Quán cà phê miệt vườn buổi sáng không còn một chỗ ngồi. Cậu Út là "mối ruột" nên lúc nào cũng có mặt cùng mấy chú hàng xóm. Mọi người đến đây, mục đích chính là uống cà phê và hơn nữa là để tán chuyện. Cái quán cà phê này là của dì Tư, dì Tư pha cà phê ngon không thua gì mấy quán ở thị trấn. Dì lại bán rẻ, vậy mà, có người còn uống… thiếu.
HÀ AN
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Quán cà phê miệt vườn buổi sáng không còn một chỗ ngồi. Cậu Út là “mối ruột” nên lúc nào cũng có mặt cùng mấy chú hàng xóm. Mọi người đến đây, mục đích chính là uống cà phê và hơn nữa là để tán chuyện. Cái quán cà phê này là của dì Tư, dì Tư pha cà phê ngon không thua gì mấy quán ở thị trấn. Dì lại bán rẻ, vậy mà, có người còn uống… thiếu.
Sáng nay, ngoài những người bán vé số quen, tôi còn thấy một người phụ nữ lạ ghé vào quán mời mọi người mua giúp. Chị từ nơi nào đến chứ không phải dân ở đây. Do chị đến lúc mọi người đã mua vé số từ những người đã vào quán chào mời trước, nên ai cũng lắc đầu không mua giúp chị. Chị tặng lại nụ cười gượng gạo, bước ra khỏi quán nhẹ nhàng như lúc đến. Tôi nhìn thấy cậu tôi quan sát chị từ lúc mới vào quán đến lúc ra đi. Thiệt lạ…
Đang suy nghĩ về người phụ nữ đó thì dì Tư hỏi cậu tôi:
- Ê, mía bên nhà chú còn nhiều không? Nếu còn, đốn cho tui một chục nghen. Tui mua cho mấy đứa cháu ăn. Tui chịu giống mía chú trồng, ngọt nước lắm.
Cậu gật đầu rồi quay sang bảo tôi trưa nay đốn chục mía như lời dì Tư dặn.
***
Tôi được cậu Út nuôi dưỡng từ hồi mười tháng tuổi. Nghe cậu kể lại, vì cuộc sống nghèo khó nên ba nói với mẹ để ba lên Sài Gòn kiếm việc làm. Mẹ thuận lời. Ai dè, ba đi mấy tháng trời mà không có tin tức gì, mẹ phải vay tiền nóng của bọn “xã hội đen” đi tìm ba. Đến nơi ba làm, người ta nói ba đã theo một người phụ nữ giàu có về miền Đông sinh sống, gửi lại cho mẹ bức thư xin tha lỗi và một số tiền lớn để nuôi tôi. Mẹ khóc suốt mấy ngày liền, muốn chết quách cho xong. Bà ngoại khuyên nhủ mãi mà mẹ vẫn suốt ngày ủ rũ như cái xác không hồn. Khi ngoại bệnh nặng qua đời, mẹ mới hối hận vì không làm ngoại an lòng. Mẹ làm lại từ đầu, mẹ để tôi ở lại cho cậu nuôi rồi cũng lên Sài Gòn mưu sinh, hàng tháng gửi tiền về cho cậu.
Bây giờ, cậu Út tôi đã gần năm mươi tuổi. Không phải cậu không muốn lấy vợ, mà đi hỏi đám nào họ cũng chê cậu làm vườn, không nghề nghiệp. Cậu ức, ở vậy cho đến giờ.
Tôi công nhận là cậu Út không mấy đẹp trai, nhưng cậu có duyên ăn nói. Bằng chứng là nhà nào có đám cưới là người ta đến nhà nhờ cậu đi mời giùm hàng xóm. Mời biết bao nhiêu đám cưới rồi mà tới giờ cậu vẫn chưa được mời cho chính mình.
***
Từ ngày đó, cứ mỗi sáng sớm, cậu cháu tôi lại thấy người phụ nữ đó ra đi với xấp vé số dày cộm. Và khi chiều về thì là những thứ lặt vặt như bánh ngọt và một vài thực phẩm cần dùng. Cậu vẫn cặm cụi với công việc, nhưng sáng nào cũng để ý coi chị có đi ngang không. Dạo này, cậu ngồi uống cà phê mà cứ trông chị đến mời mua.
Trưa nay, tôi đang ngồi làm bài tập Hóa thì cậu nói với tôi, mặt cậu sáng lên niềm vui.
- Duy, cái cô bán vé số trọ ở nhà Năm Hùng, hồi sáng có ghé quán dì Tư bán. Tao mua hai tờ. Cô ấy cảm ơn rối rít mầy à.
- Dạ. Chị ấy còn trẻ hén cậu.
- Ừ, mà hình như sức khỏe không tốt. Tao thấy có vẻ xanh xao. Người ta là dân khác đến đây, tội nghiệp. Chắc cũng hoàn cảnh như thế nào đó. Tao mua vé số làm quen. Mai chiều gì cổ có đi ngang, mời vào nhà chơi.
Tôi biết ý cậu nên cười trong bụng.
Một hôm, tôi vừa đi học về, ghé quán dì Tư mua chai nước suối uống cho đỡ khát thì nghe dì Tư và cậu nói chuyện, lại là người phụ nữ bán vé số lạ đó.
- Cậu Út à, cái cô đó cái mặt dễ nhìn. Phải chưa có vụ đó thì bị mấy thằng cha trong xóm mình chọc ghẹo rồi. Chắc bị người yêu hay chồng bỏ nên mới dạt về đây. Nghe nói ở trọ nhà Năm Hùng, sau nhà cậu kìa.
Cậu tôi không hiểu cái vụ đó mà dì Tư vừa nói nên mặt cậu đơ ra. Còn tôi, đốn mía xong mang vào nên hỏi dì Tư, nhằm giải đáp dấu chấm hỏi to tướng trong đầu cậu.
***
Rồi bụng của chị ngày một to dần, bí mật về chị cũng không ai biết. Thỉnh thoảng, chị cũng ghé nhà tôi mua rau, tặng cho cậu cháu tôi những nụ cười rất duyên. Mùa này, mía được giá, cậu tôi đốn bán không đủ. Vậy mà, cậu để dành những năm cây cho chị. Vì cậu nhớ có lần dì Tư nói có thai ăn mía sanh con sạch. Cậu thương chị. Có lẽ, chị cũng biết tình cảm cậu dành cho chị. Chị không nói gì, chỉ nói mang ơn cậu những lần cậu cho rau, cho trái cây. Mà tôi để ý mấy lần, giữa cậu và chị có một cái gì kì lạ lắm, dường như có một điều gì muốn nói, mà không thể nào mở lời được.
Tối nay, chị đến nhà tôi khá sớm, trên tay chị là xấp bánh tráng nướng vàng rộm.
Chị bộc bạch:
- Em gần sanh rồi, em cũng sẽ về nhà, anh Út à.
- Ủa, vậy không phải cô sanh ở đây hả?
- Ở đây, em đâu có ai, về trển mẹ em lo. Mà em cũng không biết nữa. Em sợ mẹ còn buồn em tự ý bỏ nhà đi.
Lần đầu tiên, tôi nghe chị nói về chị với cậu. Để không làm kỳ đà cản mũi, tôi xin phép vào buồng đi ngủ trước. Mà tôi không sao ngủ được, tôi còn bận phải nghe chị nói với cậu về cuộc đời chị.
Chị là con lớn trong gia đình có bốn chị em. Nhà khó khăn, chị lo làm đủ nghề nuôi các em ăn học. Đến khi ba mươi lăm tuổi, chị khao khát có một tấm chồng như bao nhiêu người khác, và tiếng con trẻ khóc nhè nữa. Rồi, em trai chị làm mai cho một anh cùng công ty. Gặp nhau lần đầu, chị mến anh ấy. Trong một lần hẹn hò, không kiềm chế được cảm xúc nên chị đã vượt qua giới hạn. Oái ăm thay, khi chị nói với người yêu là mình mang thai thì anh bảo chị hãy bỏ thai. Chị xấu hổ, sợ mẹ và các em biết sẽ buồn, lại sợ em trai khó xử với chị... Khi ra đi, chị cũng không có nhiều tiền, xuống tới nơi này phải lãnh vé số đi bán. Hôm qua, chị có gọi điện về nhà, mẹ và các em mong chị về, họ rất lo cho chị và đứa bé trong bụng. Chị đến thăm cậu lần cuối rồi sáng mai chị sẽ về lại với gia đình mình.
Cậu nghe xong, nói thật khẽ:
- Nếu Loan không chê tôi nghèo. Loan ở lại đây, tôi sẽ cưu mang mẹ con em. Tôi luôn mong như vậy.
Chị nhìn cậu, mắt ngấn nước ra về.
Nửa đêm, tôi và cậu đang ngủ thì nghe tiếng chị Loan gọi ngoài cổng:
- Anh Út ơi, anh Út ơi. Giúp em với…
Cậu tôi bật dậy theo quán tính. Khi ra tới cửa thì chị cho hay là mình đang đau bụng, mồ hôi rịn ra ướt hết khuôn mặt. Cậu bối rối chạy vào nhà giục tôi thức nhanh, còn cậu thì đi tìm chiếc chìa khóa chiếc xe 50 cũ mèm của mình để chở chị đến bệnh viện. Cậu lo lắng, nổ máy xe mà đôi tay run rẩy. Chị thì nhăn mặt, dường như chị đau lắm. Tôi ngồi sau vịn chị mà trong lòng cũng lo lắng không kém.
- Ai là người thân của Lâm Nguyễn Ngọc Loan. Sản phụ đã sanh xong. Bé gái, ba kí lô hai.
- Dạ, tôi đây. Cậu nói khi bác sĩ chưa kịp dứt lời.
- Người nhà mang đồ em bé cho tôi nhé.
Cậu lục giỏ đồ của chị, tìm ra bộ đồ cho em bé rồi nhanh chóng đưa vào theo yêu cầu của bác sĩ. Sau đó, cậu mới thở phào. Cậu lại chắp tay lần nữa, chắc là cậu tạ ơn bề trên.
Những ngày sau đó, cậu vẫn túc trực ở bệnh viện lo cho chị. Tôi có nhiệm vụ vừa đi học vừa phải tranh thủ nấu ăn mang vào cho cậu và chị dùng. Thấy những sản phụ nằm chung phòng được ăn những thức ăn có nhiều sữa như móng heo hầm đậu đen, rau lang, lá cách luộc… cậu cũng bắt tôi hỏi thăm dì Tư cách nấu cho bằng được. Ai cũng nói cậu lo cho vợ chu đáo, cậu không nói gì. Họ cũng không hề biết là quan hệ của cậu và chị, trừ tôi ra. Mặc kệ, tôi cũng muốn cậu vui khi làm những việc này cho chị…
***
Sau ba ngày ở bệnh viện, sức khỏe chị và em bé tiến triển tốt, chị cũng đủ sữa cho em bé bú nên chị được bác sĩ cho xuất viện. Hôm ấy, chị không về nhà trọ chú Năm Hùng mà được mẹ và các em xuống đón về nhà. Mẹ chị cảm ơn hai cậu cháu tôi.
Một tháng trôi qua, cậu tôi ít đến quán dì Tư như mọi lần. Không phải cậu sợ miệng đời gièm pha chuyện cậu và chị, mà là cậu không thích mọi người đến quán bàn tán về chị, làm sao họ có thể hiểu được cuộc đời chị mà thông cảm như cậu. Làm sao họ mở rộng lòng cảm thông cho chị. Làm người thật khó, biết làm sao hơn. Chiều chiều, cậu cứ nhìn về hướng nhà trọ chú Năm Hùng để tìm một bóng dáng cũ.
Những ngày này, tôi sắp thi tốt nghiệp, cứ cặm cụi bên bài vở nên tôi và cậu cũng không nói chuyện nhiều. Biết cậu buồn, cậu nhớ mà tôi không biết làm gì. À, phải rồi, hôm trước chị Loan có cho tôi số điện thoại ở nhà, bảo khi nào thật sự cần thiết thì hãy gọi cho chị. Tôi vội vàng mở điện thoại, tra danh bạ tên chị rồi đưa cho cậu.
Đêm đó, cậu tôi cầm chiếc điện thoại di động gọi cho chị. Trước đây, cậu ít khi dùng đến nó, trừ khi liên lạc với mẹ tôi. Tôi nghe cuộc trò chuyện giữa cậu và chị, vui trên từng ý lời. Nhưng có điều lạ, ban đầu cậu mở loa lớn, tôi nghe được tất cả. Một lát sau thì cậu tắt loa, giọng nói ngày một nhỏ dần. Chắc cậu làm thế cho tôi học bài, hay là cậu cố tình không cho tôi nghe đây. Khi cậu vừa buông điện thoại để trên bàn thì cậu quay sang tôi, nói nhỏ:
- Duy à, sáng mai tao đón xe đi Sài Gòn nhé!
Bầu trời đêm nay, trăng đang khuyết nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp rạng ngời…