Mỗi khi nghe ai nói má tôi về đứng lơ ngơ trên bến nhìn xuống quãng sông rộng tấp nập ghe xuồng, tôi lại thấy tim mình nhói buốt. Ở cái bến chợ ấy, mùa xuân có biết bao nhiêu người từ phương xa về đoàn tụ, cũng có biết bao nhiêu người từ xóm chợ nhỏ trôi nổi này rời đi vì không muốn sống mãi cuộc đời lênh đênh phiêu bạt.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Mỗi khi nghe ai nói má tôi về đứng lơ ngơ trên bến nhìn xuống quãng sông rộng tấp nập ghe xuồng, tôi lại thấy tim mình nhói buốt. Ở cái bến chợ ấy, mùa xuân có biết bao nhiêu người từ phương xa về đoàn tụ, cũng có biết bao nhiêu người từ xóm chợ nhỏ trôi nổi này rời đi vì không muốn sống mãi cuộc đời lênh đênh phiêu bạt.
Tôi biết chắc người ta nói vậy vì thấy có ai đó giống má tôi, hoặc cũng có thể là má tôi trở về thật nhưng má vẫn chưa muốn đặt gót son hồng xuống chiếc ghe nhỏ đang bồng bềnh trên dòng sông mùa xuân êm đềm xuôi chảy.
Ba tôi hay nói, đời mình bão táp phong ba, nhờ dòng sông này cưu mang, cái chợ này che chở nên mới sống bình an qua ngày. Bởi vậy ba biết ơn dòng sông! Nhìn những con sóng điệp trùng đuổi nhau trôi về phía cửa sông, đổ ra dòng chính, ba thấy lòng mình rộn rã.
Ghe là nhà, sông là quê hương, thương hồ là láng giềng hàng xóm. Tôi lớn lên qua từng mùa nước ròng nước lớn. Cứ thấy gió xuân đan vào nắng, nước sông đầy và sóng dịu dàng hơn mọi khi, những chiếc ghe trở đầy hoa vạn thọ, mai vàng, mai tứ quý, cúc đồng tiền, dưa hấu... từ những kinh, rạch khác đổ về chợ nổi, là tôi biết mùa xuân trở về.
Tôi ngồi ngoài mũi ghe chải tóc. Tóc tôi dài hơn năm ngoái. Tôi cũng cao hơn năm ngoái, mỗi lần vào trong mui ghe tôi phải khom người xuống thấp.
Ba sợ tôi cúi người suốt nên lưng còng mà ông bà xưa hay ví như “lưng tôm” nên thi thoảng ba kêu tôi lên bờ đi đây đó cho thỏa thích. Tôi lắc đầu. Mười mấy năm sống trên chiếc ghe nhỏ tôi đã quen hơi. Nhiều lúc tự nghĩ, một lúc nào đó phải xa chiếc ghe này, chắc tôi buồn đứt ruột.
Chiếc ghe chứng kiến sự trưởng thành từng ngày của tôi. Tôi cũng chứng kiến được sự già nua của ba, dõi theo cái màu gỗ thâm trầm của chiếc ghe. Phía dưới đáy ghe hàu đóng thành một lớp dày, hôm rằm tháng Chạp, ba tôi cho ghe cập bờ rồi lặn xuống nước đục hàu dưới đáy. Bữa đó tôi với ba ăn cháo hàu nêm tiêu hành thơm lựng.
Tự dưng ba buột miệng nói một câu khiến tôi sững sờ: “Má bây thích ăn cháo hàu. Hồi đó, mỗi lần nấu cháo hàu, má bây mừng dữ lắm”. Như sợ khơi lên một nỗi niềm đã ngủ yên trong sâu thẳm lòng tôi, ba tôi giả bộ ho khan, nói hôm nay gió lớn quá, Tết đến nơi rồi.
Tôi lụi cụi dọn lại chiếc ghe. Thứ nào cần thiết tôi giữ lại, đồ không dùng nữa, tôi đem chất một đống ngoài mũi ghe, đợi xong buổi chợ sáng ba cập bến rồi bỏ chỗ tập kết rác. Tôi không có thói quen ném đồ xuống sông như một vài ghe khác tôi thấy. Ba tôi với tôi thương dòng sông như máu thịt.
Dù bây giờ sông không còn sạch sẽ và trong trẻo như hồi còn má tôi sống lênh đênh trên ghe, nhưng ba nói giữ sông được lúc nào hay lúc đó. Càng thấy ghe xuồng tấp nập trên chợ nổi tôi càng nôn nao trong lòng. Tết sắp đến. Năm nào cũng có Tết! Vậy mà mỗi lần nó đến tôi lại vui như trẻ nhỏ được quà.
Với ba tôi thì Tết cũng như ngày thường. Năm ngoái, Tết đến, ba ngồi lai rai vài xị rượu đế với mấy anh em thương hồ. Thấy ba ngà ngà say, tôi nhắc ba: “Tết nhứt mà ba nhậu hoài!”. Ba cười khô khốc: “Tết nhứt gì! Tụi bây ham chứ ba không ham... Chừng nào bây chưa có chồng, chừng nào má bây về với ba, thì chừng đó Tết mới đến...”.
Tôi chua xót ra sau lái ghe ôm mặt khóc bên chậu bông vạn thọ người thương hồ bán ế tặng cho có không khí mùa xuân. Hạnh phúc với ba tôi tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất xa vời, bởi tôi biết má tôi giờ ở phương nào, bao giờ má quay trở lại? Biết má có còn quay lại hay không?...
Trời trở gió, se se. Chợ nổi năm nay đông đúc hơn mọi khi, người đi chợ nhiều hơn và ghe xuồng cũng tấp nập hơn. Ghe bưởi, ghe dưa hấu, ghe hoa, ghe khóm, ghe bán vải vóc, mùng mền... đậu lô nhô một quãng sông dài.
Chốc lát có chiếc tàu du lịch đi ngang qua, chị hướng dẫn viên mặc áo bà ba, quấn khăn rằn đứng trước mũi ghe cầm cái loa nói mấy câu tôi đã thuộc nằm lòng. Nắng ấm trải nhẹ trên mặt sông.
Tôi nghển cổ hít một hơi thật sâu, trong không khí thơm nồng hương xuân thì, hương hoa trái, hương phù sa sông nước tự thuở nào đã nuôi lớn đời tôi và muôn vàn phận đời chìm nổi nơi đồng bằng châu thổ. Tôi nhìn qua chiếc ghe bên cạnh. Trên mui ghe, một người đàn bà đang ngồi gỡ tóc cho đứa con gái độ chừng tám, chín tuổi.
Cảnh tượng đó khiến tôi thấy chạnh lòng, bởi ngày xưa tôi cũng được má gỡ tóc cho mình như thế trên chiếc ghe này, Tết lại sang mấy chiếc ghe lân cận sắm thứ này, thứ nọ, bộ quần áo, chiếc kẹp tóc cho tôi, mấy bao thuốc cho ba, đôi guốc cao gót màu vàng nhũ cho má.
Tôi cười tít mắt: “Ở dưới ghe suốt, có đi đâu đâu mà má sắm guốc cao quá chừng!”. Má tôi cầm đôi guốc trên tay, mắt long lanh: “Phụ nữ ai mà chẳng thích chải chuốt, điệu đà hả con? Mai này Xinh lớn đi, Xinh cũng điệu như má vậy!”. Tôi lắc đầu, kỳ chết!
Thuở ấy tôi chỉ nghĩ được đến đó, chứ tôi đâu biết rằng má ở trên ghe, trên sông mà lòng má tôi hướng về phố thị. Má nằm trong vòng tay yêu thương ấm áp của ba mà tim má đang thổn thức vì những bóng hình xa xôi nào. Rồi má đi trong một chiều cuối xuân năm ấy. Má để lại hết đồ đạc, chỉ đem theo hai bộ áo bà ba mới nhất, chiếc kẹp tóc, thỏi son đỏ và đôi guốc màu vàng nhũ...
Những món đồ đó, sau này tôi định vứt đi vì chẳng còn ý nghĩa gì nữa, để cũng thêm chật chội. Nhưng ba tôi ngăn: “Đồ của má thì để đó cho má đi Xinh. Bây đừng có bỏ! Lỡ má bây về, không có, lấy gì má bây xài?”.
Nghe ba nói mà tôi rơm rớm nước mắt. Đợi tới chừng má về, biết có còn dùng được nữa hay không? Mà chắc gì má sẽ quay về chiếc ghe chật chội, tù đọng, buồn bã và trôi dạt này một lần nào nữa?
Đêm qua ông trời làm một trận mưa. Mưa không to nhưng cũng chẳng nhỏ. Mưa rửa sạch bụi bặm thường nhật, làm cho mặt sông thêm đầy để sáng hôm nay- buổi sáng cuối cùng của năm cũ, sông và chợ nổi như một bức tranh màu nước bóng loáng, đẹp mê hồn.
Mấy cần xé trái cây ba tôi lấy từ trong miệt vườn về bán giờ chỉ còn lại ít cam xoàn, bưởi, khóm và vài cặp dưa hấu sọc. Tôi gom gọn ra phía ngoài ghe, gần mũi, để khoảng trống đặt thêm vài chậu vạn thọ với cúc đồng tiền. Ba tôi ngồi sau lái ghe uống trà, hút thuốc.
Cảnh Xuân về Tết đến không làm ba vui hơn, bởi những nét cơ khổ đã hằn lên khuôn mặt rám nắng của ba tôi từ dạo ấy. Xuân sang thì tóc ba tôi bạc thêm, tay ba thêm run, mắt ba thêm kém. Bỗng tôi thấy lòng mình nhấp nhỏm. Tôi ngồi thả mắt theo những cánh sóng lềnh bềnh cuốn đi một cánh lục bình xanh tan tác.
Chiếc tàu du lịch cập vào ghe tôi. Trên tàu, vài vị khách Tây lẫn khách Việt chồm sang ghe tôi vì thấy mấy cần xé trái cây còn tươi roi rói. Ngày cuối năm nên tôi quyết định hạ giá xuống để còn ăn Tết. Tàu dừng để khách lựa chọn, nhờ tôi lấy trái nọ, quả kia, cân hết, bao nhiêu cũng lấy.
Tôi không biết tiếng Anh nên nhờ chị hướng dẫn viên kết nối với mấy vị khách Tây, còn khách nước mình thì tôi nói nói cười cười không ngớt. Khi tôi đưa túi trái cây cho khách, có một vị khách cứ nhìn tôi đăm đăm, lạ lắm. Tôi nhìn lại. Bà ta vẫn không thay đổi sắc mặt, nửa dò xét, nửa lục tìm, nửa xót xa...
Tôi gật đầu khe khẽ. Chiếc tàu du lịch sắp sửa rời ghe tôi sau khi vị khách Tây cuối cùng trả tiền kèm theo phong bao lì xì cho đúng phong tục Tết Việt. Không biết bà khách kia đã nói gì với chị hướng dẫn viên, chị ra hiệu cho bác lái tàu dừng lại thêm chút nữa trong sự ngạc nhiên của đoàn khách.
Bà nghiêng người ra khỏi ghe, về phía tôi, mắt bà sóng sánh nước:
- Con gái! Cho cô hỏi, con có phải là Xinh hay không?
Tôi sửng sốt nhìn người đàn bà sang trọng, tóc búi sau gáy, mặc váy tím thêu hoa cà. Tôi gật đầu:
- Con là Xinh đây. Cô là ai? Sao cô biết tên con?
Người đàn bà lặng đi một thoáng. Đoàn khách mặc dù không hài lòng nhưng vẫn giữ im lặng để dõi theo câu chuyện giữa tôi và người đàn bà xa lạ.
Người đàn bà chưa kịp nói gì thì từ trong ghe, ba tôi bước ra:
- Xinh, có chuyện gì vậy con?
Tôi nhìn ba, rồi nhìn người đàn bà. Ánh mắt của tôi như chiếc cầu nối để ba và người đàn bà nhìn nhau. Im lặng. Nhói buốt. Nghẹn ngào. Xót xa. Một nỗi thương thương giận giận len lỏi trong tâm hồn sứt mẻ của ba tôi.
Ba tôi run run:
- Tươi... Phải bà đó không?...
Người đàn bà bật khóc. Dòng nước mắt từ trên khóe mi chảy tràn xuống khuôn mặt được điểm trang kỹ càng, rớt xuống dòng sông quen thuộc. Dòng sông của quê hương. Dòng sông yêu thương, nguồn cội.
Tôi ngồi tựa lưng vào thành ghe, ôm mặt khóc như một đứa trẻ.
Người đàn bà, à không, phải gọi là má tôi mới đúng- đã rời khỏi đoàn khách du lịch để bước sang hẳn chiếc ghe của tôi. Chiếc ghe bao năm không đổi. Chẳng sơn phết gì lại. Nó vẫn giữ lấy một màu thâm trầm như hồi tôi còn nhỏ, như lúc má tôi vẫn chưa rời khỏi cái chợ nổi yêu thương này.
Chúng tôi ngồi trong ánh nắng mùa xuân, không nói, không rằng. Thi thoảng, má tôi đưa tay vuốt nhẹ làn tóc mềm của tôi, làn tóc mà ngày xưa má tôi dặn đừng cắt ngắn, vì tóc dài rất đẹp, đúng kiểu của người con gái Việt Nam. Ba tôi lại hút thuốc. Tôi để ý, mỗi khi buồn, ba tôi đều hút thuốc rồi phả khói vào không gian mênh mông. Ba hỏi- bằng một chất giọng trầm khàn và trìu mến của ngày xưa:
- Chừng ấy năm bà đi đâu, tôi với con Xinh vẫn đợi bà trên khúc sông này. Đợi đến tận bây giờ. Tưởng đã không còn gặp lại nữa.
Má tôi ôm tôi vào lòng. Mùi hương nồng nàn từ má tỏa ra vây lấy tôi, hòa lẫn hương xuân. Má thì thào đáp:
- Tôi lên thành phố. Ngày đó, tôi cứ tưởng rời khỏi ông, rời khỏi chiếc ghe ao tù nước đọng, rời khỏi dòng sông này... tôi sẽ được hạnh phúc. Nhưng đời không như là mơ...
Má tôi không nói. Ba tôi cũng chẳng hỏi thêm gì nữa. Còn tôi, tôi biết mình nên im lặng trong giờ phút này. Bởi tôi còn quá nhỏ để hiểu được những điều má làm, những gì má nghĩ.
- Ông có giận tôi hay không?
Ba tôi cười nhạt, tay di di trên cành bông vạn thọ đang khoe sắc dưới ánh sáng tinh khôi. Ba nói một câu khiến lòng tôi se lại.
- Nếu tôi giận bà thì tôi và con Xinh đã không đợi bà đến giờ phút này. Giờ tôi gặp được bà rồi. Tôi mãn nguyện rồi. Con Xinh cũng an lòng khi biết má nó vẫn còn tồn tại trên cuộc đời đầy bão táp này rồi. Giờ thì bà có đi đâu, về đâu, tôi với con Xinh cũng không ngăn cản nữa...
Má tôi ôm tôi thật chặt, như thể sợ tôi và má sẽ cách xa nhau lần nữa. Má tôi nhìn ba, đôi mắt ráo hoảnh. Má nói với ba rằng:
- Tôi không đi đâu nữa. Tôi ở lại đây luôn với ông, với con! Tôi biết mấy năm qua hai cha con ông đã khổ nhiều rồi. Tôi biết mình... mình sai rồi!...
Má tôi nghẹn ngào không nói được. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy thương má vô cùng.
Nhưng giờ đang là mùa xuân. Ngày cuối cùng của năm cũ, khép lại những chuyện buồn bã đã qua, mở ra những niềm vui mới. Tôi lau nước mắt cho má và cho cả tôi nữa. Má tôi lại trở về với bộ áo đơn sơ, tóc quấn sau gáy.
Má lúi húi lau lau dọn dọn cái ghe cũ mà chúng tôi nương nhờ, như thể đây là công việc quen thuộc mà má vẫn hay làm, như thể chưa từng có những tháng ngày má và tôi xa cách. Dòng sông này in nguyên hình hài của má.
Chiếc ghe này có má về lại càng vui vẻ, ấm cúng hơn. Tôi thấy má tưới mấy chậu vạn thọ trước mũi, tưới cây ớt hiểm sau lái ghe. Còn ba tôi, những ngày má về, ba tôi cười không ngớt. Tôi nhớ ba từng nói, khi nào má về là khi đó có mùa xuân, là khi Tết đến. Giờ là cái Tết tuyệt vời nhất trong cuộc đời của ba tôi.
Chiều xuân thơm nắng. Ngồi trên mui ghe, ba tôi, má tôi và tôi đang ngắm nhìn con sông mà trong tâm thức của cả ba, ấy chính là quê hương, là nguồn cội yêu thương không bao giờ phai mờ, quên lãng.
- Sang năm mình lên bờ, dựng cái nhà bên dòng sông này rồi sống trọn phần đời vui vẻ, bình an còn lại, nha má con Xinh!
Tôi giật mình nhìn ba. Ba nhìn má. Mỉm cười. Trong thanh âm của đất trời mùa xuân, ba tôi nói chuyện cất nhà, chuyện rời chiếc ghe đã sắp sửa mục ruỗng để lên bờ mà sống. Đó không phải là xa sông.
Bởi chúng tôi vẫn sống bên bờ sông này, cạnh dòng xuân này, mỗi ngày được ngắm cái chợ nổi náo nhiệt, sầm uất này. Nhưng chúng tôi cần một căn nhà vững vàng làm chỗ che nắng mưa cho đến cuối đời. Nơi đó, chúng tôi sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc...
HOÀNG KHÁNH DUY