Cánh đồng Chày cỏ năn kim như thảm nhung màu lục xa tít chân trời. Mỗi khi chiều về, ngọn gió nồm phóng túng như những đợt sóng nối tiếp nhau soãi dài bất tận. Trên đồng cỏ bao la ấy, đàn trâu mộng hiện lên như những dấu chấm li ti tạc vào màu trời thứ ánh sáng kỳ ảo.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
1. Cánh đồng Chày cỏ năn kim như thảm nhung màu lục xa tít chân trời. Mỗi khi chiều về, ngọn gió nồm phóng túng như những đợt sóng nối tiếp nhau soãi dài bất tận. Trên đồng cỏ bao la ấy, đàn trâu mộng hiện lên như những dấu chấm li ti tạc vào màu trời thứ ánh sáng kỳ ảo.
Người đàn ông trung niên nón lá, chân trần, mặc bộ đồ màu nâu, quần xắn tận gối, tay cầm chiếc roi mây dài, cán roi còn để nguyên củ mây tròn như củ tỏi. Ông cầm roi để thị uy chứ không mấy khi ra tay với đàn trâu cả trăm con, mà có đánh chúng cũng đánh không xuể.
Ông tên là Tộc, một nông dân thuần túy, quanh năm chăn trâu thuê. Đừng tưởng chăn trâu thuê là hạng người nghèo mạt. Gia đình ông Tộc có cuộc sống vào loại khá giả trong làng. Mỗi năm ông thu hàng ngàn giạ lúa từ việc chăn trâu thuê. Kỹ năng chăn trâu của ông được dân quanh vùng tặng cái biệt danh “Tộc Vua Trâu”. Ông Tộc chăn dắt cả trăm con trâu nhưng vẫn nhớ mặt từng con một.
Bất chợt một chủ trâu nào đó muốn nhận trâu về, Tộc băng vào đồng cỏ một hồi, dắt ra đúng phóc con trâu cần tìm khiến chủ trâu kinh ngạc và thán phục. Cách vỗ béo trâu của Tộc càng làm tăng thêm uy tín của ông và tình cảm đối với chủ trâu.
Ngày người ta gởi trâu thường là những con trâu ốm quắt. Một năm sau, nhận lại trâu, chủ trâu vui mừng khôn xiết! Nếu họ không làm dấu con trâu từ đầu thì không thể nào tin đấy là con trâu của họ. Thế là ngoài số giạ lúa phải trả công cho Tộc, người ta còn tặng đủ thứ quà với lời cảm ơn.
Tộc tuổi Tân Sửu. Có phải vì thế mà Tộc yêu trâu không? Tộc cũng không lý giải được. Ngày lấy vợ, vợ chồng Tộc được cha mẹ hai phía cho một đôi trâu. Con trâu Cò là con trâu đực được Tộc chăm sóc từ nhỏ mến tay mến chân.
Còn con trâu Chim Đen là con trâu cái của cha mẹ vợ tặng làm của hồi môn. Người đời thường lấy hình tượng “trâu trắng trâu đen” để ám chỉ sự xung khắc. Riêng hai con trâu của nhà Tộc lại rất thân thiện nhau. Cùng gặm cỏ trên bờ ruộng, đến đoạn cỏ non tơ, con trâu Cò thường nhường cho con trâu Chim Đen.
Vợ Tộc gọi chồng lại chỉ trỏ, tươi cười: “Anh thấy con vật cũng sống có tình, con đực biết nhường nhịn con cái!” Tộc cốc yêu vào trán vợ: “Em chỉ giỏi vẽ chuyện!” Nói thì nói vậy, thâm tâm Tộc cũng lấy làm lạ. Nhất là cái lần con trâu Cò chọi với con trâu Kỳ Lân ở làng bên suốt buổi chiều ở ngoài đồng.
Hai con vật say máu đấu chọi. Hôm ấy, con trâu Cò không về nhà. Con Chim Đen cứ nghển cổ lên nhìn về phía con đường trước ngõ như thấp thỏm mong chờ bạn tình, Tộc thấy cay cay ở mắt. Tộc tức tốc đi tìm con trâu Cò và bắt gặp nó trên đường trở về với đôi chân chắc nịch, tiếng rống mừng chiến thắng. Nghe nói con trâu Kỳ Lân thương tích đầy mình, lết về đến nhà thì ngã đùng ra chết.
Chiến thắng được con trâu Kỳ Lân, mặc nhiên con trâu Cò trở thành con trâu cầm bầy của đồng Chày như chúa tể của thảo nguyên mênh mông. Tộc chỉ có hai con trâu thôi nhưng con trâu Cò chỉ huy tới mấy trăm con trâu đồng Chày. Trên con trâu Cò là Tộc như vị chỉ huy tối cao. Ngày trước, cứ mỗi lần hoàng hôn buông xuống, gần một trăm người làng Chày lo lùa trâu về chuồng thì bây giờ chỉ cần sự xuất hiện của Tộc với tiếng huýt sáo lanh lảnh là con trâu Cò rống lên một hồi dài.
Con trâu Cò rống xong, rời cánh đồng, tức thì đàn trâu mấy trăm con lục tục theo sau kéo về làng sau một ngày no cỏ thỏa thuê. Rồi đến một ngày người dân làng Chày nhận ra họ có mặt trên đồng cũng bằng thừa. Chỉ một mình Tộc chăn trâu là đủ. Chuyện gởi trâu cho Tộc, tôn Tộc thành “Tộc Vua Trâu” khiến Tộc càng yêu quý con trâu như máu thịt.
Bữa nọ, con trâu Chim Đen đẻ liền hai con trâu một đực, một cái. Tộc đặt tên con trâu đực màu đen là Chác, con trâu cái màu trắng là Là. Ông đặt tên ngẫu hứng theo ca dao dân gian: “Con không giống mẹ, giống cha/Giống chim chác là nửa trắng, nửa đen”.
Hai con trâu Chác, Là lớn nhanh như thổi, luôn quấn quýt bên trâu Cò, Chim Đen. Một đêm, trời không trăng sao, con trâu Cò đang nằm ngủ trong vườn với con Chim Đen, Chác, Là, chợt bật dậy. Cách đó không xa là một con hổ có đôi mắt to, tròn như hai viên bi, đỏ hồng như hai than lửa từ từ tiến lại. Con trâu Cò quay một vòng bảo vệ đồng loại.
Lúc này ba con trâu cũng đứng dậy sập sận. Con trâu Cò phóng tới chủ động dùng đôi sừng cong vút, sắc nhọn tấn công con hổ. Con hổ cũng không vừa, chồm lên dùng đôi chân trước móng vuốt sắc bén chộp lấy đầu con trâu Cò. Tức thì con trâu Cò lắc đôi sừng sang một bên. Con hổ vồ hụt, khựng lại vài giây để lấy tư thế quay đầu lại. Ngay khi ấy, con trâu Cò cúi đầu lấy đà húc tung vào bụng con hổ, vừa húc, vừa lắc đôi sừng lợi hại.
Một tiếng rống đau đớn của chúa sơn lâm vang động, phá tan sự tĩnh mịch màn đêm. Hai con thú lại quần nhau ăn miếng trả miếng cho đến lúc trời khuya khoắt, con hổ mới tháo chạy vào rừng. Sáng hôm sau, người dân làng Chày phát hiện con hổ dài hơn hai mét nằm chết cứng bên vạt rừng, trong khi con trâu Cò không hề hấn gì.
2. Một mình một cõi sơn hà của trâu Cò có nguy cơ bị lung lay khi đồng Chày nhập về một đàn trâu mới trên trăm con, trong đó có con trâu cầm bầy được giới chăn trâu đặt cho cái tên nhuốm màu “Tây Du ký” “Ngưu Ma Vương” .
Con Ngưu Ma Vương dềnh dàng, mạnh mẽ như thiên lôi nhà trời nổi trội trong đàn trâu mấy trăm con. So với trâu Cò da trắng, lông thưa, con Ngưu Ma Vương đen bóng, lông dài mượt mà như con bò mộng, nổi bật là bộ sừng to quá cỡ làm tăng thêm sự oai vệ của giống đực. Ngày đầu nhập bầy, con Ngưu Ma Vương chọi thắng hàng loạt địch thủ. Con trâu Cò nghển sừng lên đứng nhìn từ xa như thăm dò điều chi. Có lẽ nó bất ngờ trước sự xuất hiện của một kẻ mạnh bạo, xa lạ.
Ông Thạo- chủ của đàn trâu mới- tỏ vẻ hể hả: “Anh Tộc nhìn xem con trâu nhà tôi thế nào? Cừ đó chứ?” “Tộc Vua Trâu” cười bí ẩn: “Chưa đối đầu biết đâu được!” Nói gượng ngoài miệng như vậy nhưng trong lòng Tộc thấy hoang mang. Rõ ràng là con Ngưu Ma Vương cao to hơn hẳn con trâu Cò nhà ông. Ở đời mạnh được, yếu thua theo quy luật.
Đêm hôm ấy, lòng Tộc rối như tơ vò. Sự lo lắng ấy không qua được ánh nhìn của bà Nhị- vợ ông: “Mình có chuyện gì lo nghĩ phải không?” Tộc thở dài não nuột: “Con trâu Cò nhà mình có nguy cơ rớt hạng. Bữa nay có một đàn trâu nhập đồng, trong đó có một con trâu khủng. Cả đàn trâu hơn trăm con, không có con nào địch lại!” Vợ “Vua Trâu” hụi hữ: “Có chuyện như vậy hả mình? Con trâu Cò nhà mình đã nghênh chiến với trâu lạ chưa ạ?” Tộc vò đầu, chán nản: “Chưa! Mà nếu có thì chắc gì đã thắng!”
Tin Ngưu Ma Vương xuất hiện trên đồng Chày hấp dẫn dân cá độ chọi trâu. Họ cá độ thắng, thua bằng một cuộc nhậu cho vui, vậy mà chẳng mấy chốc người làng Chày lũ lượt kéo nhau ra đồng đông như đi xem hội.
Buồn cười là chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ trâu Cò sẽ tuyên chiến với Ngưu Ma Vương. Bằng chứng là suốt ngày hôm qua, Ngưu Ma Vương mặc sức tung hoành trên đồng như vào chốn không có kẻ mạnh hơn mình nhưng trâu Cò im như thóc.
Người ưa máu hơn thua thì phỏng đoán: “Một nước làm sao tồn tại cùng một lúc hai vua? Một rừng làm sao đứng chân hai con hổ dữ?” Lại có người hùa theo: “Thú mạnh thì có nhiều nhưng chúa tể thì chỉ có một. Tôi tin rằng ngay ngày hôm nay hoặc chậm nhất là ngày mai trâu Cò sẽ “sửng sừng” tử chiến với Ngưu Ma Vương, quyết trận thư hùng long trời lở đất cho mà xem!” v.v… và v.v…
“Tộc Vua Trâu” suốt đêm qua không tài nào chợp mắt. Ông đoán biết thế nào con trâu Cò nhà ông cũng kịch chiến một mất, một còn với con Ngưu Ma Vương ngạo nghễ. Thắng thì không nói gì, còn thua thì rất có thể con trâu Cò nhà ông sẽ ngã quỵ, danh tiếng “Tộc Vua Trâu” của ông sẽ tan biến.
Điều đáng sợ hơn là ông sẽ không còn khả năng chăn dắt đàn trâu mà mỗi năm mang lại cho vợ chồng ông khoản thu nhập không nhỏ so với mức sống nông dân miệt này. 3 giờ sáng, Tộc choàng dậy đốt nhang khấn vái tiên linh ông bà phò hộ cho con trâu Cò nhà ông chiến thắng con Ngưu Ma Vương để tiếp tục cầm bầy đàn trâu trên đồng Chày lợi nhuận.
Việc tiếp theo là ông gọi vợ dậy nấu cháo cho trâu ăn. Còn ông pha nước đường đen với cám cho trâu Cò uống để tăng cường sức mạnh chuẩn bị đối phó với Ngưu Ma Vương hung tợn.
3. Đúng như dự đoán của mọi người, sáng nay con trâu Cò của nhà ông Tộc bỗng nhiên trở nên oai vệ, tự tin hơn trên lãnh địa của mình. Vừa nhác thấy con Ngưu Ma Vương tấn công đồng loại, con trâu Cò vểnh sừng xông thẳng vào đối thủ, húc mạnh.
Con Ngưu Ma Vương cũng sừng sộ húc sừng chống trả quyết liệt. Con Ngưu Ma vương to xác với sức mạnh kinh hồn. Mỗi cú húc trực diện của nó như vũ bão. Con trâu Cò thấp bé hơn nhưng sức mạnh cũng không thua kém địch thủ.
Con Ngưu Ma Vương húc đẩy con trâu Cò lùi chừng chục mét và rồi con trâu Cò cũng lấy sức húc đẩy con Ngưu Ma Vương lùi lại một khoảng cách như vậy. Hai con vật lồng lộn chọi nhau trước sự reo hò của người làng Chày. Hơn hai tiếng đồng hồ trâu trắng, trâu đen đối địch, đồng cỏ bị giày xéo, đàn trâu chạy tán loạn. Con Ngưu Ma Vương dần dần xuống sức, hở sườn.
Con trâu Cò không hổ danh là vật nuôi của “Tộc Vua Trâu” làng Chày, nó khôn ngoan, nhanh nhẹ, nhằm vùng bụng của đối thủ mà tấn công mỗi khi đầu của nó bị con Ngưu Ma Vương húc trượt.
Tiếng rống thảm thiết của con Ngưu Ma Vương trúng đòn vang lên lần thứ ba, ruột đổ lòng thòng, cũng là lúc con Ngưu Ma Vương đâm đầu bỏ chạy thục mạng. Con trâu Cò hăng máu rượt theo. Ngay khi ấy, có tiếng huýt sáo lanh lảnh, con trâu Cò liền dừng lại đứng sững. Mọi người cùng hướng mắt về phía “Tộc Vua Trâu”, thở phào. Thì ra ông Tộc không nỡ lòng để con Ngưu Ma Vương bị chết thảm.
Hôm sau, ông Thạo lễ mễ bê rượu, thịt đến nhà ông Tộc trong sự ngỡ ngàng của chủ nhà: “Anh đừng làm vậy khiến tôi thêm áy náy! Tôi chẳng muốn dùng con vật sát phạt nhau làm gì. Chẳng qua là chúng nó đấu nhau theo bản năng “rừng nào cọp ấy” mà thôi!”
Ông Thạo cười cầu tài: “Tôi nghe danh “khuyển trâu” của anh đã lâu, hôm qua mới mục sở thị. Tôi quý anh không chỉ ở tài năng mà còn ở tấm lòng! Hôm qua nếu anh không ra lệnh cho con trâu Cò dừng lại thì con Ngưu Ma Vương của tôi chết chắc! Tôi kính anh ly này mừng thắng lợi, còn ly này quý anh thiện tâm!” “Tộc Vua Trâu” vẫn chưa hết áy náy, bưng ly rượu tu một hơi, cười ngượng ngập: “Con trâu quý của anh bị phế thải oan uổng quá!”
Chộp lấy cơ hội ấy, ông Thạo liền hạ giọng, nỉ non: “Tôi biết “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Con trâu Cò đối với anh là vô giá, tôi không dám nói tới, chỉ xin anh để lại con trâu Chác cho tôi về thuần dưỡng thay con Ngưu Ma Vương. Tôi nghĩ con trâu Chác là con của con trâu Cò thì sống chung trên đồng Chày sẽ hòa thuận thôi anh!” Ông Thạo cứ năn nỉ, ỉ ôi hết ông Tộc sang bà Nhị.
Vợ chồng “Vua Trâu” không ham tiền nhưng trọng tình. Với lại nói như ông Thạo nghe cũng xuôi tai: “Anh, chị bán con Chác cho tôi là khỏi thấy cảnh trâu sát phạt nhau giành quyền cầm bầy. Tuy con Chác thuộc quyền sở hữu của tôi nhưng ngày nào anh, chị cũng nhìn thấy nó hiện hữu trên đồng, có đúng không?”
Ngày vợ chồng Tộc giao con trâu Chác cho ông Thạo. Con trâu được xỏ dàm dắt mũi đi, con Chác cứ ngoảnh đầu nhìn lại, nước mắt nó chảy dài, ánh mắt buồn bã như trách cứ khiến vợ chồng ông Tộc ôm nhau khóc ngất. Những ngày sau đó hễ con Chác được ông Thạo thả ra đồng Chày là nó liền sải chạy đến bên con trâu Cò và con Chim Đen giống như hồi nó chưa bị bán cho người ta vậy.
4. Ông “Tộc Vua Trâu” giờ đã hơn tám mươi tuổi, con cháu đề huề. Một lần ông được đứa cháu nội đưa vào quán “Trâu Đồng Quê”, nghe cháu ông đọc một hơi thực đơn: thịt trâu gác bếp; thịt trâu xào rau cần; thịt trâu xào lá lốt; thịt trâu nướng tảng; thịt trâu nhúng mẻ; thịt trâu nấu dưa chua…
Người cháu đọc chưa hết thực đơn, ông đã gạt đi: “Thôi, ông không ăn những món này!” Cháu ông trố mắt, ngạc nhiên: “Toàn là món đặc sản, ngon lắm ông ơi!” Ông Tộc gằn giọng: “Ông đã bảo không ăn cơ mà!” Cháu ông cụt hứng, lẳng lặng đưa ông rời khỏi quán.
Nó thắc mắc, không hiểu vì sao ông nội của nó lại chê thịt trâu khoái khẩu và đột nhiên nổi giận như thế. Cũng may mà ông nội nó không dùng facebook, không xem người ta quảng cáo nhan nhản quán thịt trâu trên mạng internet, không hề biết con trâu bây giờ có nguy cơ tuyệt chủng!
Trần Quốc Cưỡng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin