Chiếc đồng hồ treo tường thong thả gõ 12 tiếng. Út Tím tỉnh giấc, sực nhớ hồi chiều tía say rượu còn nằm ngoài võng, hổng biết có chịu vô mùng chưa. Bước ra hàng ba thấy tía đã thức nằm gác tay trên trán, tự dưng Út nghe xót xa trong dạ. Mấy mươi năm tía vò võ nuôi con, Út Tím biết tía vẫn giữ trong lòng nỗi đau, nỗi cô đơn khó bề sẻ chia.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
HÀ NGỌC TRẢNG
PHẦN 1: Tiếng đờn trên sông vắng
Chiếc đồng hồ treo tường thong thả gõ 12 tiếng. Út Tím tỉnh giấc, sực nhớ hồi chiều tía say rượu còn nằm ngoài võng, hổng biết có chịu vô mùng chưa. Bước ra hàng ba thấy tía đã thức nằm gác tay trên trán, tự dưng Út nghe xót xa trong dạ. Mấy mươi năm tía vò võ nuôi con, Út Tím biết tía vẫn giữ trong lòng nỗi đau, nỗi cô đơn khó bề sẻ chia.
Ngồi xuống bên cạnh, Út Tím lại cằn nhằn bằng những câu quen thuộc đong đầy yêu thương: “Con nói hoài, tía nhậu về nằm ngủ ngoài này muỗi không hà, còn không chịu mặc cái áo vô cho ấm ngực, phong phanh vậy đó. Mai mốt mà tía gả con, tía ở một mình để coi ai nhắc tía. Con dặn rồi đó, bớt nhậu lại đi tía, đêm hôm trái gió trở trời”. Giọng con gái nhỏ xíu mà Tư Tô nghe sao nó nặng như có cục đá ai dằn lên trên ngực. Chừng như giấu cảm xúc với con, Tư Tô giả lả nói cứng: “Tao mạnh như thần, ba cái gió máy lẻ tẻ, nhầm gì bây!”
Rồi im lặng, rồi chùng xuống, bởi tía con họ quá hiểu nhau rồi. Nói qua lại cho đêm khuya nhà có tiếng người, đỡ quạnh vắng vậy thôi. Út Tím ngã đầu vào cánh võng, hồi lâu Tư Tô nghe như tiếng thút thít và những giọt nước mắt nóng hổi chảy trên vai ông. Thương con nhỏ quá chừng đi. Đôi lần muốn gả con gái đi, nó cứ đòi ở vậy với tía, mà ông biết trong lòng Út Tím vẫn tin và còn trông ngóng một câu thề. Hồi lâu, Tư Tô nhổm dậy, hắng giọng: “Khuya lắm rồi, vô ngủ đi con. Bây đêm hôm chợ sớm chợ trưa mà còn thức khuya hoài, sao đặng con”. Hai cha con ngồi thinh lặng dường như mỗi người đăm đắm nỗi lo riêng. Xóm vắng đã chìm vào giấc ngủ, xa xa cái chợ nhỏ bên kia sông vẫn sáng đèn, mấy quán cháo trắng, quán nhậu vỉa hè có khi lao xao đến rạng sáng.
Đời Tư Tô gần 20 năm nay chỉ gói gọn trong cái xóm nhỏ, cánh đồng và vàm sông trước nhà. Từ khi Út Tím biết lo toan chợ búa, thì coi như ông thu hẳn vào cái góc quê này. Vui với ruộng đồng, vui với mấy ông bạn già, rồi cuộc đời cũng bình tĩnh mọi thứ trôi qua nhẹ nhõm. Còn vết đau trong lòng thì mình chịu, có Út Tím là niềm vui lớn nhất rồi, giờ chỉ trông con nó có chỗ có nơi mà thôi.
*
Canh con nước nhửn lớn chừng tàn hai điếu thuốc rê, độ chắc cá đâm trắng lưới, khi con nước chuyển dòng đổ ra vàm là cuốn lưới. Những tay lưới nặng, cá đâm đặc lừ từ giềng trên cho tới dưới đáy chì. Vành trăng cong cũng vừa tới đỉnh đầu, phả ánh sáng mang mang vừa đủ mờ tỏ mặt người.
Trong dạ tự dưng buồn lạ lẫm. Nhìn dáng con gái ngồi trước mũi xuồng mái tóc mượt mà đen nhánh chảy dài xuống lưng, gương mặt con gái nhìn nghiêng với nụ cười nở sáng dưới ánh trăng, nước sông đầy trôi nhẹ… Tư Tô giật mình, dáng ngồi đó, nụ cười đó của con gái lại gợi nhớ về người đàn bà đó. Ông sợ nhứt hạng khi nó cứ thích thả điệu Nam Ai thê thiết, u ẩn trôi dài trên sông vắng. Cái giọng mùi ngọt lịm mà mỗi khi xuống xự, nhấn xang làm cho phím đờn của Tư Tô vô thức mà run rẩy điệu buồn tỉ tê, nức nở giữa những nhịp đảo phách xiêu hồn bạt vía trần gian. Những khi phát hiện ra điều này là ông không cho Út Tím hát nữa, không dạy nó hát nữa. Mà như tự nhiên trong máu nó, điệu Nam Ai cứ tuôn chảy u buồn cả khúc sông. Ác cái điệu hát của con gái cứ giống má của nó y hệt.
Ông không muốn đời con gái mình vận vào điệu thức thê lương như đời người đàn bà ấy. Từ khi người ấy bỏ đi là cũng đem theo cả hồn vía tiếng đờn tài hoa của một thời thanh xuân lang bạt, vậy mà giờ đây giọng ca Út Tím lại giống như má nó, làm cho ông đôi lúc phải rướm máu ngón đờn bi lụy. Tư Tô đâu hiểu, sâu thẳm trong tiếng hát Út Tím cũng đang tơ tưởng về một người đi, trong khắc khoải đợi mong nàng vẫn tin một ngày “châu hoàn hợp phố”. “Nói với người ta đi làm ăn, làm giàu gì đó với người bà con có ba năm hà, giờ nhìn gốc cột Út làm dấu đã có bảy vết cứa rồi đó. Sao không tin tức hay một lần về thăm? Hay là có vợ con đùm đề rồi hổng biết chừng...”- Út Tím miên man, càng nghĩ càng rối rắm trong lòng.
Không hiểu sao, bất chợt Tư Tô vói tay lấy cây đờn cò treo bên vách cà rèm, run rẩy so dây. Hai tía con họ lại hòa nhau điệu Nam Ai trôi dài trên sông vắng. Út Tím hạnh phúc vì thiệt lâu tía mới chịu đờn cho mình hát, nàng hát như gởi gắm đợi mong người về; còn Tư Tô thì xót xa nhớ lại cái đêm tiếng đờn ông như nấc nghẹn chết chìm ở khúc sông này, để đưa tiễn một người đi. Cái đêm mà vợ ông nhứt quyết dắt theo đứa con trai đầu cuốn gói đi theo ghe bầu gánh hát, đi không quay đầu nhìn lại; để rồi từ đó như có một vết xước trong tiếng đờn của Tư Tô mỗi lần ông khảy khúc Nam Ai.
*
Sau khi má mất, thằng Trọng cũng thôi nghĩ về giấc mơ đại học. Đất đai cầm cố hết rồi mà không cứu được má. Nó trở nên trơ trọi trên cuộc đời này. Thấy vậy, Tư Tô mới kéo nó theo làm nghề câu lưới cá mắm, có việc cũng là khuây khỏa nỗi buồn đau. Vậy là Út Tím không phải đi theo tía nữa, rảnh tay ở nhà lo cơm nước, chợ búa hàng ngày. Có khi Trọng ở hẳn bên nhà Út Tím, tụi nó đã lớn lên với nhau, Tư Tô coi nó như con cháu trong nhà.
Đó là mùa nước nổi cuối cùng hai bạn trẻ ở bên nhau…
Dưới nước, Tư Tô giũ những túm cỏ cuối cùng, ông lấy lưỡi hái quơ thêm mớ cỏ tươi độn thêm thành cái ủ mới cao vun chùng. Trên xuồng, thằng Trọng nắm chặt cán vợt, cất lên khỏi mặt nước vừa chăm chăm nhìn, rồi la lên “ba con luôn bác Tư ơi!”. Ba con lươn vàng nghín giãy giụa trong lưới, mấy chục con cua bò lổm ngổm, ốc bươu, ốc lác, mấy con cá sặt, rô đồng nhảy xoi xói nặng trĩu đáy vợt. Đập chết mấy con cua, ốc bỏ lại giữa ủ làm mồi nhử lươn. Mặt trời cũng sắp lặn, họ giặt lưới vợt, thu hoạch chiến lợi phẩm của một ngày xúc ủ. Thằng Trọng áng chừng: “Cỡ 6kg lươn à bác Tư. Còn chục con chuột làm mồi cho bác Tư nhậu xỉn luôn”. Tư Tô trườn mình phóng lên xuồng, cười khoái trá: “Bữa nay chuột khìa cho tụi bây ăn cơm; tao trở bữa rắn trun xào lá cách, hú mấy bạn già tới bến một bữa”. Thấy Tư Tô đang vui, thằng Trọng cà khịa như mọi khi hay thiệt tình không biết nhưng vẻ mặt nó nghiêm túc: “Bác Tư, mai mốt con giàu rồi bác gả Út Tím cho con nghe bác Tư?” Tư Tô cười khặc khặc: “Ừ, tao gả đó. Mà mày mần gì giàu, nói thử nghe chơi?” “Bác hứa nghen, con đi làm ăn xa. Nhứt định con về cưới Út Tím”. “Chống xuồng riết về, tối ngủ mơ làm giàu con”- Tư Tô cũng rút cây dầm ngồi mũi.
Đồng chiều, lặng gió. Thằng Trọng cắm sào xuống nước, nhún người đẩy mạnh, chiếc xuồng lướt êm qua những đám cỏ nồm đã sắp trổ bông, lá cỏ cọ vào hai bên be xuồng lào xào. Vậy là sắp mùa gió chướng, sắp mùa nước giựt và nó cũng sắp đi xa cho dự định lớn cuộc đời. Xuồng lướt êm trong chiều tĩnh lặng, nồng nàn mùi thơm đồng nước nổi mênh mông. Trọng hít sâu hơi dài khoan khoái, như ghi nhớ từng hình ảnh, từng mùi hương những mùa nước nổi thân quen… rồi nó quyết định cơm nước xong, tối nay nó sẽ nói với Út Tím chuyện hệ trọng.
Bất giác nó lên câu vọng cổ Chuyện tình Lan và Điệp. Tư Tô đằng mũi nói vọng lại: “Biểu qua tao dạy cho đờn ca đàng hoàng, hơi tốt mà cứ hát đâm xuồng bể không, khó chịu thấy bà!” Thằng Trọng nói bâng quơ: “Hát càng mùi thì đời càng khổ, bác Tư ơi!” Tư Tô khuấy mạnh chiếc dầm, làm thinh luôn tới nhà. Vừa sấn mũi xuồng vô chưa kịp thảy lòi tói lên, đã thấy Út Tím đứng trên sàn nước hỏi vọng xuống: “Tui nhờ hái mấy trái bứa nấu canh chua lươn, chắc quên rồi hén!” Thằng Trọng quýnh quáng: “Chết cha, dọn đồ lên đi. Để tui quay ra hái”.
Mâm cơm dọn ra sàn nhà trước hàng ba. Một mâm riêng toàn mồi bén cho Tư Tô, chiều nay có thêm chú Sáu Lượng, chú Bảy Tùa. Thằng Trọng nháy mắt với Út Tím, tụi nó tủm tỉm cười hiểu ý. Hai đứa trẻ lua lẹ mấy hột cơm, rồi thu dọn mâm trong, để ba ông bạn nhậu ngồi lai rai, tâm tình rỉ rả.
*
Hai đứa bơi xuồng ra hàng gáo ngoài bờ kinh đào. Thằng Trọng tự dưng đổi giọng không còn mày tao, quay sang nói nhỏ: “Út à, mấy bữa nữa tui đi làm ăn xa. Chừng nào giàu tui về cưới Út hén. Hồi chiều tui nói với bác Tư rồi đó”. Út Tím làm thinh thiệt lâu, rồi nói trỏng không: “Làm giàu chi vậy trời. Sống như vầy cũng vui rồi”. Cầm tay Út Tím, giọng Trọng uất ức: “Không có tiền má tui mới chết đó; không có tiền má Út mới bỏ đi đó…” Út Tím lặng lẽ rụt tay lại, nhìn sâu vào mắt Trọng hỏi nhỏ: “Vậy… có khi nào cũng vì tiền mà Trọng bỏ luôn cái xứ này không?” “Tui thề!”- Trọng đập mạnh tay vào nhánh cây, những bông gáo trắng rơi lả tả xuống đầu hai đứa, mấy trái gáo chín rụng lủm chủm, bông nổi trắng mặt nước, bầy cá đớp mống lách tách, không gian đẫm hương dìu dịu. Út Tím làm thinh, mắt buồn rười rượi, Trọng ra chìu hối lỗi, tỉ mẩn nhặt từng bông gáo trên tóc nàng.
Tối đó, Trọng chỉ cho Út Tím coi cái vết cứa sâu trên gốc cột hàng ba, nó dặn: “Tết Út cứa một lằn, ba năm thôi là tui về quê làm đám cưới”. Út Tím không hiểu cái thế giới bao la ngoài kia, nàng không hiểu người ta làm giàu như thế nào, đời nàng cảm thấy bình an ở cái xóm nhỏ này. Vậy đủ rồi.
*
Gốc cột hàng ba đã đầy lên bảy vết cứa ngậm ngùi. Tết này là thêm một lằn dao nữa khác nào tự tay cắt vào nỗi đau của chính mình. Có phải niềm tin vào sự chờ đợi mong manh? Bao nhiêu bạn bè tay bồng tay bế hết rồi. Mỗi lần qua xóm chợ, bao nhiêu lời ong tiếng ve “gái ế”, bao nhiêu lời đường mật ve vãn. Mà sao trong lòng Út Tím chỉ thương một người bặt tin, biệt dạng vậy hở trời!
Chợ trưa dần tan thưa thớt, Út Tím cũng thu dọn thau chậu dù còn mấy con cá lóc, cả ký lươn. Về rộng lại mai bán tiếp. Một chiếc Honda SH láng coóng đổ xịch trước mặt, người đàn ông trung niên cũng láng coóng chải chuốt, tay, ngực đeo đầy vàng, giọng e hèm: “Em lấy hết trong thau cho anh”, rồi không hỏi giá móc ra tờ 500.000 đồng đưa Út Tím, kèm theo câu cợt nhả “khỏi thối lại, cục cưng”. Muốn bằng tuổi tía mình mà cứ đeo theo chọc ghẹo, nhưng Út Tím cố nói thong thả: “Dạ, phần này chưa tới 300.000 đồng nữa. Út không dám lấy tiền dư đâu, kỳ cục lắm”. Người đàn ông vẫn bám riết: “Vậy làm bà nhỏ anh đi, lấy tiền thoải mái không kỳ”.
Bưng đồ xuống xuồng bơi miết về nhà bên kia sông, tự dưng hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Lại nhớ câu thề, nhớ về một người đi biền biệt mà cảm thấy tủi thân. Con sông thường ngày giờ đây sao thấy mênh mông quá, mà Út Tím thấy mình sao nhỏ xíu như chiếc lá lênh đênh vô định.
Cặp xuồng vô bến Út Tím giật mình thấy trên nhà có rất đông người, nhưng yên tâm là tiếng cười nói vui vẻ, xôn xao. Một chiếc du lịch 7 chỗ đậu trước cửa. Vừa thấy Út Tím, mọi người lăng xăng: “Út Tím về rồi kìa, Trọng ơi!”. Hả, về thiệt rồi sao? Từ trên nhà đã thấy Trọng chạy xuống bến, cười rạng rỡ: “Út Tím ơi!”. Tím muốn bật khóc tại chỗ luôn, mà kềm lại rồi bước nhanh ra sau hè, múc gáo nước rửa mặt, đứng thừ người run rẩy.
Trọng đã đứng sau lưng, ôm vai Út Tím giọng thành khẩn thiết tha: “Trọng xin lỗi Út à. Vì muốn giữ đúng lời thề với người thương mà bặt tin sau mấy lần trắng tay, bao giờ thành công thì mới dám ló mặt về quê để cưới Út nè”. Út Tím đấm mấy cái vào ngực Trọng, rồi bật khóc nức nở trong vòng tay ấm áp yêu thương, một cảm giác được chở che mà nàng chưa bao giờ có được.
(Còn tiếp)
>> Phần 2- Chiều giông qua bàu cỏ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin