Trời chạng vạng, chị Tím đi ruộng về, bộ đồ bà ba chị đang mặc ướt nhem. Con Thương chạy ra cửa, đón từ tay chị mớ bông lục bình tím, tím buồn như chính cuộc đời của chị. Buổi cơm chiều của gia đình nó đã chuẩn bị xong. Chị biểu con rửa thêm bông lục bình để chấm nước cá kho lạt. Chị Tím đi tắm, con Thương lui cui dọn cơm ra bộ vạc tre ngoài hàng ba rồi ôm gối ngồi chờ. Nó nhìn xuống bến, một vạt rau dừa xanh, bông trắng, lú lên đọt non mỏng manh như những đứa bé còn non sữa.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
NGUYỄN LINH
Trời chạng vạng, chị Tím đi ruộng về, bộ đồ bà ba chị đang mặc ướt nhem. Con Thương chạy ra cửa, đón từ tay chị mớ bông lục bình tím, tím buồn như chính cuộc đời của chị. Buổi cơm chiều của gia đình nó đã chuẩn bị xong. Chị biểu con rửa thêm bông lục bình để chấm nước cá kho lạt. Chị Tím đi tắm, con Thương lui cui dọn cơm ra bộ vạc tre ngoài hàng ba rồi ôm gối ngồi chờ. Nó nhìn xuống bến, một vạt rau dừa xanh, bông trắng, lú lên đọt non mỏng manh như những đứa bé còn non sữa.
Chị Tím nhìn tô canh rau diệu nước xanh ngắt, húp một muỗng rồi tấm tắc:
- Chà, con gái của má nấu canh
ngon quá!
Thương nghe má khen, khoái trong bụng nên cười tít mắt. Còn chị Tím, bao giờ cũng vậy, có bữa nó nấu cơm khét nghẹt mà chị cứ khen ngon. Chị thương con, không nỡ làm nó buồn.
- Tối nay gánh hát về xã, má cho con đi coi với con Lý, nghen má?
Nghe con hỏi tự dưng chị Tím bỗng thấy buồn. Con Thương giống y chang chị hồi nhỏ, mê đờn ca, coi hát. Hồi hai mươi tuổi, chị xin ba má theo gánh hát. Ba hổng cho, ổng nói theo kiểu quơ đũa cả nắm: “Đời đào kép rày đây mai đó, tình cảm thì như diễn tuồng,…” Má chị cũng nghĩ vậy nhưng thấy con buồn nên ngày đêm năn nỉ tiếp. Cuối cùng ba chị nói: “Hai má con bây muốn làm gì thì làm, tui hổng cản”. Nói vậy tức ổng đã đồng ý. Đêm đó chị và má ngồi nói chuyện tới khuya. Sáng ra, nhìn con gái quảy giỏ ra cửa, bà chỉ còn biết dặn với theo một câu ngắn ngủi: “Con gái lớn rồi, khôn nhờ dại chịu, đừng làm chuyện nông nổi mà mang khổ vào thân, chòm xóm chê cười”. Còn ba chị, ổng viện cớ vác cuốc ra đồng sớm để giấu những giọt nước mắt. Và chị đâu biết rằng lúc đó Đông đang ngồi ở bờ trâm bầu, vuốt nhẹ lên lưng con chó: “Mực ơi! Tao hứa đợi chờ, người ta hẹn quay về nhưng một khi người ta trở thành đào nổi tiếng thì sao? Có còn nhớ chàng trai xứ Kinh Mới này không?”.
Tối, trời Kinh Mới im thinh, sao dày đặc soi xuống dòng sông như tấm thảm bằng kim tuyến sáng lấp lánh. Cây so đũa rũ lá, ngủ một giấc ngon lành. Chị Tím ngồi ngoài hiên đợi cửa con. Con Thương nói tối nay người ta hát tuồng “Lưu Bình, Dương Lễ”. Nó mê tuồng đó lắm. Riêng với chị, tuồng “Lưu Bình, Dương Lễ” là một dấu ấn và vai Châu Long là một kỷ niệm nhớ mãi: lần đầu tiên mà cũng là duy nhất chị được đóng đào chánh. Hôm đó, đoàn diễn ở Hựu Thành, chưa hết màng một thì cô đào Thanh Mai bỗng té xỉu tại sân khấu. Ông bầu luýnh quýnh: đào nhì, đào ba ai có vai nấy. Chỉ còn chị, chị có giọng tốt, ngặt hồi nào tới giờ chỉ chuyên đóng vai phụ. “Lưu Bình, Dương Lễ” ít vai nữ nên hôm đó chị ngồi không, phụ phục trang. Cuối cùng, ông bầu cáo lỗi với khán giả về cơn bệnh đột xuất của cô đào Thanh Mai và cho chị đóng thế vai. Tuồng nào của đoàn, chị cũng thuộc lòng như ăn cháo vậy mà đột ngột được đóng vai Châu Long chị bỗng thấy run. Không ngờ, khi chị xuống vọng cổ, khán giả vỗ tay rần rần, bên cánh gà ông bầu cũng vỗ tay theo mà cái mặt vẫn còn xanh mét như tàu lá chuối- ổng sợ chị quên tuồng. Tuồng vừa dứt, màng vừa kéo lại, ông bầu chạy ra ôm chị vào lòng, khen chị có nhiều triển vọng.
Gần mười một giờ đêm, Thương về đến nhà, giật mình:
- Ủa, giờ này... má còn thức sao?
- Tại má ngủ hổng được. Đi coi hát vui hông con?
- Vui lắm má à! Đoàn tỉnh mà đào kép ca hay hết ý luôn.
Chị Tím vỗ nhẹ vào đầu nó:
- Mồ tổ mầy! Mê gánh hát! Lần nào mà hổng vậy, ca hay ca dở gì cũng khen.
- Con nói thiệt đó, nhất là cô đào đóng vai Châu Long đẹp như tiên. Còn kép Thanh Nhân, nghe đâu ổng gần năm mươi tuổi mà sắm vai Dương Lễ trẻ măng, ca mùi hết biết. Ai cũng khen ổng đóng nhập vai: giàu có mà rộng lượng, trọng tình nghĩa. Con tiếc quá, hổng đem theo giấy viết để xin chữ ký.
Chị Tím giật mình rồi nói với con, nói như mếu:
- Thôi, khuya rồi, vô ngủ đi con! Bữa nay trời nực quá, má muốn nằm ngoài võng thêm một chút cho mát.
Thương vô trong, vừa bỏ mùng nó vừa ca nho nhỏ: “Quán gấm đầu làng có nàng dệt tơ bán tơ,…”. Ngoài này, chị Tím cố kiềm nước mắt nhưng không cản được, y như dòng nước cứ cuồn cuộn chảy vào mùa lũ. Thanh Nhân, cái người chị từng ngưỡng mộ, yêu thương, căm hận và đã cố quên từ lâu nhưng tối nay vô tình con Thương lại nhắc tới làm tim chị nghe đau nhói. Con Thương đâu biết người mà nó cho là thần tượng lại chính là ba của nó. Sự rộng lượng, trọng tình nghĩa theo như nó và mọi người nhận xét, chị là người hiểu hơn ai hết: đó là những tính cách giả tạo trên sân khấu. Trước đây chị cũng lầm như vậy nên ngày mang cái thai hoang vô thừa nhận về nhà, ba chị bị lên máu té xỉu và chưa đầy nửa tháng sau thì qua đời. Lúc hấp hối, ổng thều thào với má chị, biểu tha thứ và thay ổng lo lắng cho chị. Lúc đó chị mới hiểu hết câu nói “hùm dữ cũng hổng nỡ ăn thịt con” và cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, cao cả của đấng sinh thành. Ba tha thứ, má không trách nhưng lương tâm chị chưa bao giờ dám tha thứ cho mình.
ð
Con Thương cắt đòn bánh tét nước tro để lên bàn thờ, vặn cây đèn chong tỏ hơn ngày thường và đốt ba cây nhang. Nó nói muốn đèn sáng hơn để ngoại thấy đường ăn bánh. Đám giỗ bà ngoại, cái đám giỗ chỉ có ba người: chị Tím, con Thương và anh Đông. Con Thương thì đã quen với cảnh này nên cứ líu lo với anh Đông- cái người mà ngoài má ra nó dành nhiều tình thương nhất. Thương không biết mặt ông bà ngoại, chỉ biết trên bàn thờ có hai cái lư hương, mỗi tối đốt nhang má hay khóc. Hồi nhỏ, nó nghe người ta nói má nó có chửa hoang đẻ ra nó, không cha. Ông bà ngoại cũng vì buồn mà lần lượt mất đi. Bà con dòng họ ai cũng giận nên từ luôn má nó. Chỉ có anh Đông là ngày đêm lo lắng cho má con nó như ruột thịt. Vậy mà hồi nhỏ Thương rất ghét anh Đông, Thương nghĩ anh là người xấu, muốn giành má của nó. Nhưng ngày một lớn nó đã hiểu anh Đông là người rất mực chung tình, từ trẻ tới giờ anh luôn âm thầm chờ đợi cái gật đầu của má nó. Nhưng hổng hiểu sao má cứ lặng thinh hoài.
Cây nhang đã tàn, Thương phụ anh Đông dọn thức ăn trên bàn thờ ra bộ vạc tre, cái nơi mà ngày thường chỉ có hai má con ngồi ăn cơm. Thương cố ý nhường chỗ cho hai người lớn ngồi bên nhau. Và cũng không ai biểu, nó chạy vô lấy ra chai rượu cúng, gắp cái ruột cá lóc nướng bỏ vô chén: “Nè, con tặng cho chú!”. Đông nhìn qua chị Tím, chị gật nhẹ: “Anh uống chút rượu cho ra vẻ đám tiệc mà cũng để con Thương được vui”.
Đông uống hết hai ly. Bỗng con Thương vọt miệng:
- Má, nhà mình chỉ có hai má con, buồn quá hà! Chú Đông thì... một mình. Hổng ấy… má nói chú qua sống với mình luôn, cho vui.
Chị Tím mặt đỏ ửng. Còn Đông, anh thấy bất ngờ, không biết làm gì hơn là rót thêm một ly rượu, uống cạn rồi đánh lảng:
- Thương à, cá lóc này ngon hông? Vài bữa, chú tát đìa đem qua, rồi làm khô cho con nữa, nghen!
Thương nhìn anh Đông, liếc qua chị Tím rồi cười tủm tỉm: “Thôi để con ra sau hè cho heo ăn. Giờ này nó đói, nó la muốn điếc lỗ tai”. Chị Tím không nhìn theo con mà ngó xuống bến, đám rau dừa lại đâm thêm nhiều đọt non lắt lay trong gió.
Tối hôm đó Đông lại tới nhà. Con Thương mừng quýnh, thiếu chút nữa là đã ôm bấu vào vai như hồi còn nhỏ xíu. Chị Tím biểu con xuống bếp bắc ấm nước pha trà. Nó nhóm lửa, nghe tiếng củi nổ lách tách mà vui thầm trong bụng. “Lạy ông Táo, bà Táo, nhờ ông bà phù hộ, xui khiến cho chú Đông làm ba của con. Con xin cúng con gà trống tàu mập thiệt là mập”, nó lẩm bẩm rồi cười một mình. Nghĩ cũng lạ, hồi nhỏ Thương hay hỏi má “ba ở đâu?” nhưng mấy năm nay hổng nghe nó nhắc, một cũng chú Đông, hai cũng chú Đông. Ấm nước kéo ro ro, Thương vừa bưng bình trà ra là đã kêu buồn ngủ phải vô ngủ sớm. Chị Tím lắc đầu: “Con nhỏ này thiệt là... sao mà ngủ như gà vậy!”. Nó cười với má rồi kề tai nói nhỏ với anh Đông: “Con giả bộ đó! Chú ráng năn nỉ má để chú làm ba của con đi!”. Anh Đông cười thầm: Con nhỏ... thiệt đúng là con nít!
Thương đi rồi, chị Tím vẫn ngồi ở bộ vạc tre, anh Đông ngã lưng ra võng, gần bên, đối mặt nhau, bên tiếng võng cọt kẹt đều đều trong đêm. Bỗng anh ngồi bật dậy, vẻ trịnh trọng:
- Tím à, chuyện con nói hồi sáng em nghĩ sao? Giờ mình cũng hổng còn trẻ nữa, làm được gì cho con vui thì làm…
Tím không trả lời, chị khóc. Đông muốn đến bên chị, nắm lấy đôi bàn tay đã chai sạm vì con, an ủi dù chỉ vài câu ngắn ngủi nhưng hổng hiểu sao anh vẫn lặng thinh như pho tượng. Anh nghĩ đến câu nói của chị Tím, câu nói đã nằm lòng từ mười mấy năm nay: “Em không xứng đáng với anh, em là người có lỗi với ba má, dòng họ,…” Đông đã cảm thông cho Tím, anh nói với Tím hàng ngàn hàng vạn lần, từ hồi con Thương còn trong bụng cho tới bây giờ rồi còn gì. Tím không hiểu bụng dạ anh hay cố tình không hiểu? Anh thương Tím, chờ Tím đến tóc đã nhuốm bạc mà tấm lòng thì vẫn không thay đổi.
Đông lặng lẽ xuống bến, chống xuồng ra rồi mặc kệ cho con nước đang lớn xô đẩy theo dòng. Chị Tím định nhỏm dậy, cản anh lại để nói với anh một điều gì đó nhưng bỗng như có vật gì đó rất nặng níu chân lại nên chị chỉ biết nhìn cái bóng xa dần, mờ dần, chòng chành trên dòng Kinh Mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin