Anh Tư Thắng ngồi giở quyển album, chăm chú xem lại từng tấm ảnh để tưởng nhớ những người thân quen mà một thời gắn bó. Anh dừng lại rất lâu bên tấm ảnh của một cô gái. Chị tên là Huệ, một cô gái quân y cũng là người đồng đội mà anh đã từng nói lời yêu.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
MINH ĐIỀN
Anh Tư Thắng ngồi giở quyển album, chăm chú xem lại từng tấm ảnh để tưởng nhớ những người thân quen mà một thời gắn bó. Anh dừng lại rất lâu bên tấm ảnh của một cô gái. Chị tên là Huệ, một cô gái quân y cũng là người đồng đội mà anh đã từng nói lời yêu.
Trong một lần anh Tư bị thương nặng, đồng đội đã đưa anh về vùng kháng chiến để chữa trị, cứ ngày qua ngày, vết thương anh tạm qua cơn nguy hiểm, thì con tim anh chất đầy tình cảm về chị! Rồi một buổi sáng đẹp trời, trên chiếc xuồng nhỏ giữa cánh đồng mênh mông nước, anh Tư đã ngỏ lời yêu:
- Huệ này! Trong những ngày trị thương ở đây, anh đã được em tận tình chăm sóc, chữa trị. Không biết tự lúc nào anh đã yêu em rồi! Nếu em không chê anh, chúng ta hãy là người của nhau, em có đồng ý không?
Chị Huệ nghe anh Tư nói vậy mặt đỏ bừng, đáng yêu như sắc trời đồng bưng vào buổi sáng. Với vẻ gượng gạo, chị không trả lời anh Tư mà cười nụ quay đi nơi khác. Thấy thế anh Tư cười hỏi:
- Sao Huệ không trả lời anh?
Lúc này dường như lấy lại được bình tĩnh, chị liền trả lời:
- Nhưng chiến tranh chưa chấm dứt mà! Anh và em sẽ rày đây mai đó, lỡ yêu nhau, nhớ nhau, thì còn tâm trí đâu mà chiến đấu nữa?
Anh Tư khẽ khàng:
- Anh nghĩ tình yêu sẽ tiếp thêm động lực cho mình chiến đấu và chiến thắng quân thù đó chớ!
Nói rồi anh với lấy cây sào tre, chống chiếc xuồng đến cụm sen hồng, ngắt lấy những bông đẹp nhất, gói trong chiếc lá sen còn tươi mới, đưa cho Huệ- xem đó như món quà đầu tiên anh tặng chị. Đón bó hoa anh Tư vừa trao, Huệ không nén được xúc động. Chị đưa lên mũi tận hưởng mùi hương. Cái mùi hương mà đêm đêm chị dùng để pha bình trà cho các anh thương binh đang trị thương nơi đây. Nhưng cũng mùi hương đó, hôm nay lại làm chị ngây ngất nỗi lòng. Lúc đó không biết vì sao cả cánh đồng bưng rực rỡ và tươi đẹp thêm ra! Từ thời gian ấy, buổi sáng trên cánh đồng bưng này đã trở thành kỷ niệm đẹp nhất, khó quên nhất trong trái tim của hai người. Nhưng thời chiến tranh mà, ai biết được điều gì và cũng không ai hứa trước được điều gì. Giữa lúc tình cảm hai người đang mặn nồng, thì anh Tư được lệnh cùng đơn vị ra chiến trường miền Đông. Tối đến, họ chia tay nhau. Trong niềm lưu luyến, anh nói với chị Huệ:
- Hay là đêm nay chúng ta mượn ngôi sao ngoài xa kia làm mai mối, cùng nhau nên nghĩa vợ chồng đi! Để anh an tâm chiến đấu mà không còn sợ mất em nữa!
Một phút giây im lặng, chị Huệ đồng ý với lời yêu cầu của anh. Không hiểu sao, những ngôi sao trên bầu trời kia bỗng trở nên rực sáng như ngàn ngọn nến lung linh, soi rọi xuống cánh đồng bưng mênh mông nước. Trong khung cảnh đầy lãng mạn đó, chị Huệ đã trao cho anh Tư cái trong trắng nhất của cuộc đời con gái…
Sau cái đêm ngọt ngào ấy, anh Tư đã ra đi biền biệt, để lại trong lòng chị nỗi trống vắng cô đơn! Mỗi khi màn đêm buông xuống. Chị nhìn cánh đồng bưng, chiếc xuồng ba lá bồng bềnh hay những cánh sen dễ thương vươn mình khoe sắc trên khóm lá xanh tươi, để nhớ đến kỷ niệm của hai người. Nhưng chẳng bao lâu, chị phát hiện trong người mình đã có thai. Chị thầm nghĩ, khi ngày chiến thắng trở về, nếu anh Tư đến tìm, chị sẽ dành cho anh một sự bất ngờ. Rồi ngày tháng trôi qua, đứa con cũng ra đời. Nhưng do yêu cầu cấp bách và đảm bảo sự bí mật cho vùng kháng chiến, chị Huệ đành quyết định gửi đứa con cho người chị ruột ở tận Đồng Tháp Mười, còn mình thì trở lại vùng kháng chiến, tiếp tục chiến đấu. Buổi tối đêm đó, trên chiếc xuồng nhỏ, chị Huệ chở con tới điểm hẹn để trao con mình cho chị nuôi hộ, mà lòng đau như cắt. Cứ vừa chống xuồng đi được một đoạn, chị quay trở lại, dặn dò:
- Cuộc kháng chiến này chắc sẽ còn dài, chị cố gắng nuôi con giùm em. Chị nhớ yêu thương nó như chị đã từng yêu thương em! Chừng nào đất nước được giải phóng em sẽ trở lại. Nếu lỡ…
Huệ nói đến đây, người chị ruột liền cắt lời:
- Không! Không đâu! Chị cấm em nói tiếng “nếu lỡ” đó biết không! Chị sẽ cố gắng nuôi nó, rồi chờ em và thằng Tư trở lại để gia đình em đoàn tựu.
Trên chiếc xuồng từng đợt sóng vỗ, dường như chị còn nghe tiếng khóc của đứa trẻ cứ văng vẳng bên tai. Chị muốn chống xuồng quay trở lại, ôm lấy con, rồi cứ thế hôn lấy hôn để. Nhưng nghĩ, cuộc kháng chiến này cần chị. Chị kéo chiếc khăn rằn lau vội những giọt nước mắt. Cây dầm trên tay chị như mạnh thêm hơn, vì ngoài kia còn biết bao nhiêu chiến sĩ đang chờ bàn tay chăm sóc của chị.
Về lại chiến khu, chị nhớ con rất nhiều. Hàng ngày khi công việc chăm sóc các chiến sĩ tạm ngưng, cũng là lúc màn đêm cô tịch bao trùm khắp cánh đồng nước mênh mông. Tiếng con chim nước thỉnh thoảng cất lên từ những chòm điên điển mọc hoang nào đó như tiếng trẻ thơ, thì chị lại nhớ đến con… Chắc ngôi sao trên bầu trời xa kia hiểu cho lòng chị! Chị nhớ về con, rồi lo lắng mùa này ở Đồng Tháp Mười muỗi rất nhiều, nay mai chị sẽ dặn các anh nếu nhặt được những chiếc dù trái sáng, đem về cho chị, để chị may một chiếc mùng gửi ra ngoài ấy cho con. Vài ngày sau đó, có chiến sĩ đem về tặng chị chiếc dù. Chị vui mừng hớn hở. Rồi đêm đêm, bên ngọn đèn dầu leo lét, chị cố thức, tranh thủ thời gian, may chiếc mùng cho con. Từng đường kim mũi chỉ được chị chắt chiu, như gửi vào tình thương nhớ đứa con trai bé bỏng. Nghe nói có một vài chiến sĩ sắp ra ngoài ấy công tác, chị sẽ gửi cho con chiếc mùng này. Dù sao, đêm đêm không có chị bên cạnh, nó cũng làm cho chị an tâm phần nào, và chị sẽ càng vui hơn khi đứa con biết chiếc mùng này là tự tay mẹ may cho nó, từ phương trời xa, xa lắm! Nhưng cũng chính cái đêm ấy chị Huệ đã hy sinh…
Hòa bình lặp lại, anh Tư hối hả trở về nơi cũ để gặp lại người anh thương, anh nhớ từ bấy lâu nay. Khi về đến nơi hỏi thăm tin tức về chị Huệ, có người nhớ, người quên nhưng không ai biết giờ chị nơi đâu. Cho đến khi biết tin, thì mới hay chị Huệ đã ra đi mãi mãi!
Mãi lâu sau này, anh Tư cố chôn vùi nỗi nhớ tận đáy lòng, được sự mai mối, anh đã làm đám cưới với một cô gái khác. Người vợ ấy còn sinh cho anh đến hai đứa con, anh đã đặt cho chúng những cái tên mà chỉ anh mới biết ý nghĩa: “Đợi, Chờ”. Nhưng năm bé Chờ, bé Đợi, đứa lên bốn, đứa lên năm thì đều mắc một căn bệnh lạ và đã ra đi mãi mãi! Bác sĩ cho anh biết, con anh mắc di chứng của chất độc màu da cam mà anh mang trong người, từ những ngày kháng chiến. Trong nỗi đau đớn tột cùng, anh chị Tư nghĩ rằng, chắc có lẽ, buổi hoàng hôn của cuộc đời này mãi mãi sẽ chỉ có anh và chị, trong một gia đình hắt hiu. Nhưng bỗng một ngày, có hai người đến tìm anh. Một người phụ nữ độ ngoài bốn mươi và một thanh niên trạc hai mươi tuổi, mặc quân phục. Lúc nhìn thấy người phụ nữ, anh vô cùng ngạc nhiên hỏi lòng “Trời! Không lẽ là Huệ, em ấy còn sống sao?”. Thấy anh Tư cứ há hốc nhìn người phụ nữ kia, chị Tư liền hỏi:
- Xin lỗi, chị định tìm ai?
Người phụ nữ trả lời:
- Cho tôi hỏi đây có phải là nhà của Tư Thắng, ở Mỹ An ngày xưa không?
Nghe vậy anh Tư đinh ninh người ấy là Huệ. Nụ cười ấy, vẫn ánh mắt, khuôn mặt, giọng nói ấy, anh Tư đã nhìn thấy từ thời trai trẻ giữa cánh đồng bưng. Hôm nay bỗng hiển hiện trước mắt anh nguyên vẹn. Tim anh bỗng đập mạnh:
- Phải! Phải rồi! Có phải là em Huệ không vậy? Em còn sống à?
Qua những phút giây nghẹn ngào, người phụ nữ ấy bảo:
- Không! Tôi là Hồng- chị ruột của Huệ.
Câu trả lời của người khách làm lòng anh trĩu nặng nỗi buồn nhớ về một thời đã xa với một người con gái, mà anh từng nên nghĩa vợ chồng. Sau những phút giây nặng lòng, anh chị Tư niềm nở mời khách vào nhà. Anh Tư tiếp chuyện:
- Cháu đây là con trai của chị à?
Người kia bảo:
- Không phải! Nhưng tôi nuôi cháu từ hồi còn đỏ hỏn đến bây giờ, nên cháu ấy cũng gọi tôi là mẹ.
Anh Tư nghe thế cười và nói:
- Thế à? Cháu đẹp trai quá! À, mà cháu tên là gì? Ở đơn vị nào?
Người thanh niên ấy trả lời:
- Dạ, cháu tên là Lợi- Phạm Thắng Lợi.
Anh Tư cười khà:
- Thế là cùng họ với bác đây rồi nhé!
Anh Tư đang cười bỗng trầm ngâm suy tư, vì nghe cháu ấy giới thiệu tên làm anh nhớ tới Huệ ngày xưa quá! Ngày ấy khi bên nhau, anh rất mong sau này chị Huệ sẽ sinh cho anh một đứa con. Anh chị bàn với nhau nếu là con trai thì đặt là Phạm Thắng Lợi, còn nếu là con gái thì đặt Phạm Huệ Hương. Thấy chồng như nghĩ ngợi điều gì, chị Tư quay sang hỏi người phụ nữ:
- Chị Hồng này! Chị sẵn dịp đi đâu ghé, hay tìm vợ chồng tôi có chuyện gì không?
Người ấy bảo:
- Thật ra, tôi tìm Tư Thắng đây từ lúc mới hòa bình lận, nhưng không biết tìm ở đâu, vì lúc trước Huệ- em gái tôi- không nói địa chỉ rõ ràng. Vừa rồi tôi có xem truyền hình chiếu về những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, tình cờ tôi mới phát hiện họ tên người tôi cần tìm. Tôi liền đến ngay đài truyền hình, nhờ họ cung cấp địa chỉ người mà đài đã phỏng vấn hôm nọ. Sau đó, tôi mới tìm được nhà của hai anh chị ở đây!
Nghe đến đây, anh Tư ngạc nhiên hỏi:
- Chị cần gặp tôi có chuyện gì không?
Chị Hồng bảo:
- Có chuyện quan trọng lắm! Tư Thắng còn nhớ cái ngày chia tay cùng em tôi, trước khi chuyển quân ra miền Đông không? Lần đó, Huệ có mang và sinh cho dượng nó đây một đứa con trai. Sau khi sinh con cứng cáp, em ấy gửi lại con cho tôi nuôi, còn mình trở lại vùng kháng chiến. Không ngờ, em ấy đã hy sinh, còn đứa bé- con của hai người ngày xưa, chính là thằng Lợi!
Nghe đến đây, anh Tư quá xúc động. Anh nói lắp bắp:
- Cái gì? Chị… nói… nói lại một lần nữa coi!
Người ấy bảo:
- Nó là con của dượng đó! Hôm nay, cho nó về để nhận lại cha, đúng như ước nguyện của em tôi.
Anh Tư chạy tới ôm chầm lấy con trai, rồi cứ thế hai người ôm nhau nức nở chẳng nói được lời nào. Ngoài kia, ánh Mặt trời của buổi hoàng hôn bỗng trở nên chói lọi. Từng tia nắng muộn màng xuyên qua cửa sổ căn nhà, làm cho không khí nơi đây càng ấm áp hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin