Truyện ngắn: Học sinh cá biệt

10:01, 14/01/2024

Nơi tôi công tác là một trường tư mới mở. Ở đây mọi thứ đều rất đầy đủ, đáp ứng tốt tất cả những nhu cầu của người dạy và người học. Nếu nói về cơ sở vật chất thì chắc có lẽ ở tỉnh này không có trường nào qua được.

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

1. Nơi tôi công tác là một trường tư mới mở. Ở đây mọi thứ đều rất đầy đủ, đáp ứng tốt tất cả những nhu cầu của người dạy và người học. Nếu nói về cơ sở vật chất thì chắc có lẽ ở tỉnh này không có trường nào qua được.

Cũng vì thế mà học phí ở đây cũng khá đắt đỏ. Phần lớn các em học sinh trong trường đều là con của những gia đình khá giả. Phải chăng cũng vì điều đó mà trong trường cũng có nhiều học sinh hơi cá tính, nghịch ngợm hơn những trường khác. Tất nhiên, không phải tất cả đều như vậy. Vẫn có những em rất ngoan, học hành nghiêm túc và lễ phép.

Vào những ngày cuối học kỳ, lúc nào tôi cũng bận bịu với công việc. Nào là phải làm đề thi, rồi chấm bài, vào điểm… Khi xong tiết dạy trên lớp, tôi luôn tranh thủ đến phòng làm việc để tiếp tục những công việc ấy cho kịp tiến độ của trường. Đang loay hoay xếp lại một số bài kiểm tra của học trò vào trong góc tủ thì thầy Khoa giám thị gõ cửa bước vào phòng với vẻ mặt không vui. Thầy nói:

- Mời thầy chiều nay vào lúc 13 giờ 30 đến phòng giám thị để họp giải quyết một số vấn đề của học sinh lớp thầy vì đã vi phạm nội quy của nhà trường.

Nghe những lời của thầy Khoa, thật ra tôi không còn quá bất ngờ nữa vì chuyện này luôn luôn tái diễn. Hầu như tuần nào tôi cũng phải họp ít nhất một lần để giải quyết những sự việc của lớp. Những lúc đầu tôi cũng phát cáu.

Mỗi lần họp về, trong cơn nóng giận tôi hay lên lớp và la mắng ngay những em học sinh vi phạm. Nhưng dường như những hành động đó của tôi cũng không giải quyết được gì cả. Các em cũng không tốt lên được chút nào. Tôi tự đặt ra những câu hỏi trong lòng mình. Tại sao lại như thế?

Chả lẽ không còn cách nào khác? Phải làm thế nào đây? Tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ và tìm phương thức giáo dục khác phù hợp hơn với lớp. Tôi điềm tĩnh, nhẹ nhàng hơn nhưng cương quyết, có cả cương và nhu.

2. Đầu năm học, trường đã phân công cho tôi chủ nhiệm lớp 12A2. Có thể nói đây là một lớp hội đủ những học sinh có “cá tính” cả về học tập và nề nếp. Lúc đầu nhận lớp, tôi rất băn khoăn và có cả sự lo lắng.

Tôi không biết mình có đủ khả năng để dẫn dắt lớp đi lên hay không? Vì tôi cũng nghe nhiều giáo viên trong trường phàn nàn về lớp. Dường như giáo viên nào vào lớp này dạy cũng đều e ngại. Cũng có lần tôi dự định lên gặp ban giám hiệu để ngỏ ý từ chối nhận chủ nhiệm lớp.

Nhưng rồi tôi nghĩ nếu ai cũng như mình thì các em sẽ như thế nào? Chẳng lẽ lại bỏ rơi các em? Các em sẽ về đâu nếu như không có một người thầy đủ can đảm để dẫn dắt? Rồi tôi tặc lưỡi mặc kệ. Tới đâu hay tới đó. Cứ làm hết sức và đem tâm huyết của mình để đồng hành cùng các em thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.

Quả thật thời gian đầu tôi cũng stress với lớp rất nhiều. Các em vi phạm liên tục về học tập cũng như nội quy. Ngày nào tôi cũng thấy những lời phê dày đặc của giáo viên trong sổ đầu bài. Nào là không làm bài tập về nhà, không thuộc bài, không ghi bài, cãi giáo viên, rồi đi trễ…

Tôi cảm thấy phát cáu với những điều đó. Mặc dù ngày nào lên lớp tôi cũng thường xuyên nhắc nhở về chuyện học hành cũng như nề nếp và việc thực hiện đúng nội quy của nhà trường. Nhưng dường như mọi thứ đều vô nghĩa.

3. Tôi bước vào lớp với vẻ mặt đầy nghiêm nghị.

- Mời các anh, chị: Hải, Quốc, Minh, Quyên, Ngọc, Toàn sau giờ học xuống phòng giám thị gặp tôi.

Cả lớp đang ồn ào, nhốn nháo bỗng im bặt đi. Có vài em ngơ ngác không biết chuyện gì. Thậm chí đôi lúc các em vi phạm lỗi gì các em cũng chả nhớ nữa! Em Hải đứng dậy hỏi tôi:

- Em có lỗi gì mà thầy gọi tên em?

Tôi giận tím người với câu hỏi đầy thách thức đó. Nhưng tôi đã tự hứa với lòng sẽ kìm chế cảm xúc của mình khi giải quyết những sự việc với các em. Tôi tự trấn an mình và rồi điềm tĩnh hơn.

- Em muốn biết lỗi gì thì tí nữa lên gặp tôi. Ở đây chúng ta không tiện trao đổi vì sẽ gây ảnh hưởng đến thời gian học của những bạn khác- Tôi bảo Hải.

- Ok thôi thầy- Hải vênh váo.

Tôi không quan tâm nhiều nữa đến thái độ của em Hải nữa! Bởi lẽ có nói gì thêm lúc này thì cũng không làm cho em ấy hay các bạn khác tốt lên được. Tôi phớt lờ đi và bắt đầu vào bài học để không bị mất tiết của lớp.

Tiết học kết thúc, tôi đến trước phòng giám thị chờ các em ấy lên để làm việc. Vài phút sau các em đến. Riêng em Hải, tôi vẫn chưa thấy.

- Hải bỏ tiết ra ngoài rồi thầy- Một trong số các em nói với tôi.

Quả thật lúc này, tôi cũng không biết phải làm như thế nào. Học sinh nghịch tôi đã gặp nhiều trong bảy, tám năm đi dạy của mình. Nhưng học sinh như Hải quả thật làm tôi nhiều phen điêu đứng.

4. Tôi tìm đến nhà của Hải ở. Một căn nhà khá khang trang nằm ở trung tâm của thành phố. Cánh cổng được dát màu vàng óng. Bên trong sân là những chậu cây cảnh trang trí khá đẹp mắt. Tôi bấm chuông cửa thì có một người đàn ông tầm tuổi ngoài sáu mươi bước ra hỏi tôi:

- Anh tìm ai?

- Dạ cháu là giáo viên chủ nhiệm của em Hải. Bác cho cháu hỏi, đây có phải là nhà của em Hải không ạ?- Tôi đáp.

- Ừ đúng rồi! Cháu Hải đang ở với tôi.

- Vậy bác là ba hay là gì của Hải ạ? - Tôi thắc mắc.

- Anh nhìn sao mà bảo tôi là ba của Hải? Tôi là ông của nó đấy!- Người đàn ông mỉm cười bảo.

Rồi ông ấy mời tôi vào trong nhà để nói chuyện. Không gian bên trong ngôi nhà thật làm tôi choáng ngợp. Chưa bao giờ tôi thấy một căn nhà sang trọng đến vậy. Ở giữa phòng khách là một bộ ghế gỗ quý khắc chạm tinh xảo. Trên trần nhà là những chiếc đèn pha lê vô cùng lộng lẫy. Tôi ngỡ mình đang ở trong một cung điện nào đấy!

- Anh ngồi xuống đây uống nước.

- Dạ vâng.

- Sao nào? Hải ở trường nó gây ra chuyện gì rồi phải không?

- Dạ cũng có một vài chuyện ạ.

- Anh đến đây là tôi biết rồi!

Trao đổi một lúc thì tôi mới biết Hải là đứa con thiếu tình thương của ba mẹ. Dường như em rất lạc lõng giữa dòng đời. Ba mẹ em đã từng có thời gian chung sống cùng nhau.

Nhưng vì không hợp tính nên đã phần ai nấy đi. Ba của Hải đến với người đàn bà khác, và là người làm kinh doanh nên thường xuyên hay vắng nhà và gửi em lại cho ông bà nuôi dạy. Hải và ba em cũng không hợp tính nhau! Hai người gần nhau là sinh chuyện, to tiếng với nhau.

Có lần em cãi lại vì nghe ông ấy nói những điều không tốt về mẹ. Ông ấy tức giận đánh em mà không ai can ngăn được. Mặc dù cuộc sống hiện tại của Hải đủ đầy về vật chất, nhưng chưa bao giờ em cảm thấy đủ về tình cảm.

Những bữa cơm vắng bóng ba mẹ, vô cùng nhạt nhẽo. Ông bà của Hải thì lớn tuổi cũng không thể nào hiểu hết được em. Em cảm thấy chới với giữa dòng đời. Cuộc sống của em cứ bị cuốn theo những đám bạn xấu rủ rê, lôi kéo.

Tôi cảm thấy Hải đáng thương hơn là đáng trách. Sau lần đấy đến nhà em, tôi đã hiểu được ra nhiều điều và biết mình cần phải làm gì để giúp em tốt hơn. Tôi thường tìm cách tiếp cận, tâm sự và lắng nghe những câu chuyện của em, giúp em giải quyết những vẫn đề khó khăn trong cuộc sống cũng như trong học tập.

Ban đầu Hải tìm cách lảng tránh tôi. Nhưng với tâm huyết mình, tôi nhất quyết phải giúp Hải đi đúng quỹ đạo của cuộc sống và hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Dần dần em cũng cởi mở với tôi hơn. Tôi thấy sự tiến bộ của em từng ngày. Có lẽ việc tôi làm cho em đã bắt đầu cho kết quả tốt.

5. Từ câu chuyện của Hải đã làm tôi vỡ lẽ ra là có thể đầy đủ về vật chất, nhưng về tâm hồn, tình cảm thì chưa hẳn. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có tìm hiểu về gia đình của các em, lắng nghe các em nói thì mới hiểu được ngọn ngành. Vai trò của người thầy không đơn thuần chỉ dạy chữ, dạy người mà còn là người đồng hành cùng các em trên những chặng đường gian lao nhất.

May mắn năm ấy, lớp tôi chủ nhiệm đều đậu tốt nghiệp cả. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Riêng em Hải cũng đã nộp đơn đăng ký thi vào một trường kinh tế. Và em nói với tôi là sẽ quyết tâm để đậu được ĐH. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là một chuyến đò nữa đã sang…

NGUYỄN HOÀI ÂN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh