Từ ngày về quê cũng hơn tháng rồi, Trọng với Út Tím còn mải bận rộn với chuyện tổ chức đám cưới. Chiếc ô tô Trọng đem gởi bên xóm chợ, bao giờ bắt tay vào công việc dự tính mới có dịp đi xa xa, cần tới nó.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Từ ngày về quê cũng hơn tháng rồi, Trọng với Út Tím còn mải bận rộn với chuyện tổ chức đám cưới. Chiếc ô tô Trọng đem gởi bên xóm chợ, bao giờ bắt tay vào công việc dự tính mới có dịp đi xa xa, cần tới nó.
Giờ thì trở lại Trọng “lúa” ngày xưa, đạp xe vòng vòng trong xóm hay sáng sáng chở Út Tím đi chợ bằng xe gắn máy. Căn nhà trở nên rộn rã, ấm áp, tràn đầy hạnh phúc. Tư Tô chỉ mỗi việc uống trà sớm, rồi chiều xuống thì lai rai tâm tình với mấy bạn già, cao hứng thì đờn ca mấy bản cho điệu nghệ cuộc đời. Hơn 7 năm xa quê, Trọng thấy cái xóm nhỏ này đã nhiều thay đổi, thuận lợi cho những dự định tương lai. Nhất là đường sá tinh tươm rộng rãi, cây cầu bắc qua xóm chợ và có điện là chuyện quan trọng nhất.
Bước vô nhà không thấy tía đâu, Trọng đi thẳng xuống bếp. Út Tím đang ngồi làm cá bên sàn nước. Trọng xáp vô định làm phụ, Út Tím cản: “Thôi để em làm, có mấy con cá mà”. “Nhưng hai đứa làm mới vui em”- Trọng cười hì hì. Út Tím nguýt dài âu yếm: “Vậy thì nhúm lửa bắc nồi cơm dùm đi, ông tướng”. “Dạ, bà xã!”
Lát sau, khói lá dừa bốc lên mùi dễ chịu, bắc nồi cơm lên bếp, Trọng khoan khoái hít hơi dài cái mùi thân thuộc, nó thiệt là mùi quê hương. Nhớ những ngày bôn ba, nhớ Út Tím và bồi hồi với bao kỷ niệm ấu thơ, Trọng da diết với mùi khói quê nhà từ khói đốt đồng mịt mùng những ngày sau mùa gặt, mùi khói lá quét ngoài sân sớm những ngày có sương lạnh, mùi đống un ngun ngún từ những chuồng bò ngai ngái buổi chiều tà và cái mùi khói bếp thoang thoảng nhẹ bay bên những chái nhà… Tất cả những mùi ấy nó kết tinh một cách thâm sâu trong mùi của hột gạo lúa mùa, nó làm nên đặc tính của con người vùng quê xứ sở này. Trọng chẳng thể nhai nổi, nuốt nổi những hột gạo đậm đặc hương thơm, mà chỉ thích cái mùi gạo lúa mùa chân chất. Trọng biết, từ trong máu thịt mình, cuộc đời mình đã thuộc về góc quê này, nó không phù hợp với chốn phố chợ ồn ào. Cái xóm nhỏ xíu như bàn tay này đáng yêu làm sao, cũng bởi vì nơi này có Út Tím.
Trọng nhìn Tím từ dáng ngồi sau lưng, vẫn mái tóc buông dài qua đôi bờ vai tròn, chiếc áo bà ba ráp lăng mềm mại, bờ ngực tròn đầy đặn mà nền nã, kín đáo, sao mà thương chết đi được. Nhớ hồi nhỏ, Út Tím ốm nhách dong dỏng cao, tóc loe hoe vàng vì nắng nhưng Trọng đã thấy nét duyên con gái. Tím ít nói, thường cười cười chúm chím lộ đồng tiền duyên trên má, không lanh chanh như mấy đứa trong xóm, mà đi đâu hai đứa cũng lẽo đẽo quấn quýt bên nhau. Cũng hồi nhỏ xíu đó, mà Trọng đã nói với Út Tím hoài “lớn lên, tao cưới mày làm vợ”. Lần nào cũng bị Tím đập cho mấy phát, mắng “con nít quỹ”. Còn một điều nữa để hai đứa gần gũi nhau, bởi cả hai đều lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của một gia đình bị sứt mẻ. Má Út Tím thì bỏ theo ghe bầu gánh hát dắt theo anh Hai nó, biệt tích đến giờ. Còn thằng Trọng thì mới 2 tuổi, ba đã chết vì bạo bệnh, đến tuổi vừa trưởng thành thì má nó cũng ra đi vì bệnh nặng mà không đủ tiền chạy chữa. Những tháng ngày cô độc nhất trên đời này, thì gia đình của Út Tím là chiếc nôi thứ hai bù đắp những yêu thương, mất mát của đời Trọng. “Út Tím à, em không chỉ là người yêu thương, mà còn là người bạn đời tri kỷ của anh!”- những suy nghĩ rưng rưng làm cho Trọng muốn ôm ngay vào lòng mình cái dáng ngồi trước mặt. Hạnh phúc thiệt giản đơn vậy thôi mà. Trọng gọi nhỏ: “Em ơi!”, Tím quay lại: “Gì anh?” Trọng đứng dậy chống nạnh tướng y như hồi nhỏ, hét to lên: “Anh thương em!”. Út Tím cười ngặt nghẽo: “Ông khùng ơi. Canh lửa chắt tô nước cơm cho tía. Cơm khét là biết tay, ở đó xàm xàm hoài”.
*
Mâm cơm dọn ra như thường lệ có ba người, Tư Tô ngồi đầu mâm trước mặt có riêng tô nước cơm, trên mặt tô kéo một lớp váng mỏng như tàu hủ ky. Ăn cơm xong bao giờ ông cũng bưng tô nước cơm uống cạn, hồi xưa ông thích cho vào tô nước cơm miếng đường thốt lốt, cái vị ngọt đầm, thơm của đường rất hợp với mùi gạo lúa mùa. Cũng thói quen này mà từ khi có điện, có gas nhà vẫn giữ dãy cà ràng, bếp củi nấu cơm bằng nồi gang dày cui, để lấy cơm cháy, chắt nước cơm Tư Tô mới chịu. Mà Trọng với Út Tím cũng rất hảo cái món cơm cháy vắt có chan tốp mỡ hoặc muối mè, thói quen từ hồi nhỏ, vậy nên nhà này rất hợp. Bếp gas, bếp điện chỉ dùng đến khi nhà có tiệc tùng khách khứa.
Ăn xong trước, Tư Tô ra bàn nhỏ kê dưới gốc xoài ngoài sân, Tím đã pha sẵn ấm trà ngon cho tía, ông nói với vô: “Ăn xong con ra tía hỏi chuyện chút coi Trọng, từ hôm bây về tới nay không thấy bây nói cái chuyện làm ăn, làm giàu gì đó. Hay có khuất tất gì không mậy?” Trọng tủm tỉm cười: “Dạ, để con phụ dọn dẹp rồi ra, tía đợi con chút”. Tím ngăn: “Thôi để em dọn, có chút xíu, anh ra mà thưa chuyện với tía, liệu hồn đó. Mấy năm êm ru bà rù là em cũng nghi lắm đó”.
Câu chuyện của hơn 7 năm trước khi Trọng quyết tâm theo một người cậu ngoài miền Trung vừa học nghề vừa phụ giúp làm nghề xây dựng. Trước khi mất, má của Trọng đã gởi gắm nhờ cậu đỡ đầu, vợ chồng cậu cũng không có con nên xem Trọng như con trai mình vậy. Xuất thân từ một thợ hồ dần lên những công trình lớn, rồi lấn sân sang bất động sản. Đời cậu lên thì Trọng cũng lên theo, đôi lần trắng tay thì cậu cháu lại trở về với công việc thợ hồ. Giờ thì cậu có trong tay 2 khu resort lớn ở bờ biển đẹp, Trọng được cậu dạy dỗ, cho đi học hành thêm để hiểu chuyện. Rồi thay vì nhận quản lý một khu du lịch nổi tiếng, Trọng xin phép cậu hỗ trợ cho mình trở về quê nhà tự thân lập nghiệp, cũng là giữ đúng lời hứa với Tím. Câu chuyện kể chỉ có vậy, nhưng đó là quãng đường đầy trúc trắc và trưởng thành của một chàng trai xứ quê nghèo.
“Giờ bây dự tính làm gì ở cái xứ này?”- hớp ngụm trà, Tư Tô hỏi. “Dạ, mấy ngày nay con đi ngó nghiêng khắp chỗ rồi, mình bắt đầu từ cánh đồng, vàm sông quê mình thôi bác Tư”- Trọng giải thích ngắn gọn cho Tư Tô dễ hiểu: “Con sẽ chuộc lại đất gia đình đã cầm cố, mua thêm đất dài ra cho đến cái bàu cỏ. Xây dựng lại khu vực vàm sông. Chuyện này không phải một mình con làm nổi, mà có sự giúp sức của cậu con ngoài miền Trung, nó như một chi nhánh công ty của cậu trong này”. Nghe thì nghe vậy, Tư Tô cũng chưa biết công việc sẽ như thế nào, trước giờ ở xứ này cũng chưa thấy ai làm chuyện gì to tát vậy, nhưng nghe Trọng nói ông cũng mừng. Làm chuyện lớn, có người đỡ đầu, mà thấy nó chững chạc, nghiêm túc hẳn ra, có vẻ khác xa so với hồi xưa rồi. Cái chuyện nó ra đi bao nhiêu năm trời, mà vẫn giữ lời hứa chung tình với cái xóm nhỏ này, thì quả là người khó tìm à. Cầu cho má của nó phù hộ cho con trai gầy dựng sự nghiệp thành công.
*
Mới 4 giờ sáng, Tư Tô đã thức dậy lững thững đi qua nhà Sáu Lượng uống trà. Ngang qua nhà Bảy Tùa cũng đã sáng đèn, ông “ới” một tiếng theo thói quen. Vậy là ba người ngồi chuyện vãng đến khi tỏ mặt người thì mạnh ai nấy về. Bao nhiêu năm nay đã thành cái nếp, có khi thì đổi chỗ nhà người này, người kia; rồi chuyện cũ, chuyện mới nó cứ dắt dây nhau mà thành những buổi tâm tình thế sự buồn vui.
Căn nhà ba gian với khoảng sân rộng thênh thang đầy hoa kiểng, hàng cau dài tạo thành lối đi sâu hun hút. Nhà Sáu Lượng hồi xưa nổi tiếng với ruộng đất cả ngàn công, Bảy Tùa hồi đó làm công, giữ trâu cho nhà Sáu Lượng từ lúc mới lên mười. Duy có Tư Tô một thời mê nghiệp đờn ca mà xách đờn lãng du cả một thời tuổi trẻ. Nhưng cả ba người họ đều cùng gắn bó với nhau lúc còn để chỏm. Những buổi trà sớm của ba ông bạn già thường làm sống lại một thời rong chơi trên những cánh đồng, mùa vụ, cá mắm nhiều đến nổi không ngã nào ăn hết.
Câu chuyện dường như kể hoài không hết, nhắc hoài không chán. Mà thời gian càng trôi về phía trước, thì quá khứ xa xưa càng trở nên riết róng nỗi nhớ trong lòng. Cái hồi cực khổ thần sầu mà sao nó cũng vui thần sầu. Những người cao tuổi rồi cũng dần thưa vắng, ba người bạn già càng thấy gắn bó với nhau hơn.
*
Căn nhà của Trọng đóng cửa mấy năm trời hoang phế, dự tính sau đám cưới sẽ xây dựng lại. Phía trước nhà là con sông rộng, cặp bên hông là con kinh Thầy Tư um tùm dừa nước xen lẫn những hàng bần mát rượi. Con kinh này là nguồn nước cũng là con đường xuồng ghe vào tận đồng sâu. Trọng bơi xuồng dọc theo con kinh vào tới trong bàu cỏ. Xóm vắng, đất vẫn còn nhiều lung đìa nhất là cái bàu cỏ hoang sơ, trước giờ như cái vựa cá thiên nhiên. Cánh đồng thân thuộc này đã gắn bó với biết bao kỷ niệm êm đềm.
Trời chợt vần vũ chuyển mây đen, giông nổi lên làm thành những tiếng hú lồng lộng trôi qua trên bàu cỏ. Trọng nhớ những đêm sáng trăng, những nhóm người chui vào trong bàu cỏ này mà bắt cá. Ta nói cá nó đâm vô chân giựt cả mình, mê cá mà trong lòng mấy đứa nhỏ cũng ôm nỗi sợ hãi hùng. Những câu chuyện ma giấu con nít, chuyện giỏ cá về khuya hóa thành những cục đất, rồi ma hiện ra trên mũi xuồng trò chuyện, đã trở thành những nỗi ám ảnh đầy thú vị…
Giờ đây, nỗi sợ của ngày thơ bỗng trở về thành niềm khoái cảm lạ lùng, nhất là nhớ những lần Út Tím cứ níu vạt áo Trọng mà run rẩy, Trọng cũng ráng ra vẻ mà tim cứ đập thình thịch. Cơn mưa ập tới cùng với giông giật từng hồi, trời trở nên tối mịt, Trọng ngồi im trên xuồng tận hưởng những cơn giông quật hạt mưa vào mặt rát rạt. Lâu lắm rồi, mới có lại cảm giác của ngày xưa. Lâu lắm rồi mới được thấy giông chiều thổi qua bàu cỏ.
>> Phần 1: Tiếng đờn trên sông vắng
(Còn tiếp)
HÀ NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin