Bình minh vừa được đánh thức thì ở giữa cái sân chật chội, ngổn ngang sắt vụn, kìm hàn, đèn cắt vó đá… của xưởng đóng xà lan Hắc Quảy đã trang nghiêm ngự trị một chiếc bàn dài chở mâm ngũ quả đầy vun, con heo quay vàng rượm. Mùi khói nhang đắt tiền không át nổi mùi thịt mỡ thơm lừng, khiến rõ nước dãi khi vừa mới ngửi!
Bình minh vừa được đánh thức thì ở giữa cái sân chật chội, ngổn ngang sắt vụn, kìm hàn, đèn cắt vó đá… của xưởng đóng xà lan Hắc Quảy đã trang nghiêm ngự trị một chiếc bàn dài chở mâm ngũ quả đầy vun, con heo quay vàng rượm. Mùi khói nhang đắt tiền không át nổi mùi thịt mỡ thơm lừng, khiến rõ nước dãi khi vừa mới ngửi!
Anh em công nhân áo quần tươm tất lấn chen đi lại. Niềm vui trong mỗi người như nổ tung ra say sưa tràn đầy. Bởi hôm nay là ngày trọng đại, đượm vẻ thiêng liêng huyền hoặc, không chỉ ăn tất niên thôi mà còn là ngày làm mặt đặng hạ thủy chiếc xà lan tải trọng năm ngàn tấn, có nhà mui, ca-bin, mũi bầu, lái ngang và đặt máy trong chớ không cần tàu ủi hay kéo. Đây là lần đầu tiên xưởng đóng xà lan Hắc Quảy mạnh dạn lãnh lắp ráp chiết xà lan to và đẹp nhất vùng, nên quấy động tính hiếu kỳ và luận bàn xôn xao của bà con trong toàn xã.
Hồi làm mặt cho mấy chiếc xà lan trước, Chín Cô Đơn- người công nhân cần cù, tự tin, sáng tạo, một cánh chim bạt gió chưa mỏi cánh nhưng đậu lại rẻo đất lành sông nước này- hết đứng lại ngồi trên giàn giáo cao, cạnh mũi xà lan nhắm nhía, ướm thước ước tính kích cỡ nhằm tạo ra trong đầu một khuôn mặt cân đối, để khi hình thành hiện thực chợt nhìn là ưng ý ngay! Sau đó, ông mới chậm rãi chấm hàn miếng sắt ốp cạnh lên đường hàn nước từ mũi cong dần xuống tận đáy. Kế đến cắt ráp hai “tấm đệm”, cái nền của những vòng sắt tròn làm hình hai con mắt, rồi thả hồn mê mải vung cọ tô vẽ những hoa văn lượn lờ nghiêng ngửa. Thường những giây phút như vậy, Chín Cô Đơn luôn tủm tỉm cười, vì đang sung sướng tận hưởng bao đường nét sống động ngày một không ngừng đổi mới của mình.
Nhưng bây giờ đang làm mặt cho xà lan này thì khác, có cái gì không ổn! Chín Cô Đơn dừng tay ở công đoạn làm hình đôi mắt, gương mặt trĩu nặng suy tư đến lỳ ra như nặn bằng sáp. Không lẽ ông kém cõi về mặt tay nghề nên mất phách lạc hồn khi tiếp xúc với chiếc xà lan quá lớn? Vô lý! Lắm kẻ thạo nghề làm mặt xà lan thuộc tầm cỡ khu vực, còn tôn Chín Cô Đơn là bậc thầy kia mà!
Tay thợ phụ được Chín Cô Đơn hết mực thương yêu, tận tâm chỉ dạy cố công tìm hiểu mới biết được cái mắc mứu đã gây áp lực lớn đối với sư phụ mình.
Xưa nay không ít người thuê đóng xà lan thích “hoa lá cành”, buộc Chín Cô Đơn phải vẽ tròng và điểm cả con ngươi trong con mắt xà lan. Riêng đối với ông chủ tuổi ngoài sáu mươi, thân hình vạm vỡ, làn da đỏ au của chiếc xà lan mà Chín Cô Đơn đang đảm nhiệm, lại yêu cầu vẽ cho bằng được chiếc xuồng ba lá thay cho tròng mắt.
Trời đất! Hai chiếc xuồng ba lá như đang dập dờn trôi trong hai con mắt xà lan to!
Ôi! Cái ý tưởng oái ăm có một không hai này đối với khả năng Chín Cô Đơn là quá nhỏ, có thể nói tầm thường mới đúng! Nhưng có điều hình ảnh hai chiếc xuồng ba lá kia đã chạm đến chiều sâu thẳm nhất của trái tim nên quá khứ cứ dằn vặt hiện về trong đầu, khiến bản thân ông rơi vào hiện trạng trên.
Sau Đồng Khởi 1960, phong trào phá ấp chiến lược ngùn ngụt dâng lên thành cao trào mãnh liệt, vùng giải phóng được mở rộng. Đoàn Văn công xã Lục Sĩ Thành nhanh chóng thành lập, đời sống tinh thần của người dân bao đời mang công mắc nợ, tính mạng lơ lửng treo trước đầu ngọn súng bọn tề gian được nâng lên rõ rệt. Chín Cô Đơn- Chín Đặng vừa tròn hai mươi tuổi, gầy gò, đen đúa. Nhưng dẻo miệng và lợi khẩu hơn người. Anh ta biết chơi đàn măng- đô- lin nên hăng hái đem ngón đàn của mình hòa cùng lời ca trầm hùng của cách mạng. So với bạn bè cùng một lứa đã thành thân, Chín Đặng rỗi việc hơn nhiều, vì không có con. Mấy gã đàn ông bề thế, từng trải, bởi nức tiếng ăn chơi thường mủi lòng bảo:
- Thằng Đặng tài hoa nhưng bạc phước “tịt ngòi”!
Còn Chín Đặng thì tự tin và lạc quan nên bốp chát:
- Chiến tranh lo chửa đẻ, rảnh rang đâu mà đánh giặc?
Nay mai hòa bình, tôi “tháo đập” con nít trào ra lủ khủ, chục mười hai có thừa!
Lời nói người hiện tại không con nối dõi như để an ủi chính mình, chỉ chinh phục người nghe qua tiếng cười “kha khả”. Nhưng việc làm của y bây giờ làm mọi người không khỏi mến phục.
Hễ trời sụp tối, gió vướng vít lao xao thổi rung rinh tán lá của những vòm cây bần. Chín Đặng vác đàn xuống xuồng ba lá bơi một mạch vào cứ, để cùng bè bạn tập dợt đờn ca hay đùm túm kéo đi diễn ở các xã lân cận, phục vụ cho mấy cuộc mít tinh, tòng quân hoặc thu đảm phụ.
Những tưởng cái nghiệp dĩ của cuộc đời sân khấu đeo đẳng theo Chín Đặng cho đến ngày toàn thắng, nào ngờ nó trôi đi cập rập, hối hả như sự va chạm êm ái, mát lịm đến “một tòa thiên nhiên” hoàn mỹ mà quyền sở hữu không thuộc về mình.
Cái tin Chín Đặng tằng tịu với cô ca sĩ trẻ măng, trình bày rất thành công nhạc phẩm: “Bài ca ra trận”- bài hát đã dấy động con tim bao người trai đang viễn du khắp các chiến trường đỏ lửa- đã lọt vào tai Út Hường.
Lạ thật! Út Hường- vợ Chín Đặng vẫn im lặng. Ớt chẳng cay à? Không, ớt mọc bên hông nhà: Ớt hiểm, cay thanh và thơm hết cỡ!
Út Hường không nửa lời nặng nhẹ chồng và tình địch, mà cứ ngày hai ba lượt đến cơ quan gặp Tư Tình- Bí thư chi bộ xã- để nhóm lên cuộc đay đả chuyện trò, rồi phát sinh cự cãi om sòm, nhức óc đinh tai! Cuối cùng, Chín Đặng tự rút lui về nhà bơi xuồng ba lá câu tôm, không đợi quyết định khai trừ của tổ chức. Thương cho cô ca sĩ vì né tránh búa rìu dư luận phải bỏ xứ đi xa, mang trong mình giọt máu của Chín Đặng mà ông không hề hay biết.
“Cuộc chiến” vợ chồng đến đây vẫn chưa chịu kết thúc. Út Hường dựng căn chòi cặp bên nhà ra ở riêng, đem vốn liếng ki cóp lâu nay sắm chiếc xuồng ba lá để câu tôm. Thế rồi, nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn và việc ai nấy làm. Sự lạnh lùng liên tiếp diễn ra thật gớm ghiếc! Bởi đối với kẻ bạc tình cần phải có bài toán sòng phẳng! Út Hường nói to với hàng xóm như vậy.
Thời gian nặng nề trôi, chiến tranh không chịu hoàn lương ngừng nghỉ trái lại còn tàn khốc, thương đau hơn trước nhiều. Còn ta do xã Lục Sĩ Thành ở trên cù lao, địa hình bị sông nước bủa vây. Nếu lực lượng không phân tán thì khó có chỗ đứng chân vững chắc, nguy cơ có thể bị đánh úp về sau không tránh khỏi. Bởi vậy, muốn bảo toàn và dự trữ lực lượng lâu dài, chi bộ xã mới quyết định: Tiểu đội du kích trụ lại, còn tất cả vượt sông Cái sang đất liền lập căn cứ mới.
Đoàn người lìa quê vào ban đêm. Đêm không có trăng, gió bấc lạnh căm căm. Tất nhiên giờ giấc đi lại tuần tiễu của những chiếc tàu sắt thuộc Giang đoàn 17 ai nấy đều nắm rõ. Phương tiện qua sông là xuồng ba lá, tránh những trường hợp bất trắc có thể xảy ra, xuồng được nghi trang bằng cách bỏ đầy lục bình, hòng đánh lừa sự quan sát gắt gao của giặc.
Kế hoạch thực hiện quyết định của chi bộ xã vừa vạch ra lập tức được triển khai xuống các ấp.
Út Hường thi đua cùng Chín Đặng vận động bà con đem xuồng đến cho cách mạng mượn và đông đảo cô bác tự nguyện đưa cán bộ vượt sông. Xét thấy việc đón đưa cực kỳ nguy hiểm, Tư Tình không cho phép chị em phụ nữ tham gia. Khi làm xong nhiệm vụ, cánh đàn ông dòng xuồng của các má, các chị… về trả tận nhà. Chín Đặng cũng như mọi người, có điều ông còn do dự, vì nhà chung vách phải dòng xuồng về trả cho Út Hường. Hai người lâu nay tựa mặt trăng với mặt trời. Nếu chịu ngồi lại với nhau đó sẽ đêm nguyệt thực!
Đêm xuống đã lâu, bóng tối bao trùm lên cảnh vật, kể cả tiếng thở của dòng sông mãi rộn lên đan chen, lẫn trong tiếng gió rì rào. Hàng chục chiếc xuồng ba lá chở đoàn người xa xứ vượt sông trót lọt.
Ôi! Giây phút chia tay người đi kẻ về thật quyến luyến ngậm ngùi! Vốn dẻo miệng, lợi khẩu và thừa cảm xúc nên Chín Đặng là người về muộn nhất. Ông dòng xuồng Út Hường gần đến bờ thì đụng đầu ngay với tàu tuần tiễu. Gặp lúc mưa to, trời tối thui như bưng lấy mặt. Nó tắt máy tắt hết đèn thả trôi theo nước để rình rập bất ngờ tiêu diệt đối phương. Thừa lúc địch chưa xác định được vật gì, Chín Đặng đẩy mạnh mái dầm cho xuồng rấn sâu mũi tàu, kịp thời núp tầm đạn nếu như chúng bắn. Và nhanh như sóc, anh câu tôm bất đắc dĩ này nhẹ nhàng thả người xuống nước, lặn ngược dòng chảy vào bờ cù lao xã Lục Sĩ Thành. Địch soi đèn vào vật cản chỉ phát hiện hai chiếc xuồng ba lá chở đầy lục bình. Biết không thể nào săn bắt được Việt cộng, tên thuyền trưởng lệnh nả vài tràng đạn xuống nước, rồi quăng dây kéo hai chiếc xuồng đi mất. Chín Đặng về nhà chưa vật gà ăn mừng thoát chết thì bị Út Hường gán tội đem xuồng cất giấu, sắp tới cùng cô ca sĩ đi cầu thực tha phương.
Ôi! Mấy chục năm rã rời vì cuộc mưu sinh, giờ sắp “xuống lỗ” Chín Đặng- Chín Cô Đơn mới nghiệm ra: Tình yêu có một quy luật đặc thù của nó, không dung thứ cho một sự chia sẻ nào. Hiểu được thế, nhưng tấm thân già cỗi không chế ngự được con tim nên lòng vẫn bị giày vò, da diết nhớ thương… “Bài ca ra trận”. Bài hát hay thật (!)
- Người ta đã bắt giàn nề, chằng dây cáp xong. Thôi, làm vậy tốt lắm rồi, xuống rửa tay để nhập tiệc, tiện thể coi hạ thủy xà lan luôn chú Chín à!
Giọng nói ồm ồm tan lẫn vào tiếng võng của hàng bạch đàn trồng khít rịt và những ngọn gió cuối năm se se lạnh, rì rào thổi đã đưa Chín Cô Đơn trở về với thực tại, với công việc sẽ làm. Ông mệt mỏi nhìn xuống:
- Anh là…
- Người đưa ra ý tưởng lạ đời để chú thực hiện chơi. Tư Tình nè Chín Đặng!
- A, anh Tư! Bây giờ làm gì? Ở đâu? Vẫn khỏe hả?
- Khỏe, khỏe. Đang ở TP Cần Thơ mình đây. Và làm giám đốc cho một công ty vận tải đường sông trực thuộc bộ- Tư Tình cười toe toét nói vậy.
Ôi! Hai chiếc xuồng ba lá đã trôi qua lớp bụi thời gian của hai thời kỳ, chiến tranh ly loạn và nước nhà thống nhất. Vậy mà nó luôn ở trong lòng anh và anh còn nhờ đôi mắt xà lan để nhắc tôi nhớ. Nhưng đáng tiếc là anh bận chở nhiều quá. Xà lan, xà lan to mà! Chở anh em họ hàng của mình chớ đéo có chở thằng nhạc công suýt mất mạng vì sự nghiệp cách mạng ở địa phương mình! Nghĩ vậy, Chín Cô Đơn uể oải leo xuống giàn giáo.
Trời đã về trưa. Gió xuân mênh mang thổi nhưng cái nắng hầm hập vẫn hắt xuống mặt đất. Đó đây vang dậy tiếng gọi mời, cụng ly nghe “côm cốp”. Cũng cái giọng ôm ồm, Tư Tình mở môi sau khi uống xong ly rượu Chín Cô Đơn mời:
- Thím Chín mất hồi nào vậy chú Chín?
- Sau giải phóng gần chục năm. Vợ tôi chết do bị trúng gió. Trời ơi trời! Lúc khâm liệm, tôi vuốt mặt bả lần nữa mà chỉ nhắm có nửa con mắt!
Quay ngang, Tư Tình bụm miệng sợ bật ra tiếng cười đè nặng lên sự đau khổ của bạn mình:
- Chú Chín còn nhớ ừ, ờ… “Bài ca ra trận” không?
- Anh “thấu cấy” tôi chi anh Tư? Yến Chi chớ gì?
- Ừa, thì cô ca sĩ đó mà!
- Cổ có chồng con lâu rồi hé anh Tư? - Chín Cô Đơn lo lắng hỏi.
- Có con nhưng hổng có chồng. Ông tệ lắm nghe Chín Đặng! Làm chồng làm cha của người ta mà không có trách nhiệm chi hết.
Trước khi bỏ xứ ra đi để giữ gìn danh giá cho gia đình, Yến Chi khai thật với tôi đã có thai với chú. Vì chú không con nên cô ấy không chịu phá cái thai theo lời người thân bảo. Thấy thương tâm và muốn Yến Chi rảnh tay để tiếp tục công tác ở địa bàn khác, tôi nói: “Cô sinh con xong mang tới cho vợ tôi nuôi cho. Bà nhà tôi thích con nít lắm!” Yến Chi và chú cũng biết, tôi có ba đứa con đều bị máy bay Mỹ phóng rốc kết chết sạch! Tội nghiệp! Sau đó Yến Chi mang con đến gởi cho vợ chồng tôi nuôi và lên núi Cấm cạo trọc đầu đi tu.
Giọng Chín Cô Đơn bắt đầu sũng nước:
- Con của tôi trai hay gái, vẫn còn ở với anh à?
- Thôi, uống đi chú Chín! Một chút nữa chú thấy nó hà. Con trai. Tôi đặt cho nó tên Được. Chú Đặng thì nó Được, nghe đã đời chưa?
Ngoài kia, đất trời đã vào xuân rộn ràng niềm hưng phấn. Chiếc xà lan cỡi trên giàn nề từ từ kéo de xuống bến sông. Tiếng vỗ tay giòn tan như pháo nổ. Đám công nhân đã say khướt rời bàn xúm xít quanh thành quả của mình làm đã hết lời ca tụng.
Trước cổng xưởng, một người đàn ông có phong cách lịch lãm sang trọng kiểu quan chức. Nước da trắng hồng với khuôn mặt giống hệt Chín Đặng đang bước xuống chiếc xe bốn bánh đời mới bóng nhoáng. Người giàu sang chả cần ai bắt quàng làm họ, chỉ đến cúi đầu chào Tư Tình, rồi vội vàng đi ra bến nước, trèo lên chiếc xà lan còn di chuyển trên giàn nề và bước thẳng vào buồng lái cầm vô lăng. Mũi xà lan vừa trượt xuống nước áp sát mé sông. Anh ta nổ máy, rú ga cho xà lan lùi xa ra, rồi quay mũi để xé nước ầm ầm chạy thẳng.
Giờ đây, niềm vui trong mắt Tư Tình mở bung ra như bông hồng mãn khai buổi sớm:
- Đó, đó chú Chín! Cái thằng lái xà lan chạy thử là thằng Được, con chú! Tôi cho nó ăn học “tới bến”, lấy hai ba bằng đại học. Giỏi lắm! Một mình nó mà trông coi đoàn xà lan trên chục chiếc. Còn vợ nó đang bảo vệ luận án tiến sĩ ở Hoa Kỳ. Đã đời chưa?
Chín Cô Đơn đứng bật dậy không khác lò xo lâu ngày bị nén. Đôi mắt vốn lành lạnh của ông lặng lẽ lăn tròn những giọt nước mắt hiếm hoi.
- Anh Tư… anh Tư ơi!
Niềm day dứt vì hối hận đã nghĩ sai về ân nhân của mình đang chế giễu cợt cười, khiến Chín Cô Đơn không nói được câu nào. Ông gục đầu lên cây cột nhà xưởng đôi vai gầy guộc nhấp nhô theo từng tiếng nấc!
HỒNG SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin