Hiệu đón Kỳ ở bến xe trong cái nắng cuối ngày còn vẩn vương khí nóng đặc trưng miền Đông Nam Bộ. Khác xa thời nhổ giò cao lồng nhồng và gầy đét khi xưa, cậu bé Hiệu nay đã tốt nghiệp đại học, vóc dáng, phong thái đĩnh đạc. Chiếc xe dream khỏe khoắn phóng vút trên trục đường đôi rộng thênh thang.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Hiệu đón Kỳ ở bến xe trong cái nắng cuối ngày còn vẩn vương khí nóng đặc trưng miền Đông Nam Bộ. Khác xa thời nhổ giò cao lồng nhồng và gầy đét khi xưa, cậu bé Hiệu nay đã tốt nghiệp đại học, vóc dáng, phong thái đĩnh đạc. Chiếc xe dream khỏe khoắn phóng vút trên trục đường đôi rộng thênh thang.
- Thị xã thay đổi quá nhiều, đi một hồi nhiều chỗ nhận không ra- Kỳ ghé sát tai Hiệu nói trong cơn gió ngược.
- Về xóm, chị sẽ ngỡ ngàng nhiều nữa cho coi- Hiệu cười.
- Em giờ còn làm quán cà phê không?
- Em xin vào làm trong Sở Nông nghiệp rồi. Quán để mẹ trông, khách lui tới cho bà vui.
Thấy Hiệu quặt vào con ngõ bê tông mới, Kỳ bất ngờ giật giọng:
- Ơ, sao lại đi đường này? Đã qua Trường chuyên Quang Trung đâu?
- Hai năm trước trường mua đứt khoảng đất trống cạnh xóm Điều, mở rộng xây ký túc xá, đường mòn về nhà mình không còn, giờ là từ dưới này đi vòng lên.
Con đường bê tông còn tươi màu xi măng hết cua trái lại cua phải, đường về xóm bon bon mà lòng Kỳ gợn buồn. Cảm giác như bị mất mát thứ gì đó thật lớn. Kỳ là tuýp người hay hoài niệm, nên vẩn vơ nhớ cảm giác tung tăng chân trần trên con đường mòn ngoằn ngoèo những gốc điều già ngày trước. Mỗi chiều khi nắng tắt, xóm nhỏ dậy mùi củi lửa, đám trẻ thân thể, áo quần dính đầy đất đỏ, xôn xao rủ nhau lượm điều, chơi trốn tìm…
Đỗ xịch trước căn nhà cũ của gia đình Kỳ, xách vali vào hiên, Hiệu bảo:
- Biết chị trở vào, em đã vệ sinh bể sạch sẽ và bơm nước lên rồi. Chị tắm rửa nghỉ mệt, em qua chợ mua chút thức ăn. Lát ghé chở chị sang nhà ăn cơm với mẹ con em.
Nói rồi Hiệu đưa vào tay Kỳ chiếc chìa khóa, quay xe chạy ngược ra đường lớn. Xóm Điều nhà cửa nay xây mới nhiều, nhà nào cũng kín cổng, mái lợp che khắp sân không sợ nắng mưa. Tám năm xa nơi này, giờ người ta không còn gọi tên xóm Điều nữa, mà là xóm Tiến Thành.
Căn nhà sực lên mùi của nắng. Những mảng tường gạch mười không trát, bộ bàn ghế cũ, chiếc ti vi phủ bụi… làm Kỳ nhớ nôn nao ngày cũ. Trước, mỗi lần từ Sài Gòn về nhà nghỉ hè, những buổi trưa Kỳ và Huy trốn nắng ngoài vườn điều, nằm vắt vẻo trên chạc cây. Chiều xuống xách nước tưới rau, tụ tập bổ mít chín thơm ríu ran xóm nhỏ. Mỗi lần hái trái điều chín lén lút ăn, đêm ho khục khặc, cha biết lại càm ràm. Đêm trăng tắt đèn ngồi trước hiên nhà nghe Huy chơi đàn, Kỳ líu lo hát, vui thật vui…
Vục nước lên mặt, Kỳ cố mấm vài giọt mát lạnh nuốt trôi vào cổ. Thoảng đâu đây mùi mủ cao su khô nhóm lửa đang xèo xẹt cháy, rồi tiếng nổ lạch tạch. Phải rồi, tiếng nổ của những hạt điều tươi vừa được nhặt về, để lên miếng tôn mỏng đặt ngang bếp lửa. Mùi thơm này, bao năm vẫn quyến rũ làm vậy.
Hiệu chạy qua. Kỳ mải mê hong tóc, không giấu sự mong ngóng dành cho một người đặc biệt.
- Anh Huy nay có về không?
- Xóm anh ở chỉ có sóng rơi, ngày nay em gọi hoài không được.
- Hiệu yêu ai chưa? Công việc ổn định, yêu đi rồi cưới nữa là vừa…- Kỳ đánh lảng.
- Em chưa, cứ từ từ rồi tính. Mà, anh Huy chưa gì, em cưới trước sao được.
- Thời nào rồi, quan trọng gì thứ tự nữa hả em…
- Mỗi lần từ Phước Hòa về, anh Huy đều sang đây quét dọn. Anh tin rồi chị sẽ vào lại, nên năng qua, có hôm còn ngủ ở đây đấy.
- Anh vẫn chưa yêu ai sao?
- Người ta thương anh, mà anh chẳng tính.
- …
***
Ngày Kỳ mười tuổi, gia đình từ đồng bằng sông Hồng chuyển vào xóm Điều. Lúc đó xóm chỉ trên dưới chục nóc nhà, đa phần là dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Nhà Huy cũng chuyển từ Thanh Hóa vào được ba năm. Các bố hết mùa thu điều thuê lại vào xưởng tách hạt. Các mẹ ở nhà tăng gia, nhận hạt điều về cạo. Đám trẻ nít như Huy và Kỳ thì một buổi đi học, một buổi phụ mẹ cạo điều. Ngày ấy nghèo, người trong xóm san sẻ cho nhau từng mớ rau, nắm củi. Huy thường đem cho Kỳ những bộ sách cũ, phụ đạo các bài toán khó. Ngày Huy đỗ đại học kinh tế, Kỳ học năm đầu cấp ba trường huyện. Mỗi lần về nhà, Huy đem bao nhiêu thức quà phố thị, kể cho Kỳ nghe cuộc sống Sài Gòn náo nhiệt. Rồi Kỳ đỗ vào sư phạm, hai đứa cách nhau chừng mươi lăm phút chạy xe đạp. Những ngày nghỉ với Kỳ chẳng khi nào buồn chán vì Huy như “ma xó”, chỗ nào ở Sài Gòn cũng thân thuộc. Cùng nhau khám phá những cung đường, góc phố, ăn quà vặt hay đơn giản là ra bến Bạch Đằng hóng gió vào cuối chiều…
Rồi Kỳ có bạn trai, là một sinh viên trường Luật. Ra trường, người ấy kiếm học bổng đi Đức tu nghiệp, Kỳ chật vật xin vào dạy ở một trường ngoại thành Sài Gòn. Nhưng rồi cuối cùng, Kỳ bị người ta “đá” văng ra khỏi những dự tính tương lai, giấc mơ tình yêu không trọn, Kỳ ôm Huy khóc nhòe ngực áo.
Huy đưa Kỳ về Bến Tre, đi thuyền trên sông Tiền ngắm cảnh, đến cù lao Thới Sơn nghe đờn ca tài tử, ngồi xuồng len lỏi trong hàng dừa nước rợp bóng mát, ngắm nhìn cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân xứ cù lao. Cậu bạn học chung lớp đại học với Kỳ người xứ này xách xe máy chạy tới, mang theo rượu dừa và một ít khô mực, mấy anh em ngồi nhậu giữa mênh mang sông nước. Kỳ say, gà gật ngủ trên vai Huy. Trong cơn biêng liêng, Kỳ nhiều lần túm chặt áo Huy mắng mỏ thậm tệ kẻ ở trời Tây, đấm vào ngực anh thùm thụp. Khuya khoắt, mấy anh em vẫn ngồi trên cầu tàu hóng gió. Gió mát lành làm vợi cơn say, Kỳ cảm nhận hơi ấm tỏa ra từ bờ vai vững chãi, tay Kỳ nằm gọn trong tay Huy.
Sáng hôm sau hai đứa về lại thành phố. Huy im lặng lái xe. Kỳ im lặng ngả đầu trên lưng anh, đôi tay yên vị trong túi áo anh tránh nắng. Những buổi hẹn hò trà sữa, hủ tiếu đêm sau giờ làm, Huy và những chật hẹp phố phường cuốn Kỳ ra khỏi nỗi buồn mối tình dang dở. Nước mắt vẫn chực rơi khi tâm trí nhắc tên kẻ bội tình, nhưng lòng Kỳ đã muôn phần nhẹ nhõm.
Một tối sau khi từ Nhà hát kịch Phú Nhuận về, chạy vào con hẻm nhỏ mà Kỳ còn chưa thôi thích thú với những điều thú vị từ vở diễn đọng lại, cởi chiếc nón bảo hiểm, Huy nắm chặt tay Kỳ, vội vã trao một nụ hôn. Thời gian như ngừng trôi ở thời điểm đó, cả hai nhìn nhau im lặng.
Hay tin bố bệnh trọng, Kỳ vội vã bắt xe về xóm Điều. Một tháng sau thì bố mất. Căn nhà bỗng trở nên rộng toác, vì buồn. Nhiều đêm nằm trước hiên nhà ngắm trăng qua kẽ lá, nghe lao xao tiếng gió và hương thơm điều chín ngạt ngào, Kỳ mong nghe tiếng đàn Huy. Tự khi nào, vị trí Huy trong lòng Kỳ đã như một người đáng tin cậy và bình an ngay cả trong ý nghĩ.
Ngày mùng một tháng tư, sáng sớm Kỳ nhận được tin nhắn của Huy:
- Anh thương em! Làm người yêu anh nha!
- Anh nhắn vì hôm nay là ngày cá tháng tư sao? - Kỳ hỏi gặng.
- Ừ, là cá tháng tư. Haha…
- Vậy thì… khuya đi nhá. Bác Cả đã xin được cho em một suất biên chế ở trường phổ thông huyện. Em và mẹ sẽ ra Bắc.
Cả hai ngưng cuộc trò chuyện. Kỳ buồn, mà rồi chắc hẳn Huy cũng buồn. Lời thương Huy nói ra trong ngày cá tháng tư, cái ngày mà cả hai đứa thường bày trò trêu chọc người khác, nhưng Kỳ đã mơ hồ tin đó là thật. Kỳ giận Huy nhát gan không dám nói thật lòng mình. Có lẽ lời nói thật trong ngày cả thế giới nói dối, đã được cố tình hiểu là nói dối?
***
Sau ngày hôm ấy, Huy không hề liên lạc. Ngày chuẩn bị ra Bắc, Kỳ có nhắn tin báo, Huy không hồi âm. Kỳ hoài nghi, lòng tự ái trỗi dậy nên chẳng thèm thắc mắc. Những bức thư năm đầu Huy đi Sài Gòn học, Kỳ cất vào ngăn tủ, khóa chặt. Ba năm sau, Kỳ cũng yên ấm nên duyên với một chàng sĩ quan, rồi lần lượt làm mẹ của hai đứa con xinh xẻo. Cứ thế, mà đã tám năm trôi đi. Cuối cùng thì căn nhà nơi xóm Điều rao bán cũng đã có người hỏi mua. Kỳ xin nghỉ phép, trở lại đây giúp mẹ hoàn tất việc bán nhà.
Mười giờ tối, trời nổi gió, mưa bắt đầu rí rách. Lâu lắm rồi Kỳ mới nằm nghe tiếng mưa rơi trên mái rào rào, nghe hương đất quyện trong lá điều ẩm ướt. Hiệu phóng xe ào vào hiên, cuống quýt gọi:
- Chị Kỳ, em đưa chị đi Phước Hòa.
- Sao đi giờ này? Chẳng phải em nói chiều nay anh Huy từ trên ấy về ư?
- Có… có về. Mà anh bị tai nạn. Mắt anh không thể đi mưa, nhưng cứ cố.
Hiệu khóc như một đứa trẻ. Vừa chạy xe vừa kể cho Kỳ sự thật, rằng tám năm trước, trong ngày cá tháng tư, Huy chạy xe từ Sài Gòn về, bất ngờ bị một chiếc xe tải vượt đèn đỏ ở ngã tư băng qua. Tai nạn khiến đôi mắt anh tổn thương nặng nề, vết thương ở chân trái sau đó bị hoại tử và phải cắt bỏ.
Nước mắt đua nhau lăn nhòe trên mặt Kỳ. Đêm ấy, vì giận mà Kỳ đã không nghe cuộc gọi từ Huy. Thì ra, người ta đã tìm số mà chủ nhân thường liên lạc để báo tin sau khi anh bị tai nạn.
Ở phòng hồi sức cấp cứu, Huy dần tỉnh. Gò má băng gạc vì trầy xước, cánh tay nẹp nằm bất động.
- Anh Huy!- Kỳ òa khóc.
- Anh không sao. Kỳ đừng khóc- Huy chậm rãi nói.
- Sao lần nào tìm về gặp em, anh cũng đi lạc vậy?
- Duyên mình trắc trở quá, phải không?
- Sao ngày ấy không cho em biết?
- Vì… vì anh thương em!
Kỳ nắm tay Huy, những ngón tay anh hững hờ không thể nắm lại.
***
Thỉnh thoảng Hiệu đưa hình ảnh Huy lên trang facebook. Kỳ biết rằng, anh yêu màu đất đỏ lam lũ xứ này, yêu cao su mùa thay lá, yêu vẻ bình lặng giữa bạt ngàn xanh thẳm. Tự khi nào, anh nói chuyện trồng cao su, chuyện chăm điều cho người dân như kỹ sư nông nghiệp, tối tối phụ đạo kiến thức văn hóa, dạy ngoại ngữ cho đám trẻ. Hiệu bảo, Huy giờ cười nhiều rồi, Kỳ đừng lo.
Tám năm trước, Kỳ thà một mình khóc thầm chứ không tìm Huy nói rõ một lần cho phải quấy. Mọi chuyện giờ đã là khứ vãng, thổ lộ tâm tư thuở nao còn có ích gì. Tiếc nhớ, nhưng đời này làm gì có giá như, nếu như... để ta tùy ý mà lựa chọn.
Rất lâu sau đó, Huy cũng không kết hôn. Mối tình lặng lẽ và những chuyện cũ nơi xóm Điều như đã bay qua những vạt rừng cao su mùa trút lá, hun hút sâu…
Mai Đình
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin