Đã khuya lắm rồi, chắc cũng gần nửa đêm mà ông Năm Ngọc vẫn chưa đi ngủ. Trong phòng, vợ con ông đã say giấc điệp, ngoài đường đan dọc bờ kinh, tiếng xe gắn máy của đám thanh niên đi chơi đêm đã thưa dần, ở nông thôn người ta ngủ sớm để mai còn đi làm đồng.
|
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Đã khuya lắm rồi, chắc cũng gần nửa đêm mà ông Năm Ngọc vẫn chưa đi ngủ. Trong phòng, vợ con ông đã say giấc điệp, ngoài đường đan dọc bờ kinh, tiếng xe gắn máy của đám thanh niên đi chơi đêm đã thưa dần, ở nông thôn người ta ngủ sớm để mai còn đi làm đồng.
Cái bóng đèn neon trên vách tường ngoài hiên tỏa ánh sáng vàng vọt hắt qua cửa sổ, thu hút đám bồ hông bay lẹt xẹt làm mồi cho mấy con thằn lằn bám quanh, thỉnh thoảng nó kêu lên mấy tiếng chặt chặt rồi im bặt, vắng vẻ. Vậy mà ông vẫn còn nằm trên võng đu đưa kẽo kẹt chừng như đang có tâm trạng, suy nghĩ gì lung lắm.
Ông Năm Ngọc sinh ra và lớn lên, gắn bó với vùng đất gọi là đồng bưng này ngót nghét đã sáu mươi mấy năm. Nghe kể rằng: Xưa cha mẹ ông là tín đồ Phật giáo Hòa hảo ở xứ Cái Vồn ngay từ thời Đức Huỳnh Giáo chủ còn trụ thế.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm tấn công, tảo thanh giáo phái Cao đài ở Tây Ninh và Phật giáo Hòa hảo ở miền Tây, cha mẹ ông mới đưa cả gia đình xuống ghe chạy dạt ra sông Hậu, vòng lên xứ Trà Mơn, men theo kinh Mười Thới và định cư ở đây, vừa lánh nạn vừa khai khẩn đất hoang, mưu cầu cuộc sống.
Cha mẹ ông chặt cây, đào gốc, phát cỏ, khoét dần từng khoảnh rồi nới rộng ra để lấy đất trồng lúa, chỗ gò thì trồng khoai, đậu, mương vũng thì bắt cá tôm, cứ thế trời thương nuôi cả đàn con bốn đứa cùi cụi như củ khoai, củ mì không sứt mẻ đứa nào.
Có điều lạ là vùng đất này rất hợp với cây khoai lang, đặt xuống dây nào là nó bén rễ xanh tốt dây đó, cho củ cả chùm trọi lỏi, mà lại thơm ngon, ngọt bùi không khoai ở xứ nào sánh kịp.
Cho nên, có một thời khoai lang Mười Thới có mặt khắp các tỉnh miền Tây, chợ Mỹ Tho, chợ cầu Ông Lãnh, thành thứ ăn chơi nổi tiếng khắp xứ Sài thành, cha mẹ ông và người dân xứ này tự hào, kiêu hãnh lắm.
Có lẽ vì vậy mà cha mẹ ông mới đặt tên ông là Ngọc như tên giống khoai lang mà gia đình ông đem về trồng đầu tiên ở xứ này.
Trong chiến tranh, từ kinh Mười Thới qua đến ngã năm Cây Mít, Trà Mách, Tầm Vu, Rạch Sậy, Xẻo Mát, Hòa Tân,… là vùng tự do, vùng trắng, lính ngụy thường đi càn bố, bắn phá lung tung rồi rút về, chỉ đóng đồn, lập căn cứ ở dọc Lộ 37 và trung tâm huyện lỵ, các thị tứ, trong khi đây cũng là vùng hoạt động của phe kháng chiến.
Căn nhà chòi của cha mẹ ông Năm Ngọc thành chỗ thường xuyên lui tới của cán bộ, du kích, bộ đội và nghiễm nhiên gia đình ông trở thành cơ sở cách mạng. Lúc này, lực lượng võ trang Phật giáo Hòa hảo đã bắt tay với chính quyền Sài Gòn quay qua trấn áp những người theo Việt minh mà nay họ gọi là Việt cộng.
Để tránh rủi ro, hợp pháp hóa hoạt động của mình, cha mẹ ông quay về Cái Vồn sửa sang lại căn nhà cũ, vừa tránh bom đạn, vừa có chỗ cho anh chị em ông đi học, còn cha mẹ ông vẫn âm thầm, lặng lẽ chèo ghe tam bản ra vô làm đồng, tránh tai mắt địch.
Rồi chị Hai đi lấy chồng, một ông dân vệ, lính Phật giáo Hòa hảo cầu an, tối ngày quanh quẩn bên xóm chợ, anh Ba học hết đệ nhất cấp, tới tuổi quân dịch nhảy vô đồng xin đi bộ đội.
Sáng ngày ba mươi tháng Chạp năm Mậu Thân 1968, như thường lệ hàng năm, nhiều người từ Cái Vồn chèo xuồng về quê tát mương bắt cá, hái trái cây chuẩn bị ăn Tết thì hai chiếc trực thăng từ hướng Cần Thơ bay đến quần đảo rồi xả súng bắn loạn xạ dọc theo sông Mỹ Thuận làm hàng trăm người chết và bị thương, ghe xuồng, tử thi, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông.
May mà cha mẹ ông đi sớm đã chèo ghe lọt qua kinh Hai Quý đổ về kinh Mười Thới rồi. Cũng đêm đó, anh Ba cùng các cánh quân tấn công vào thị xã, lửa cháy rực trời ở hướng sân bay và các mục tiêu trong nội ô, trút căm hờn lên đầu địch. Nhưng cũng trận đó quân giải phóng hy sinh khá lớn, nhiều người bỏ xác không lấy ra được, còn anh Ba quần thảo mấy ngày cũng bị thương phải lui về tuyến sau.
Rồi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, chính quyền Sài Gòn cấp tốc bình định, lấn đất giành dân, càn bố liên miên. Gia đình ông Năm vừa theo Hòa hảo vừa có con theo Việt cộng càng bị o ép dữ. Chịu không nổi, lần lượt tới anh Tư đẹp trai, cao ráo, văn hay chữ tốt tiếp tục trốn theo mấy ông tuyên huấn tỉnh.
Hòa bình lập lại, gia đình ông Năm Ngọc vui mừng sum họp, thoát cảnh bom đạn chết chóc, như thế là may lắm. Trải qua cuộc chiến tranh ác liệt, những gia đình khác, không bên này cũng phía bên kia, không nhiều thì ít cũng có thương vong mất mát, có khi trên bàn thờ ông là liệt sĩ được Tổ quốc ghi công, ông lại là tử sĩ khói hương lạnh lẽo.
Anh chị Hai cùng mấy cháu của ông Năm vẫn ở căn nhà cũ, tiếp tục bán buôn quanh xóm chợ; anh Ba vác ba lô về trong đồng rồi cưới vợ, cất nhà, lo trồng lúa, trồng khoai trên mẫu đất mà cha mẹ ông chia cho; anh Tư thì miệt mài theo mấy chú, mấy anh trên tỉnh; ông Năm Ngọc tiếp tục học tiếp cấp ba trong trường huyện, những tưởng sẽ học cao lên hơn nữa.
Nhưng rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tin tức đưa về rằng bọn giặc Pol Pot giết hại dã man dân mình ở Tây Ninh, Đồng Tháp, Tịnh Biên, Ba Chúc, Hà Tiên, máu đổ thành sông, tang thương không thể nào kể xiết. Nổi xung thiên, ông Năm Ngọc và những người bạn đồng niên hừng hực sức trai trẻ hè nhau viết đơn tình nguyện tiến lên biên giới đánh trả bọn xâm lược, trả thù cho đồng bào mình, bảo vệ biên giới vừa cứu giúp nhân dân nước bạn Campuchia.
Mười năm quần thảo với quân Pol Pot, gót chân ông và đồng đội đã in dấu khắp các chiến trường Thường Phước, Giồng Bàng, Tà Keo, Kampong Speu, có lúc qua tận đất Thái với bao nhiêu lần vào sinh ra tử, miểng đạn chi chít trên người ông nhưng may chỉ trúng phần mềm, ngoài da nên không hề hấn gì. Ngày rút quân về nước, ông Năm Ngọc cảm thấy lâng lâng tự hào và kiêu hãnh, từ một anh binh nhì giờ ông đã là cán bộ cấp tiểu đoàn rắn rỏi, dạn dày trận mạc.
Ngày ông Năm Ngọc về phép, cha mẹ ông vui mừng khôn xiết, nhất là mẹ ông cứ hết ngắm nhìn rồi lại sờ nắn thân thể còn nguyên vẹn của con trai mình như sợ vuột đi đâu mất. Rồi ông cưới vợ, một cô bạn cũ học dưới ông một lớp nay là cô giáo ở một trường cấp hai cùng xã.
Ở với nhau được mấy ngày, ông Năm Ngọc lại vác ba lô trở về đơn vị, chỉ huy cấp trên phân công ông đi học dài hạn ở trường lục quân. Đời lính ở chiến trường hay đi đâu cũng vậy thôi, xa nhà là chuyện bình thường, thế nhưng lần này lại có nhiều vướng bận.
Đêm cuối từ giã, ông vòng tay ôm bụng vợ thủ thỉ: Anh đi lần này hơi lâu, em ráng giữ gìn sức khỏe, công tác tốt, chăm sóc ba má dùm anh.
Vợ ông thút thít khóc: Em biết mà, chấp nhận lấy anh, lấy chồng bộ đội là em đã chuẩn bị tâm lý, chấp nhận hy sinh rồi.
Thế là ông Năm Ngọc lại đi đằng đẵng mấy năm trời, sau đó trở về đơn vị rồi lên trung đoàn, nhớ nhà thì liên lạc qua thư từ chứ thời ấy chưa có điện thoại. Lâu lâu ông mới về nhà được một vài lần khi vợ ông sinh con trai đầu lòng, thôi nôi nó rồi tới đứa con gái thứ hai ra đời.
Hòa bình rồi, tiếng súng không còn nữa nhưng kẻ thù luôn rình rập, dòm ngó biên cương, ông và đồng đội phải còn nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sự bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc. Song bây giờ ông có dịp về nhà nhiều hơn lúc ở bên Cam, những lần về công tác ở quân khu hoặc khi lễ Tết, giỗ chạp.
Thằng Chiến, con Bình càng ngày càng lớn thì cha mẹ ông ngày càng già yếu, gần đất xa trời. Vợ ông vừa đi dạy, chăm con, lo cho hai ông bà già vừa cày cuốc ruộng khoai, chứ đồng lương giáo viên có là bao nhiêu.
Theo quy luật của tạo hóa, cũng đã đến ngày cha ông theo ông theo bà, thanh thản về với thế giới bên kia. Quỳ bên thi hài cha như đang ngủ, ông Năm Ngọc thầm tự trách mình mãi lo nợ nước mà chưa tròn chữ hiếu, đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục không được bao nhiêu.
Theo lời trăng trối, anh em ông Năm Ngọc đưa linh cữu cha ông ra phía sau vườn, chôn cất nơi cao ráo nhất ngoài bờ đê để cha ông ngày ngày ngắm nhìn cánh đồng khoai, thành quả cả đời cha ông tâm huyết gây dựng nên.
Sau ngày cha mất, ông Năm Ngọc đâm ra suy nghĩ, đăm chiêu nhiều, hình như có gì đó trống trải, mất mát quá lớn đối với ông. Ông quyết định xin thôi làm chỉ huy, chuyển về làm lính quân khu cho gần nhà hơn, dăm ba ngày có thể chạy xe qua phà về chăm mẹ, thăm vợ và dạy dỗ các con.
Rồi mẹ ông cũng theo cha ông về nơi cõi vĩnh hằng. Lúc đưa mẹ ông xuống huyệt mộ ông nấc nghẹn, tức tưởi, cố kìm nén những giọt nước mắt chực cứ trào ra trên khuôn mặt của người lính xưa nay chưa biết sợ là gì. Vậy là kể từ đây ông trở thành kẻ mồ côi thật rồi, đã bao lần ông tiễn đưa đồng đội nhưng chưa lần nào ông thấy đau đớn như lần này.
Chôn cất mẹ xong, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Năm Ngọc trở về quân khu xin giải quyết cho về hưu sớm, vừa nhường chỗ cho đàn em còn trẻ nó lên vừa có điều kiện về trông coi mồ mả, chăm lo vườn tược, ruộng khoai mà cha mẹ để lại cho ông.
Gom hết số tiền chính sách và tiết kiệm dành dụm được, ông bàn với các anh chị xây lại nhà thờ, sửa sang lại khuôn viên, trồng bông hoa, cây cảnh xung quanh khu mộ và xây nhà mồ cho cha mẹ ông. Nơi đây, hàng ngày là nơi nghỉ mát, uống trà của ông và anh Ba sau những buổi làm đồng; thỉnh thoảng anh chị Hai từ Cái Vồn chạy vô, anh Tư nay cũng đã nghỉ hưu từ trên tỉnh về cùng với đám con cháu ngồi nhậu với nhau.
Nhưng rồi vật đổi sao dời, xã hội phát triển nảy sinh nhiều cái mới đụng chạm đến lợi ích và tình cảm thiêng liêng của gia đình ông Năm Ngọc. Ngày xưa đi khai phá vùng đất này, cha mẹ ông và hầu hết cư dân ở đây đều sống dọc theo sông, kinh, rạch, nhà cửa cất quay mặt xuống bến sông, đi lại bằng ghe xuồng và đi bộ giữa nhà này sang nhà khác bằng các cây cầu khỉ, cầu cây.
Khoai lang Mười Thới một thời nổi tiếng cũng theo các con kinh, sông, rạch này xuôi về chợ Tân Quới, Cái Vồn, lên cầu Ông Lãnh, bến Bình Đông ở xứ Sài Gòn. Giờ đây, khoai lang không còn độc quyền của người dân dọc kinh Mười Thới nữa mà lan ra hết các xã trong huyện.
Từ kinh Mười Thới qua kinh Câu Dụng, ngã năm Cây Mít, kinh Huyện Hàm, kinh Xã Khánh, Tân Hưng, Mỹ Thuận,… đâu đâu cũng bạt ngàn những cánh đồng xanh một màu khoai.
Người ta không trồng một vài công xen canh, luân canh với lúa nữa mà trồng hàng mấy chục công, có người chuyên canh mấy mẫu, không đủ đất nhà thì đi thuê lại, không có đất thì vào tổ hợp tác, vào các tổ công đoàn chuyên lo đi cuốc giồng khoai, đi phun thuốc, bón phân, tưới nước, thu hoạch, vận chuyển, mỗi ngày bỏ túi năm bảy trăm ngàn, một triệu đồng là chuyện bình thường.
Bây giờ không chỉ có khoai bí đỏ, khoai lang Dương Ngọc mà nhiều giống mới như khoai trắng, khoai sữa, khoai tím Nhật với năng suất hàng mấy chục tạ một công. Khoai lang không còn là món ăn chơi ở các tỉnh miền Tây mà nó còn được chở đầy các xe container xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước.
Nhờ khoai mà đời sống người dân xứ ông và cả huyện này giàu có, khá giả, sung túc lên thấy rõ, nhà cửa, đường sá, điện, đài, tiện nghi không thua gì thành thị. Xã nhà của ông giờ là xã nông thôn mới, ngày làm lễ nhận bằng công nhận vui như hội. Người ta đọc thơ vui tả rằng: Sắm nhà, sắm xe nhờ khoai với củ.
Vợ con lủ khủ nhờ củ với khoai. Mà đúng vậy thật, nhờ khoai mà ông lo cho hai đứa con ăn học đàng hoàng, thằng Chiến đã tốt nghiệp đại học về công tác ở huyện, cưới vợ, sinh cho ông đứa cháu nội kháu khỉnh ngon lành, nó khôn lanh, dễ thương lắm, tối ngày quấn quýt ở bên, vợ chồng ông cưng chiều hết mực; con Bình cũng đã ra trường chờ tìm công việc phù hợp, nay mai còn lo gả nó nữa.
Nhưng đời không như mơ, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi. Trước đây, khoai lang Mười Thới không đủ bán, người ta ùn ùn đua nhau trồng, có lúc lại quá dư.
Những khi không đủ hàng, thương lái lội đến tận rẫy chèo kéo, gạ gẫm, đặt cọc, giá nào, nhỏ, lớn, loại nào cũng mua chừng khi các chợ đầu mối không còn chỗ chứa, cửa khẩu biên giới ách tắc thì thương lái biến đi đâu mất, chừng năn nỉ bán được giá bèo thì còn bị chê õng chê ẹo, phân loại, dạt ra phân nửa, còn phân nửa kể như cho, chủ ruộng lỗ tới xương.
Khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, khoai lang không bán được, người ta lại bỏ ruộng hoặc chuyển qua trồng các loại cây khác, tội nghiệp mấy người đi thuê đất coi như phá sản. Thành ra người ta mới đổi câu hay nói ở trên thành: Bán đất bán nhà vì khoai với củ. Nợ nần lủ khủ cũng vì củ với khoai.
Như ông Năm Ngọc đây còn cả mẫu khoai đã gần tới lứa rồi mà chưa bán được, trong khi đám cưới con gái ông đã gần kề, đàng trai đã trình ngày rồi, biết tính làm sao.
Song chuyện khoai củ chưa phải là nỗi lo lớn lắm của ông Năm Ngọc, dẫu gì gia đình ông cũng thuộc hàng khá giả, vốn liếng tích lũy được qua những năm trúng mùa, trúng giá nay dù có lỗ vụ này cũng không sao, nát gốc vẫn còn bờ tre.
Cái lo lớn hơn lại liên quan đến sự phát triển của quê hương mà lại động chạm đến tâm tư, tình cảm thiêng liêng của ông. Chả là, chiều nay đi họp trên ấp, ông Năm Ngọc nghe thông báo rằng để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại và thông thương hàng hóa, trên đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông nhựa từ trung tâm huyện về xã.
Tuyến đường ấy không đi cặp kinh Mười Thới mà lấy bờ đê làm nền hạ mở rộng ra hai bên, nghĩa là con đường sẽ cắt đôi miếng đất của ông, mà quan trọng hơn là thẳng ngang qua khu mộ mà cha mẹ ông đang yên giấc ngàn thu.
Là một cựu chiến binh, ông Năm Ngọc không thể nào chống lại hay mở miệng xin sỏ gì được nhưng như thế thì đau cho ông quá, mồ mả là chuyện tâm linh, cha mẹ ông đã mất lâu rồi mà cũng không yên được nữa. Càng nghĩ tới ông càng rối trí, trằn trọc mãi mà không ngủ được, ông không biết phải làm sao cho trọn vẹn bây giờ.
Quen đời binh nghiệp, ít khi ông Năm Ngọc dậy trễ nhưng đêm qua thức khuya quá nên sáng hôm sau đến mặt trời mọc một lúc ông mới ra khỏi phòng, loay hoay làm vệ sinh, cho mấy con gà ăn, tưới mấy cây kiểng cũng đã chín giờ sáng. Vừa lúc có tiếng mấy chiếc xe máy ở ngoài đầu ngõ, nhìn ra thấy anh chị Tư mới về theo sau là mấy đứa cán bộ xã khệ nệ tay xách nách mang đồ đạc bước vào.
Ông Năm Ngọc ngạc nhiên hỏi: Sáng sớm mấy ông rủ nhau đi đâu tới nhà tui đông vầy nè?
Thằng Hậu- Bí thư Đảng ủy xã, cười hề hề: Bữa nay thứ bảy, con điện chú Tư về nhậu chơi chứ hổng có chuyện gì đâu chú Năm ơi!
Rồi nó kêu thằng chánh văn phòng đảng ủy đem mấy thứ đồ ăn mua sẵn bày một mâm giữa nhà. Bây giờ sướng thiệt, không cần nấu nướng, không cần đi đâu xa, chỉ cần chạy mười lăm hai mươi phút ra chợ huyện cũng có vịt quay, lẩu dê, bánh mì, đầy đủ cả.
Thấy vậy, ông Năm Ngọc bước qua nhà cạnh bên mời anh Ba rồi kêu vợ thằng Chiến bắt mấy con chuột khoai đã làm sẵn từ hôm qua đem nướng muối ớt, bắt mấy con lươn nấu cái lẩu chua với rau đồng, bắc nồi cơm lên nữa, thế là đủ mồi, thịnh soạn hơn cả nhà hàng.
Ông cười khà khà: Mồi vầy phải uống rượu mới ngon, mấy thùng bia tụi mày đem lại để giải khát.
Tự tay ông Năm Ngọc rót rượu, trịnh trọng mời anh Ba, anh Tư, hết lượt mấy thằng cán bộ xã, phần mình uống cạn một ly rồi mới giao lại cho thằng chánh văn phòng làm chủ xị, lo rót rượu.
Chừng được hai ba vòng, rượu vừa đủ ngấm lên da mặt, thằng Hậu mới đứng lên nghiêm trang nói: Thưa chú Ba, chú Tư, chú Năm, hôm nay con tính thưa với mấy chú chuyện này.
Đoán biết là thằng bí thư sắp nói chuyện gì nhưng ông Năm Ngọc vẫn yên lặng ngồi nghe nó nói tiếp: Xã mình giờ là xã nông thôn mới, đang xây dựng ấp kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao, tới đây sẽ thay đổi toàn diện hệ thống canh tác, nâng cao năng suất và chất lượng khoai lang, rồi cũng đã có nhà đầu tư chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến ở huyện mình, nhu cầu vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn sẽ tăng lên, thành ra trên đã quyết định xây dựng tuyến đường ô tô ngang qua ấp mình, xã mình.
Anh Ba buột miệng nói: Như vậy là tốt quá chứ có sao đâu!
Thằng Hậu chậm rãi nói tiếp: Nhưng mà con đường mới sẽ chạy dọc theo bờ đê sau chân vườn chứ không cặp kinh như trước.
Nó dừng lại, nhấp hết ly rượu rồi ngập ngừng nói: Tụi con xin các chú cho dời khu mộ ông bà vì nằm trong hành lang thi công!
Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, suy nghĩ cả đêm qua nhưng mới nghe đến đây ông Năm và cả ông Ba nữa đã giật bắn mình như bị chạm nọc: Sao được! Mồ mả là chuyện tâm linh chứ phải chuyện chơi! Đất tao đó tụi mày muốn lấy bao nhiêu thì lấy, nắn ra ngoài đê được hôn?
Lúc này ông Tư mới từ tốn nói: Sao được chú. Làm đường sá người ta có quy hoạch, thiết kế rồi mới thi công, đâu phải ai muốn nắn thế nào thì nắn, trừ khi có tiêu cực.
Thằng Hậu gãi tai: Con tính như vầy, con đường xẻ miếng đất mình ra làm đôi, lòi ra hai mặt tiền, thằng Chiến một bên, con Bình một bên, có chỗ cho tụi nó làm ăn, kinh doanh, ông bà thì mình đưa ra cách năm bảy chục mét ngoài đồng, gần ruộng khoai, thỏa ước nguyện của ông bà lúc sinh thời.
Thằng Sang, Chủ tịch Ủy ban xã nói thêm vô: Dự án có kinh phí bồi thường, di dời nhà cửa, vật kiến trúc trên đất đó chú. Tụi con sẽ mượn xe cuốc của công trình đắp đường đi, nền mộ mới cao ráo cho ông bà, mấy chú đừng có lo.
Thấy chừng như xuôi xuôi, ông Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã tấn công dứt điểm: Vậy nghen anh Năm! Tui sẽ huy động anh em cựu chiến binh với mấy đứa bên Đoàn thanh niên vô phụ anh.
Tới nước này thì ông Năm đành chịu thua: Thôi thì vì lợi ích chung tôi nghe theo vậy. Để tui lựa bữa tốt ngày nấu mâm cơm cúng ba má tui, xin phép ổng bả rồi dời. Mấy chú vô chứng kiến nghen.
Được lời như cởi tấm lòng, mấy đứa cán bộ mừng húm, dạ rân: Chú yên tâm, tụi con sẽ có mặt đầy đủ, lo chu toàn cho chú.
Sẵn mồi, sẵn rượu, mấy chú cháu nhậu tưng bừng, tới bến, đến nỗi phải điện thoại kêu mấy anh em dân quân xã vô chở về cho an toàn.
Bây giờ thì con đường đã hoàn thành, chạy từ trung tâm huyện đi qua các xã, nối với tỉnh lộ đi ra đường quốc lộ, xe cộ dập dìu, đưa hàng hóa, khoai củ, rau trái của xứ ông Năm Ngọc đi khắp mọi miền đất nước. Hàng ngày ông thích đứng trên mé lộ nhìn ra khu mộ mới, xa xa là cánh đồng khoai bạt ngàn, xanh ngát giống như bức tranh thái bình, thịnh vượng của quê hương. Đó là gia tài vô giá mà thế hệ cha mẹ của ông dày công gầy dựng, thế hệ của ông ra sức bảo vệ, giữ gìn để lại cho con cháu sau này.
Tháng 6/2023
NGUYỄN SAN