Ngôi trường cất sát mí biển. Nước đục quanh năm, lúc nào cũng ngầu bọt. Bãi cát ven bờ cũng một màu vàng khé. Dân biển trồng bí đỏ và dưa hấu thiếu điều bò lan ra tận mép nước. Sóng vỗ cách bãi dưa, bãi bí chỉ độ vài gang tay. Thuyền cá không lên trên bãi biển mà lên theo triền sông.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
HỒ TĨNH TÂM
Ngôi trường cất sát mí biển. Nước đục quanh năm, lúc nào cũng ngầu bọt. Bãi cát ven bờ cũng một màu vàng khé. Dân biển trồng bí đỏ và dưa hấu thiếu điều bò lan ra tận mép nước. Sóng vỗ cách bãi dưa, bãi bí chỉ độ vài gang tay. Thuyền cá không lên trên bãi biển mà lên theo triền sông.
Sông uốn một vòng điệu nghệ, ôm bọc các động cát. Bởi vậy, ngôi trường như tách biệt hẳn ra. Không biết ai lại nghỉ ra cái điểm dựng trường kỳ quặc. Hỏi ra mới biết, ở vùng biển hẻo lánh này, chỉ có nơi đó là cất trường tốt nhất. Còn thì… ba bề bốn bên toàn nước và rừng. Rừng đước non, rừng chà là, rừng sú, rừng vẹt…
Rừng xanh um tùm trên sình lầy. Lúc nhúc bên dưới là cua, là vọp, là cá bống kèo. Tỉ như nhà ai có khách, trẻ chỉ lội rừng chừng tiếng đồng hồ đã đem về lũ khũ mồi màng- toàn là đặc sản mà ở những nơi khác người ta phải mua bằng tiền đô. Cũng bởi vậy mà trò ở đây đi học cũng ngộ. Đứa nào cũng đầu trần chân đất, vận quần xà lỏn tộc ngộc, hai cẳng chân lúc nào cũng lấm lem bùn đất.
Nói là trường, nhưng thực ra chỉ có mỗi một lớp học với độ chừng hai mươi đứa, chênh lệch nhau tới bốn năm tuổi.
Đứa nhỏ nhất bảy tuổi, đứa lớn nhất mười hai tuổi. Đứa nào cũng hiền và thật thà như sình non, chỉ tội, khi Hương về nhận lớp, đứa nào cũng đọc không chạy một trang sách, chữ viết nguệch ngoạc như cua bò, bảng cửu chương thì tối mù tối mịt. Hỏi tới đâu chúng cứ ngớ ra tới đó, đùn đẩy nhau lòng vòng, đùn đẩy nhau cả mấy phút mà chẳng đứa nào trả lời nổi nửa câu hỏi.
Hôm Hương về trường nhận lớp, người tiếp nhận cô không phải là ông hiệu trưởng, mà lại là mấy anh bộ đội biên phòng. Một anh còn trẻ, đeo quân hàm Đại úy, tự giới thiệu:
- Tôi là Trần Quân, Bí thư Đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng 726.
Hương bắt tay anh ta.
- Còn em tên Hương. Phan Thu Hương.
Quân đỡ hai chiếc túi du lịch lấm lem bụi đỏ đường dài của Hương, dẫn cô vào ngôi trường chỉ có độc nhất một ngôi nhà lợp lá dừa nước. Ngôi nhà được ngăn ra một gian nhỏ, có kê tới bốn chiếc giường.
Quân cười, nói với Hương:
- Mỗi đêm sẽ có ba đứa học trò tới đây ngủ với cô, để cô đỡ trống vắng, đỡ buồn.
Một anh lém lỉnh nói:
- Cô Hương à! Nếu tụi nhỏ bày trò nhát ma thì cô đuổi chúng đi, tụi này sẽ đến thế chỗ, canh chừng cô an toàn tuyệt đối.
Hương nhìn thấy trong phòng có chiếc đèn BC và một chiếc đèn măng sông, ngạc nhiên hỏi:
- Làm gì mà tới hai chiếc đèn lận, há anh Quân?
- Cô cứ đốt xài thoải mái. Tối nào học trò tới đông, cô cứ đốt đèn măng sông cho chúng văn nghệ. Nói thiệt với cô, học trò xóm này, học hành dở ẹc, nhưng hò hát thì phải biết. Cứ là um trời sáng đêm.
Quân nói chưa dứt lời, anh chàng lém lỉnh lại đã chen ngang.
- Nếu có văn nghệ, cô ới chúng tôi một tiếng. Đảm bảo với cô, chừng đó anh Quân sẽ kéo cả chi đoàn tới yểm trợ cho cô.
Thực sự, ngay từ đầu Hương đã thấy vui vui. Khi ông trưởng phòng giáo dục nghe Hương nói rằng, cô tự nguyện về dạy học ở trường này, ông đã trố mắt, lột mục kỉnh xuống lau tới lau lui mấy lần. Rồi thì ông ta chộp lấy điện thoại, nhấn số thoăn thoắt. Sau một hồi nói ríu lưỡi với ai đó ở đằng kia đầu dây, ông ta tong tả kéo phắt Hương ra quán.
- Cô Hương, tui đãi cô bằng tiền túi. Món gì cũng được, cứ xả láng. Chỉ tiếc cô là đờn bà. Ừa quên… chỉ tiếc cô là con gái không biết uống bia, uống rượu, nếu không… Mà không sao, sớm mơi anh em biên phòng sẽ đem hobo tới rước cô, sẽ khui bia ngay trên bãi biển. Thiệt… cám ơn cô quá chừng!
Ông trưởng phòng bô bô nói tuốt tuồn tuột cho Hương biết về ngôi trường nơi cô sắp đến. Trường là do anh em bộ đội biên phòng cất lên đã mấy năm nay, và cũng chính do anh em đứng ra dạy lớp theo kiểu dạy tay ngang.
Còn huyện, thiếu giáo viên đã đành, nhưng có nhín ra điều động, cũng không ai chịu đi tới nơi heo hút ấy. Đơn giản là bởi nó tuềnh toàng quá, trường không ra trường, lớp không ra lớp; chương trình giảng dạy chính quy không áp dụng được, cứ dạy tới tới theo kiểu được chăng hay chớ, tùy theo sức học của trò.
Khi nghe ông trưởng phòng gần sáu mươi tuổi, mập thù lù, đen thùi lùi, hỏi vì sao cô lại chịu tới dạy học ở ngôi trường heo hút nhất huyện, Hương nói thật lòng mình:
- Cháu thất tình mà bác.
Ông trưởng phòng lại ngớ ra.
- Đẹp như cô mà thất tình! Tui nghe có lầm không đó?
- Bác không lầm đâu. Hồng nhan bạc mệnh mà.
- Thời nay làm gì có chuyện đó. Mà thiệt như vậy, chắc tui không dám cho cô xuống đó nữa quá. Ngay tại huyện cũng đang thiếu cả chục giáo viên.
Hương không dám bộc bạch chuyện tình của mình, sợ ông già bộc bệch này lại hiểu lầm, lại kể bô bô cho mọi người biết chuyện. Thực lòng Hương cũng buồn anh ấy. Anh ấy yêu Hương nhưng không yêu nổi cảnh nghèo của mẹ con Hương, nhất là khi nghe Hương nói sẽ xin đi dạy ở xứ biển Cầu Ngang heo hút- nơi cha cô đã nằm xuống trong một chuyến chở vũ khí từ biển vào đất liền.
Anh ta nói, cô điên rồi, có điên mới dại dột đâm đầu tới nơi khỉ ho cò gáy, để muối biển, để bùn sình nhuộm đen làn da trắng trẻo. Thế rồi, anh ta cứ de ra dần dần. Nỗi đau của Hương cũng dần dần tăng lên. Nhưng cô đã vượt lên được khi nghe mẹ nói, rồi mẹ cũng thu xếp về nơi ấy với cô, để hương hồn cha cô được ấm áp nơi chín suối.
Niềm vui của Hương càng được nhân lên, khi ngay nửa đêm, đã thấy hai anh bộ đội biên phòng xuất hiện. Áo quần của họ ướt sũng sương đêm. Cả hai nhào vào phòng như hai ngọn gió, vừa nhìn Hương vừa nói hào hển:
- Trưởng đồn mừng quá, mới vừa nghe điện thoại, đã hối tụi tui phải đi đón cô ngay liền xì.
Trưởng phòng giáo dục cười hềnh hệch:
- Ổng đánh hơi thấy người đẹp, sợ mất chớ gì?
Tiếng cười ồn ã theo chân họ ra bến sông ngay trong đêm. Hobo được nước, được gió, lao vun vút như lướt. Đèn pha quét sáng quắc cả hai triền sông.
Giờ thì Hương đã ở ngay nơi cô xin đến. Xung quanh cô lúc đầu là những người lính trẻ trung, bây giờ còn có thêm mấy người dân chài. Họ đến xem mặt cô giáo. Họ dẫn theo cả học trò của Hương. Họ xúm xít giúp cô bày biện lại căn phòng, sửa soạn lại lớp học. Rồi thì họ nổi lửa, tổ chức ngay một bữa tiệc trên bãi biển ầm ào sóng vỗ.
Bữa tiệc dân dã mà vui nổ trời. Lính biên phòng thì khỏi nói. Họ hát. Họ đòi Hương phải hát song ca với họ. Họ còn mời Hương nhảy lâm thôn. Thậm chí, họ còn ép bằng được Hương phải uống rượu. “Cô Hương ơi! Cô uống chỗ nào để tôi uống cho trúng chỗ đó”. Tiếng cười giòn hơn tiếng sóng.
Những ánh mắt còn sáng hơn cả đèn măng sông sáng rực. Những người dân chài, ai cũng dễ thương như đất như nước, nhất là mấy bà má quấn khăn rằn, lúc nào cũng cười rạng rỡ bằng cả gương mặt và ánh mắt. Có bà cứ nắm lấy tay Hương mà nói đi nói lại mỗi một câu:
- Quý hóa quá! Từ đời năm nẳm nào tới giờ, xóm chài hạ bạc này mới thấy một cô giáo trẻ đẹp đến với dân làng. Con cần nước ngọt tắm giặt, hay cần thứ gì, cứ hú má một tiếng, má với bà con cô bác sẽ lo cho con chu tất mọi bề.
Lạ nhất là đám học trò, chúng cứ luẩn quẩn trong đám đông, nhìn Hương không chớp mắt. Trong đám, có một bé gái chừng bảy tám tuổi, với gương mặt bầu bầu, thừa lúc Hương ngồi xuống với mẹ nó, liền cất tiếng thỏ thẻ:
- Cô cho con ngủ với cô nghen! Con hổng có đái dầm!
Hương ôm đứa bé vào lòng, bất giác trào nước mắt. Chưa bao giờ cô thấy ấm áp như vầy.
Bên ngoài, đêm sậm một màu đen đặc quánh. Ngoài tiếng sóng ầm ào dưới biển, tất cả đều chìm trong heo hút, yên bình của miền quê hẻo lánh.