"Không thương em hổng có cần- Trầm hương khó kiếm chứ đước bần thiếu chi"…
Tranh minh họa: Trần Thắng |
HOÀNG KHÁNH DUY
“Không thương em hổng có cần- Trầm hương khó kiếm chứ đước bần thiếu chi”…
Tôi thường nghe Út Nhỏ hát câu hát đó mỗi khi ngồi ở dưới mé sông nhìn con nước lớn ngập mấy gốc bần bám rễ giữ dạng truyền thống cái bến nước trước nhà. Hình như Út Nhỏ thích câu hát đó lắm, lại đúng kiểu đước, bần có mặt ở khắp xứ địa môn, tạo nên phong cảnh dân dã thân thuộc của quê hương mình nên Út Nhỏ thường hay ngâm nga.
“Hò… ơ…Chiều chiều xuống bến ba lần- Trông anh hổng thấy, thấy bần xơ rơ”. Út Nhỏ thuộc kiểu con gái truyền thống. Chắc giống má. Thích hát hò, nhất là mấy câu dân ca đậm tình quê nhà xứ sở. Thích mặc áo bà ba, dù bây giờ chẳng mấy ai mặc áo bà ba đi xớ rớ trong nhà như mấy phim mà Út Nhỏ thường hay coi trên tivi được chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, hay mấy vở cải lương mà mỗi lần coi má tôi lại khóc, thiếu điều nước mắt thành sông.
Ở quê tôi không thiếu đước thiếu bần. Hồi đó, cả con rạch này toàn là bần mọc dại hai bên bờ, tạo thành bóng mát cho mấy chiếc ghe lỡ đường tấp vào tránh nắng. Con rạch được nạo vét, cần cạp rơ ngã rạp đám bần ngay mùa bông trắng xóa. Bông bần rụng đầy trên sình lầy nhầy nhụa. Út Nhỏ tiếc.
Xáng cạp đến mé sông nhà tôi, mà ở trên bờ xắn ống quần xắn tay áo lăn xăn chạy ra chỉ trỏ, kêu thằng Cò tránh chỗ nọ, chỗ kia. Vét đâu cũng được, đừng làm gãy đám bần của má. Thằng Cò lắc đầu không hiểu đám bần có gì mà má tôi lại giữ, nhưng nó cũng nghe theo. Kỹ lưỡng lắm mà nó cũng làm gãy ngọn hai cây bần già và cao nhất, má tôi tặc lưỡi, tiếc đứt ruột.
Từng mùa nước trôi lững lờ trở thành tấm gương lớn để đám bần soi bóng. Trong xóm giờ chắc còn mỗi nhà tôi còn giữ lại cái bến nước lô nhô những cây bần già, hết đợt bông thì trái trên cành lúc lỉu, con nít thấy mát nên thường tụ tập lại chơi nhà chòi hoặc tắm sông. Út Nhỏ cũng hay ra đó ngồi hát vu vơ hoặc làm thơ con cóc.
“Chừng lớn lên em làm nhà thơ nghen anh hai”- Út Nhỏ nhìn tôi, mắt long lanh khoe “chiến lợi phẩm” là mấy bài thơ chép trong trang vở học trò. Út Nhỏ không được đi học nên viết chữ đặng chữ được, tôi phải sửa lại cho nó. “Ừ, biết làm thơ thì làm, ai cấm Út Nhỏ đâu”.
Út Nhỏ “Ờ…” một hơi dài rồi nhìn lên cây bần cụt, mắt chuyển sang buồn. “Mà hổng biết Út làm được không. Út như cây bần cụt đó vậy!”.
Nghe Út Nhỏ nói, tự dưng tôi buồn hiu. Út Nhỏ thập thững bước lên nhà. Tôi định đỡ nhưng Út Nhỏ lắc đầu, nhìn tôi, cười hiền. Tôi đứng dưới mé sông bông bần rụng lấm tấm nhìn theo cái dáng thập thững của Út Nhỏ.
Ông trời cho nó nhiều thứ, lấy đi của nó chỉ một thứ duy nhất, nhưng lại là thứ quan trọng nhất: đôi chân. Út Nhỏ bị tật nguyền từ nhỏ- di chứng của thứ chất độc năm nào còn vương vãi trong từng tấc đất quê hương.
*
Chiều nước lên, xóm đìu hiu, một đợt gió thổi qua rung rinh làm cơn mưa bông bần đổ trắng. Trong nhà hâm hấp nóng. Út Nhỏ ngồi ở cửa sau nhìn ra xa xa, hát câu “Chiều chiều chim vịt kêu chiều- Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”.
Tôi biết nó đang buồn. Buồn không phải cảnh chiều hiu hắt mà vì câu hát ấy thể hiện nỗi cô đơn của một người con gái lấy chồng xa nhớ về quê má. Được sống bên má là điều tuyệt vời nhất đối với Út Nhỏ, nhưng dẫu sao Út Nhỏ cũng là con gái, cũng muốn một lần dòm ra cái cửa sau nhà mà nhớ má đứt ruột.
Tôi ghẹo, “sau này Út Nhỏ có chồng, rồi cũng sẽ là cô gái trong câu hát đó thôi”, nhưng vô tình lại chạm vào nỗi buồn của nó. “Ai đời đi lấy con nhỏ tật nguyền, đi còn không vững như em, hả anh hai?”. Lòng tôi như xát muối.
Má tôi hay ngồi ở mé sông nhìn đám bần già cỗi mà nước mắt nhỏ giọt. Tôi phát hiện, nói “Trời ơi, làm gì má khóc vậy?”.
Má chối: “Tao có khóc đâu, gió máy dữ quá, mắt má cay”. Rồi má tôi lấy tay quệt nước mắt tèm lem. Tôi biết má nói dối. Gió gì mà khiến má tôi chảy nước mắt như mưa. Má thôi khóc, lái qua chuyện bần chua rụng đầy gốc. Cây bần trồng ở xứ này, ngoài việc giữ đất để khỏi bị sạt lở với che bóng thì trái bần đem nấu canh chua, kho cá hay chấm muối ăn đỡ buồn cũng có nghĩa.
Má lấy rổ ra lụm đem vô, ăn riết chán, bù mắt bay xì xèo. Tôi thấy đám bần đã cống hiến cạn cùng sức lực rồi, cả mé sông cũng bị sụt lún vì ghe lớn chạy qua ngày một nhiều, sóng đánh, gốc bần không giữ được đất nữa nên sạt ra ngoài sông, sắp đổ. Một chiều tôi nói với má: “Hay mình chặt bỏ đám bần đi má, giữ lại làm gì nữa, vô dụng”.
Má nhìn tôi trân trân, rồi nước mắt má tuôn ra. Tôi chết lặng. Út Nhỏ ngừng hát, cũng chết lặng theo tôi. Má không nói được câu nào mà đi một mạch xuống bến sông ngồi khóc dưới gốc bần trong tiếng rạt rào của con nước lớn…
*
Nhập học, tôi rời nhà lên thành phố tiếp tục năm thứ ba của đời sinh viên. Trước khi đi, tôi dặn Út Nhỏ chăm trò chuyện với má, tôi thấy má hay buồn một mình nên đâm lo. Má vẫn cười hiền như lúc tôi chưa nói với má rằng nên chặt bỏ đám bần đi, như lúc tôi chưa biết rằng má giữ đám bần lại vì nó gắn liền với những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của má.
Đêm cuối ở lại nhà, mưa lâm thâm, bụi chuối bên hè rũ lá xuống mái tôn rồn rột suốt đêm khiến tôi không sao ngủ được. Tôi sang buồng con út. Út Nhỏ vẫn còn thức và viết linh tinh mấy câu thơ dang dở. Tôi biết Út Nhỏ thích làm thơ.
“Út Nhỏ có biết vì sao má mình thương đám bần già dữ vậy hông?”- Tôi hỏi. Út Nhỏ nhìn tôi hồi lâu rồi lặng đi, khiến tôi càng thêm tò mò. Mưa hạt nặng.
Mưa xiên ngang, xiên dọc ngoài cửa sổ. Giông giật trái bần rụng lũm bũm ở mé sông. Út Nhỏ im lặng cho đến khi giông hạ, chỉ còn mưa réo đám chuối hương sột soạt bên hè. Út Nhỏ kéo hai ống quần lên cao để tôi nhìn thấy được đôi chân mà nó cho là “không được đẹp”.
“Anh hai có biết vì sao đôi chân của anh hai và đôi chân của Út Nhỏ khác nhau hông?”. Tôi lắc đầu, chắc vì Út Nhỏ kém may mắn hơn tôi nên không thể bước đi vững chắc trên đôi chân của chính mình. Út Nhỏ nhìn sâu vào mắt tôi, mắt nó rơm rớm nước: “Vì Út Nhỏ và anh hai không cùng một người cha”.
Mắt tôi mở trao tráo nhìn Út Nhỏ: “Trời ơi, Út Nhỏ nói thiệt hông, sao Út Nhỏ biết?”. Út Nhỏ từ từ ngã đầu vào vai tôi. Với nó, đôi vai của tôi bao giờ cũng là nơi dựa vững chãi nhất. Út Nhỏ chậm rãi kể cho tôi nghe câu chuyện tình trái ngang của má. Thuở còn xuân sắc, má tôi có yêu một người đàn ông tha thiết.
Chiến tranh nổ ra chia cắt biết bao nhiêu mối tình đẹp, trong đó có mối tình sâu sắc của má tôi. Một ngày má nhận được tin người má yêu đã hy sinh trên chiến trường, lòng má đau quặn. Nỗi đau nguôi ngoai, má chấp nhận lấy một người thương má nhiều hơn má thương người ta làm chồng, sinh ra tôi. Lúc đó nhà tôi nghèo lắm, chỉ là một nhúm đất rúm ró dưới mé sông, cặp mấy cây bần ba tôi trồng giữ đất.
Chiến tranh nguội tắt. Người má thương bỗng chốc trở về từ chiến trường, đứng sừng sững bên kia sông, í ới gọi má tôi. Má đứng bên này nhìn sang, người má thương ở bên kia nhìn lại, nước mắt chảy như sông.
Người thương má biết má còn thương người khoác áo lính ngồi trầm ngâm trong làn khói thuốc rỉ rả dưới bến nước một đêm không trăng, gió giăng tù mù. Đêm hôm ấy, người thương má đã bỏ bến sông có đám bần tự tay trồng, đã cao khỏi đầu người, ra đi biền biệt. Má sững sờ, chết lặng.
Người lính khuôn mặt chi chít sẹo đã từng lăn lộn giữa chiến trường, trong những cánh rừng đã khô trụi vì chất độc quân thù rải xuống, đã hiểu được tấm lòng nhân hậu của bạn mình…
“Út Nhỏ ơi, một người ba giờ đã ở trên bàn thờ, còn ba anh đang ở đâu, hả Út Nhỏ?” - Tôi bất lực gục mặt xuống bàn. Đời trái ngang như đám bần má cố giữ làm kỷ niệm, như một sự tri ân, một nhắc nhớ và cũng là một dấu chỉ để người xưa ngược lối quay về… từng ngày rệu rã, hoặc bị sâu mọt, hoặc sụt lún, hoặc gió giông quật gãy vì nhánh nhóc đã khô già.
*
Tôi mang theo câu hỏi ấy trong ba lô và lên đường lên thành phố. Ngày tôi đi, má cũng tiễn tôi dưới bến sông chỉ còn trơ trọi vài ba cây bần khẳng khiu này. Má lại khóc.
Tôi tự hỏi lòng, đã bao nhiêu cuộc tiễn đưa diễn ra ở cái bến sông này, mà bến sông lúc nào cũng đong đầy nước như nước mắt?
Út Nhỏ vẫy tay: “Anh hai đi mạnh giỏi, nào thi xong về thăm Út Nhỏ với má nghen”. Tôi gật đầu chắc chắn. Mà nước mắt chứa chan…
Đã bao lần ở một con phố xa xa, tôi thấy ai đó nhìn theo bóng mình. Tôi ngoảnh lại thì đôi mắt vô hình mất hút. Nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác một ai đó đang bảo vệ mình, ngó theo mình, tiếp thêm động lực để tôi bước lên từng nấc thang của cuộc đời mình…
Nhớ về cố hương, tôi thấy má như cây bần già cỗi. Cây bần là hiện thân của má. Mặc nắng mưa vẫn đứng đó chờ đợi người về…
Chiều nước dâng. Xóm nhỏ lao nhao đón mùa nước lớn. Đám bần hơn chục cây đã sụt lún, gục ngã dần mòn, giờ chỉ còn một cây nghiêng nghiêng theo chiều gió. Mùa về, bông bần rụng trắng xóa mé sông.
Tôi về.
Và một người về. Một người trong dáng dấp khắc khổ, như thể một đời lao đao, một đời cực nhọc, một đời sống trong những ký ức đẹp thời tóc còn xanh và rồi cất giữ những ký ức đó trong ngôi đền thiêng liêng của chính mình. Một người trở về khi biết rằng đám bần xưa giờ chỉ còn lơ thơ một gốc bần già cỗi…
“Hò ơ…. Chiều chiều xuống bến ba lần- Trông anh hổng thấy, thấy bần xơ rơ”. Câu hát đó bỗng dưng cất lên trong bóng chiều đìu hiu, nhưng không phải là giọng của Út Nhỏ mà là giọng của má tôi- người đàn bà đang đứng chơ vơ trong chiều, như cây bần già cỗi ấy, người đàn bà đã dành cả cuộc đời để chờ, để nhớ thương, hy vọng.
Đó cũng là một trong những lần hiếm hoi tôi được nghe má hát.
Bóng đò sang sông. Bông bần trôi trên sóng. Con đò nhỏ chở hai người về, neo đậu dưới gốc bần. Tôi đứng nhìn hồi lâu, nhìn má tôi và người thương má vô bờ bến, cảm nhận những giọt nước mắt âm ấm chảy dài trên khuôn mặt của mình, cảm nhận được bóng hình của má trong câu hát sền sệt, đục ngầu của Út Nhỏ trên nhà, giọng hát như nứt ra chảy tràn trong bóng chiều đổ dài mé sông. “Hò ơ… Lẻ đôi em chịu lẻ đôi- Hoa tàn em cũng đợi bần trôi em cũng chờ…”.
Không ai để ý, chỉ có tôi là ngó thấy dưới gốc cây bần già mọc lên một cây bần non, xanh mơn mởn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin