Chú Tư là hàng xóm của ba tôi. Chú không hút thuốc, không uống rượu nhưng thể trạng gầy còm, nước da hơi trắng trông giống thư sinh. Mà thư sinh cũng đúng, ba tôi nói ở xóm này chú là người học cao nhất.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
NGUYỄN THỊ HUYỀN
Chú Tư là hàng xóm của ba tôi. Chú không hút thuốc, không uống rượu nhưng thể trạng gầy còm, nước da hơi trắng trông giống thư sinh. Mà thư sinh cũng đúng, ba tôi nói ở xóm này chú là người học cao nhất. Chú học được đến lớp nhứt (lớp năm bây giờ), biết tiếng Pháp nữa, trong khi ở vùng này nhiều người không biết chữ, ai có việc gì liên quan đến giấy tờ cũng đều nhờ đến chú.
Nhưng đừng thấy chú gầy mà nhầm, chú khỏe khoắn và làm nông rất giỏi, nông dân thứ thiệt đó. Lớp nào làm ruộng nhà, lớp nào làm vần đổi công cho hàng xóm, rồi ai thuê chú cũng tranh thủ làm luôn. Tính chú rất kỹ, dọn đất người ta như dọn đất nhà mình. Chú mà nhận làm cho ai rồi thì khỏi nói, rất là ưng ý.
Công việc của chú gắn liền với đôi trâu: trâu cày, bừa đất; trâu giẫm đạp lên những bó lúa chín cho hạt lúa rời khỏi rơm (một hình thức thu hoạch lúa ngày xưa khi công cụ lao động còn thô sơ),… Cứ đến mùa vụ thì chú và đôi trâu hoạt động suốt từ ruộng nọ sang ruộng kia, làm không xuể. Chú trông có con trai để đỡ đần cho chú. Vậy mà thím cứ sinh liền tù tì năm nàng công chúa.
Chú không phải mẫu người “trọng nam khinh nữ”, chỉ là trông có con trai để đỡ chú phần nào chuyện đồng áng, chứ con gái “liễu yếu đào tơ” mà dắt trâu đi cày, bừa thì tội nghiệp chúng nó. Nhưng biết sao bây giờ, trời cho con nào thì nhận con nấy, con nào cũng do mình đứt ruột đẻ ra mà.
Khi thím mang bầu, chưa biết trai hay gái thì chú cũng chuẩn bị những cái tên thật đẹp cho con. Ở vùng khỉ ho, cò gáy này người ta quan niệm đặt tên con nít càng xấu càng dễ nuôi, có nhiều đứa bị đặt cho cái tên, lớn lên mắc cỡ thí mồ mà không biết sao để sửa. Con trai thì: thằng Cu, thằng Đực, thằng Tèo, thằng Bò,…; con gái thì: con Lũn, con Cheo, con Mót, con Đẹt,… Chú Tư thì khác, chú nói đặt tên sao cho nghe đẹp, nghe sang để vận vào cuộc đời cho con được sung sướng, chứ không phải quanh năm không ra khỏi đống rơm như đời chú. Chú chọn tên con trai là: Nhựt, Đức, Pháp, Quốc… nhưng chẳng thằng nào chịu chui ra, chỉ có con Nga, Ý, Anh, Mỹ và cuối cùng là con Úc lần lượt ra đời.
Cũng vì chú Tư “sính ngoại” mà gặp phiền phức vì tên con Úc. Lúc làm khai sinh, thím Tư đọc tên cho nhà chức trách đánh máy. Xong xuôi, họ đưa cho thím ba, bốn bản có mộc xanh, mộc đỏ mang về. Hôm sau, chú Tư phát hiện tên đứa nhỏ là Nguyễn Thị Út, chú không chịu, bảo thím đi cải chính lại. Từ nhà đến chỗ làm khai sinh xa lắm, đường đất lỏm chỏm, đi bộ bận đi và về rồi chờ đợi mất cả ngày chứ ít đâu. Thím bảo thôi cứ để vậy, Út nào cũng Út. Chú giận dỗi, bảo thím không đi thì chú đi. Thái độ dứt khoát của chú làm thím phải nhượng bộ: “Thôi để tui đi!”.
Xong lần đó, tưởng đã hết rắc rối. Đến tuổi con Úc đi học lớp một, chú Tư chuẩn bị tập vở, bao bìa, dán nhãn. Cây nhà lá vườn, bìa bao là tờ giấy báo cũ, còn nhãn là do chú Tư tự làm, có đủ thông tin trường, lớp, tên, niên học. Mục đích chú tự tay làm và viết cái nhãn này là vì sợ để cô giáo ghi sai tên con Úc nhà chú. Chú viết nắn nót và tô đậm tên Nguyễn Thị Úc, như ngụ ý: “Nhìn kỹ giùm tui nhen!”.
Ấy vậy mà mới học buổi đầu, tối lại chú Tư xem con học được chữ gì. Đầu tiên chú nhìn cái nhãn. Trời đất! Cái tên chú ghi rõ ràng mà sao giờ đã bị sửa lại. Chữ “t” đỏ chét nằm đè lên chữ “c”.
Chú Tư làu bàu:
- Đoán không sai mà. Mai tui dẫn trâu đi vần công bên đồng xa nên tui phải đi sớm, ở nhà bà đi gặp cô giáo nói cô sửa lại tên con Úc cho đúng giùm tôi cái!
Chú bồi thêm, vẻ đắc ý lắm:
- Bà thấy hôn? Úc của tui là Úc đặc biệt chứ đâu phải Út tầm thường đâu. Tui dám chắc tên con Úc không đụng hàng với hết thảy mấy con Út xóm này mà luôn mấy con Út xóm khác nữa.
Thím Tư lườm chú rồi trề môi:
- Phải hồi đó ông đặt nó tên Lan đi, là Hà Lan hay Thái Lan gì đó, cũng ngoại quốc đó. Ông đặt chi tên này, tui thấy nó vận rắc rối vào con nhỏ rồi đó!
Chú Tư cắt ngang:
- Nói chuyện xui xẻo không hà!
***
Nhà có năm đứa con gái được mệnh danh là “ngũ long công chúa”, chú Tư nghiễm nhiên được phong là “hoàng thượng”, có nhiều người “ghẹo” chú Tư như vậy. Mặc dù các cô lớn lên cũng theo chú Tư đi làm việc đồng áng, thậm chí là dắt trâu ra đồng ăn cỏ mỗi ngày, nhưng do thừa hưởng cái gien di truyền từ chú Tư nên nước da cô nào cũng sáng. Đến tuổi dậy thì, cô nào nhìn cũng xinh tươi. Mấy anh chàng mới lớn bắt đầu tăm tia, dòm ngó. Ban ngày để ý xem chú Tư dắt trâu làm ở đồng nào, có cô Nga, cô Ý hay cô Anh theo phụ (?). Thế là mấy anh chàng giả vờ như vô tình đi ngang qua ruộng chú Tư đang làm, dừng lại xem chú Tư đang dí, thá đôi trâu cày ruộng, rồi tiếp cận bằng cách xin chú Tư cho dắt trâu đi cày thử vài luống, nhưng thật ra là cố tình trổ tài cho chú Tư xem đó thôi. Biết đâu chú Tư thương tình tuyển chọn làm “phò mã” thì tốt số.
Chú Tư mĩm cười, ý đồ của mấy anh chàng mới lớn chú Tư đã trải qua rồi. Ban ngày thì vậy, chiều xong việc đồng áng thì tụ tập bên kia sông đối diện nhà chú Tư đàn hát. Hát hay hát dở miễn bàn, chỉ cần gây sự chú ý cho mấy cô gái nhà chú Tư nhìn thấy là được.
Chú Tư không theo tư tưởng phong kiến, đối với chú không có chuyện “cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó”, con cái ưng bụng chỗ nào thì gả chỗ đó, tùy con lựa chọn. Chú cũng đã tính rồi: Con gái cũng phải có cái nghề, chứ gắn với con trâu hoài sao được. Mấy chị của Úc học đến hết lớp năm là chú cho đi học may. Người nào khéo tay thì hành nghề may vá để sống, còn không thì cũng biết chút đỉnh may đồ nhà cho chồng, con mặc cũng đỡ tốn tiền may. Riêng Úc thì bằng mọi giá phải học cho được kỹ sư, bác sĩ thì chú Tư mới chịu. Trong mấy đứa con phải có một đứa thực hiện được ước mơ dang dở của chú chứ! Ngày xưa chú bỏ dở việc học là vì ở quê hết lớp, gia đình nghèo không có khả năng cho chú lên thành thị tiếp tục việc học nên chú đành gắn với nghề nông. Nhưng chú nhận thức được mình có chữ thì biết được nhiều thứ, có kiến thức thì làm gì cũng thuận lợi. Như chú đó, học cũng đâu nhiều mà chú cũng biết được năm châu bốn bể, ít ra là những cái tên mà chú đặt cho con.
Từ những suy nghĩ dự tính sẵn, chú Tư rất quan tâm đến việc học tập của Úc. Mỗi tối, sau việc đồng áng, chú đều dành ít nhất nửa tiếng đồng hồ để dạy Úc học. Được chú Tư kèm, Úc học rất căn bản và giỏi đều các năm tiểu học.
Đến thời điểm quyết định, chú Tư phải cho Úc lên tỉnh tiếp tục con đường học vấn. Chú có người bà con xa trên tỉnh gửi Úc ở nhờ để đi học thì được rồi, chỉ lo phần Úc, mới có mười hai tuổi thôi phải xa cha mẹ mà môi trường mới là chốn thị thành nhộn nhịp khác hẳn với miền quê quen thuộc. Thật ra Úc chẳng muốn đi xa ba má và các chị, xa cái vùng quê yên bình này, nhưng Úc rất ham học, với lại chú Tư đã chuẩn bị tâm lý cho Úc từ trước, mỗi ngày chú tác động một ít: “Con học cho giỏi, xong ở đây rồi ba cho lên tỉnh học tiếp, sau này con làm kỹ sư, bác sĩ, chân giày, chân dép, không còn lội sình như các chị”,... nên Úc không còn do dự gì nữa, con đường của Úc là phải tiếp tục đi học.
Ngày đầu tiên vào lớp học mới, nhìn đám bạn thị thành, Úc co mình khép nép. Thầy giáo giới thiệu với lớp: “Lớp chúng ta năm nay đón thêm một bạn mới chuyển trường, tên bạn là Nguyễn Thị Úc”. Úc đứng lên chào lớp, mấy bạn chung quanh xầm xì: “Nghe cái tên là biết dân vườn chính hiệu rồi!”. Giờ ra chơi Úc vẫn ngồi yên chỗ bàn học, mấy bạn nam đi ngang qua trêu ghẹo: “Út ơi! Út à! Ra anh hai biểu nè!” làm Úc càng thêm ngượng. Ở thành thị mà, đứa nào cũng được cha mẹ đặt tên thiệt đẹp như: Kim Hồng, Ngọc Ánh, Thanh Loan, Hải Yến,… còn cái tên Úc nghe đã quê mùa mà còn không giống ai. Buồn thiệt là buồn.
Một bữa chú Tư lên thăm, Úc phụng phịu trách móc: “Ba, sao hồi đó ba đặt cho con cái tên xấu quá vậy? Lên đây tụi bạn chọc quê cái tên con hoài”. Chú Tư nói: “Tên mấy chị em con là ba lựa dữ lắm đó chứ. Ai nói xấu, nói quê, ba thấy đẹp là được”. Úc cũng chưa chịu: “Tên mấy chị đẹp chứ tên con có đẹp đâu?!”. Chú Tư giải thích cách nào, Úc cũng không chấp nhận. Gương mặt chú Tư thoáng buồn.
***
Bây giờ bà Úc đã là một bác sĩ về hưu, những lúc sống chậm bà thường nghĩ về ba má với lòng biết ơn vô hạn. Cái tên của bà, nghề nghiệp của bà, cuộc sống của bà là do ba má hy sinh mới có được. Phải chi có một phép màu, bà sẽ nói với chú Tư rằng: “Con xin lỗi ba về suy nghĩ non nớt ngày xưa, con thật sự rất yêu thích cái tên ba đặt cho con”.
Bà lướt nhìn những tấm bằng khen, kỷ niệm chương,… treo trong phòng khách, cái tên Nguyễn Thị Úc được viết to, in đậm rõ nét, bà thấy tên mình không xấu một chút nào.