Truyện ngắn: Bánh tráng dừa

05:02, 04/02/2024

Hai mươi tháng Chạp, chị Hoài đi chợ mua được chục bánh tráng dừa ngọt để đem về làm quà cho má chồng nay đã hơn 80 tuổi. Thứ quà quê không nhiều giá trị nhưng cũng là thứ mà đã lâu chị mới gặp được ở chốn thị thành này.
 

THỦY NGUYỄN
Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Hai mươi tháng Chạp, chị Hoài đi chợ mua được chục bánh tráng dừa ngọt để đem về làm quà cho má chồng nay đã hơn 80 tuổi. Thứ quà quê không nhiều giá trị nhưng cũng là thứ mà đã lâu chị mới gặp được ở chốn thị thành này.

- Má ơi! Má coi con mua được gì nè!
Không ai trả lời. Chị kiếm khắp nhà không thấy má chồng đâu liền cuống cuồng gọi điện thoại cho chồng về ngay.
 
Anh Trung chồng của chị là con trai Út của bà Hai, lại là con trai một. Nhà chỉ còn lại mấy chị gái đều đã lấy chồng xa yên bề gia thất từ lâu, có người còn theo chồng về tuốt ngoài Bắc. Bà Hai đành chấp nhận đóng cửa nhà vườn ở quê để lên thành phố ở cùng anh chị đã mười mấy năm nay, từ sau cái ngày gả đứa con gái nhỏ nhất của mình. 
 
Thời gian đầu vì vẫn còn sức khỏe, bà thường lên xe khách qua lại quê cũ, đi đi lại lại cũng đỡ nhớ nhà. Nhưng cơn bạo bệnh hai năm trước khiến cho sức khỏe bà giảm sút nhiều, tay chân cũng trở nên yếu ớt, nên anh chị không còn đồng ý để bà đi một mình như vậy nữa.
 
Tuổi tác đã cao cộng thêm căn bệnh hơi lẫn của người già khiến cho bà cụ suốt ngày bị nhốt trong không gian của ngôi nhà nhỏ. Chỉ khi chiều về, đám con cháu đi làm về quây quần chăm sóc mới khiến cho bà đỡ quạnh quẽ đôi phần.
 
Thường ngày khi anh chị đi làm sẽ nhờ một em gái hàng xóm tới coi chừng má, tiện thể chạy chân trong những lúc bà cần người sai biểu. Nhà cũng có hơi người, nhưng không hiểu sao má chồng chị vẫn có vẻ không vui, bà hay thở dài than buồn.
 
Vợ chồng anh cố gắng động viên bà, ngày cuối tuần vẫn cùng hai người con trai năm nay vào tiểu học đưa bà đến những chỗ vui chơi để giải trí. Nhưng bà đi một lần rồi từ chối hẳn luôn. Bà nói, bà sợ ồn, sợ người.
 
Bà Hai không thích đi chơi nên từ đó anh chị cũng hạn chế đưa bà ra ngoài, chỉ cố gắng lúc công việc rảnh rỗi ở bên cạnh bà nhiều hơn. Nhưng hình như trí nhớ của bà đã bắt đầu có vấn đề nặng, trở nên lúc nhớ lúc quên. Có một lần, bà còn không nhớ ra mình đang ở đâu và đây là nhà của ai, mở cửa đi một mạch đến tận đầu hẻm làm em gái hàng xóm sợ xanh cả mặt.
 
Anh chị Hoài vô cùng lo lắng, vội vàng đưa bà đi khám. Bác sĩ nói đây là chứng bệnh lão, không có biện pháp điều trị hiệu quả, chỉ khuyên gia đình nên quan tâm và để mắt trông chừng bà nhiều hơn.
 
Anh chị vâng dạ, cũng muốn để tâm chăm sóc bà nhiều hơn. Nhưng cuộc sống còn nhiều lo toan với cuộc mưu sinh, nếu cứ chăm chăm bên cạnh bà thì sao có thể nuôi sống gia đình. 
 
Gần tháng nay, ti vi đã bắt đầu phát những bài nhạc xuân rộn rã, phố phường bắt đầu tấp nập nhiều hơn, má chồng chị lại bắc cái ghế ra đàng trước ngắm nhìn người qua lại.
Anh Trung láng máng nhận ra má anh đang cô đơn và mong mỏi một điều gì đó.
 
Mỗi lần nhìn thấy tấm lưng gầy gò cùng ánh mắt xa xăm của má, anh thấy nhói lòng nhưng chỉ có thể nuốt nước mắt làm như không hiểu.
 
- Hôm qua tự dưng má nói với em là thèm bánh tráng ngọt quá, cho nên hôm nay em tạt qua chợ, kiếm khắp hết mấy cái quầy hàng mới mua được chục bánh. Ai biết về nhà không thấy má đâu. Sáng con Hương có việc bận ở trường nên nó xin phép nghỉ, em thấy má ngủ rồi mới tranh thủ đi. Ai có dè… Tại em hết! Má ơi!
 
Chị Hoài vừa lo vừa tự trách, quýnh quáng tới độ phát khóc lên. Bình thường chồng chị đầm tính lắm, chưa bao giờ lớn tiếng với vợ con câu gì. Nhưng chị biết, chuyện liên quan tới má chồng thì anh chưa chắc đã bình tĩnh được. Vì má đối với anh quan trọng hơn tất cả.
 
Chồng chị vẫn hay thủ thỉ với chị từ ngày mới yêu:
- Ba anh mất sớm, từ lúc mà anh còn trong bụng má lận. Là má cùng đôi bàn tay chai sần tần tảo nuôi năm chị em của anh khôn lớn. Mùa cấy má ra đồng cấy lúa mướn từ hai giờ sáng, đi cho tới trưa mới về.
 
Mùa giáp hạt không có việc làm thì mò cua bắt ốc đổi gạo hay trứng vịt cho chị em anh. Ai kêu gì má cũng làm, chỉ mong đong cho đầy khạp gạo, mua cho chị em anh cuốn tập, cây viết để đi học. Anh thương em, anh có thể cho em tất cả. Chỉ mong nếu em thương anh, hãy cùng anh cũng thương má nghen em!
 
Chị nhìn đôi mắt đỏ hoe đầy khẩn khoản của anh, bỏ qua mọi nghi ngại cùng anh xây tổ ấm. 
“Yêu ai yêu cả đường đi lối về”. Chị thương anh nên thương yêu má chồng như má ruột. Má anh cũng vì thương anh, đem tấm lòng chân thành đối đãi chị không khác gì con gái. Hai người phụ nữ, vì thương yêu một người đàn ông mà luôn tìm cách dung hòa và nhường nhịn nhau, cùng cho anh Trung một mái nhà bình yên.
 
Sau khi chạy khắp xóm vẫn không thấy má, đương khi anh Trung tính tới chuyện báo công an để nhờ hỗ trợ thì chợt nghe thấy tiếng loẹt xoẹt bên hông nhà. 
- Má đang làm gì ở ngoài này vậy má? 
 
- Út về rồi hả con? Đi học mệt hông? Đợi má làm xong mấy cái liếp phơi bánh rồi má xay bột, má tráng bánh cho mà ăn nghen. Má biết con khoái ăn bánh tráng ngọt có rắc mè. Con Ba, con Tư thì ăn bánh tráng dừa. Từ từ đi, má làm hết! Gạo má ngâm rồi kìa. Đảm bảo năm nay cho tụi con ăn thả ga luôn hen!
 
Anh nhìn nụ cười móm mém với đôi mắt sáng lấp lánh của má, nhìn chậu gạo má đã vo rồi ngâm bên sàn nước, lại nhìn cây dừa kiểng mình trồng trong mảnh vườn nhỏ bị thiếu mất một tàu lá thì hiểu ra tất cả. Lúc này tàu lá dừa tươi đã được má tách ra làm hai rồi đan nó thành cái liếp phơi bánh tráng. 
 
Má nhớ quê, cũng nhớ ra đây là thời gian vào mùa tráng bánh Tết.
Anh run run đỡ má dậy, nở một nụ cười méo xệch trong làn nước mắt:
- Má, mình vô dọn đồ về quê hen. Con kêu chị Hai nói chú Tám qua đào đất đắp cho má cái lò xịn đặng tráng bánh ha? Rồi má được dịp trổ tài tráng đã đời luôn, hen!
 
Bà Hai vịn tay anh đứng dậy, lúi húi bước mau vô nhà. Vừa nghe hai chữ về quê thì bà giống như được tiêm chục liều thuốc bổ, cả người tràn trề sinh lực.
 
- Nhớ coi chừng em gái con nhen. Nó khoái ăn bánh tráng nhúng lắm, lần nào cũng đem nhúng vô kiệu nước mưa của má, vài bữa thúi hoắc luôn. Dặn con Tư nướng bánh xa đống rơm nữa, làm cháy lan là Hai mày nó quánh bầm mình, má can hổng được à…
Đương nhiên là Trung biết má đang nói tới chuyện gì. 
 
Mấy mươi năm qua đi, ký ức về lần nghịch dại của mấy chị em anh vẫn in hằn trong tâm trí má.
Lần đó vào mùa thu hoạch lúa, má bận bịu đi mót lúa suốt ngày ở ngoài đồng, đàn con nheo nhóc được giao lại cho con gái lớn vừa tròn 12 tuổi coi giữ.
 
Chị Tư, người chị lớn hơn anh vì đốt lửa nướng bánh, bất cẩn làm cháy lan ra cây rơm kế bên nhà. 
Lửa cháy ngùn ngụt, sắp lan tới ngôi nhà lá tả tơi, cả đám trẻ quíu lại kêu khóc. Má đang ở ngoài đồng nghe loáng thoáng người ta báo nhà mình có cháy, vậy là vừa đi vừa lết mới về tới nhà, miệng không ngừng kêu các con:
 
- Hai ơi, Ba ơi, Tư ơi, Út ơi! 
Đám cháy được hàng xóm chung tay dập tắt kịp thời, chỉ có đống rơm kế nhà là cháy thành tro. May mà nó không lan tới nhà họ, không thôi Tết năm đó ngay cả cái chỗ chui ra chui vào của mấy mẹ con cũng không còn.
 
Lần đó má không đánh đòn chị Tư mà để cho chị Hai làm việc đó, nhưng cũng tuyệt đối không can ngăn chị. Má thương con không nỡ đánh, nhưng muốn các con vì đau mà có bài học nhớ đời. 
 
Chị Hai vừa đánh em vừa khóc, chị Tư cũng khóc mà út Trung của má cũng đứng khóc tu tu. Không có đứa nào khóc vì đau, mà khóc vì bàn chân tóe máu của má lúc gấp rút chạy về muốn cứu đàn con thơ.
Anh biết má đang sống trong những kỷ niệm, cực khổ nhưng ngọt ngào.
 
- Mai má ra vườn cắt lá dứa, lá cẩm làm bánh tráng ngọt đủ màu cho con. Mai mượn chú Tám leo hái chục dừa rám sên mứt nữa… 
Má bước qua ngạch cửa, cái miệng móm mém không dứt với những dự định. Anh Trung chỉ có thể gật đầu lia lịa, nghẹn ngào không nói được thành lời. 
 
Trong ký ức của má không hề có những ngày khổ cực, chỉ có những tháng ngày hạnh phúc đầm ấm bên đàn con thơ.
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh