Chiếc ghe máy ghé vào bờ, một thiếu phụ rất đẹp khoảng 50 tuổi thận trọng bước lên, bâng khuâng nhìn con đường hun hút vào thôn sau cơn mưa đêm còn đọng nước. Trước mắt một nền đình vắng lặng.
Tranh: BỬU LỘC |
HỮU VĂN
Chiếc ghe máy ghé vào bờ, một thiếu phụ rất đẹp khoảng 50 tuổi thận trọng bước lên, bâng khuâng nhìn con đường hun hút vào thôn sau cơn mưa đêm còn đọng nước. Trước mắt một nền đình vắng lặng.
Bà quay sang hỏi người lái ghe, có phải nền đình này trước đây an táng nhiều mộ chiến sĩ cách mạng. Anh chủ ghe cho biết các ngôi mộ đã được di dời vào nghĩa trang liệt sĩ gần đây. Anh sốt sắng đưa thiếu phụ có dáng dấp thị thành đến đó. Qua nhiều dãy mộ vẫn không có tấm bia nào ghi danh nhà thơ liệt sĩ Minh Đồng. Hỏi ra mới biết có một số mộ liệt sĩ đã được nghĩa trang tỉnh đến nhận; riêng mộ nhà thơ liệt sĩ Minh Đồng nghe nói bị thất lạc, nhiều lần gia đình liệt sĩ này đến tìm kiếm vẫn không thấy!
Một thiếu phụ trạc tuổi trên bốn mươi, dừng chân trước cổng nghĩa trang hỏi thăm, khi hiểu nguyên do liền mời cả hai về nhà mình gần đó. Thì ra, người phụ nữ đến tìm ngôi mộ bạn Minh Đồng- học cùng trường năm xưa, tên là Trịnh Thiên Tâm, hiện ngụ tại TP Hồ Chí Minh.
Còn người mời bà Tâm về nhà chính là cô sáu Thanh Hoa- đã từng chứng kiến ngày chôn cất nhà thơ Minh Đồng cách đây trên 20 năm. Cô cho biết, thời trẻ cô rất mê thơ Minh Đồng rồi thầm yêu. Có lần cô tỏ tình nhưng anh từ chối, cho rằng nợ nước vai mang khó mà cất xuống để dừng chân. Cái ngày chôn anh trên nền đình này, cô đã khóc hết nước mắt của tuổi thanh xuân, thề ở vậy suốt đời vì cô không thể quên anh...
Anh là nhà thơ đa tình nhưng không bao giờ hạ thấp nhân phẩm mình. Có lần một cô thôn nữ yêu thơ anh rồi yêu cả người, tối lại chui nằm sẵn nơi anh ngủ nhờ tại nhà cô ấy; thời chiến các chiến sĩ cách mạng thường sống trong dân. Anh nhường chỗ cho người đẹp sang nhà hàng xóm xin tá túc.
Chuyện thế mà đã thành giai thoại tạo cho mọi người vùng kháng chiến có cái nhìn ngưỡng mộ chiến sĩ cách mạng. Sở dĩ ngôi mộ Minh Đồng thất lạc vì mộ bia bị kẻ nào đó hủy lúc thời chiến; người xóm này đề quyết bọn lính làm vì chúng muốn những người nằm đấy chỉ là kẻ vô danh.
Câu chuyện người đi tìm bạn vào một sáng mùa mưa cách đây trên hai mươi năm; lúc đó, xã An Khánh- Cái Tàu Hạ đường về nơi đây còn lầy lội khi gặp phải mưa đổ. Vùng An Khánh, Hòa Tân này một thời là căn cứ cách mạng.
Chiến tranh qua rồi nhưng câu chuyện thương tâm, mất mát không bao giờ phai của người trong cuộc; nhất là hai người đàn bà vào tuổi trung niên hôm đó ngồi bên nhau rót bao câu tâm sự về một nhà thơ. Bà Tâm ngậm ngùi chia tay cô sáu Hoa trên bến sông đầy sắc u buồn hoa bằng lăng tím đang chờ tiễn bước người đi.
Thì ra, lại có một người yêu anh chàng thơ này, ngoài mình, Thiên Tâm lẩm bẩm và cũng lấy làm tiếc quên hỏi gia thế cô Hoa vì mãi lo kể chuyện người xưa...
- Có gì mà anh ngồi thừ nghĩ ngợi vậy, anh Đăng?
Thước phim hồi ức mẹ kể bị lời hỏi đột ngột cắt ngang. Đăng giật mình vội chống chế:
- Đâu có gì chỉ là vơ vẩn mà thôi.
- Đừng giấu nữa; chắc hình ảnh cô gái Nhật nơi đất Phù Tang ấy chưa phai nơi lòng người trở lại quê hương. Phải không? Minh Trang liếng thoắng hỏi.
Thiên Đăng cười mà rằng:
- Làm sao bằng người đẹp trên quê hương mình. Nếu xiêu lòng thì Đăng đã ở lại xứ hoa anh đào này làm ông chủ lớn với ái nữ đại gia Nhật rồi.
- Nè kể cho em nghe câu chuyện tình này đi.
- Anh sợ...
- Sợ gì?
- Có người nghe rồi không bao giờ muốn gặp kẻ lặn lội từ nước ngoài về đây. Thôi cũng được, kể chút xíu cho cô kỹ sư nghe, không hề gì. Thật ra, anh mê nghề gốm men đất đỏ mới lặn lội sang Nhật du học. Khi hoàn tất học vị tiến sĩ nông nghiệp, anh lưu lại học thêm ngành gốm sứ và thực tập tại một xí nghiệp sản xuất gốm sứ mỹ nghệ nổi tiếng.
Ông chủ doanh nghiệp này mấy lần đặt vấn đề chọn anh làm người kế thừa với điều kiện phải làm rể ông ta; vì ông chỉ có cô con gái duy nhất. Cô gái Nhật xinh xắn thành đạt trên đường học vấn, mình cũng có tí chút cam cảm tình. Nhưng nhớ lời mẹ tha thiết dặn dò lúc ra đi. Đành thôi!
- Bác dặn gì mà Đăng phải đánh rơi hạnh phúc ở xứ người?
- Cánh đồng sông Cửu Long với hàng triệu mẫu đất ruộng đang cần bàn tay thế hệ trẻ cùng chú bác mình vực dậy. Con phải nhớ, khi ở xứ người đầy cám dỗ cuộc sống... Chỉ lời ngắn gọn vậy đó mà Đăng phải về đây rồi lại gặp được cô bạn cùng “vọc đất” như mình một chiều... chiều nào ta?
- Chiều Hè Thu, có hai người cùng chạy đụt mưa ở một căn chòi ngoài đồng rộng xứ Gò Tháp vài tuần đấy thôi, phải không?
Cả hai cùng cười. Tuổi trẻ dễ hòa nhập, thân mật. Đăng và Trang quen nhau cũng vì lý tưởng tất cả cho Đồng bằng sông Cửu Long; nhất là vùng đất Đồng Tháp, mẹ mình có gắn bó tình cảm mật thiết từ thuở chiến tranh. Hai lý tưởng tuy khác nhau mà lại chung đường vào cánh đồng bất tận.
Đăng ôm ấp hoài bão về nghề gốm sử dụng đất Cửu Long đi vào hội nhập. Trang thì miệt mài nghiên cứu công nghệ sinh học cho đồng bằng để từng bước công nghiệp hóa nông thôn đưa sản phẩm Đồng bằng sông Cửu Long hội nhập thế giới vì cô cho rằng cây, trái, con giống đi vào hội nhập phải ở thế mạnh bằng cách ứng dụng thành tựu khoa học hiện đại.
Với lý tưởng đó, các giáo sư ĐH Cần Thơ rất tán thành và động viên lực lượng trẻ tham gia xây dựng phong trào hướng về nông thôn... Vậy mà bao lần gặp gỡ, cả hai cũng chẳng ai hỏi ai nơi trú ngụ dù hàng giờ ngồi cùng nhau nơi quán nước. Vẫn chỉ là lời thân mật say sưa về một cánh đồng mãi mãi xanh.
Minh Trang dừng xe máy tại quán nước bên cầu Cái Gia xã Tân Hội, một xã của Vĩnh Long giáp ranh huyện Châu Thành- Đồng Tháp để nghỉ chân và cũng có điều kiện mở laptop tìm hiểu về Công ty Gốm mỹ nghệ Phú Điền.
Bà Sáu- chủ quán tuổi đã trên 60, vui vẻ bắt chuyện và hỏi cô từ đâu đến, Trang ngạc nhiên hỏi “sao cô biết cháu không phải người vùng này?”. Chủ quán cười mà rằng các cô mới đến y chang nhau, nhìn là biết liền. Trang nói muốn đến Công ty Gốm mỹ nghệ Phú Điền để tìm hiểu viết phóng sự cho đài
truyền hình.
- Vậy ra cháu là phóng viên?
- Cháu chỉ là cộng tác viên mà thôi. Cháu có quen một kỹ sư nông nghiệp ở Vĩnh Long trong vài lần gặp gỡ, nghe anh ấy luôn miệng ca tụng công ty này. Vậy Công ty Phú Điền ở đâu, thưa cô?
- Qua cầu là tới. Nghe đâu công ty này chuyên kinh doanh gốm mỹ nghệ men; mới thành lập mà ăn nên làm ra đấy.
- Vậy là qua đầu cầu này vẫn còn địa phận Vĩnh Long, phải không thưa cô?
- Đúng vậy! Cô nghe nói chú kỹ sư này giỏi lắm, tiến sĩ bên Nhật đó cháu.
Trang tạm biệt bà chủ quán vui tính cho xe vượt cầu khoảng gần nửa cây số đã thấy bảng hiệu Phú Điền hiện ra, chào đón khách xa về. Qua cổng bước vào nhà trưng bày sản phẩm, Trang choáng ngợp về đa dạng dáng hình gốm mỹ nghệ với sắc màu cuốn hút cái nhìn của người tiếp cận lần đầu.
Lạ nhất là các loại sản phẩm sơn mài gỗ lại làm được cả trên gốm; các loại ngói lợp, gạch trang trí không men theo kiểu gạch ngói Đồng Nai cũng có mặt nơi này bằng đất đỏ; loại gạch mosaic theo dáng dấp gạch trang trí Nhật cũng được bàn tay nghệ nhân đất đỏ sản xuất không thua kém xứ người.
- Thưa quý khách cần sản phẩm nào của Công ty Phú Điền?
Tiếng quen thốt lên gần tai làm Trang giật mình quay lại. Anh chàng kỹ sư Đăng lù lù phía sau. Không kịp nghĩ, Trang mau miệng, anh cũng đến tham quan gốm nữa sao?
Giám đốc có thư đây. Đăng tiếp thư rồi mời Trang theo mình. Trang đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác buột miệng:
- Thì ra, Giám đốc công ty này là anh. Người láng giềng mà không biết, thật đáng trách.
Đến lượt Đăng trố mắt:
- Nói vậy là nhà em gần đây, phải không?
- Nói đúng hơn là quê ở Cái Tàu Hạ của xứ Đồng Tháp.
Qua cuộc gặp gỡ bật mí, đôi bạn càng thân mật chuyện trò. Đăng cho biết ngành gốm là gia truyền đời đời nhưng chỉ sản xuất sản phẩm bằng đất sét trắng ở Lái Thiêu. Đến đời Đăng nhờ kiến thức xứ người Đăng mới phát hiện Đồng bằng sông Cửu Long đất sét mặt ruộng không lợi cho cây lúa lại làm gốm men được mọi mặt hàng như đất sét trắng miền Đông Nam Bộ.
Trước đây tại vùng làm gạch ngói cổ truyền ven sông Cổ Chiên Vĩnh Long đã từng có xí nghiệp liên doanh sứ gốm mỹ nghệ làm sản phẩm men trên đất đỏ tức là đất ruộng nung ở nhiệt độ trên dưới hơn ngàn độ thì cho ra màu đỏ đẹp.
Thời đầu thập kỷ 80 thế kỷ 20 là thời mới giải phóng đất nước, hóa chất làm men rất khan hiếm gần như bị ngăn sông cấm chợ những vật liệu có liên quan đến gốm đỏ; sản phẩm làm ra của xí nghiệp quốc doanh này giá thành quá cao khó hòa nhập thương trường nên sau đó phải liên kết với một thương nhân Đức sản xuất gốm đất đỏ không men rồi dần dần cũng giải thể do hiệu quả kém.
Dù vậy, địa phương nơi xí nghiệp đó tọa lạc cũng tiếp được ý tưởng gốm mỹ nghệ trên đất đỏ nên đa số lò gạch chuyển đổi sản xuất gạch ngói sang làm gốm mỹ nghệ không men. Phong trào gốm này xuất khẩu một thời rầm rộ, tạo tiếng tăm xa mới có thời danh “Vương quốc đỏ Vĩnh Long”.
Đăng khi trở về nước đã nghĩ ngay đến gốm mỹ nghệ men đất đỏ. Đăng tin rằng qua những thử nghiệm và tiếp cận thị trường hội nhập với giá thành thấp, sẽ là mặt hàng đất đỏ Châu Âu ưa thích nhất để xóa đi cái nhàm chán sản phẩm đất đỏ không men từng xuất sang Âu Châu trước đây.
Trữ lượng đất sét ruộng đủ điều kiện làm sản phẩm gốm mỹ nghệ ở Đồng Tháp không thể coi là nhỏ nếu được thăm dò. Chính ý tưởng này Đăng mới tạo xí nghiệp tiếp cận nơi đất lành chim đậu. Hướng vọng của Đăng sẽ ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật thời 4.0; làm sứ thấp độ trên đất đỏ.
Đồng Tháp là nơi gần Thất Sơn. Vùng bảy núi có nhiều đá tràng thạch làm men gốm; đá đào thạch làm men sứ; sẽ được khai thác có hiệu quả kinh tế qua tổ chức sản xuất khép kín. Đăng rất tin tưởng thử nghiệm sứ thấp độ này sẽ thành công trong ngày gần đây.
Trang cho rằng mình dốt gốm nên chẳng dám bàn về việc này. Nghĩ đến cánh đồng vô tận xứ Đồng Tháp mà nhớ hồi nhỏ học địa lý, Trang đã mặn mà với diện tích mênh mông của đồng Tháp Mười trong đó tỉnh Đồng Tháp chiếm gần 500.000 mẫu đất gieo trồng; ước ao sau này thế hệ trẻ phải làm nên cánh đồng thiên thai để xóa đi bao nỗi u hoài của Tháp Mười ngày xưa mỗi độ vào Thu.
- Thiên thai, Đăng trố mắt nhìn Trang không chớp.
Trang cười...
- Không ngoa đâu anh. Thành tựu chuyển đổi nông thôn mới thành nông thôn mới kiểu mẫu của Đồng bằng sông Cửu Long là điều kiện rất tốt cho vùng đất mênh mông này đi vào thiên thai đó. Về con thì tổ chức trang trại chăn nuôi hiện đại với quy mô vừa, khép kín đi lên. Về cây phải công nghiệp hóa sản phẩm nông nghiệp đi vào hội nhập, trong đó cây thuốc cũng đáng kể
. Em đang trăn trở về cây nhãn long; tại sao trên cây nhãn này có những chùm nhãn tiêu cơm dày hột rất nhỏ lẫn trong chùm trái long nhãn to bè hột quá lớn. Nhãn Thái cơm dày hột tiêu lại mùi không vượt qua nhãn long. Nếu ứng dụng thành tựu khoa học làm cho long nhãn trái to, cơm dày, hạt tiêu vẫn giữ được hương vị gốc thì mặt hàng đóng hộp nhãn đi vào hội nhập quốc tế không thua kém ai.
Em nghĩ Đồng bằng sông Cửu Long đi vào hội nhập phải bằng công nghiệp thực phẩm từ con, cây, trái mới làm giàu đất nước hơn là bán buôn theo cổ truyền chở số lượng thì rất nhiều mà tiền thu vào chẳng bao nhiêu. Chính ý tưởng này em đăng ký xin du học Hàn Quốc vì nước này có nhiều kinh nghiệm đi từ nông thôn để thành một trong những con rồng Châu Á. Anh thấy sao?
Trang bỗng giật thót mình tự nhũ sao thân mật nhanh quá vậy. Đôi mắt bồ câu lay láy hướng về Đăng; đượm một chút ngơ ngác con nai vàng đáng yêu. Đăng bối rối cuối xuống; cho rằng ý nghĩ Trang không thể làm ngơ. Mong rằng từ đất sẽ có một vùng đô thị hóa nông thôn không làm biến đổi môi sinh. Nét đẹp thiên thai sẽ thu hút du lịch sinh thái toàn cầu đa dạng vào một xứ có quá nhiều điều kiện phát triển như quê hương Trang. Rất hoan nghinh cô bạn kỹ sư nhỏ người mà quá lớn tư tưởng.
Bữa cơm gia đình Đăng chiêu đãi, Trang thấy ấm lòng với từng món ăn hợp khẩu vị do bàn tay khéo của mẹ Đăng làm. Trong suốt bữa ăn, bà Tâm- mẹ Đăng- luôn tạo cử chỉ thân thiện, hòa mình; Trang thấy có gì an ổn khi nghĩ đến tương lai.
Trang bước xuống xe cùng mẹ thì thấy Đăng và mẹ Đăng chờ tự bao giờ. Mọi người vào cửa hàng phi trường Tân Sơn Nhất để hội ngộ vì giờ bay cũng còn lâu. Bà Tâm cầm tay bà Hoa thân mật:
- Không ngờ tụi mình lại có cùng điểm đậu mà không thành. Ngày gặp chị tôi vỡ lẽ còn một người yêu anh ấy. Tôi cũng như chị quyết không lấy chồng khi hay tin anh hy sinh. Mãi sau ngày giải phóng, chiều gia đình lấy chồng. May gặp đức lang quân rất tốt, biết tôn trọng mình, nhờ đó cháu Đăng mới được học tới nơi tới chốn.
Ngặt nỗi nó đam mê ngành gốm là nghề gia truyền bên chồng tôi nên về đây lập cơ sở gốm này ở đất Vĩnh Long cũng là quê ngoại nó. Thế hệ trẻ bao giờ cũng có hoài bão, nếu hợp lý, vì lợi ích xã hội thì phận cha mẹ cũng nên làm chỗ dựa cho con trên bước đường mai này, chị nghĩ sao?
- Em tán thành đó. Hoàn cảnh em có khác gì chị đâu. Hiến dâng tình cho một người xả thân vì nước với quyết tâm ở vậy; nhưng rồi bị hạ gục nơi tình trường vì bạn chiến đấu Minh Đồng mang tấm chân tình đeo đẳng mãi làm thay đổi cuộc đời kẻ độc thân; con Trang mới được ra đời. Con gái em cũng giống con chị.
Tốt nghiệp thạc sĩ nông nghiệp tại Đại học Cần Thơ nó lại mặn mà với đồng ruộng. Những dự án nó trình hướng về nông thôn, các vị giáo sư Đại học Cần Thơ rất tán thành và khuyến khích.
Nhờ đó, học bổng đi Hàn Quốc kỳ này cho nghiên cứu sinh cũng từ những bàn tay yêu thương của các vị thầy cô Đại học Cần Thơ và các vị lãnh đạo Đồng Tháp quan tâm; mới được chu toàn. Em mong rằng sau ngày cháu hoàn thành luận án tiến sĩ, tụi mình sẽ có mối thân thiện gia đình hơn để hướng cho hai con, chúng nó hoàn thành lý tưởng theo đuổi như anh Minh Đồng của một thuở nào. Được không chị?
Hai bà mẹ già siết chặt tay nhau cùng hướng về đôi trẻ đang tay trong tay chào tạm biệt. Thoảng theo gió mùa Hè Thu, lời Trang rót qua khóe thu ba chờ em anh nhé đi vào sóng mắt Đăng. Đăng trìu mến nhìn bạn cùng lý tưởng nhẹ nhàng thốt:
- Anh sẽ giữ mãi hình ảnh em trong tâm như hai mẹ đã giữ hình bóng người xưa vì lý tưởng đất nước. Hẹn ngày sum họp. Đừng để anh...
- Đợi chờ chớ gì. Đừng có lo.
Trang cười rất tươi, siết chặt tay thay lời hứa hẹn rồi nhanh nhẩu khuất vào phòng chờ đợi chuyến bay, để lại Đăng tần ngần ôm chặt vào lòng tin tưởng đầy hứa hẹn của người đi.
Ngoài kia, không xa hai bà mẹ nhìn thấy hết. Trong giây phút chia tay, ánh mắt lạc quan cả hai trao nhau đều chung ý nghĩ rằng sẽ có một ngày mai vui tươi, sum họp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin