăn trắng mặc trơn, nhiều khi xí xọn hay chê bai trai ở quê cù lần… Mầy chịu con nhỏ đó thì tao kiếm cách mần mai cho. Vài năm nữa, ba má tao đứng ra cưới vợ cho mầy luôn. Chịu hôn?
Thằng Hùng lại đưa tay gãi đầu, má đỏ ửng rồi chạy mất biệt ra hè.
Và mới ngày hôm qua, khi được lệnh kết hợp mở chiến dịch đồng loạt tấn công ra vùng “kềm”, anh còn căn dặn khi cùng nó câu cá ngoài ao bông súng là phải cẩn thận, vững chí. Thằng nhỏ còn trả lời một câu chắc nịch: “Anh yên tâm, em hổng sợ tụi nó đâu! Vì trả thù cho ba, các anh và bà con, em sẽ cố gắng hết mình!”.
Vậy mà bây giờ... nó đã ra đi, bỏ lại người anh trai hàng xóm, người đồng chí, vì lý tưởng, vì hai chữ đồng bào. Anh bước đến, ráng kìm những giọt nước chực trào, tay run run vuốt nhẹ lên đôi mắt đã nhắm nghiền của đứa em lần cuối và tự nhủ với lòng: Hùng ơi, em hãy thanh thản ra đi! Các cô, các chú và anh, chị sẽ thay em viết tiếp trang sử dở dang, còn lại cho đến ngày hòa bình.
Mồ côi cha mẹ, nhưng thằng Út- em trai của Hùng, được sống trong tình yêu thương, cưu mang, đùm bọc của bà con lối xóm. Sau đó nó được gởi đi theo đoàn cán bộ cơ giới tỉnh để tiếp tục góp công sức kháng chiến bảo vệ quê hương, đất nước. Hôm đưa thằng Út ra bờ lộ, vợ anh và chị Ba của nó dù lấy chồng xa, thời buổi chiến tranh loạn lạc cũng ráng tranh thủ về quê vẫy tay cười động viên.
Nhìn cậu trai trẻ vai quảy cái giỏ đệm đựng quần áo lẽo đẽo theo các anh, các chú, bất chợt nước mắt chị rơi vài giọt mà không hay. Khi dáng thằng Út khuất dần, không ai biểu ai, hai người đàn bà ôm nhau rồi bật khóc. Về tới nhà, thấy cặp mắt đỏ hoe, anh hỏi, chị nói nhìn thằng nhỏ mồ côi mồ cút, nay được các cô chú lo như vầy, ráng kìm lòng mà hổng được.
Anh nắm tay vợ: “Thôi đừng buồn mình à! Đáng ra bà mừng mới phải, vì từ nay thằng Út đã được các cô chú dạy dỗ, dìu dắt nên người và nối tiếp truyền thống gia đình, dòng họ. Được vậy là tốt, quá tốt luôn rồi!”. Chị kéo khăn lau nước mắt và miệng nở một nụ cười thật tươi. Và anh cũng nghe lòng mình vui theo.
Trưa ngày 30/4/1975, nhìn lá cờ Tổ quốc được tự do bay lượn trên ngọn mù u cổ thụ đầu xóm, tự dưng anh lại nhớ tới các đồng chí từng vào sinh ra tử với mình đã nằm xuống. Trong đó có Hùng, đứa em trai hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Anh ra sau vườn, băng qua bờ trâm bầu thắp cho nó nén nhang để thông báo tin vui ngày trọng đại. Khói lẩn quẩn, vo tròn. Trong làn khói trắng, anh thấy rõ ràng thằng Hùng vẫn mãi tuổi mười bảy nhìn anh rồi quay về hướng ngọn mù u có lá cờ Tổ quốc bay phấp phới. Anh thấy nó cười.
Sau khi nước nhà thống nhất, được sự nhất trí của người thân, một số đồng chí liệt sĩ được vinh dự đưa hài cốt ra nghĩa trang liệt sĩ huyện. Vậy là thằng Hùng bé nhỏ của anh đã được sum họp cùng người thân và các anh em đồng chí. Hàng năm, hễ đến những ngày lễ, Tết, anh đều ra nghĩa trang liệt sĩ huyện thăm anh em. Và lúc nào anh cũng ngồi thật lâu... thật lâu bên mộ thằng Hùng.
Năm nay, dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn được tốt như xưa nhưng Út Lợi, “người anh tóc bạc” vẫn kêu thằng cháu nội chở ra “ngôi nhà chung” của các anh em đồng chí ở nghĩa trang liệt sĩ huyện. Thằng cháu năm nay tuổi cũng mười bảy, mười tám, sinh ra và lớn lên trong thời bình, dù được nội kể lại nhưng làm sao cảm hết được những ký ức đã khắc sâu trong dòng nhớ của người ông đã trải qua thời chiến tranh khói lửa.
Đó là những trận chiến đấu ác liệt, bi hùng của một thời trai trẻ. Đó là hình ảnh của các đồng chí đã hy sinh trước mắt anh, thậm chí là nhắm mắt ra đi trong vòng tay của anh. Bạn bè, các đồng chí của anh giờ người còn người mất. Anh nhớ các anh bộ đội miền Bắc đã vào vùng “kháng chiến lõm” năm xưa để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Anh mơ màng thấy chàng trai bộ đội tên Minh Trường, sinh viên Hà Nội nhà ở đầu phố Hàng Đậu đang thong dong bách bộ bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Anh lại thấy người con trai làng quê Đồng bằng Bắc Bộ đang mỉm cười, nói nhớ chất giọng chân chất mà ngọt ngào của cô gái Nam Bộ… Anh nhớ, nhớ tất cả, hệt như một cuốn phim quay chậm mà người quay chắc đã ghi vào bộ nhớ vĩnh cửu.
Bên phần mộ của đồng chí Hùng, anh thấy nhớ vô cùng gương mặt ngây thơ, nụ cười bẽn lẽn và đôi má ửng hồng vì ngượng nhưng rất dũng cảm, vững ý chí, niềm tin của chàng thiếu niên cùng xóm năm nào. Anh thầm thì: “Hùng ơi, em đã ra đi. Anh còn nợ em một lời hứa, lời chọc ghẹo rằng sẽ giới thiệu cô gái giao liên xóm trên năm nào thoáng chốc mà đã trên năm mươi năm. Anh giờ đã già rồi, nhưng trong lòng anh và mọi người em còn trẻ lắm, em trai của anh!”.
Vâng! Mãi đẹp của tuổi mười bảy, em nhé!