Truyện ngắn: Mùa cá linh non

09:10, 08/10/2023

Nước ở đầu nguồn liên tục đổ về vùng hạ lưu con sông từ mấy hôm nay. Mưa hạt nhẹ, hạt mưa, mưa tầm tã, dầm dề từ sớm tinh mơ cho đến khi chim vịt kêu chiều vẫn chưa dứt hẳn. Một buổi sớm nọ, chừng năm bảy ngày trước, người trong xứ cù lao đứng tần ngần ngoài mé sông hồ hởi loan tin nước lũ đã về.

HOÀNG KHÁNH DUY

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Nước ở đầu nguồn liên tục đổ về vùng hạ lưu con sông từ mấy hôm nay. Mưa hạt nhẹ, hạt mưa, mưa tầm tã, dầm dề từ sớm tinh mơ cho đến khi chim vịt kêu chiều vẫn chưa dứt hẳn. Một buổi sớm nọ, chừng năm bảy ngày trước, người trong xứ cù lao đứng tần ngần ngoài mé sông hồ hởi loan tin nước lũ đã về.

Gọi là lũ chứ thực chất nước chỉ là nước nổi, nước dâng lên vượt khỏi mực nước của ngày thường, khiến cho những dòng sông chằng chịt trở nên dềnh dàng. Theo dòng phù sa mát ngọt có biết bao nhiêu là tôm cá trôi về.

Lũ về, người xứ cù lao nói riêng, người ở miệt đồng bằng châu thổ này nói chung mừng rơi nước mắt. Bởi mấy năm rồi lũ không có về, tưởng lũ đi mãi như đám con gái con trai lớn lên lô xô ra thành phố rồi cắm sào trên đó không về thăm cố hương bản quán...

Cha tôi hay mang lưới ra sông bắt cá linh non. Mùa nước về cá linh non nhiều lắm! Có khi chỉ cần kéo một lưới là đã đầy cá linh, ăn không hết, cha gửi hàng xóm đem ra chợ bán.

Gọi là chợ cho sang chứ thực chất chỉ là vài mái che tụm lại ven con đường lớn, cách sông không xa, bán đủ thứ đặc sản xứ đồng bưng, ốc hến, cua đồng, tôm cá, bồn bồn... mùa nước nổi còn có cả cá linh, bông điên điển. Tiếng mời chào lôm xôm cả một vùng đồng vắng heo vắng hút.

Tôi không thích ăn cá linh non cho lắm vì đối với riêng tôi, loài cá ấy có vị đăng đắng, nhẫn nhẫn. Chắc tại những món được chế biến từ cá linh non không hợp vị với tôi hay bởi vì con cá bé quá, bé hơn cả ngón tay nên không thể đánh vảy kỹ lưỡng hay mổ bụng moi ra đùm ruột đen sì mà thực chất chỉ là những loài sinh vật phù du, phù sa sông nước, là tinh túy của mùa nước nổi cả.

Bữa cơm nào có cá linh non là tôi lại nhăn nhó mặt mày, tỏ ý không muốn và thêm miếng cơm nào nữa. Cha không rầy tôi, nhưng tôi biết cha buồn lắm.

Cha ngồi cắm mặt xuống mâm cơm ăn cho đến khi trong cái ơ cá kho chẳng còn lấy một thân cá linh trắng ngà nào. Trong những bữa cơm sáng cơm chiều, chỉ có tôi và cha ngồi đối mặt, lặng lẽ và từng miếng cơm và nuốt từng cay đắng của cuộc đời.

Tôi biết mình ghét cá linh non là vì cớ gì. Thật ra thì không phải nhìn bản chất cá linh non đáng ghét hay vì cha tôi kho cá, nấu canh bông điên điển không ngon.

Cha tôi khéo lắm! Nếu có cuộc thi nấu ăn với chủ đề những món ăn miền sông nước châu thổ, tôi nghĩ cha sẽ giành chiến thắng. Làm sao ghét được cái loài cá mà mỗi mùa nước về, người xứ cù lao tôi lại trông đợi cá theo về để bắt được những mẻ to, để bán hay để nấu những món ăn ngon đậm tình quê hương xứ sở!

Ngày trước, một buổi trưa mùa nước dâng có đoàn phim ghé ngang qua xứ cù lao của tôi để quay vài phân cảnh theo kịch bản, phim trường nằm sát nhà tôi. Gọi là phim trường- cũng cho sang như cách gọi mấy túp lều lá dừa bằng “chợ”- nhưng thực chất chỉ là con sông nằm ôm ấp một dãy đồng, bờ sông có mấy cây bần chua, ổi còn đương chát ngấm, tôi ăn hoài đau bụng.

Đoàn phim cũng cột dây che chắn vị trí đặt máy quay cho đúng kiểu “làm phim”, dù chẳng có nhiều người đến xem, trừ đám con nít chúng tôi tính hiếu kỳ đến để biết người ta đóng phim như thế nào. Đoàn làm phim nhờ chúng tôi chạy vào xóm tìm rổ cá linh non. “Quay cảnh nước nổi đồng bằng mà thiếu cá linh thì xem như mất hay!”- ông đạo diễn nói.

Chúng tôi ráo riết chạy ra bờ sông, chỗ bến đò í ới gọi mấy người đàn ông đang quăng chài, thả lưới xin mớ cá linh non, còn khi đưa cho ông đạo diễn thì chúng tôi nhận tiền, chia nhau mua kẹo ăn vặt, tôi không mua gì nên bỏ túi. Cảnh quay thành công, đoàn phim dọn sạch sẽ phim trường rồi xuống đò dọc chuẩn bị đi.

Tôi nhìn theo đầy nuối tiếc. Biết bao giờ cái xứ cù lao khỉ ho cò gáy này mới có đoàn phim để mắt tới, mà cá linh non có gì đâu để được lên phim, nó còn sướng hơn cả tôi nữa- tôi nghĩ vậy, lòng ấm ức.

Khi ấy, tôi chưa hiểu rằng cá linh là một phần hồn cốt của mùa nước nổi ở đồng bằng nơi tôi được mẹ sinh ra và sống những tháng ngày bên cạnh cha mà không có má!

Ở đâu đó trên cuộc đời này, tôi nghĩ, sẽ có một người đàn bà hàng ngày nấu cơm, kho cá, luộc rau... cho cha tôi để mỗi khi đi làm về cha tôi chỉ cần sà vào bàn là có ngay cơm canh nóng hổi, có bàn tay người đàn bà chăm sóc vỗ về.

Tất nhiên người đó không phải là mẹ của tôi! Tôi biết ở cái xứ cù lao này cũng có người thầm thương cha tôi, thương nhiều lắm! Người đó vẫn hàng ngày đi ngang qua nhà tôi bằng chiếc xuồng nhỏ trôi là đà trên dòng, mũi xuồng thường cắm mấy thứ bông dại vơ được ven bờ, trên sông như lục bình, bông muống...

Nhưng cha tôi vẫn không để mắt đến! Tôi thương mẹ lắm, nhưng nghĩ mình cũng lớn rồi, cũng hiểu được đôi phần câu chuyện không mong muốn đã qua. Thương mẹ và đợi mẹ, đợi lâu lắm rồi, mà chưa một lần tôi thấy mẹ quay trở về xứ cù lao heo hút.

Người trong xóm nói mẹ tôi bỏ nhà đi theo tiếng gọi của kim tiền, cũng vì mẻ cá linh non mẹ kho mùa nước ấy ngon quá nên khiến một người đàn ông giàu có neo ghe ở bến nhà tôi mê đắm. Ngày người đó rời bến, mẹ tôi cũng bỏ nhà, bỏ cha con tôi để đi cùng.

“Cái tướng mẹ mày tiểu thư dữ lắm! Sống gì nổi cái cảnh nhà dột cột xiêu, ở cái đất cù lao to hó buồn rười rượi này!”- bà hàng xóm nói với tôi lúc kêu tôi ra bờ sông xõa tóc ngồi bắt chí. Tôi giận cả tháng không lui tới. Mẹ bỏ tôi đi, để lại trong tim cha con tôi những hố sâu khó có thể lấp đầy! Song tôi không muốn ai khác trách hờn mẹ tôi, trừ cha con tôi, bởi họ làm sao hiểu thấu được nỗi lòng của người đàn bà sống ở cù lao mà tâm hồn cứ hướng về chốn phồn hoa đô hội?

Cha tôi mặc kệ những quan tâm, lờ đi ánh mắt quan tâm sâu sắc của người vẫn thường bơi ngang qua nhà. Tự dưng tôi thấy thương người đó quá! Tôi thấy đâu đó trong hình ảnh người đàn bà kia là cha mình, cứ mãi đợi chờ một người trong vô vọng, như cha vẫn từng giây từng phút ngóng mẹ tôi trở về.

Trong nhà, những thứ thuộc về mẹ vẫn yên vị. Mấy năm rồi vẫn vậy. Cây lược gỗ giắt trong ống đóng hờ bằng cây đinh rỉ lên cột nhà, đôi dép lưới mẹ mang, đôi bông tai ngày cưới mẹ cha đã chắt chiu để sắm vẫn còn nằm trong tủ kiếng- kỷ vật mà mẹ để lại cho tôi trước lúc bỏ đi.

Tôi không đeo, thà đeo bông tai giả mấy chục ngàn mua ở chợ huyện mấy hôm lại ngứa ngáy, sưng tấy. Cha khuyên tôi đừng giận mẹ, mẹ có con đường của riêng mẹ, cha với mẹ không có duyên nữa thì thôi, trách hờn chi một người ra đi chỉ vì những đam mê, khát vọng! Nghe vậy, bỗng tôi giận sôi nước mắt.

Cha tôi bao dung quá! Cha không hờn giận, thù hằn, chỉ một mình ôm trọn niềm đau. Tôi thương cha vô bờ. Những kìm nén trong lòng đã đầy như con sông ôm ấp xứ cù lao mỗi bận nước về lai láng, tôi bật khóc, hất văng cả chén cơm đầy có mấy con cá linh non kho khô nằm hờ lớp trên mà tôi định bụng ăn thử cho quen vì người ta nói đây là đặc sản trời cho mùa nước.

“Trời ơi, cha! Sao cha lại dễ dàng để mẹ ra đi mà không một lời oán hận? Giá mà cha oán hận, có lẽ con, và cả mẹ nữa, sẽ thấy lòng nhẹ nhõm hơn nhiều! Con thương cha quá, cha ơi! Cha!”...

Nước mắt tôi chảy trên gò má những giọt vắn giọt dài, như nước cơn mưa dầm dề trút xuống mái lá rồi đổ xuống đọng thành vũng có lớp bọt trắng xóa. Lòng tôi xao động. Cơn mưa lay động. Chỉ riêng cha tôi là im lặng. Một sự im lặng đến đáng sợ và xót xa. Tim tôi đập ngắt quãng. Và tay chân lạnh ngắt.

Bình tĩnh và dành trọn cho mẹ một tình yêu vô bờ, cha tôi thổn thức nói: “Đôi khi thương không nhất thiết phải ở bên cạnh người mà mình thương. Thương là khi mình biết được người mình thương đang hạnh phúc với những thứ mà họ từng khao khát!”.

Tôi ngồi thụp xuống, nhặt lấy nhặt để mấy hạt cơm trắng bỏ vào trong chén. Con mèo mướp hôm nay lười, nó chẳng thèm nhặt cơm, vồ mớ cá nhảy khỏi chén nằm vung vãi trên mặt đất ẩm ướt. Cha tôi không giống như nhiều người đàn ông khác, không hận không thù, cũng chẳng đay nghiến suốt một đoạn đời dài dằng dặc. Cha đối mặt với sự dối trá là niềm bao dung, bình thản và vị tha...

Tôi ngồi bên cha. Trong chiều mưa đổ. Con sông chảy ngang qua cù lao hôm nay nước lên dềnh dàng. Nước mang xác lục bình tan tác trôi về, mang theo những đụn cỏ vô danh trôi lờ đờ ngang qua, trông như những chiếc ghe chìm nghỉm giữa dòng nước bạc.

Tôi vòng tay mình qua tay cha. Thấy thương cha quá, tôi ôm cha, nói mấy câu “Con thương cha dữ lắm, cha ơi!” mà trước đó mỗi lần mở miệng ra tôi lại thấy ngượng nghịu thế nào không rõ. Cha ôm tôi vào lòng. Mùi thuốc lá, mùi mồ hôi của cha cùng mùi bùn lầy bất giác thoang thoảng vây lấy tôi.

Mai này lớn hơn, đời sẽ dạy cho tôi nhiều bài học quý giá khác, nhưng có lẽ bài học về lòng vị tha và sự bao dung mà tôi học được từ cha là bài học quý giá nhất. Bởi tôi đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, tình yêu thương, hạnh phúc gia đình, những yên bình ấm áp... để có được.

Mùa nước về, cá linh non nhiều vô số kể. Chiều này, tôi lại thấy cha lấy lưới bơi xuồng ra sông lớn bắt cá. Tôi đứng dưới mé sông dặn với theo: “Cha cẩn thận, nước sâu lắm, nghen cha!”.

Cha tôi cười hiền rồi đi. Cái nón lá rách tươm và thâm kim đội hờ trên đầu không che chắn nổi bóng dáng cha tôi- người đàn ông cơ khổ một đời để vật lộn với dòng đời nghiêng ngả. Bóng cha thấp thoáng trên sông. Tôi ngồi ở mé sông, tháo một chiếc dép lót làm ghế cho khỏi lấm bùn, nhìn sông nước mây trời, nhìn mấy cây bần cùn đang ra trái rất sung sức.

Tự dưng tôi thấy mình không còn ghét con cá linh nữa. Loài cá mang linh hồn của mùa nước nổi, mang niềm vui đến cho những người dân nghèo khó xứ cù lao heo hút cỗi cằn. Tôi đang tưởng tượng một chén cơm trắng đầy, ăn với cá linh kho khô, có thêm tô canh bông điên điển ngò ớt ngon “hết sảy”.

Tôi sẽ thôi hờn giận mẹ của mình, sẽ sống như cha, mọi đau thương nhọc nhằn rồi cũng sẽ qua để rồi điều cuối cùng còn sót lại trong lòng là những bình an, dung dị, thơm thảo, ngọt lành...

Chiều nước dâng. Dòng sông xõa tóc. Đẹp và hiền, và thênh thang, và hướng về nguồn cội như người đàn bà lỡ đường chơi vơi trên chính mảnh đất mà bà ta từng rời bỏ vì những khát khao thoáng qua một thuở...

“Con nước vơi đi. Rồi nước lại đầy. Chim có bay xa. Rồi cũng hiệp bầy...”- Tôi nghe cha hát. Mà giọng chua xót lắm. Tiếng cha ngân dài cả một quãng sông quê...

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh