Buổi trưa trời nắng chang chang, ngôi nhà của anh Lâm cánh cửa vẫn mở toang hoác, vậy mà tôi gọi tới ba bốn lần mà cũng không ai lên tiếng. Tôi đứng nghĩ thầm, thường ngày giờ này anh chị ở trong nhà chứ đâu.
|
Tranh minh họa: Trần Thắng |
LÊ VĂN TRƯỜNG
Buổi trưa trời nắng chang chang, ngôi nhà của anh Lâm cánh cửa vẫn mở toang hoác, vậy mà tôi gọi tới ba bốn lần mà cũng không ai lên tiếng. Tôi đứng nghĩ thầm, thường ngày giờ này anh chị ở trong nhà chứ đâu.
Vậy mà hôm nay đi đâu vắng, trong khi cánh cửa lại không đóng. Con mực chạy loanh quanh dưới chân tôi mà sủa inh ỏi. Đã vậy ngoài sân còn thêm một đám ngỗng cũng chẳng vừa. Cái miệng thì kêu, đầu thì mộp sát đất, còn cặp cánh thì dang rộng ra như là lấy tư thế để chuẩn bị tấn công tôi.
Đáng lý ra nghe lũ ngỗng và chó báo động như vậy thì anh chị phải nghe và vô nhà coi ai đến mới đúng chứ. Không đợi được nữa, tôi đi thẳng một mạch ra ngoài vườn để xem coi có khi nào anh chị làm gì ngoài ấy không.
Mảnh vườn này hơn chục công đất, anh chị đã trồng dừa từ khi anh chưa về hưu, tính đến nay cũng khoảng mười năm rồi. Hồi trước lúc còn “mang lon” trên vai anh cũng từng nói với tôi rằng, cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi, cộng thêm trong người cũng có vài chứng bệnh nữa.
Làm những công việc nặng không có nổi nên anh đã tính với chị là sẽ lên liếp trồng dừa. Lúc dừa còn nhỏ thì trồng xen ổi với chanh thêm, cũng coi như là lấy ngắn nuôi dài. Sau này dừa có trái thì tập trung bồi dưỡng cho cây dừa và cũng coi như đó là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Anh nói thì nói như vậy chứ hiện tại bây giờ vườn dừa của anh đã cho trái ổn định rồi mà trong vườn vẫn còn đó nào là chanh, tắc, ổi, dứa…và cả khoai lang, khoai mì nữa. Có lẽ vườn dừa của anh trồng hơi thưa so với vườn người ta cho nên trong vườn vẫn còn ánh nắng nên anh trồng mấy thứ khác xen vào nó vẫn phát triển tốt được.
Đi kiếm anh chị mà mồ hôi tôi cũng bắt đầu ướt áo rồi. Định quay trở vô nhà thì bất chợt anh nhìn thấy tôi và gọi:
- Ê, Cường ơi! Nhanh nhanh lại đây phụ anh một tay coi.
Tôi đưa mắt nhìn về phía cuối khu vườn, thì ra anh chị đang ở ngoài ấy. Không biết hai người làm gì mà cứ đào cứ xới tung cả một vùng đất lên. Tôi hỏi:
- Trời nắng như vậy mà anh Lâm với chị đào đất làm gì vậy?
Anh Lâm đứng đó, tay chống cây len mà thở hổn hển. Chị tay cầm dao còn đang khượi đất ra khỏi cái hang mà trả lời tôi:
- Hồi nãy đi vườn anh Lâm thấy con rắn hổ hèo chui vào cái hang chuột cống ở chỗ này nè. Ảnh kêu chị ra phụ đào bắt liền sợ để một hồi nó bò đi chỗ khác.
Thì ra chuyện là vậy. Mà nghe nói tới rắn thì tôi cũng ưa lắm. Thế là không một chút do dự, tôi kêu anh đưa cây len cho tôi. Từng cục đất được tôi dời đi chỗ khác một cách nhanh gọn. Và chỉ một lúc đã thấy con rắn nằm khoanh tròn một cục ở đó trong hang. Tôi hỏi anh là định bắt sống hay đập chết luôn.
Ý của tôi bắt sống là để cho anh chị đem đi bán sẽ có được mớ tiền. Còn đập chết luôn thì tức là đem vô hầm sả mà thôi. Anh Lâm kéo áo lên lau mồ hôi trên mặt, miệng thì cứ thúc tôi:
- Cứ đập chết đi, bắt được nó thì đem vô hầm sả, anh em mình lai rai chơi.
Tôi lôi con rắn ra khỏi hang, cầm trên tay mà độ khoảng nó nặng chắc cũng hơn hai ký lô. Vô nhà, anh bắt nồi nước sôi, tôi cạo vảy, mổ bụng rồi đưa lên thớt. Chị cũng phụ một tay đi cắt sả, bẻ trái đu đủ mỏ vịt vô gọt rồi xắt ra từng khúc để hầm. Nồi rắn chín anh múc đầy vun một tô đem ra cái bàn rồi bưng keo rượu thuốc ra hai anh em ngồi cưa đôi.
Từ ngày nghỉ hưu đến giờ tôi thấy anh đen hơn so với những ngày còn làm trong cơ quan.
- Tính ra thì cũng đã mấy chục năm anh gắn bó cuộc đời mình với cơ quan. Đất đai nhà cửa chỉ một tay chị lo. Vậy mà bây giờ về hưu rồi cũng làm nữa sao anh?
- Em mày chọc anh hoài. Làm gì khó chứ làm nông dân có gì khó đâu em. Mình làm dở thì chậm hơn người ta thôi. Ai cuốc một ngày mười liếp thì anh một ngày cũng ba, bốn liếp. Người ta đào mương ngày một mương thì anh ba ngày cũng được một mương hà. Cái quan trọng là mình chịu làm.
- Về hưu rồi có còn thấy tiếc gì không anh?
- Tiếc lắm chứ! Tiếc vì mình không còn được phục vụ cho đất nước cho quê hương cho Nhân dân như hồi trước nữa.
- Có phải buồn nhất là những ngày đầu tiên được nghỉ, đúng không anh?
- Chứ còn gì nữa! Tính ra thì cũng không nhớ nổi đã khoác lên mình bao nhiêu bộ đồ công an từ binh nhất đến lon đại tá. Đến khi nghỉ hưu rồi mà sáng thức dậy lại cứ loay hoay đi lấy bộ đồ công an mặc vào để chuẩn bị đi làm, và sực nhớ ra là mình đã nghỉ hưu rồi.
- Anh có ước mình được trẻ lại và tiếp tục được làm người công an nữa không?
- Đối với anh thì ngần ấy thời gian phục vụ cũng đủ rồi. Làm tròn trách nhiệm. Về hưu vì tuổi tác cũng thấy thoải mái tâm hồn. Những ngày còn lại của cuộc đời gần gũi với vợ con, với mảnh vườn của mình vậy cũng thấy vui vẻ rồi.
Khi đã về hưu, dường như suốt ngày anh ở ngoài vườn nhiều hơn là trong nhà. Không làm cỏ thì cũng dọn dẹp mấy tàu dừa rụng chất đống cho gọn gàng. Không thì vác cây thang ra vườn mà leo lên chặt những bông dừa không đậu trái, hoặc những mo nang khô bỏ đi, dọn dẹp để cho cây dừa được sạch sẽ dễ nhìn và hạn chế đám chuột đến làm ổ trên cây.
Vườn của anh mương nào cũng sâu nên có rất nhiều cá. Trong nhà của anh tôi thấy có cái miệng chài, cần câu, lưới bén, đủ thứ đồ nghề để mà bắt cá. Những con cá lóc, cá trê, rô phi, rô đồng… từ ngoài sông vô ở rồi sinh sản ngày càng nhiều.
Bữa anh chài, bữa anh thả lưới, bữa thì cắm câu, không dính cá này thì dính cá khác. Bởi vậy mà chị cũng ít khi đi chợ mua đồ ăn. Hôm nào bắt được nhiều cá ăn không hết thì anh kêu mấy đứa con đem về cho bên nội hoặc bên ngoại.
Uống được vài ly rượu thuốc cả tôi và anh ai cũng ngà ngà say. Anh kêu chị bưng tô rắn hầm sả đem vô hâm lại cho nóng, vì trong tô còn rất nhiều. Rồi anh chỉ tay ra phía vườn nơi những cây dừa đang cho trái thật sai. Mỗi quày dừa đều hơn chục trái. Dừa anh là giống dừa trái tròn, gáo to nên lái đến mua có giá hơn vườn người ta.
Đang nhắc chuyện cây dừa bỗng dưng anh bùi ngùi nhớ lại khoảng thời gian gần hai năm dài đằng đẵng trái dừa bị rớt giá thê thảm. Bẻ dừa gom lại một đống nhìn thấy mê vậy mà khi cầm tiền trên tay thì muốn rớt nước mắt.
Nhiều người khuyên anh chị nên phá bỏ vườn dừa mà trồng lại thứ khác, chứ để vậy hoài thì thu nhập không đủ để trang trải cho gia đình. Cứ mỗi ngày thấy con lộ trước cửa những chuyến xe chất đầy củ hủ dừa chạy ngang qua mà lòng anh cảm thấy xót xa cho số phận của cây dừa. Dừa lão cưa bỏ đã đành.
Dừa mới trồng cũng cưa bỏ. Trồng mới vừa ra lưỡi mèo thì cũng cưa. Dừa đang cho trái cũng cưa... Tiếng của chiếc máy cưa cưa dừa cứ rú lên ầm ĩ. Khắp đầu trên, xóm dưới, khi thì bên kia sông. Những cây dừa cứ liên tục bị ngã gục rất thương tâm. Những vườn dừa xanh um mát rượi bỗng chốc tan hoang, chỉ còn lại những gốc dừa trơ ra đó như những tráng sĩ không đầu hiên ngang nơi trận mạc.
Thấy người ta phá dừa nhiều quá dường như cũng làm cho chị dao động nên chị thỏ thẻ với anh:
- Người ta bỏ dừa nhiều quá rồi, thôi mình cũng bỏ luôn đi anh. Coi không ấy làm rẫy lại vài năm coi sao.
Chị mới nói thế thôi mà mặt anh chợt biến sắc và giận lắm.
- Ai chặt phá thì kệ người ta đi. Anh trồng để dưỡng già. Dừa lúc có giá lúc không, bao nhiêu năm qua vẫn thế. Em nghĩ sao mà xúi anh phá dừa bỏ vậy? Mắc rẻ gì cũng kệ, không phá là không phá.
Thế là chị không dám nhắc đến chuyện phá dừa nữa. Nhưng đúng như anh nói. Sau những thăng trầm lận đận thì trái dừa lại có giá trở lại. Có người lại tìm đến nhà anh mà đặt mua dừa giống.
Họ ra vườn rồi đến chỗ những cây dừa cho trái vừa sai, vừa tròn đẹp và kêu anh Lâm chừa lại để khô bán cho họ đem về ươm trồng. Anh vui vẻ mà hứa bởi vì trồng dừa không giống như trồng vụ lúa, vụ khoai. Chỉ có vài tháng là cho thu hoạch. Cây dừa trồng xuống đất phải tính bằng năm mới cho ra trái. Nếu không khéo chọn nhầm giống dừa không tốt thì đến lúc đó hối hận cũng không kịp.
Mảnh vườn đối với anh Lâm không chỉ là nguồn thu nhập mà nó còn là một đam mê. Anh nói chỉ cần nghe tiếng trái dừa trên cây rụng xuống đất thôi là anh biết ngay đó là trái dừa bị nứt đít, dừa điếc, dừa bị chuột ăn hay dừa khô liền hà.
Lớn tuổi nên cũng hay mất ngủ. Những lúc như thế anh thường ngồi một mình bên bình trà nóng mà suy nghĩ chuyện đời, những buồn vui mình đã trải qua, chuyện năm tháng của tuổi già, chuyện tương lai nghề nghiệp của mấy đứa con. Anh nói còn sống là còn nghĩ. Chừng nào ngã xuống để về với ông bà thì mới thôi.
Không ngồi uống trà thì anh lại đốt điếu thuốc rồi lủi thủi ra vườn mà nghe từng cơn gió ru đêm thật yên ả thanh bình. Nhìn ánh trăng lờ mờ khỏa bóng lên những tàu lá dừa đu đưa. Mấy con dơi sen cũng bay lẩn quẩn, thỉnh thoảng nó lại sà ngang mặt như muốn đùa giỡn với anh vậy. Dưới mương tiếng con cá lóc đớp mồi lủm bủm làm mặt nước rợn lăn tăn. Rồi cũng có những con cá lóc đã mắc vào lưỡi câu.
Tiếng của con trê trắng, trê vàng quậy ổ phía đám rau nhút bò kín một khúc mương. Tiếng của đám cóc, nhái kêu râm ran khi sương khuya buông phủ. Tiếng của những trái dừa rụng lịch bịch trong vườn, nếu ai không quen thì sẽ có cảm giác như bị ma nhát. Anh quen với mảnh vườn của mình rồi nên dù ngày hay đêm gì cũng vậy.
Chị thì thường theo anh ra vườn lúc ban ngày mà thôi. Còn ban đêm chị không bao giờ dám đi. Chị nói là chị sợ ma, dù rằng rất nhiều lần anh nói với chị là làm gì mà có chuyện ma cỏ trên đời này, chỉ mình hù dọa mình thôi.
Tôi cũng vừa đặt xong được mấy công dừa. Định đến tìm anh để hỏi về kỹ thuật trồng dừa và cách chăm sóc cho cây dừa lớn nhanh, mau cho trái. Tính anh là người rất thật tình nên anh cũng xách ra những thứ thuốc và kêu tôi về áp dụng mà xài. Anh nói trồng dừa thì chủ yếu là bón phân, hai là phải giữ làm sao đừng để cho con đuông đục phá làm chết cây dừa. Anh đưa cho tôi vài hiệu thuốc biểu về mua dùng thử.
Vườn của anh anh xài thấy rất là hiệu quả. Cho tới bây giờ cũng chưa có cây nào bị đuông ăn chết cả. Chịu khó quan tâm để ý một chút, nhưng thành quả mình có được sẽ luôn làm cho mình cảm thấy hài lòng.
Ngồi nói chuyện với anh mà đôi khi tôi cứ ngỡ anh là một người nông dân thật sự, bởi bản tính chất phát hiền lành cứ luôn toát ra. Tôi không còn nhận ra anh là một người công an nghiêm nghị đầy oai phong như của hôm nào. Nhìn anh rồi tôi lại nói vui:
- Là một người công an và là một người nông dân có khác nhau lắm không anh?
Anh cũng bật cười, nụ cười như tia nắng ấm buổi ban chiều:
- Làm người công an là phải nghiêm túc ở công việc và phận sự cũng như phải niềm nở, gần gũi với tất cả mọi người thì đó mới là một người công an trong lòng dân.
Bây giờ anh là một cán bộ về hưu, một nông dân cần mẫn siêng năng trên mảnh vườn của mình. Nhưng với tôi, hình ảnh người công an thân thiện của ngày nào như vẫn còn vẹn nguyên.