Truyện ngắn: Vị Tết

06:01, 21/01/2024

Gió xuân nhè nhẹ thổi. Bước vào tháng Chạp, cả khoảng sân trước nhà rực sắc hoa trong nắng.
"Nắng hôm nay tốt quá má hén, hai xâu lạp xưởng phơi đầu tiên chắc hết hôm nay mình đem vào được rồi".

TUYẾT LUÔN VÕ
Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng
Gió xuân nhè nhẹ thổi. Bước vào tháng Chạp, cả khoảng sân trước nhà rực sắc hoa trong nắng.
“Nắng hôm nay tốt quá má hén, hai xâu lạp xưởng phơi đầu tiên chắc hết hôm nay mình đem vào được rồi”.
 
“Ừa, bây coi chiều lấy đem vào đi, nắng tốt lạp xưởng lên màu đều cũng mừng”.
Má vừa nói vừa vắt thêm hai dây lạp xưởng mới làm lên sào. Năm nào cũng vậy, cứ vào lối tháng Chạp là nhà tôi lại tất bật chuẩn bị Tết. Lạp xưởng không khó làm, siêng một chút thì ai cũng làm được nhưng ngon hay dở lại tùy vào kinh nghiệm của mỗi người. Má tôi có nghề làm lạp xưởng hơn 20 năm, từ lúc tôi còn bi bô tập nói.
 
Ai trong xóm cũng công nhận lạp xưởng má tôi làm là ngon nhất. Lúc đầu má chỉ làm để ăn và biếu bà con hàng xóm. Sau này hàng xóm thấy ngon khuyên má làm bán nhưng ba tôi không cho. Sợ má cực.
 
“Dì Ba ơi, dì Ba gói bánh chưa?”
Cô Sáu và bà Tám đầu đội nón lá đứng phía sau hàng rào hoa quỳnh anh gọi má tôi.
“Chưa, có ai phụ đâu mà làm. Con Lành nó dở tệ”.
 
Tôi cười sượng trân nhìn cô Sáu với bà Tám cũng đang nhìn tôi cười. Tôi gật đầu chào hai người rồi chạy vào nhà.
Ngày mai là giỗ của ba tôi, thời gian trôi nhanh thấm thoát ba tôi đã mất hơn mười năm.
***
“Ba về rồi, hôm nay ba chạy được mấy cuốc xe? Có khách sộp không ba?”
“Cũng lai rai, khách cho bịch chùm ruột có tính là khách sộp không?”
 
Ba tôi cười đưa bịch chùm ruột chừng 3 ký cho tôi xách. Tôi cười méo xệch, khỏi cần hỏi khách đó là ai tôi cũng biết người cho là bà Tám ở đầu ngõ. Nhà bà Tám có cây chùm ruột trái sai nặng trĩu cành.
 
Bà cũng thường kêu tôi sang nhà hái đem về cho mẹ xào mứt, mà tôi ngán con chó phèn nhà bà nên chỉ ậm ừ cho qua chứ không dám nói thẳng là con phèn nhà bà Tám như có thù với con. Mỗi lần má tôi biểu đem gì cho bà, tôi vừa đến cổng rào là con phèn từ trong sân đã sủa inh ỏi, gầm gừ nhìn tôi đe dọa làm tôi sợ chết khiếp.
 
Cả nhà quây quần bên mâm cơm, tôi chưa kịp gắp miếng lạp xưởng thì bị má mắng. Má bảo tôi ra bưng cái dĩa lạp xưởng mà tôi tự làm lên ăn. Ba nhìn tôi hoài nghi. Tôi mếu máo.
“Con đem lạp xưởng đi chiên là đúng mà phải không ba? Nó khét là tại dầu bắn vào tay con nè, con sợ quá né ra xa cho nên…”
 
“Con Lành mới bao nhiêu tuổi mà bà bắt nó vào bếp, phỏng tay phỏng chân nó thì làm sao?”
“Tầm tuổi nó ngày xưa tôi đã biết nấu cơm, làm cá, nấu đồ ăn ngon ơ kia kìa. Ông cứ chiều chuộng rồi sau này làm dâu người ta mắng cho”.
 
Ba gắp cho tôi hai miếng lạp xưởng đã được má cắt thành miếng vừa ăn đặt vào chén của tôi. Tôi đỏ mắt nhìn ba cảm động. Ba lại gắp cho tôi thêm miếng nữa rồi bảo sau này phải siêng năng chăm chỉ việc bếp núc hơn, nhất là mấy món tôi thích ăn thì cần phải học làm cho giỏi.
 
Tự mình làm ra được món mình thích thì sau này muốn ăn lúc nào cũng được, không cần phải chờ đợi hay nhìn sắc mặt của ai. Rồi ba quay sang vỗ về má, khen má làm món gì cũng ngon, nấu món gì cũng giỏi. Má được ba rót mật vào tai nên cơn giận cũng nguôi ngoai, mỉm cười làm má lúm đồng tiền hiện ra sâu hoắm.
 
Tôi giống má nên cũng được cái má lúm, mỗi lần cười chúng bạn thường ghen tị với tôi. Tâm trạng được xoa dịu nhưng má cũng không quên nhắc nhở tôi lần nữa. Má nói mỗi vùng miền có cách làm riêng, mỗi người có sở thích ăn uống riêng.
 
Chiên lạp xưởng như cách làm của tôi cũng được nhưng chỉ sợ lạp xưởng không chín đều, lại thêm dầu mỡ nhiều ăn mau ngán. Má dạy cho tôi cách làm chín lạp xưởng ngon nhất chính là luộc lạp xưởng với nước cho đến khi nước cạn hết, lạp xưởng tươm mỡ rồi nhanh tay lăn đều lạp xưởng sau đó tắt bếp. Cách chế biến này làm lạp xưởng chín đều, mềm và ăn không ngán.
 
“Nhớ kỹ lời má dặn, lần sau đừng làm sai nữa biết chưa? Lỡ đâu không có ba ở bên cạnh thì không ai bênh vực cho con đâu”.
Ba cười gõ nhẹ ngón tay lên đầu tôi. Và đó cũng là nụ cười cuối cùng ba dành cho tôi, mỗi lần nhớ đến tôi lại không kiềm được nước mắt…
 
Năm đó, cũng vào những ngày tháng Chạp, khi ai ai cũng đang tất bật chuẩn bị đón Tết, đón người thân đi làm ở xa về nhà sum họp, thì gia đình tôi lại đón nhận hung tin.
 
Hôm đó, má đang loay hoay với chảo mứt chùm ruột, còn tôi đang tưới nước cho mấy chậu hoa vạn thọ thì chú Mười bạn chạy xe ôm với ba ghé nhà. Chú hớt hãi chạy vào nhà vừa nhìn thấy tôi chú hụt hơi bảo:
 
“Lành, má mày đâu? Ba này bị tai nạn giao thông, kêu má ra chú chở đi bệnh viện gấp!”.
Cái thùng vòi trên tay rơi bộp xuống đất, tôi hốt hoảng chạy vào nhà gọi má.
Hôm nay ba tôi có cuốc xe ôm chở khách lên tỉnh, bận về lúc chờ đèn đỏ ở ngã tư, xe của ba và của nhiều người nữa bị xe container mất thắng tông mạnh. Ba tôi không qua khỏi…
***
“Nhà phơi lạp xưởng đầy sân kia là nhà cô Lành đó cậu”.
Tôi đang loay hoay thì loáng thoáng có ai đó gọi tên mình, ngẩng đầu nhìn về phía ngoài hàng rào. Một cô nhóc cột tóc đuôi gà, trên đầu có thêm bờm tóc gấu dâu đang mỉm cười nhìn tôi vẫy tay. Con bé là My, học trò của tôi. Sáng hôm qua con bé có hẹn với tôi hôm nay sẽ sang nhà mua lạp xưởng ủng hộ. 
 
“Cô Lành bán cho con 5 ký lạp xưởng thượng hạng nha”.
Tôi trộm nhìn người đàn ông đi bên cạnh bé My, tôi đoán là ba của nhỏ. Những lần họp mặt phụ huynh, người đến luôn là mẹ của bé cho nên tôi chưa biết mặt ba của bé.
“Nhà tôi chỉ có một loại lạp xưởng này thôi, anh thật sự muốn mua 5 ký hả?”
 
Tôi chờ đợi người đàn ông trả lời nhưng anh ta cứ nhìn tôi không chớp mắt, ánh mắt đó làm tôi hơi bối rối.
“Cậu Út mua nhiều ủng hộ cô giáo con đi, lạp xưởng nhà cô giáo con làm ăn là đúng vị Tết luôn”.
Người đàn ông mỉm cười chất vấn bé My.
 
“Vị Tết là vị gì?”
“Vị Tết là vị Tết thôi ạ. Tết ăn lạp xưởng ngon là vị Tết rồi còn gì. Cái gì đặc trưng của Tết thì đều là vị Tết”.
 
Bé My đắc ý giải thích cho cậu Út nhưng cũng không quên nhìn cô giáo chờ khen ngợi.
Tôi mỉm cười xoa đầu bé My, nhỏ thuộc bài hơn tôi nghĩ. Dĩ nhiên những lời cô bé vừa nói đều là những gì tôi từng dạy trên lớp. Đều làm tôi ngạc nhiên hơn người đàn ông đi cùng lại không phải ba của bé như trong suy nghĩ của tôi.
 
Tôi đưa bé My và người đàn ông vào nhà ngồi rót ly trà, mời ít mứt chuối và mứt dừa má tôi vừa làm hôm qua. Bé My hai tay cầm hai loại mứt đưa lên trước mặt người đàn ông.
“Vị Tết nữa nè cậu”.
 
Người đàn ông cười, nụ cười làm lộ ra cái răng khểnh. Vậy là hôm ấy tôi bán được 5 ký lạp xưởng và được đặt hàng thêm 4 ký mứt gồm mứt chuối và mứt dừa. Dù tôi đã nói mình không làm mứt bán nhưng bé My cứ nài nỉ rồi khen lấy khen để, đúng lúc má tôi đi chợ chiều về nghe được nên má tôi nhận lời làm luôn.
***
“Tôi chỉ lấy tiền 4 ký mứt anh đã đặt còn keo củ kiệu, keo mứt chùm ruột là tôi tặng. Anh ăn cho đủ vị Tết quê nhà”.
 
Tôi cười đưa cho anh túi mứt, chỗ quen biết lại là mối quen nên má tôi cũng không tính toán nhiều. Còn tôi thì thương bé My hơn sau khi biết hoàn cảnh của em thông qua lời kể của người đàn ông đang ngồi đối diện.
 
Tôi cứ nghĩ ba My đi làm xa như lời My thường nói với tôi hay khi có bạn bè hỏi đến. Nhưng hóa ra ba của em đã mất vì tai nạn giao thông từ lúc em vừa chào đời. Tôi nghe mà thương, tôi hiểu rõ hơn ai hết một đứa trẻ không có ba sẽ tủi thân thế nào.
 
“Cô Lành tốt bụng quá, hèn gì cháu tôi lúc nào cũng nhắc cô”.
Tôi chưng hửng thất thần vì nụ cười làm lộ ra răng khểnh của anh lần nữa. Nụ cười quen thuộc nhưng đã mười năm tôi chưa từng nhìn thấy thêm một lần nào, có lúc giật mình thức giấc nửa đêm lại cồn cào nỗi nhớ về người đàn ông có nụ cười thương nhớ ấy.
 
Tôi nhẹ bước ra khỏi phòng vừa định thắp nén hương cho người đàn ông trong di ảnh đang nở nụ cười làm lộ ra hàm răng khểnh thì hóa ra má tôi đã đứng đó tự khi nào. Thấy tôi, má liền hỏi.
 
“Cậu trai này có nụ cười giống ba mày quá phải không Lành?”
Tôi nhận ra cậu Út của My có nụ cười rất giống ba tôi. Có lẽ đều này là lý do má tôi hào sảng tặng thêm hũ củ kiệu má để dành biếu hàng xóm thân thiết.
 
Lúc ra về, tôi bảo anh về nói với vợ anh, bữa nào có thời gian rảnh thì sang nhà má tôi chỉ cho cách làm lạp xưởng ngon. Nào ngờ anh cười tươi.
“Tôi chưa lập gia đình cô Lành ơi. Vậy đợi ngày lành tháng tốt, tôi sang nhà, cô Lành chỉ cho tôi nhé!”.
 
Gió xuân nhẹ thổi làm những nụ mai vừa hé cũng đưa hương theo gió, mang theo cả vị Tết nồng nàn, đón chào mùa xuân gõ cửa…
 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh