"Người yêu người, sống để yêu nhau"

05:10, 22/10/2023

Cuốn tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi có một vị thế đáng kể trong đời sống văn chương Việt Nam thế kỷ XX, đặc biệt đối với độc giả trẻ. Bộ phim truyền hình "Đất phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn sản xuất năm 1997 là cả một "bầu trời ký ức" của thế hệ 8X, 9X.

 

Cuốn tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi có một vị thế đáng kể trong đời sống văn chương Việt Nam thế kỷ XX, đặc biệt đối với độc giả trẻ. Bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn sản xuất năm 1997 là cả một “bầu trời ký ức” của thế hệ 8X, 9X.

Bộ phim được yêu thích đến mức đài truyền hình cho chiếu đi chiếu lại vào mỗi mùa hè, trong nhiều năm. Lũ trẻ dù đi chơi ở xa tít cũng chạy hụt hơi về nhà vào đúng giờ phim phát sóng, không bỏ lỡ một giây phút nào. Câu chuyện mượn hình ảnh cậu bé An khao khát đi tìm cha để giới thiệu “Đất rừng phương Nam”. Nơi đó có niềm vui, có nước mắt ở một vùng đất vô cùng giàu có, hào sảng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.

Phiên bản điện ảnh “Đất rừng phương Nam” vừa mới ra mắt. Nhà sản xuất phim ấn định ngày chiếu là 20/10, nhưng những suất chiếu sớm ở rạp phim Vĩnh Long đã chật kín người từ 16-17/10. Trong rạp không chỉ có thế hệ 8X, 9X chúng tôi mà phần nhiều là những bạn học sinh, sinh viên, có những ba mẹ dắt con nhỏ đến xem phim.

Thừa hưởng chất liệu sẵn có và tiếng vang từ trước, bộ phim điện ảnh có những lợi thế và cũng có đầy thách thức khi bị mang ra so sánh với bản phim truyền hình. Tạm cất vào một góc những ký ức tuổi thơ tươi đẹp, tôi cũng đầy tò mò và ra rạp với tâm thế sẵn sàng đón nhận, xem dưới góc nhìn, máy móc, kỹ thuật hiện đại, phương Nam trong trái tim mình sẽ được hình dung ra sao.

Lấy cảm hứng từ sách và bản phim truyền hình, phim điện ảnh có những đổi khác khá lớn. Nhân vật Út Lục Lâm, một tên trộm vặt trong tập 4, tập 5 của phim truyền hình trở thành nhân vật thứ chính. Với sự hóa thân của Tuấn Trần, tên trộm vặt láu cá, tinh ranh nhưng có trái tim ấm áp trở thành một trong những vai diễn được yêu thích nhất phim.

Nhân vật chính là bé An được Hạo Khang thể hiện cũng khá tròn vai, đặc biệt trong ánh mắt đầy nhớ nhung, ngân ngấn nước khi An ngồi ngắm đom đóm nhớ mẹ khiến khán giả trong rạp cũng bất giác lau vội giọt nước mắt. Những vai phụ như bé Xinh, Tư Mắm, ông Tiều, thầy Bảy… đều thể hiện tròn đầy cảm xúc, mà lấp lánh trong đó tinh thần luôn được giữ từ tác phẩm gốc của Đoàn Giỏi là giữa gian khó, luôn bật lên tình người.

Cái tình, cái nghĩa của những người con phương Nam mới cảm động và đáng trân quý biết bao. Như câu thơ mà Tố Hữu từng viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau”. Không gì đẹp bằng lòng nhân ái, không gì quý bằng tình yêu thương giữa con người với con người.

Nguyễn Quang Dũng khéo léo khai thác chi tiết của nghề “trượt mong”, lướt ván trên mặt bùn bắt cá. Những đứa trẻ vui vẻ vẫy vùng giữa sình lầy, và “trượt mong” cũng dẫn đến cái kết mãn nhãn trong cảnh trốn chạy cuối phim, tạo nên khung cảnh đầy xúc động, nêu bật được chi tiết “chỉ dân mình hiểu xứ mình”, chúng ta chiến thắng khi lính Pháp lội bộ giữa sinh lầy còn bé An thì thoát nhờ “trượt mong”.

Chỉ một cánh cò chao liệng mà ôm cả bầu trời, ôm đất rừng mênh mông, hùng vĩ lên phim. Cái đẹp mãn nhãn của thị giác trong “Đất rừng phương Nam” điện ảnh khác hẳn cái đẹp chân chất bình dị trong bản truyền hình. Và âm nhạc gợi cảm giác hùng tráng của Đức Trí khác hẳn âm nhạc bình dị thân thương của Lư Nhất Vũ.

Tuy còn khá nhiều tranh cãi về bối cảnh lịch sử, chi tiết miêu tả, trong ngôn ngữ đôi lúc quá “Gen Z” mất đi chất liệu phương ngữ Nam Bộ nhưng bản điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng là một bộ phim đáng được động viên giữa lúc rạp phim còn đầy khó khăn sau dịch COVID-19. Bao công sức và tâm huyết trong 4 năm hoàn thành bộ phim, tuy chưa hoàn toàn thuyết phục nhưng thế hệ hôm nay có thể hình dung về quê hương mình giàu có, trù phú, giàu tình yêu thương, một lòng vì cách mạng, vì độc lập, tự do.

Còn một chút chưa trọn vẹn để người xem đợi những kỳ vĩ với những kênh rạch, tôm cá, chim chóc, muông thú, lúa rạ và cây cối, rừng già phương Nam. Và người xem còn đợi kịch tính về câu chuyện câu rắn, lấy mật, săn cá sấu… đợi cuộc trùng phùng của cha và bé An trong phần 2 của bộ phim.

PHƯƠNG THƯ

 

 

 

 

Bối cảnh sông nước miền Nam được tái hiện trong phim.

Ảnh từ đoàn làm phim

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh