Truyện ngắn: Món "quà Tết"

04:01, 01/01/2024

Sáng hôm ấy trên sông Cái Tắc tiếng máy tàu quân sự địch di chuyển rất ồn ào khiến bà con các xóm chòi còn bám trụ trên cánh đồng hai bên bờ sông lo lắng.
 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng
HỒNG ĐÀO 
Sáng hôm ấy trên sông Cái Tắc tiếng máy tàu quân sự địch di chuyển rất ồn ào khiến bà con các xóm chòi còn bám trụ trên cánh đồng hai bên bờ sông lo lắng.
 
Bỗng có tiếng nổ kinh hồn vang lên tại vùng giáp nước, rồi rộ lên dữ dội tiếng nổ của đủ loại đạn, “đánh tàu rồi!” ai nấy mừng rỡ báo nhau, có người bình luận “đáng đời, còn hơn tháng nữa là Tết còn đi quấy phá!”.
 
Trưa hôm đó huyện ủy và huyện đội tức tốc cử người xuống các xã xung quanh vụ đánh tàu dò hỏi tin tức đều nhận được câu trả lời “đang theo dõi”. Một việc lớn như thế mà nhiều ngày sau nữa ngoài các thông tin về thiệt hại của địch còn ai đánh tàu thì hai cơ quan lãnh đạo này của huyện vẫn mù tịt, một việc chưa từng có ở đây…
 
***
Vừa bước vào quán của bà Hai Nước Mắm- cái quán độc nhất của xóm chòi còn bám trụ trên cánh đồng tiếp giáp với mấy khu vườn bên bờ sông Cái Tắc- Hai Sậy tròn mắt khi nhận ra Tư Sún cũng đang ở đó. Hai người mừng rỡ nhảy cửng lên ôm chầm lấy nhau, Tư Sún nói không ra hơi: “Tao tưởng mầy tiêu rồi!”. Hai Sậy thì nước mắt lưng tròng, thấy tức cười bà Hai chủ quán nói to: “Bộ tụi bây hát cải lương hả…”.
 
Nói thế chớ bà thấy có gì đó lo lo cho hai khách hàng trẻ tuổi của mình, vì gần một tháng trước họ có gửi bà mua mấy lố pin đại mà trả toàn giấy bạc lẻ thẳng băng như tiền để dành, biết họ ở gánh ông Ba Lò Rèn bà không hỏi, nhưng rồi tiếp đó có vụ đánh tàu kỳ lạ, rồi cả việc họ biến đâu mất gần hai tuần qua mà gặp lại thì như thế…
 
Gánh ông Ba Lò Rèn là một cơ sở hơn chục người, nhìn qua chỉ hơn một cái lò rèn một chút nên không thấy ai thắc mắc họ trực thuộc xã hay huyện khi về đóng trong một khu vườn bên kia bờ sông Cái Tắc xéo xéo với cái quán chòi đồng của bà Hai bên này sông. Cái “lò” này chuyên làm đủ loại vũ khí thô sơ từ chông sắt đến các loại trái nổ hay sửa chữa các loại súng.
 
Còn Tư Sún và Hai Sậy là hai người trẻ nhất trong nhóm có vẻ rất thân thiết nhau. Tư Sún người thấp đậm lanh lợi, anh ta cũng có tên riêng nhưng bị gọi như thế vì té gãy mất hai cái răng cửa sau một lần cùng du kích xã đón đánh bọn bảo an huyện đi càn.
 
Ngược lại, Hai Sậy thì ốm mà cao hơn một thước tám, trước đây người trong đơn vị hay gọi đùa anh ta liền với cụm từ “con lãi Đông Dương” xem ra khá dài và khá mích lòng, nên sau đó phải hạ thành Hai Sậy, tức ốm nhách như cây sậy…
 
Có điều tuy không ai đẹp trai nhưng cả hai rất siêng năng và nhất là kỹ tính nên được thủ trưởng Ba Lò Rèn tín nhiệm phân công ở tổ chuyên đụng đến chất nổ. Ở đâu không biết chớ du kích các xã quanh cái “lò rèn” này rất mê những trái mìn gạt làm từ các đầu đạn đại bác 105 ly và 155 ly bị lép do Tư Sún- Hai Sậy làm ra…
 
Có câu chuyện dính đến một trái mìn gạt của họ như vầy: sông Cái Tắc dài khoảng 30 cây số, nhưng là một con sông sâu nước chảy khá mạnh do hai đầu nó nối với hai con sông lớn.
 
Đây là con đường giao thông quan trọng nên khi tiến hành “bình định” địch đóng ở hai đầu con sông này hai cái đồn, một cái là đồn cấp đại đội do một tay trung úy già ác ôn làm trưởng đồn. Trước áp lực này, một hôm xã đội trưởng của xã có cái đồn lớn đến gặp ông Ba Lò Rèn đề nghị ông giúp một trái mìn xịn dùng cho một trận đánh. Anh ta nói nhỏ với ông Ba:
 
Họ biết là hễ gần cuối tháng bọn lính ở đồn lớn bài bạc hết tiền hay kéo ra ngoài đồn để cướp gà vịt của dân, nhất là ở ấp Bưng Lớn.
 
Để vào ấp này có con đường khô ráo là một bờ xoài đi xuyên qua các khu vườn cây thấp, du kích xã đã không ít lần chạm với bọn lính đồn ở đây, có lần họ dồn được chúng vào một góc vườn, nhưng thoáng một cái chúng biến mất như biết “độn thổ”.
 
Sau đó trở lại trận địa họ mới biết ở góc vườn này có một hố bom, địch thất thế rút xuống đó tránh đạn rồi theo một mương nhỏ lấy nước vào hố bom để rút ra một con rạch. Cách độn thổ của địch là như vậy! Nghe đến đó ông Ba vỗ đùi cái bốp, tuyên bố: “Tao góp phần một trái mìn gạt thật ngầu là một đầu đạn pháo 105 ly”.
 
Không lâu sau đó đội du kích của xã đội trưởng này đã có một trận đánh phục kích bọn lính đồn tại khu vườn đó, bị khốn đốn chúng theo bài bản cũ rút xuống cái hố bom để thoát thân và trái mìn gạt có dấu tay của Tư Sún- Hai Sậy được gài trong các bụi lục bình giữa hố bom đã góp phần xóa tên hơn mươi tên địch, trong đó có cả ngài trung úy già…
 
Từ khi con sông Cái Tắc bị “bịt kín” hai đầu bởi hai đồn địch, lực lượng ta phải mở con đường vận chuyển mới đi ngang qua vùng giáp nước ở đoạn giữa- đoạn có hai cái vàm của hai con rạch lớn nằm ở hai bờ chếch nhau khoảng hơn trăm thước rẽ đi hai hướng ngược chiều nhau.
 
Ai cũng nghĩ đó là phương án tạm thời, vì đây là con đường thủy đi tắt của cả vùng mà hàng tháng địch đang dùng một tàu sắt đi qua để phát lương cho các đồn xa chi khu, nhất định chúng sẽ đóng thêm vài cái đồn nhỏ nữa để kiểm soát hoàn toàn con sông. 
 
Cái hôm ông Ba Lò Rèn họp lãnh đạo của đơn vị bàn việc kết hợp với xã chống địch đóng đồn lấn chiếm, thì ở sau nhà Tư Sún và Hai Sậy thống nhất được một chuyện bí mật.
 
Số là sau khi dự khóa bồi dưỡng của tỉnh mấy tháng về chế tạo các loại mìn và thủy lôi, về nhà vẫn cứ “bổn cũ soạn lại” là lựu đạn với mìn gạt khiến họ cảm thấy… ngứa ngáy tay nghề! Nỗi bứt rứt này bùng nổ khi có vụ sạt lở bờ sông tại một cái voi đất của con sông này làm một trái bom lớn do máy bay địch dội xuống đây bị lép bây giờ lại lòi ra gần như lộ thiên.
 
Không khó để gánh ông Ba Lò Rèn vô hiệu hóa ngòi nổ trái bom và bè nó về, công việc quan trọng còn lại là cưa bom để lấy thuốc nổ, lần này ông Ba cũng giao cho Tư Sún và Hai Sậy. Phải mất mấy ngày cù cưa với mấy lưỡi cưa sắt họ mới làm trái bom nặng hơn 200 ký đứt làm đôi đóng góp cho cái lò rèn này gần 100 ký thuốc nổ.
 
Chính vì ngứa ngáy tay nghề cộng thêm cái khối thuốc nổ chết tiệt từ trên trời rơi xuống đó đã khiến cho Tư Sún và Hai Sậy trong lúc cưa bom đã nghĩ ra một chuyện bốc đồng: Tạo một trái “thủy lôi” làm “quà Tết” cho chiếc tàu sắt đi phát lương kia để vừa thử tay nghề vừa trị cái tội hay bắn phá bừa bãi hai bên bờ khi đi qua!
 
Suy đi tính lại, họ bàn nhau phải lén làm vì nếu đề nghị ra tập thể rất rắc rối! Mọi việc chế tạo trái thủy lôi được họ chuẩn bị khẩn trương: vỏ trái đã có sẵn một thùng sắt tròn vỏ khá dày, trước kia không biết dùng đựng thứ gì, từ lâu bị bỏ lăn lóc bên hè.
 
Thùng này đủ sức chứa phân nửa lượng thuốc nổ họ vừa lấy ra từ trái bom. Ngòi nổ và dây điện thì lén “tạm ứng” từ kho của đơn vị. Pin kích nổ thì đặt hàng từ quán bà Hai Nước Mắm.
 
Với tay nghề khá vững cộng kiến thức mới học cùng với cái vỏ bọc vừa được giao sản xuất một lô mìn gạt mới- mà làm các loại này phải ở nơi ít người lui tới- đã giúp cho việc làm trái nổ đánh tàu của họ hoàn thành mau chóng rồi đem đi giấu ở bờ sông.
 
Điểm đánh tàu Tư Sún và Hai Sậy chọn chỉ cách nơi bắt đầu đi vào vùng giáp nước một đoạn ngắn. Đây là đoạn sông có thủy triều khá phức tạp do thường xuyên có các nguồn nước chảy ngược chiều nhau nên nó dần phình lớn ra và nhất là có mực nước sâu rất cần có để nhấn chìm các con tàu nhỏ.
 
Cố định trái nổ là chuyện khá đơn giản: họ neo chặt nó vào một cái giá làm bằng ba đoạn tre cột chéo nhau găm sâu xuống lòng sông. Việc còn lại là đợi khi nước ròng sát lặn xuống đáy sông để chôn dây điện hướng về một cái hầm họ vừa mới đào sát bờ bên kia sông được ngụy trang kỹ lưỡng.
 
Hầm có hai miệng ở hai đầu, một miệng ra hướng sông dành cho người quan sát trận địa, được giao cho Tư Sún, miệng kia ở hướng ngược lại dành cho người giữ bộ phận điểm hỏa là của Hai Sậy. Ngày hành động là các ngày đầu tháng mà con tàu sắt kia đi qua đây theo quy luật.
 
Một ngày chậm chạp trôi qua sau khi con người và trái “thủy lôi” đã vào đúng vị trí, nhưng bóng dáng con tàu sắt đi phát lương của địch vẫn mất hút. Tư Sún và Hai Sậy lòng nóng như lửa đốt, suốt đêm đó gần như thức trắng.
 
Hôm sau trời chưa sáng họ đã ra trận địa, thời khắc chờ đợi như đông đặc, nước sông đầy tràn giúp họ nghe rất rõ các tiếng vang trên sông.
 
Bỗng cả hai nhổm dậy: có tiếng máy tàu quân sự chạy nghe ù u ù u dù còn rất xa. Không thể nhầm được, Tư Sún mừng rỡ lẹ làng leo lên cây xoài sát bên công sự để nhìn xa hơn, một lúc khá lâu tiếng Tư Sún gần như đứt đoạn báo với Hai Sậy: “Trời ơi, là… một đoàn tàu…”, Hai Sậy nhắc bạn: “Coi chừng tụi trực thăng”, nhưng Tư Sún vẫn lỳ lợm bám trên ngọn cây. Không lâu sau Tư Sún tuột xuống đến bên công sự bàn với Hai Sậy: “Ít nhất 5 tàu, tính sao?”. Hai Sậy chép miệng: “Lỡ rồi, chơi luôn!”.
 
Tiếng máy đoàn tàu rõ dần, họ vào vị trí chiến đấu nhưng rồi nóng ruột Tư Sún lại bỏ công sự bò ra ém trong bụi cây thấp sát bờ sông. Biết tính bạn, Hai Sậy yên lặng kiểm tra bộ phận điểm hỏa lần cuối.
 
Rồi tiếng máy của đoàn tàu rất rõ chứng tỏ chúng sắp vào trận địa, lúc này mới thấy Tư Sún bò trở lại vị trí, anh ta đưa nguyên bàn tay đủ năm ngón nói với Hai Sậy “Đúng 5 thằng, 2 thằng nhỏ đi đầu, 3 thằng lớn đi sau, đánh thằng nào?”.
 
Thoáng chút suy tính, Hai Sậy góp ý: “Đi đầu là thằng mở đường, chiếc nhỏ đi kế chắc mẻm chở bọn chỉ huy, tụi phía sau chở quân. Đánh thằng chỉ huy!”. Tư Sún gật đầu nói nhanh: “Tao giơ tay lên khỏi đầu là… chơi luôn! Rồi lại bò ra bờ sông...
 
Hai chiếc trực thăng yểm trợ đoàn tàu chiếc trước chiếc sau lướt sàn sạt qua đầu họ, Tư Sún vẫn lỳ lợm bám trong bụi cây. Trái tim Hai Sậy như muốn nổ tung khi nghe tiếng máy tàu chạy ồn ào trên sông xeo xéo công sự của mình mà anh đoán chắc có chiếc vừa qua chỗ họ đặt trái thủy lôi. Bỗng Tư Sún nhô mình đưa một cánh tay lên cao, chỉ chờ có thế Hai Sậy mím môi cho hai đầu dây điện chạm vào nhau.
 
Một tiếng nổ vang trời, nước sông bắn tung tóe lên rất cao tràn cả lên bờ làm ướt cả người và ngập cả công sự anh ta, gần như liền sau đó tiếng đủ các loại đạn rộ lên, Hai Sậy không kịp suy nghĩ bật lên khỏi công sự thoát ra khỏi trận địa trong tiếng đạn của mấy chiếc tàu và cả tiếng đạn và hỏa tiễn của hai chiếc trực thăng rít qua đầu… 
 
Kể từ giây phút đó hai người không gặp nhau, phải mấy ngày sau Hai Sậy mới nghĩ ra: khi trái thủy lôi phát nổ, phải hơn cả phút sau bọn địch trên các tàu còn lại mới hoàn hồn bắn trả tứ tung cầu may, nhờ vậy anh ta mới an toàn thoát ra khỏi trận địa, Tư Sún là người lẹ làng chắc còn chạy nhanh hơn!
 
Càng nghĩ Hai Sậy càng thấy họ có lỗi rất nặng, chuyện lớn như vậy mà các cơ quan xung quanh chẳng hề hay biết để phòng bị.
 
Qua các nguồn tin của du kích nỗi lo của anh ta càng lớn hơn khi biết đó là đoàn tàu địch đi đóng đồn ở đâu đó, sức công phá của trái thủy lôi của họ chẳng những đánh chìm chiếc tàu thứ hai họ muốn mà còn kéo theo chiếc tàu lớn thứ ba chở đầy sắt thép, xi măng…
 
Do lúc đó nước vực ròng chảy mạnh, chiếc tàu mở đường bị chậm lại làm hai chiếc đi kế bị dồn cục. Bọn địch phải đổ thêm quân, bắn phá rầm trời xung quanh không tiếc đạn, đưa thêm tàu cẩu chuyên dùng đến mà phải mất gần hai ngày trời để khắc phục hậu quả.
 
Càng nghĩ nỗi lo của Hai Sậy biến thành nỗi sợ khiến anh không dám trở lại đơn vị mình, suốt gần hai tuần lòng nặng trĩu anh đi hết nhà quen này đến nhà quen khác, không hiểu sao cuối cùng anh quay lại quán bà Hai Nước Mắm và mừng đến rơi nước mắt khi gặp lại người cùng cảnh ngộ là…Tư Sún! 
 
Cuối cùng bí mật của trận đánh tàu làm náo loạn cả vùng đã được bật mí bởi những con người thực hiện vào buổi chiều hôm đó tại quán bà Hai Nước Mắm có mặt của hai cán bộ địa phương bất ngờ đến quán, trong đó có anh bí thư xã. Nghe xong bà Hai cười to: “Công này có phần tao mua pin đó nghe…”. Còn anh bí thư thì nói: “Mấy hôm đó không tìm ra ai đánh tàu tôi đã nghi nghi gánh ông Ba Lò Rèn rồi, tôi sẽ báo ngay về huyện”.
 
Rồi anh quay sang Tư Sún và Hai Sậy, cười cười: “Hai ông bạn lớn gan lắm, may mắn là mọi người ở đây bình an. Bây giờ gấp gấp về báo cáo công trạng này với ông Ba Lò Rèn đi, hai ông chắc được ông Ba khen đậm đó, mà có thể còn được thưởng nóng cho một chuyến nghỉ Tết được về nhà luôn để rửa đít con nít vì cái tội vô kỷ luật!”.
* Phỏng theo một chuyện có thật ở một tỉnh phía Nam sông Hậu trong kháng chiến chống Mỹ.
 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh