Truyện ngắn: Cho vẹn chữ trung

06:06, 13/06/2022

Không giống như mọi ngày, hôm nay ông Hai cho bầy vịt của mình về chuồng sớm hơn, để tranh thủ đi dự hội nghị ngoài ủy ban xã. 

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Không giống như mọi ngày, hôm nay ông Hai cho bầy vịt của mình về chuồng sớm hơn, để tranh thủ đi dự hội nghị ngoài ủy ban xã. Nghe nói cuộc họp hôm nay quan trọng lắm! Có mấy cháu Tuyên giáo của thành phố cũng về dự để tổng kết tuyên dương những tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào học tập, làm theo lời Cụ Hồ. Sướng hơn nữa là ấp Tân Bình của ông Hai được chọn để báo cáo điển hình, cá nhân ông cũng được chọn để tuyên dương. Đối với ông Hai, việc gì của cách mạng là ông sốt sắng như vậy đó.

Ông ngưng tay, khoác khoác nước vài cái, rồi lấy tay xoa xoa cái vết sẹo dài ở bắp chân. Đó là vết sẹo minh chứng cho tấm lòng chung thủy của ông với cách mạng. Ngày ấy, cũng trên chiếc xuồng như thế này, ông đem cơm tiếp tế cho các chiến sĩ giải phóng đang ém quân ở ngoài cồn, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân. Không ngờ hôm đó, ông bị bọn lính bắt được, tra hỏi đủ điều, nhưng ông một mực không khai lời nào. Giận quá, chúng đã dùng súng bắn vào chân ông, nên bây giờ nó trở thành cái vết sẹo to tướng như thế này. Vừa bơi chiếc xuồng nhỏ vừa lùa bầy vịt, ông cảm thấy tự hào về bà con trong cái ấp Tân Bình này, vì từ trước đến giờ họ đã sống vẹn chữ “trung” với cách mạng như lời dạy của Cụ Hồ rồi. Họ xứng đáng tuyên dương lắm chớ! Lòng đang rạo rực niềm vui thì chợt có người hỏi:

- Sao hôm nay cho vịt vô chuồng sớm vậy ông Hai?

Ông Hai trả lời:

- Ờ, bữa nay tranh thủ về dự họp ở ngoài xã nè! Bộ các ông không có giấy mời họp sao?

Nghe vậy, Ba Trừ cũng nói theo:

- Họp về việc gì vậy ông Hai?

- Thì họp để tổng kết phong trào thực hiện làm theo Cụ Hồ, mà ấp Tân Bình mình hôm nay lại được tuyên dương nữa đó! Sướng chưa?

Ba Trừ vẫn chưa để ông Hai bơi đi, hắn hỏi tiếp:

- Họp rồi có định tiệc tùng gì không mà tui nghe hình như có tiếng vịt kêu trong sạp xuồng vậy?

- Có tiệc tùng gì đâu! Hôm nay cũng có thằng cháu nội đi nghĩa vụ được một năm rồi mới về thăm nhà, làm cho nó ăn đó mà!

Trả lời Ba Trừ cho qua chuyện thế thôi! Chứ ông đã bắt hai con vịt to nhất trong bầy, cột cẳng bỏ vào sạp xuồng rồi! Mà cũng không giống như bản tính của ông mọi ngày, hễ có “mồi bén” là gọi anh em không ngớt. Có tiệc nào mà vắng Ba Trừ đâu! Vậy mà hôm nay, ông nhứt định không gọi, ông giận Ba Trừ lắm. Vì nó ỷ, nó biết ba con chữ rồi lên mạng, trên nét niếc gì đó, nghe theo ba đứa nói bậy nói bạ… rồi nói xấu cách mạng, toàn những chuyện làm ông buồn lòng, vì lúc nào ông cũng mang niềm tin vào cách mạng, niềm tự hào về cái ấp Tân Bình nhiều lần được tuyên dương phong trào học tập, làm theo lời Bác. Đáng lẽ Ba Trừ phải có lời nói, việc làm xứng đáng với danh hiệu cao quý mà cả ấp đã bỏ biết bao công sức mới có được. Đằng này hắn tỏ ra là ta đây là người hiểu biết thời sự lắm, cứ gặp ai cũng nói mấy điều xuyên tạc trên mạng mà hắn nghe được. Nói chẳng suy nghĩ đúng sai gì ráo trọi. Rồi ông nghĩ “chuyện này mình phải gặp hắn để có đôi lời khuyên nhủ mới được”.

Sáng hôm sau, ông bảo thằng Út ở nhà coi vịt chạy đồng giúp ông. Còn ông lấy cái khăn rằn quấn cổ, đi ra tận ngoài xã gặp ông Bí thư hỏi cho ra chuyện. Thì ra là tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật! Nhờ vậy mà ông mới biết thế nào là tin chính thống và tin giả, phải lựa mà nghe, cũng như tùy chuyện mà nói chứ! Đằng này, Ba Trừ cứ nghe được tin nào là luôn miệng nói tin đó. Nghĩ đến đây, ông lại ngờ ngợ điều gì “mình là người được chọn tuyên dương trong phong trào làm theo lời Bác, mình không nên sống chia rẽ như thế được. Phải sống chan hòa với bà con làng xóm. Mình tự ái thằng Ba Trừ là mình làm trái lời Cụ Hồ dạy. Có chuyện gì phải góp ý thẳng thắn coi nó có sửa tật xấu không!”. Nghĩ đến đây, ông Hai cho bầy vịt nằm rỉa lông ven mé bãi, còn ông dừng xuồng lại, lấy tay che làm loa gọi lớn:

- Ba Trừ! Ba Trừ...

Nghe gọi, Ba Trừ nhìn về phía mé bãi. Ông cởi chiếc khăn rằn trên cổ vẫy vẫy. Mấy con vịt đang nằm rỉa lông tưởng ông đuổi chúng nên có con chạy xuống mé nước kêu vang. Ba Trừ nhảy qua mé bờ thủy lợi đi về phía ông, hỏi:

- Ông Hai gọi tui có chuyện gì không?

Ông Hai trả lời:

- Ừ, thì gọi bây đến hút điếu thuốc cho vui, tiện thể nghỉ mệt một chút luôn!

Ba Trừ xắn quần lội xuống mé bãi, đặt đít ngồi lên sạp xuồng, hai chân dũi dũi trong nước cho hết sình bùn. Giở cái sạp xuồng thấy mấy con vịt ông Hai trói để sẵn, hắn kêu to:

- Dữ hén, ông Hai có “mồi bén” mà định giấu tụi này hén!

Ông Hai trả lời:

- Tao có giấu gì bây đâu. Thú thật là hồi nãy tao còn giận bây lắm! Rồi nghĩ giận bây mà cứ giấu trong lòng là không đúng tinh thần cách mạng, không đúng với lời Cụ Hồ dạy, nên tao gọi bây đến nói chuyện đó chớ.

Ba Trừ trố mắt, tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi:

- Bộ bữa hổm trong bàn nhậu, tui nói gì để ông Hai buồn lòng hả! Tui xin lỗi nghe!

Ông Hai mới trả lời:

- Bây hổng có nói gì tao, nhưng vẫn đụng chạm đến lòng tự ái của tao. Tao giận bây vì nghe tin bậy bạ rồi đi rêu rao nói xấu Nhà nước mình. Bây sinh sau đẻ muộn, kém tao đến mấy chục tuổi nên có biết gì cái đói, cái khổ của cha ông mình thời trước đâu! Bây nghĩ coi tao nói có đúng không? Giờ thì trong làng, trong ấp… cả nước mình ai cũng hăng say lập công làm theo lời Cụ Hồ dạy. Còn bây thì tung tin nói xấu cách mạng. Nói xấu cách mạng là không hoàn thành chữ “trung” với đất nước như lời ông Cụ Hồ căn dặn rồi. Bây không thấy xấu hổ với bà con sao?

Nói đến đây ông Hai lại giở cái vết sẹo dài trên đùi cho Ba Trừ xem:

- Bây thấy không, đây là vết tích của nỗi khổ đó, một thời tao phải chịu đựng nè. Hồi ấy, có được tự do như bây giờ đâu. Cứ ba bốn người tụ họp uống nước trà nói chuyện phiếm là bị mời về đồn làm việc rồi. Bây giờ, được tự do nói năng, thấy không ai làm khó dễ, tụi bây cũng phải nói cho đúng, có chừng, có mực chứ!

Ba Trừ nghe nói nheo nheo mắt, rồi cãi lại:

- Tui nói toàn những tin công khai đăng trên mạng hẳn hoi, chứ có phải tui đặt chuyện nói ra đâu…

Ông hai ngẫm nghĩ rồi nói y chang như cái lời của ông Bí thư xã giải thích cho ông nghe lúc trước:

- Đành là vậy, nhưng trên mạng có tin chính thống và tin không chính thống, phải tùy theo bản tin nào hợp lý mà nghe chứ! Rồi phải chọn lọc tin nào đúng, tin nào sai mà nói, để không khéo bị bọn xấu nó lợi dụng tung tin phản động, lúc đó người có tội với Tổ quốc là mình chứ đâu phải là bọn chúng đâu! Thay vì nghe toàn tin xấu như vậy, bây thử chọn một đức tính tốt nào đó của ông Cụ mà làm theo, để rèn luyện bản thân luôn, coi có lợi không! Không chừng lúc đó, đi đến đâu bây cũng được mọi người thương mến, rồi bây lại hối hận sao mình không sớm nhận ra tác dụng to lớn của việc thực hiện làm theo lời Cụ Hồ dạy à nghen!

Ba Trừ nghe ông Hai nói rất chí lý, nên im thin thít không cải lại lời nào. Ông Hai ngồi trò chuyện được một lúc, rồi ngước mắt lên nhìn trời. Ông nghĩ “tranh thủ về, kẻo đến họp trễ thì ngại với mấy đứa trẻ lắm”. Lúc này, đàn vịt của ông cũng dường như nóng ruột muốn đi, chúng không còn nằm rỉa lông trên mé bãi nữa mà xuống hẳn dưới nước, đua nhau kêu inh ỏi. Ông Hai chép miệng:

- Nói được mấy lời này với bây, tao cũng thấy nhẹ trong lòng rồi. Thôi, chiều nay cho vịt về chuồng, thả rề qua nhà tao lai rai cho vui nghe Ba Trừ.

Nói rồi ông chống xuồng, lùa bầy vịt về. Ông Hai vừa bơi chiếc xuồng vừa suy nghĩ: “Không biết Ba Trừ nó có hiểu lời của mình nói không? Nhưng trước tiên đừng giận nó làm gì. Dù sao nó cũng đáng tuổi con cháu mình. Con cháu có suy nghĩ sai, thì mình góp ý, nhắc nhở nó, đến chừng nào nó hiểu ra thôi. Cứ ngày này góp ý một tí, ngày kia góp ý một tí, phải làm cho con cháu nó có một tinh thần cách mạng như lời dạy của Cụ Hồ mới được”.

Vừa về đến nhà, ông đi thẳng ra lu nước, xối vài gáo vào tay, rửa mặt, rửa chân cho mát. Rồi ông lấy cái khăn rằn vắt lên cành bưởi. Mấy con chó chạy đến vẫy đuôi mừng rối rít. Thằng cháu nội biết là ông đã về nên vội vã đến thưa:

- Thưa ông nội con mới về! Dạ đơn vị cho về phép trước Tết, vì trong Tết rất bận rộn, phải thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ biên giới, phòng chống bọn buôn lậu tìm cách chuyển hàng.

Ông Hai hớp thêm một ngụm nước vào miệng, nhìn đứa cháu, lòng ông thầm nghĩ: “Mới có một năm đi bộ đội mà cũng chững chạc ra dáng Bộ đội Cụ Hồ lắm chứ”. Ông Hai hỏi:

- Ở đâu mà tuần biên giới? Bộ không còn đóng quân ở Cao Lãnh nữa à?

Thằng cháu đáp:

- Dạ, cháu được điều về Đồn Biên phòng ở An Giang ông ạ!

Ông Hai bảo:

- Vậy à? Nhớ là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nhớ đến lời của Cụ Hồ “Tổ quốc là trên hết” nghe không!

Thằng cháu chưa kịp trả lời, ông đã vén cái bắp chân để lộ vết sẹo to tướng, vừa xoa xoa vừa nói:

- Đây này, khổ như thế này ông còn chịu đựng được, nên bây hãy lấy đó làm bài học!

Đứa cháu nhoẻn miệng cười, vì thường ngày khi có khách đến, tiệc tùng hơi ngà ngà thì ông lại giở vết sẹo khoe với khách, hay kể với con cháu về vết sẹo và khuyên con cháu nên sống sao cho xứng đáng với truyền thống gia đình. Không biết ông học nằm lòng hồi nào những lời dạy của Bác Hồ, mà nói mỗi câu ông đều dẫn ra để khuyên dạy mọi người. Lâu dần rồi cũng quen. Thế nhưng, những ngày sống xa gia đình, xa ông, đứa cháu thấy nhớ cái tính này của ông vô cùng. Nó đang nhìn ông nghĩ ngợi thì ông Hai bảo:

- Lát nữa, ông đi dự hội nghị ngoài xã. Bây xuống xuồng bắt mấy con vịt lên làm thịt đi, rồi nấu nồi cháo, tối tối ông về lai rai với bạn bè!

Đến chạng vạng tối ông Hai mới về. Một lúc sau thì Ba Trừ và hai ba người bạn già của ông Hai cũng tới. Mấy con chó thấy người lạ ào ra sủa om sòm. Ông Hai đang ngồi trên võng liền đứng dậy, mời:

- Cứ vào, cứ vào, cửa không có khóa...

Nói rồi ông với lấy chiếc áo mặc vào, bước ra ngồi bàn giữa. Vừa lúc mấy người bạn già cũng vừa vào đến, chưa kịp rót nước mời khách, ông đã giới thiệu về thằng cháu. Ông nói với vẻ mặt đầy tự hào: “Thằng cháu nhà tôi giờ đã là bộ đội biên phòng rồi đấy. Thế là gia đình Hai Biết này có người nối tiếp truyền thống cách mạng rồi. Nay mai có dịp đi lên trên ấy, tôi bảo nó dẫn đến cột mốc biên giới quốc gia giáp ranh Campuchia một lần cho biết...”. Ông cứ mãi nói chuyện về thằng cháu say sưa không dứt. Vừa nói ông vừa xoa xoa cái vết sẹo ở bắp chân mà quên luôn việc châm nước mời khách. Lúc này thằng cháu nội của ông bước ra tay xách cái ấm nước, nó hỏi ông Hai:

- Cái bình thủy ở đâu nội?

Ông mới sực nhớ liền rối rít nói xin lỗi:

- Mấy ông thông cảm nghen, tự nãy giờ mừng quá, lo nói chuyện thằng cháu mà quên châm nước mời khách gì ráo trọi.

Rồi ông cười hà hà! Cái cười nghe thật là hiền từ và chất phác. Ông vừa cười vừa nghĩ “chuyến này phải khoe với mấy ổng về thằng cháu của mình mới được, để mấy ổng thấy gia đình Hai Biết này có tới ba đời có công với cách mạng. Việc được nhiều lần đại diện cho ấp, cho làng vinh danh là người xuất sắc trong phong trào học tập, làm theo lời Bác Hồ là rất xứng đáng, chứ phải chuyện giỡn chơi đâu nghen”. Nghĩ vậy nên ông chỉ về thằng cháu:

- Đó, mấy ông thấy nó có dáng vẻ oai phong của bộ đội Cụ Hồ không?

Rồi ông chỉ vào vết sẹo của mình:

- Chắc chắn nó cũng có truyền thống cách mạng và gan dạ giống tui lắm đây!

Các người bạn già nghe ông Hai nói chuyện với thằng cháu nội cũng phụ họa theo, tiện thể khoe về thành tích cách mạng của mình. Họ toàn nói chuyện ngày xưa mình đã nuôi chứa cách mạng và tham gia đánh giặc kiên cường như thế nào. Bây giờ già rồi, mỗi người phải là tấm gương cho con cháu nối bước truyền thống cách mạng của cha ông mình hồi trước. Đặc biệt là phải gương mẫu thực hiện lời dạy của ông Cụ dạy “Trung với nước”, muốn vậy phải trung thành với cách mạng. Riêng Ba Trừ tự lúc đến nhà ông Hai tới giờ, chỉ biết nín thin nghe mọi người kể chuyện. Vẻ mặt hắn buồn buồn như đã gây ra lỗi lầm gì, hắn thấy mình trở nên lẻ loi thì phải. Hắn nghĩ thầm “nếu bây giờ mình cũng chọn một việc làm của Ông Cụ mà làm theo thì mọi người chắc cũng yêu quý mình lắm! Nhưng phải biết học tập từ đức tính nào của Cụ Hồ bây giờ?”. Rồi Ba Trừ ngồi thừ ra, trầm ngâm nghĩ ngợi.Thấy vậy, ông Hai hỏi:

- Ba Trừ, từ nãy giờ sao ngồi im thin thít không nói câu nào hết vậy? Bộ cãi lộn với vợ nữa rồi phải không?

Hai Trừ phân bua:

- Đâu có! Tại thấy mọi người ở đây ai cũng tinh thần cách mạng quá, nghĩ lại thấy những lời nói của mình vừa qua để mọi người buồn, tui ngại quá đó chớ!

Ông Hai tiếp lời:

- Thôi, biết nhận ra cái khuyết điểm là được rồi! Biết lỗi, nhận ra lỗi mà sửa sai cũng thực hiện được một việc trong lời dạy của Cụ Hồ rồi đó. Bỏ qua hết đi, để tao bảo sắp nhỏ dọn cháo lên...

Nói rồi ông Hai lại cười hà hà, rồi ông vỗ vỗ vào vai Ba Trừ mấy cái. Ba Trừ thấy thế cũng mỉm cười theo.

Sáng hôm sau, thằng cháu lên đường, ông tiễn ra đến tận ngõ và dặn đi dặn lại: “Phải giữ gìn truyền thống cách mạng của gia đình nghen con, không được dao động trước cám dỗ của đồng tiền. Phải tranh thủ lúc còn trong quân ngũ rèn luyện thêm bản lĩnh, nhất là phải nghiêm túc thực hiện theo lời Bác Hồ đã dạy “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”. Thằng cháu quay lại ôm ông, miệng cười thật tươi trông rạng rỡ như những bông hoa súng nở giữa đồng trong buổi bình minh tỏa nắng khắp quê hương.

MINH ĐIỀN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh