Chị vừa gấp mấy bộ quần áo và ít đồ dùng cần thiết cho vào ba lô vừa bần thần suy nghĩ lan man. Ngày mai chị phải vào công ty ăn ở và làm việc. Tình hình dịch Covid ngày càng phức tạp khó lường, vì thế công ty chị cho công nhân ở lại nhà máy vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm sản xuất.
LÊ MINH HẢI
Chị vừa gấp mấy bộ quần áo và ít đồ dùng cần thiết cho vào ba lô vừa bần thần suy nghĩ lan man. Ngày mai chị phải vào công ty ăn ở và làm việc. Tình hình dịch Covid ngày càng phức tạp khó lường, vì thế công ty chị cho công nhân ở lại nhà máy vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm sản xuất. Chị làm việc ở dây chuyền sản xuất mặt hàng quan trọng của công ty, bởi thế không thể dừng một ngày nào được.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Nhìn đứa con ba tuổi đang ngủ say sưa mà chị muốn trào nước mắt. Chị lo, rồi những đêm vắng mẹ nó có ngủ yên hay sẽ quấy khóc. Mới nghĩ thế mà lòng chị đã thấy rối bời. Nhưng vẫn phải đi thôi, thời buổi khó khăn đầy rẫy công ty phải sa thải bớt công nhân mà công ty chị vẫn có nhiều việc là điều đáng mừng rồi.
- Từ mai em phải ở lại công ty, anh nhớ cho con ăn uống cẩn thận nhé.
- Em cứ yên tâm.
- Tối khi rảnh em sẽ gọi Messenger về nói chuyện với con.
- Vâng.
Trước khi đi ngủ chị lại nhắc chồng lần nữa về việc chăm nom các con. Chị phải dặn dò chồng thật kỹ vì nhiều khi anh hay la cà với bạn bè, rượu bia bỏ bê con cái. Anh làm nghề thợ xây quanh năm vôi vữa, vất vả chị cũng thương. Nhưng anh thường hay uống nhiều rồi say, về nhà là lăn ra ngủ.
Có lần chị tăng ca mãi 9 giờ tối mới về, thấy hai đứa bé vẫn tha thẩn chơi với nhau ngoài sân mà chị bực mình cáu gắt với chồng. Bởi thằng bé ba tuổi vẫn còn mặc bộ quần áo từ chiều hôm qua. Cũng may, đứa con gái lớn đã biết nấu cơm, mới mười tuổi mà con bé đã làm được hết việc nhà. Thậm chí, còn biết đút cơm cho em ăn, nhưng dù gì thì nó vẫn là một đứa trẻ...
***
Khu vực nhà kho của công ty nay đã được dọn dẹp làm nơi ở và nghỉ ngơi của công nhân. Chỗ ở của nam và nữ được bố trí tách biệt và gọn gàng chứ không đến nỗi tệ như mọi người phỏng đoán. Chị và các công nhân khác được phát màn, chiếu, xô, chậu mỗi người một bộ…
Nhìn những cái màn chụp lúp xúp mà liên tưởng đến lều trại dã chiến của quân đội, suy nghĩ ấy khiến chị phì cười. Nhưng nụ cười chỉ một nửa rồi lại tắt vụt vì nỗi lo lắng ập đến. Chị vẫn không yên tâm, lo bọn trẻ vắng mẹ sẽ nhếch nhác, khổ sở.
Nhớ mấy hôm trước, chị vào quán mua thùng mì tôm mà chủ quán nghe không rõ lại tưởng mua chôm chôm. Đúng là cái thời dịch bệnh, ai ai cũng khẩu trang kín mít, nhiều khi giao tiếp còn phải thêm cả hành động “minh họa” mới được.
Ngày làm việc đầu tiên ở công ty nhanh chóng qua đi. Chị và mọi người không phải vội vã về lo việc gia đình nhưng lại chưa quen việc đợi chờ để đến lượt tắm giặt. Trong lúc chờ đợi, chị gọi về cho chồng. Màn hình điện thoại hiện lên ba gương mặt: chồng chị và hai con. Hai đứa trẻ thi nhau gọi mẹ. Chị cười mà cay cay nơi khóe mắt.
- Ba bố con đang làm gì thế? Đã nấu nướng gì chưa?
- Bố đang nấu cơm, còn con thì giúp bố nhặt rau mẹ ạ- con bé lớn nhanh nhảu.
- Mẹ ơi! Mẹ đang ở… đâu? Sao… mẹ… chưa… về?
Giọng nói còn ngọng nghịu của đứa nhỏ… lòng chị dâng lên một niềm yêu thương và nỗi nhớ con cuộn lên trong dạ. Chị muốn ôm con vào lòng mà nựng mà hít hà âu yếm. Cái màn hình điện thoại sao bằng được cạnh bên với hơi ấm con người!
- Mẹ vào ở công ty ít hôm, mẹ kiếm nhiều tiền hơn để mua sữa và bim bim cho chị và con mà. Con ở nhà ngoan nhé.
- Nhưng tối mẹ phải ngủ cùng con cơ.
- Mẹ… mẹ…
Chị không biết phải nói với thằng bé ba tuổi thế nào để nó hiểu. Lời nói bị nghẹn lại nơi cổ họng. Lặng im một lúc chồng chị giục tắt máy, kẻo thằng bé lại khóc đòi mẹ... Điện thoại đã tắt mà chị vẫn như nghe thấy tiếng thằng bé khóc bên tai.
Dần dần chị và mọi người cũng quen với việc sinh hoạt và làm việc ở công ty. Như đã thành lệ, tối nào tầm tám giờ chị cũng gọi về nhà. Những cuộc gọi kéo dài với những tiếng cười, tiếng hát của trẻ nhỏ làm cho khu vực của công nhân nữ trở nên ồn ào vào mỗi tối. Nhưng rồi sau đó là cả sự tĩnh lặng, ai cũng theo đuổi những nỗi niềm của riêng mình.
Thật ra, chị không còn lo lắng cho bọn trẻ như trước nhưng nỗi mong ngóng ngày về lại đầy lên. Chị thầm rủa cái con covid chết tiệt sao mà nó không bị diệt trừ đi. Cái con vi rút nguy hiểm ấy đã gây ra bao cảnh đau thương, xa cách. Cũng may, ở đây dịch bệnh vẫn kiểm soát được, chỉ cần thực hiện tốt các biện pháp được khuyến cáo thì chắc sẽ ổn thôi. Chị nằm mãi rồi cũng thiếp đi.
Mới sáng sớm mà đã nghe tiếng ầm ĩ phía ngoài. Chị và mọi người chạy ra đã thấy Phương và Hoài đang cãi nhau bên dây phơi quần áo. Thì ra tối qua đông người quá không kịp giặt, sáng nay họ dậy sớm để tranh thủ giặt giũ. Chả hiểu thế nào lại cầm nhầm của nhau rồi thành ra chuyện đôi co.
Chị tổ trưởng vội chạy lại khuyên can, dàn hòa. Nhưng mãi hai người vẫn không chịu thôi, chị tổ trưởng phải gắt lên. Chị bảo, cái thời dịch dã không biết sống chết thế nào thì tại sao không sống tốt với nhau, ngộ nhỡ… Hai người đang cãi nhau bỗng im bặt rồi lùi lũi đi vào trong. Thật ra cặp đôi tưởng như xung khắc ấy rồi lại cười hì hì với nhau thôi mà, đã bao lần như thế.
Mọi người có nhiều thời gian, hay tâm sự nên gần gũi nhau hơn trước. Chị cũng không còn lo lắng như những ngày đầu. Những lần gọi về nhà thấy bọn trẻ vui vẻ, bố chúng chăm chút con tốt, mặt mũi sạch sẽ, chị thấy ấm lòng.
Thì ra đàn ông họ hay ỷ lại cho phụ nữ việc bếp núc, con cái, chứ khi vắng vợ thì cũng chẳng đến nỗi nào. Anh bảo chị cứ yên tâm mà làm việc, ba bố con ở nhà tự chăm nhau được, có khi còn tốt hơn khi có mẹ ở nhà. Chị nghe mà buồn cười quá. Cái anh chồng chị dạo này cũng lẻo mép đáo để chứ chẳng vừa.
***
Chồng chị gọi điện nói thằng bé sốt cao quá. Nghe giọng cuống quýt và như lạc đi của chồng, chị biết là anh rất bối rối. Xưa nay mọi việc nhà và chăm con cái đều một tay chị làm mà. Có lần chị nhờ anh lấy cái cặp nhiệt độ để ở tủ kính vì chị bận dỗ thằng bé đang quấy khóc, mà anh còn gắt lên.
Chị biết anh không đến nỗi vô tâm và không thương vợ con nhưng tính anh thế, có vẻ hơi gia trưởng, anh nghĩ những việc như thế là vặt vãnh, không đáng để tâm. Thế đấy, giờ anh mới hiểu được người phụ nữ đã vất vả thế nào với gia đình.
Chị lo lắng bảo anh thử kẹp nhiệt độ xem con sốt bao nhiêu, rồi chị sẽ bảo anh lấy thuốc hạ sốt cho con uống ở đâu. Chị vốn rất cẩn thận nên trong nhà lúc nào thuốc cũng có sẵn. Rồi chị sẽ phải gọi Messenger về để xem anh đã lấy đúng thuốc chưa.
Suốt đêm trằn trọc không tài nào ngủ nổi, chị cứ như thấy con trai bé bỏng gào khóc, quằn quại trong cơn sốt. Mấy lần định gọi về hỏi anh xem thế nào nhưng lại sợ làm thằng bé giật mình. Nghĩ đi nghĩ lại chị vẫn gọi cho chồng, khi ấy đã quá nửa đêm. Nghe giọng ngái ngủ của anh chị thấy mình có lỗi, nhưng anh nói con đã hết sốt chỉ là không chịu ăn, cứ đòi mẹ. Mà anh không dám gọi vì nghe tiếng mẹ là nó sẽ khóc nhiều hơn…
Chị chỉ thực sự chợp mắt hơn một tiếng đồng hồ. Việc đầu tiên là gọi về cho chồng. Anh bảo thằng bé đã hết hẳn sốt, chị nghe mà nhẹ cả người. Nhưng nỗi mong ngóng ngày về với con lại trỗi dậy, chị mong cái ngày ấy mau đến để chị ùa về mang hơi ấm và tình thương người mẹ vây bọc lấy con. Mắt chị đỏ hoe, lòng chị cồn cào bỏng rát.
***
Cái tin đã nới lỏng giãn cách lan ra nhanh chóng làm cho mọi người phấn chấn hẳn. Ai cũng nóng lòng về nhà. Chị thì khấp khởi chờ đợi hơn ai hết. Trước mắt chị là vẻ mặt ngây thơ, đáng yêu của các con. Trời ơi! Quãng đường từ công ty về nhà nào có xa xôi gì mà cũng phải sống cảnh cách trở, nhớ mong chừng ấy.
Đại dịch toàn cầu đã làm cho cuộc sống con người đảo lộn, tang thương này mong sao mau hết. Nghe đâu có cặp vợ chồng gửi con về quê, thế rồi không thể về thăm vì dịch bệnh phức tạp, hạn chế đi lại. Rồi có những người con đang ở trong vùng dịch không thể về chịu tang mẹ, phải vái tạ qua điện thoại… Những câu chuyện khiến cho chị thấy mình vẫn còn hạnh phúc khi có việc làm, chỉ tạm thời xa gia đình mà thôi. Cứ thế, rồi công việc cuốn đi khiến cho lòng chị vơi bớt những lo âu mong mỏi.
***
Cái tờ giấy thông báo về việc cho công nhân về nhà như bình thường nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, làm cho tất cả công nhân vui mừng. Chị nhẹ bẫng cả người khi tận mắt đọc thông báo, bên tai chị như có cả ngàn tiếng reo hò, trong lồng ngực trái tim đập thình thịch hân hoan, nét cười rạng rỡ. Chị gọi về bảo anh nói với bọn trẻ rằng ngày mai mẹ sẽ về. Ngày mai, sau giờ làm chị sẽ lại về với ngôi nhà đầy ắp tiếng trẻ thơ.
Đêm nay có lẽ lại là một đêm chị mất ngủ nhưng vì quá vui mừng chứ không phải là vì lo lắng như lần trước. Các con ơi, ngày mai mẹ sẽ về!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin