Rất nhiều lần anh mời tôi về Suối Hồng, nhớ chính xác, lời mời đó bắt đầu từ năm năm trước. Nhưng tôi vẫn ậm ừ, hẹn anh vào một ngày gần nhất, còn ngày đó là ngày nào thì cả tôi và anh đều không rõ.
HOÀNG KHÁNH DUY
Tranh minh họa: Trần Thắng |
Rất nhiều lần anh mời tôi về Suối Hồng, nhớ chính xác, lời mời đó bắt đầu từ năm năm trước. Nhưng tôi vẫn ậm ừ, hẹn anh vào một ngày gần nhất, còn ngày đó là ngày nào thì cả tôi và anh đều không rõ.
“Suối Hồng”- anh bảo với tôi nơi có cái tên đẹp và kiêu sa đó lại là vùng quanh năm nắng cháy da người. Cái vùng lòng chảo giữa Tây Nguyên đại ngàn, nơi chẳng thể giữ được chân ai ngoại trừ những người có tính cách khá “lì”, thích lăn xả như anh.
Lần này, tôi quyết định về Suối Hồng. Không phải tôi sợ anh giận vì những lời hứa còn dang dở mà bởi tôi đang rơi vào trạng thái bế tắc, nói đúng hơn là cảm giác chông chênh trên con đường mình đi. Thầy hiệu trưởng cho tôi nghỉ phép. “Một tuần, hai tuần... một tháng cũng được. Khi nào em thấy lòng mình nhẹ nhàng và nguồn năng lượng dồi dào thì hãy trở về đây, tiếp tục dìu dắt bọn trẻ!”- thầy nhân từ nói thế!
Chuyến xe đêm đưa tôi rời khỏi thành phố. Ngôi trường ba tầng, hiện đại và sang trọng nhất nhì thành phố lùi lại sau lưng thật xa. Nằm trên xe khách, tôi thấy cơ thể của mình như được nâng dần lên, cảm nhận được xe đang lên dốc lên đèo, về Suối Hồng.
Tôi lờ mờ hình dung về chốn ấy, nghĩ nó đẹp và hữu tình bởi trong tâm thức của tôi thì Tây Nguyên muôn thuở vẫn bạt ngàn trù phú. Ninh nhắn tôi: “Ngủ một lúc đi em. Đường còn xa!”. Tôi chợp mắt. Tâm hồn bồng bềnh theo những giấc mơ...
***
Ninh đón tôi ở nhà xe thị trấn. Sáng sớm, thị trấn vắng, không tiếng xe cộ, chỉ có tiếng ve kêu xào xạc trên vòm cây và tiếng gió thổi rì rào từ ngọn núi bên kia sượt về khiến lòng tôi mơn man dịu nhẹ. Anh vẫy tay chào tôi từ xa. Tôi nhận ra anh bởi nụ cười tươi rói trên khuôn mặt mặn mòi màu bánh mật.
- Huy! Quý hóa quá! Chào mừng em đến với Tây Nguyên!
Tôi gật đầu chào anh rồi lên con xe khịt khịt khói của anh để anh đưa về chỗ nghỉ. Núi đồi đang vào mùa hoa dã quỳ. Ở cái đất nóng rát này, dã quỳ vẫn sống và nở ra từng chùm hoa đẹp. Sức sống ấy bất chợt khiến tôi khâm phục. Anh chạy bon bon trên con đường nhựa nhấp nhô uốn lượn giữa thị trấn.
Anh vòng qua những khúc quanh, đi vào buôn làng, chạy qua chiếc cầu chênh vênh bắc ngang dòng sông đang nước ròng trông thấy cả đá cuội dưới đáy. Tôi ngửa cổ hít một hơi thật sâu cái không khí của Tây Nguyên cho vơi bớt muộn phiền, dù cái không khí ấy không mát lành như tôi vẫn tưởng.
- Huy thấy ở đây thế nào? Chắc thất vọng lắm đúng không?
Tôi cười nhẹ, lắc đầu:
- Không đâu, anh! Em bắt đầu thấy thú vị rồi đấy!
- Về nghỉ ngơi, sớm mai lên trường anh chơi. Trường anh đơn sơ, bình dị lắm, không rộng rãi và cao ráo như trường ở thành phố đâu.
Tôi gật đầu. Mắt tôi thả về xa xôi, nhìn những dãy núi điệp trùng ngoài rìa thị trấn, những cây dại mọc chơ vơ bên đường, nhìn những người phụ nữ trong trang phục dân tộc đang dẫn đàn bò đi trên con đường hẹp hẹp... tự dưng tôi thấy nơi này gần gũi và bình yên quá! Lòng tôi như có gió.
***
Anh ở trong một khu tập thể nhỏ có hai dãy đối mặt nhau, mỗi dãy có ba phòng, phía sau có khoảng đất trống để anh trồng rau cải thiện bữa ăn, xa hơn là nương rẫy. “Nhà đơn sơ lắm! Huy đừng cười”- Ninh nói hờ trước khi dẫn tôi vào trong.
Tôi nhìn xung quanh một lượt. Gió vờn qua, làm rung rinh nhánh xoài cọ xát vào mái nhà nghe ràn rạt. Phòng Ninh nhỏ nhưng ngăn nắp. Có góc bếp, góc làm việc cạnh cửa sổ nhìn ra ngọn đồi phía xa, chiếc giường nhỏ nhắn là nơi Ninh ngả lưng sau mỗi giờ lên lớp, trên đầu giường có kệ sách bằng gỗ chia thành từng ngăn nhỏ.
- Nhà anh gọn gàng và ngăn nắp quá!- tôi thốt lên.
Anh cười hiền. Quả thật, tôi rất thích nhìn anh mỗi khi anh cười. Có cảm giác bình yên đến lạ!
- Đời người thầy giáo nghèo ở cái huyện nhỏ nơi cao nguyên này đơn giản lắm, Huy. Được chỗ ở thế này, được sống cùng đồng bào và được truyền đạt kiến thức cho các trẻ ở buôn làng suýt nữa đã bỏ trường bỏ lớp để đi nương đi rẫy... là may mắn lắm rồi!
Nghe anh tâm sự, tôi thấy hổ thẹn trong lòng. Một thầy giáo công tác trên mảnh đất được mệnh danh là “lòng chảo” của Tây Nguyên, giữa nơi khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề... vẫn không hề than vãn, vẫn tận hưởng và cống hiến, lấy học trò và công việc làm niềm vui.
Còn tôi, một người thầy trẻ công tác ở ngôi trường khang trang giữa lòng thành phố, điều kiện đủ đầy, không phải trèo non lội suối như anh... đôi khi thấy lung lay, chán nản, mất năng lượng chỉ vì những việc không đáng mà tôi đổ lỗi cho áp lực nghề nghiệp.
Bữa cơm đầu tiên tôi ăn ở Suối Hồng là bữa cơm đơn giản, đạm bạc với rau rừng, cá sông, một ít cà pháo muối chua theo kiểu miền Bắc mà anh tự tay làm cho đỡ nhớ vị của quê nhà. Ninh kể cho tôi nghe quê anh ở đất Bắc.
Đời đẩy đưa, tốt nghiệp đại học sư phạm tại một ngôi trường danh tiếng ở miền Trung, anh quyết định lên Tây Nguyên dạy học. Cái quyết định ấy nhanh gọn, chóng vánh đến độ chính anh cũng bất ngờ. Khi ấy, Tây Nguyên điệp trùng hay cái mảnh đất Suối Hồng nắng gió vẫn còn là chốn nào đó xa lạ với anh lắm. Nhưng anh vẫn đi.
Chân anh bước trên con đường đất đỏ bazan mà phía trước chỉ mới hiện ra trong tưởng tượng của anh. Mãi đến khi anh đặt chân đến Suối Hồng, trở thành người thầy của biết bao nhiêu thế hệ học trò nơi đây, sống trong tình yêu của buôn làng, của đồng bào... Dần dần, Ninh nhận ra đây là quê hương thứ hai, là máu thịt của mình mà nếu như được lựa chọn lại, Ninh vẫn sẽ chọn Suối Hồng làm bến đỗ.
***
Sớm Tây Nguyên trong vắt. Gió từ phía rẫy thổi vào trong buôn làng mát rượi, xua tan cái nóng toát mồ hôi hột của đêm hôm qua- đêm mà tôi nghe tiếng mấy trái xoài chín bói rụng lộp bộp trên nóc nhà, kèm theo tiếng dơi ăn trái, nghe vui tai!
Ninh đèo tôi bằng con xe cũ đến trường. Trường anh nằm khuất sâu trong buôn. Đường vào trường nhỏ, hai bên đường mọc lác đác mấy bóng cây kơ nia- loài cây mà tôi từng nghe được trong bài hát với giai điệu ngọt ngào tình tứ. Ngôi trường mái ngói đỏ tươi hiện ra sau vòm lá. Anh trỏ tay:
- Huy, trường anh kia rồi! Bé hơn trường em lắm, đúng không?
Tôi cảm nhận đâu đó trong lời nói của anh là niềm tự hào rất lớn về ngôi trường mà anh đang công tác. Một ngôi trường cấp ba không rộng, không cao, không khang trang hiện đại, nhưng là nơi che chở cho biết bao nhiêu cô cậu học trò miền núi có đời sống không mấy khá giả, suôn sẻ.
Một ngôi trường mà anh chọn gắn bó, trong vô vàn những ngôi trường khác, chỉ để thực hiện khát vọng được bồi đắp kiến thức, dìu dắt cho đám trẻ, để chúng không phải bỏ học mà đi làm nương, làm rẫy, không phải lao vào cuộc mưu sinh gian khổ khi tuổi đời còn quá nhỏ!
Trống hai tiết đầu, Ninh đưa tôi đi tham quan khắp trường. Từ dãy phòng cũ nhưng sạch sẽ cho đến vườn rau phía sau trường- nơi mà học sinh vùng cao cùng nhau ươm mầm để những luống rau mọc lên, xanh bất diệt.
Đi ngang qua phòng nghỉ của giáo viên, tôi ghé mắt vào xem. Phòng nhỏ. Vài thầy cô đang nghỉ ngơi đợi đến tiết dạy, trông thấy tôi, mỉm cười thay lời chào. Tôi gật đầu lại. Trông họ thật thân thiện và hiền lành, nhất là những cô giáo trong bộ đồng phục có họa tiết mang đặc trưng của văn hóa đồng bào.
Phòng học không rộng nhưng khá thoáng đãng. Mấy cô cậu học trò thấy có khách lạ, hiếu kỳ nhìn ra, có em vẫy tay hay gật đầu chào tôi. Nhìn những khuôn mặt tươi sáng và đôi mắt long lanh ấy, tự dưng tôi thấy mến các em và mến vùng đất này vô cùng.
Anh Ninh giới thiệu cho tôi một cậu học trò ngồi dãy giữa, lớp 12A1. Cậu học trò cao nhất lớp, nhưng gầy và trên má phải có một vết sẹo nhỏ nhưng thấy rõ:
- Đây là cậu học trò nhiều lần định nghỉ học để đi làm rẫy. Anh phải khuyên nhủ đủ điều. Đường cùng, anh bỏ tiết dạy chạy xe thẳng vào rẫy, hết thuyết phục ba mẹ em lại xoay sang thuyết phục em. Anh nói: “Em không đi học thì thầy cũng không đi dạy nữa”. Rồi anh dịu giọng và vẽ cho em ấy một con đường tương lai... May mà em ấy hiểu ra. Giờ đã sắp sửa tốt nghiệp phổ thông rồi!
Tôi thầm khâm phục anh.
- Học sinh nơi cao nguyên này chân chất quá, anh Ninh nhỉ?
Anh gật đầu:
- Thương lắm, em! Đi dạy ở đây, tự dưng anh thấy bằng lòng, cuộc đời của mình thật ý nghĩa. Anh thấy hạnh phúc khi được sống cùng buôn làng, cùng các em học sinh chân thành và đầy tình yêu thương...
Anh đưa tôi đi dạo thêm một vòng nữa, ghé qua căn phòng nhỏ cuối dãy chào thầy hiệu trưởng. Tôi tặng thầy ít sách mình gói ghém mang theo.
Thầy cảm ơn tôi và trân trọng đón lấy những quyển sách mới, chắc chắn nay mai, những quyển sách ấy sẽ xuất hiện trên kệ sách trong thư viện be bé của trường. Thoáng chốc đã đến giờ anh lên lớp, tôi chào anh, lấy xe Ninh đi khám phá thị trấn nhỏ và những vùng lân cận. Khi đang đi, tôi nghe thấy đâu đó tiếng sông suối chảy róc rách, tí tách, vui tai.
***
Ninh đưa tôi ra nhà xe ở thị trấn để tôi trở về thành phố.
Cuộc “du hành” của tôi kết thúc sớm hơn dự định, vì tôi đã được anh tiếp thêm cho mình một nguồn năng lượng mới để tôi có thể tiếp bước trên con đường giảng dạy, dìu đắt học trò.
Có đến Suối Hồng tôi mới nhận ra rằng, có những người thầy, người cô đã chấp nhận từ bỏ cuộc sống đủ đầy, tiện nghi, để đến nơi hẻo lánh, khắc nghiệt này, mang con chữ đến gần với các em học sinh vùng cao.
Tôi nhận ra mình cần phải lăn xả hơn, tâm huyết hơn nữa với nghề. Giáo viên là một nghề cao quý trong muôn ngàn nghề cao quý. Được sống trong không khí thanh sạch của nghề này đã là hạnh phúc lắm rồi!
Tôi nhắn anh, khi xe sắp sửa về đến thành phố:
“Cảm ơn anh, anh Ninh. Em được anh tiếp thêm một nguồn năng lượng mới. Em sẽ còn trở lại Suối Hồng. Mình hẹn nhau nữa nhé!”.
Ninh chưa trả lời tôi. Nhưng tôi biết anh sẽ rất vui. Tôi nhắm mắt lại. Bên tai tôi lúc này là tiếng học trò đọc trọn vẹn mấy câu thơ tôi vừa chép trên bảng, giọng đọc nghe du dương, trầm bổng, như vĩ cầm, như suối reo...