Kể từ khi con bé Út hàng xóm chở Cẩm đi đánh tóc về bằng chiếc máy Kohler cũ từ đời ông nội để lại, Cẩm ngồi miết trong phòng. Má vén tấm màn bông hường ra xem mấy lần, chỉ thấy Cẩm ngồi tư lự bên đống đồ đạc, cặp gối, chăn mền, vali, nón lá... thứ nào cũng được gói kỹ bằng giấy bóng kiếng màu đỏ mà con bé Út phải chạy ra chợ tỉnh mua mới có.
|
Tranh minh họa: Trần Thắng |
HOÀNG KHÁNH DUY
Kể từ khi con bé Út hàng xóm chở Cẩm đi đánh tóc về bằng chiếc máy Kohler cũ từ đời ông nội để lại, Cẩm ngồi miết trong phòng. Má vén tấm màn bông hường ra xem mấy lần, chỉ thấy Cẩm ngồi tư lự bên đống đồ đạc, cặp gối, chăn mền, vali, nón lá... thứ nào cũng được gói kỹ bằng giấy bóng kiếng màu đỏ mà con bé Út phải chạy ra chợ tỉnh mua mới có.
“Mình ở quê, làm đám cưới kiểu quê là được rồi, đãi đằng chi ngoài nhà hàng cho tốn kém, lại không cần thiết!” - Cẩm nói vậy với Tâm, khi anh đề nghị đám cưới chỉ diễn ra một lần trong một cuộc đời, hay ra phố mướn nhà hàng đãi cho sang trọng. Tâm dần dừ, đoán ý không chịu, song vẫn chiều theo ý Cẩm, đủ biết Tâm thương Cẩm cỡ nào.
Đám cưới rộn ràng, mỗi người mỗi việc, dao thớt lụp cụp từ mấy hôm trước cho đến rạng sáng hôm nay, khi chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi là đàng trai đã đến đón dâu về. Má Cẩm vừa mệt, vừa lo, vừa vui trong dạ, bởi lâu lắm rồi nhà này mới có hỷ.
Hàng xóm giục má kiếm mối gả Cẩm sớm, gần ba mươi rồi, nhà có con gái như hũ mắm treo đầu giường, nó bể lúc nào không biết. Má Cẩm cười cười, bể thì mình dọn, lo gì. Tính má vốn thoáng, nề hà chi mấy chuyện rườm rà. Đám cưới Cẩm, má lăn xăn chạy ra chạy vào, con bé Út chọc đám cưới chị Cẩm làm như đám cưới dì Bảy vậy! Má cười: “Tao giờ chỉ còn cưới cát, đá, xi măng... chứ cưới ai!”.
Chỉ riêng Cẩm lòng xạc xào như có gió. “Đám cưới mà làm gì mặt mày bí xị vậy, chị Cẩm?”- Con bé Út hỏi khi thấy Cẩm ngồi cắm chân trong buồng, mắt nhìn đâu đâu trong không gian chật hẹp và lung linh bởi kim sa đính trên hai chiếc váy cưới, một trắng, một hường. Cẩm vẫn im thinh. Nhìn Cẩm kỳ quá, không giống như mấy cô dâu khác trong ngày cưới. Lấy chồng, lo thì lo thiệt, nhưng vui thấy mồ chứ mắc giống gì mà buồn so.
Sợ tiệm trang điểm cô dâu kẹt khách nên con bé Út giục Cẩm đi đánh tóc từ hơn một giờ rưỡi khuya. Chủ tiệm mát tay nên làm xong sớm, hơn bốn giờ là chiếc máy Kohler đã tắt dưới mé sông, vừa lúc nó hết xăng. Con bé Út thở phào. Cái cảnh nằm thì sợ hư kiểu tóc, ngồi thì mỏi lưng, trời thì chưa sáng... sao mà khổ quá vậy cà. Trời ơi, làm cô dâu cực muốn chết cứ sướng nỗi gì? - Cẩm thoáng nghĩ vậy.
Cái hồi mà đàng trai bưng trầu cau sang nhà hỏi cưới Cẩm, con bé Út nửa vui, nửa buồn. Nó mừng vì chị Cẩm của nó sắp sửa thành gia lập thất, nhưng cũng buồn vì kể từ rày không ai tâm sự với nó, không ai chiều chiều lại réo nó xách rổ đi hái rau đồng rồi tranh thủ “tám” đủ chuyện trên đời, hay thỉnh thoảng xúng xính đồ đẹp đi ra đình coi hát cải lương, tuồng cổ... rồi lau nước mắt cho nhau vì đoạn này xúc động, đoạn kia lâm ly. “Thanh Tâm- Hồng Cẩm! Trời, chị Cẩm, hai cái tên hợp quá xá!”.
Nó nói vậy! Tên hợp thôi cũng ăn thua gì? Cẩm nghĩ vậy! Nhiều cặp vợ chồng, tên giống nhau y bon, mặt mũi cũng có nét giống, ai cũng bảo có tướng phu thê, đến chừng hết duyên thì lỡ dở... Cẩm không nói trước được chuyện gì, chỉ biết là vui được lúc nào thì hay lúc đó. Đời mà! Mà, trước mắt mình đã vui chưa ta? - Cẩm nghĩ vậy. Trong lòng lại xác xao ngọn gió.
Còn mỗi mình má nên má chẳng nề hà chuyện làm lễ xuất giá. Lòng má sao thì Cẩm hiểu rõ mười mươi, lễ lạt làm gì cho thêm chộn rộn. Đêm hôm, trong lúc đãi bạn, Cẩm uống hơi nhiều. Con bé Út cứ đi theo Cẩm mà lay: “Chị Cẩm, sáng mai rước dâu, uống rượu mặt mày khó coi lắm đó nghen”.
Cẩm để rớt mấy giọt rượu xuống bàn, mấy giọt đọng ở vành môi sao mà mặn chát. Đời người có một lần đám cưới mà, Út! Mày phải cho chị vui chớ. Nó nhăn nhó mặt mày, thở dài. Còn Cẩm, có thật sự là vui không khi sớm mai Cẩm phải đi về bên nhà chồng để ăn đời ở kiếp bên đó, ra vào đụng mặt người này người kia, có người trạc tuổi má mình mà không phải má mình, có người nói cười xởi lởi chứ họ nghĩ gì trong bụng làm sao Cẩm biết được.
Và có thật sự vui hay không khi người mà ngày mai Cẩm nắm tay bước xuống chiếc tắc ráng theo họ về bên ấy không phải là người mà Cẩm từng ước ao sẽ được giặt áo cho họ mỗi ngày hay nấu cho họ những món ăn ngon đậm đà hương vị quê mình- những món ăn chứa chan tình yêu thương vô bờ của Cẩm?
*
“Trời, bộ điên hay sao mà tự dưng lại nghĩ vậy hả Cẩm?”- Cẩm nói với lòng mình, cố xua đi cái suy nghĩ điên rồ vừa rồi. Chút nữa thôi đàng trai sẽ đến, áo cô dâu Cẩm đã khoác lên rồi, còn chờ với đợi một người làm gì cho thêm mủi lòng rồi khóc ròng ròng như một đứa trẻ. Chờ với đợi làm gì khi mà Luân đã chọn cho Cẩm con đường mà với anh đó là con đường hạnh phúc...
Nhìn thấy hai dòng nước mắt chảy xuống lớp phấn đã giặm mịn trên gò má Cẩm, con bé Út xuýt xoa: “Chị Cẩm! Sao vậy nè... Thôi, con gái ai không lấy chồng chớ?”. Chắc nó tưởng Cẩm khóc vì sắp sửa xa má. Thì buồn thiệt! Buồn dữ lắm!
Từ nay má sẽ phải lủi thủi một mình trong cái nhà mà lẽ ra có Cẩm nói nói cười cười, luyên thuyên đủ chuyện trên đời không biết chán. Nhưng nhà Tâm cũng có xa xôi gì đâu. Đi hết con sông này, quẹo vô rạch Bần, qua rạch Ổi là tới. Nhà Tâm thuộc dạng khá giả, có của ăn, của để, ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Về đó làm dâu sướng thấy mồ.
Cẩm khóc vì Cẩm nhớ thương một người cũ cũ, Cẩm nhớ mình của những ngày xa xưa, mỗi lần về ngang qua bờ ruộng Luân, dưới bóng cây ô môi Cẩm hay ngồi tháo nón lá ra quạt xoành xoạch. Luân rót cho Cẩm ca nước, nói mấy tiếng chuyện mà khiến Cẩm nhớ thương suốt tuổi xuân mình.
Giọng Luân vẫn còn vang vanh vách bên tai Cẩm, khuôn mặt, vóc hình của Luân, cả cái quệt mồ hôi rồi cười ngượng nghịu vì sợ Cẩm chê mình mặt lấm tay chai, nói năng vụng về, lại mồ côi ba má.
Nhưng Cẩm thương Luân, thương vô vàn. Cẩm thương Luân ở tấm lòng, ở sự chân chất, mộc mạc, giản dị, đâu cần Luân phải giàu sang hay đủ đầy cả ba lẫn má. Nhà Cẩm cũng không giàu, má Cẩm cũng hiểu chuyện chứ đâu phải như mấy bà mẹ gả con mình để kiếm tiền xây cái nhà, mua miếng đất canh tác.
Cẩm thương Luân biết cày cục, chăm chỉ làm lụng, thương sự thiệt thà, thương tấm lòng nhân hậu của người con trai ở cái quê hương khỉ ho cò gáy, chiều chiều lại buồn như đoạn kết một vở cải lương bi đát.
Vậy mà, trời ơi, Luân có hiểu được lòng mình hay không, hả Luân?- Cẩm nhiều lần nghĩ vậy. Lòng dạ Cẩm sao thì Luân đã hiểu; và tình yêu của Luân dành cho Cẩm cũng rộng như cái đất Bần Ổi này.
Mà Cẩm cứ đợi mãi ngày Luân xé buồng cau, mượn cơi trầu, bình rượu lạt bưng sang nhà Cẩm để hỏi cưới Cẩm về sống với Luân đến răng long đầu bạc... Luân vẫn đứng đó, như chôn chân giữa cánh đồng, như không biết rằng Cẩm đã sẵn sàng cho một cuộc hôn nhân với người mà Cẩm yêu tha thiết. Má nói với Cẩm, giọng buồn thiu: “Hay thằng Luân không thương con? Hả Cẩm?”.
Cẩm nhìn lảng ra khoảng sân, xa nữa là con đường, là cánh đồng, là nhà Luân nằm thoi loi bên bờ ruộng xác xơ gió... Cẩm đã mở lời rồi, còn Luân cứ đợi chờ điều gì mà không cho Cẩm một lần được mặc áo cưới, đi bên Luân trong niềm vui trọn vẹn? “Đợi, chờ... Luân bắt tui phải đợi Luân đến bao giờ, hả Luân? Tui là con gái, quá lứa lỡ thì, tội tui lắm, Luân ơi...”
Những hy vọng của Cẩm đã kết thúc trong một chiều nắng rụng. Bầu trời đỏ, sông dài và buồn như nỗi buồn triền miên trong lòng Cẩm. Luân hẹn Cẩm ở chỗ cũ, Luân hớt hơ hớt hải chạy đến nói với Cẩm là “Cẩm đừng đợi chờ anh nữa, Cẩm lấy chồng đi, lấy anh, khổ lắm”. Cẩm nghe mà rát ruột! Con tim Cẩm như chực rơi xuống từ trên ngọn cây, khiến Cẩm thấy lòng mình trống trải lạ thường.
“Anh nói gì vậy, Luân ơi!”- Cẩm nghĩ bụng, nước mắt lăn dài trên má- “Lòng dạ tui vậy mà Luân chẳng hiểu nữa hay sao? Tui thương anh thiệt lòng, có sợ khổ cực gì đâu mà nói chi nghe đau lòng quá vậy!”. Cẩm bước về, thất thểu. Bóng Cẩm liêu xiêu trong chiều.
Văng vẳng đâu đây một câu cải lương buồn tan lòng nát dạ...
Kể từ lần đó, Cẩm không còn thấy Luân trên đám ruộng quen thương. Bờ ruộng mọc đầy cỏ dại. Má không giục Cẩm lấy chồng, nhưng ý má cũng muốn Cẩm sớm tìm được một bờ vai để tựa vào, con gái một thân một mình, khổ lắm! Má đơn chiếc từ khi ba Cẩm bỏ má mà đi nên má hiểu nỗi khổ của một người đàn bà không một ai chia sẻ, an ủi, đêm nằm cô quạnh trên chiếc giường lạnh lẽo, chỉ biết tưởng tượng tới một bóng hình đã xa khuất mù khơi...
*
“Lấy ai cũng vậy, lấy ông Tâm đi, ổng thương chị vậy còn đòi gì nữa. Nhà ổng khá giả, sau này hai vợ chồng khỏi phải lo kiếm kế mưu sinh”- Con bé Út nói vậy, ra chiều hiểu chuyện. Mà nó nói đúng, Tâm thương Cẩm, biết Cẩm vẫn còn canh cánh trong lòng một bóng hình xưa cũ mà Tâm vẫn chấp nhận, biết Cẩm chưa thương mình bằng người ta nhưng Tâm vẫn không trách Cẩm một lời. Nhà Tâm khá giả nhưng Tâm không ỷ lại mà vẫn chăm chỉ làm lụng. Đàn ông vậy hiếm hoi quá, còn gì!
Rồi đám cưới cũng diễn ra đúng như má Cẩm hằng mong ước.
Một chút lát nữa thôi đàng trai sẽ sang đón Cẩm về làm dâu, làm vợ, Cẩm không còn là cô con gái bé bỏng đêm đêm líu tíu bên má nói đủ thứ chuyện trên đời, sợ má buồn. Trong căn nhà tường ba gian quét vôi từ thuở ba còn sống, nay màu vôi trắng đã thâm sì, không còn ai chiều chiều ngồi trước hàng ba ca vọng cổ rồi tự dưng lại sụt sùi một mình vì thấy câu vọng cổ buồn quá, cảnh quê buồn quá, thấy nhớ thương người đã rời khỏi bến sông xưa...
“Chị Cẩm, thay áo cưới đi chớ? Sao ngồi đó hoài vậy? Nghĩ cái gì mà nghĩ mông lung vậy?”. Nghe con bé Út giục, Cẩm giật mình. Thôi thì giờ Cẩm cũng đã yên bề Cẩm, ai đâu lại bỏ đám cưới để ra đi. Mà, có đi thì đi theo một người vẫn thiết tha với Cẩm, chứ ai lại đi theo một người thương Cẩm cũng không dám cưới Cẩm làm vợ, sợ Cẩm khổ, sợ mình không bằng người ta, không thể mang hạnh phúc lại cho người con gái mà mình yêu thương sâu đậm... Người như vậy, tệ lắm, tệ dữ lắm, Luân ơi!
Đàng trai đã đến đón dâu về. Trên bến sông, ai ai cũng rạng rỡ, vui vẻ, tấm tắc khen cô dâu xinh đẹp, chú rể phong độ, đẹp đôi quá còn gì. Ngoại trừ Cẩm, không ai trông thấy bên kia sông, dưới gốc tre gai già mọc ở đó hơn nửa đời người, có một người đứng nhìn Cẩm từ xa, thầm chúc cho Cẩm được hạnh phúc suốt phần đời còn lại...