Truyện ngắn: Bác Ba Hưng

04:01, 17/01/2021

Nhà bác Ba Hưng cách nhà tôi một đoạn đường không xa. Bác là bạn thân với ba tôi từ thuở nhỏ cũng là đồng chí hồi thời chống Mỹ.

 

DIỆP BẦN CÒ

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Nhà bác Ba Hưng cách nhà tôi một đoạn đường không xa. Bác là bạn thân với ba tôi từ thuở nhỏ cũng là đồng chí hồi thời chống Mỹ.

Bác Ba Hưng thân hình nhỏ gầy, pha nét phong sương, nhưng lại rất vui tính, dễ gần. Bác sống một mình, không có vợ con. Bác không thể lấy vợ, vì bác sợ “để khổ cho người ta”, “có chồng hờ hững cũng như không”, do ngày xưa trong một trận chống càn, bác đã bị trúng đạn mất khả năng làm chồng.

Không bận bịu gia đình vợ con nên những chuyện công ích ở ấp, ở xã như sửa đường, bắc cầu, bác Ba Hưng luôn xung phong làm. Có người trạc tuổi bác cắt cớ nói đùa:

- Ông Hưng, chuyện gì cũng giành làm hết vậy cha nội? Ông cũng phải chừa phần cho người khác với chứ!

Bác Ba Hưng cười hề hề trả lời:

- Tui vốn là lính Cụ Hồ mà! Học tập theo Bác là phải xung phong, đâu có lùi bước trước khó khăn phải không mấy ông!

Bác Ba xem chị em tôi như con ruột của mình. Bác hay lui tới nhà thắp nhang cho ba tôi và dạy chị em tôi nhiều điều.

Tôi nhớ ngày mình khăn gói lên tỉnh học, bác Ba đến gặp, vỗ vai tôi và dặn một câu:

- Lên tỉnh ráng học hành thành tài nghe mậy!

Câu dặn dò ngắn gọn của bác Ba mà ba năm rồi tôi không quên. Ba năm, khoảng thời gian tôi đi nhiều về ít. Lần này về nhà, tôi có dẫn thằng Tấn- bạn thân cùng lớp về chơi. Tôi tranh thủ thời gian đến thăm bác. Đồng thời để giới thiệu bác với thằng Tấn.

Chiều xuân mát mẻ, trên con lộ “nông thôn mới” được đổ bê tông thẳng tắp, có vài chiếc mô tô, xe máy và xe đạp chạy long nhong. Tôi cùng thằng bạn Tấn nắm tay thằng Tí- con chị Hai- dắt đi đến nhà bác Ba. Đi gần tới trước ngõ nhà bác, đã nghe tiếng kéo cắt cây cóc cách cọc cạch của bác đang tỉa lại mấy chậu hoa kiểng. Mấy con chim, chìa vôi, vẹt, sáo,… đủ màu sắc trong lồng treo cạnh đó, thấy chúng tôi cũng kêu rộn rã. Thấy chúng tôi đến, bác Ba vui vẻ:

- Chiều anh em, cậu cháu đi chơi đã hen! Mầy về hồi nào vậy Nghĩa?

- Dạ, con mới về hồi sáng này bác - tôi trả lời.

- Ê nhỏ, hôm nay có đi học hông mậy?

Thằng Tí mới năm tuổi, đang học mầm non. Nó đứng ngắm những con chim đủ màu, bắt mắt nên quên nghe lời của bác hỏi. Tôi nhắc:

- Ông hỏi hôm nay có đi học không kìa, Tí!

- Dạ có - thằng Tí trả lời rồi quay sang mấy lồng chim.

- Thằng kia ở đâu mới xuất hiện ra vậy mậy?- bác Ba hỏi thằng Tấn.

- Đây là Tấn, bạn chung lớp với con. Nó theo con về đây chơi vài ngày cho biết đó bác!- tôi nói.

- Vậy hả? Tự nhiên chơi chút nghe bây. Tao đang lỡ tay!

Tôi nhìn theo từng lưỡi kéo của bác Ba đang chăm chút từng nhánh hoa kiểng mà thán phục:

- Lâu lâu con về nhìn vườn kiểng của bác Ba, đã mắt thiệt!

- Hôm nào rảnh qua đây tao chiết cho vài chậu về đặt trước nhà coi chơi mậy. Rồi tao chỉ cho cách chăm sóc.

Tôi thấy trong lòng lấy mừng thầm, vì tôi cũng thuộc dân mê hoa kiểng. Nhưng vì đi học hoài làm gì có thời gian đâu mà chăm sóc chúng, đành phải xem ké vườn hoa kiểng của bác Ba Hưng vậy.

Thằng Tấn cũng mê kiểng, tò mò hỏi:

- Chắc bác Ba thường nghiên cứu nhiều sách chơi kiểng lắm hả bác?

Bác Ba cười khà khà:

- Tao chữ hổng đầy lá mít, đọc còn không chạy chữ lấy gì tới nghiên với cứu mậy. Tao học lóm “mấy cha” sành chơi hoa cảnh đó chớ. Chơi lâu ngày rồi dần dần sanh ra kinh nghiệm, sáng kiến mầy ơi!

Bác Ba ngừng kéo, đến băng ghế cây, đóng kiểu sáu chân khá kịch cợm, được đặt tựa vào gốc mít có tàn che bóng mát, trái lòng thòng như bầy heo con đeo bú vú mẹ bên hông nhà bác. Bác lấy tay phủi phủi vài chiếc lá mít vàng đang nằm trên ghế và khom xuống thổi “phù”. Rồi bác ngồi chéo nguẩy, vảnh những ngón chân chai sạm, móng chân đóng phèn vàng khè. Bác thủng thẳng thò tay móc trong túi áo ra bịch thuốc rê, từ từ se một điếu đưa lên môi, lưỡi bác lăn điếu thuốc qua một bên mép miệng thật điệu nghệ. Sau đó, một tay bác bật quẹt lửa, một tay che gió, mồi điếu thuốc hít một hơi khà khói cuộn tròn trong không khí. Bác để bịch thuốc rê xuống băng ghế, rồi hỏi:

- Tụi bây có đứa nào biết hút loại thuốc đen sì này không?

- Dạ, cháu không biết hút thuốc- Tấn trả lời.

- Ừ, không biết thì đừng có tập hút, vừa tốn tiền vừa độc hại. Ghiền nó rồi bỏ khó lắm. Như tao vốn biết nó độc hại nhưng mà bỏ hoài không đặng!

Nói đoạn, bác dụi điếu thuốc bỏ:

- Lợi ngồi chơi hai thằng bây! Học hành thế nào rồi? Nãy giờ lo lu bu mấy cây mai chiếu thủy mà quên bặt chuyện “sự nghiệp tương lai” của tụi mầy.

Tôi và Tấn đến ngồi gần bác. Tôi thưa:

- Dạ con còn một năm nữa là tốt nghiệp ra trường rồi bác.

- Chà! Loay hoay cũng mau quá hen! Tốt nghiệp đại học phải hông?

- Dạ!

- Ráng lên nghe bây! Thế hệ của tụi bây, giờ học hành khỏe lắm đó, chớ hồi trào của tao khổ ghê lắm!

Tấn chưa hiểu ý bác. Nó nói:

- Thấy vậy chứ bây giờ học nhiều môn cực lắm bác Ba ơi!

Bác Ba giải thích:

- Tao nói khỏe ở đây là trường lớp đàng hoàng, đường sá đi tới trường rất thuận tiện. Thầy cô có bằng cấp chuyên môn rõ ràng. Chứ hồi đó ở nông thôn mình thầy bà có bằng cấp gì đâu. Người biết chữ trước dạy người chưa biết chữ, vậy thôi.

Tôi và Tấn bối rối, vì chúng tôi đâu thể hình dung nổi cảnh học hành của cha ông ngày xưa. Nhưng muốn hiểu, Tấn đành mạo muội hỏi bác:

- Hồi đó bác học được lớp mấy?

Bác Ba lại cười khà khà:

- Tụi bây học bốn năm mới tốt nghiệp đại học phải không? Tao hồi đó tốt nghiệp “Một rưỡi”.

Câu nói đùa của bác Ba Hưng, làm Tấn thêm tò mò:

- Tốt nghiệp “một rưỡi” là sao bác?

- Nói chơi cho vui vậy, chứ khổ lắm bây ơi! Riêng tao thì nhỏ con, đường đi đến trường thì khó khăn nên mười ba tuổi mới được đi học lớp một. Tao vậy chứ còn may mắn hơn mấy anh chị của tao. Mấy ổng mấy bả dốt đặc, một chữ bẻ đôi còn không biết. Mà bây nghĩ coi, chiến tranh loạn lạc, sống nay chết mai, lo ăn, lo sống còn không xong nói chi tới việc học, việc hành. Tao học được một năm rưỡi, một năm lớp một và gần nửa lớp hai là vọt đi rồi!

Tấn lại ngạc nhiên hỏi:

- Vọt là vọt sao hả bác?

- Vọt đi cách mạng, đi tham gia kháng chiến, chớ vọt sao mậy? Cái thằng… hỏi!

Tấn lúng túng vì câu hỏi vô tình đó đối với bác. Bác Ba bùi ngùi nói tiếp:

- Tao may mắn chỉ bị thương, còn ba thằng Nghĩa và mấy ông kia xui rủi phải hy sinh.

Nghe đến chuyện chiến tranh mất mát, hy sinh lòng tôi chợt buồn cho cái rủi của ba mình.

Ngừng một lát, bác Ba lại nói:

- Nói thiệt, tao với ba thằng Nghĩa và mấy ông kia có nhiều kỷ niệm sâu sắc lắm. Hồi ở chung kháng chiến sống chết bên nhau thì khỏi phải nói rồi. Nhưng hồi còn đi học, tao với ba nó chỉ học chung có năm rưỡi thôi mà đến giờ tao không quên được. Hồi đó mấy ông kia lớn tuổi hơn tao với ba thằng Nghĩa và học cũng lớn lớp hơn. Nhưng mỗi ngày cả đám đều đi học chung. Tao với ba nó học lớp một, mấy chả học lớp hai. Đồng thời mấy chả cũng thay phiên nhau mỗi ngày cõng tao qua rạch Bần Cò này để đến trường học. Hồi xưa con rạch Bần Cò này cạn sệt và “sầm khuất” lắm. Đâu có cầu kỳ gì, thả cây nằm ngang qua là đi. Nước lớn ngập cầu, tao đi đâu có được. Ba thằng Nghĩa lớn xác hơn tao lần mò đi qua được. Còn tao phải được mấy ông kia thay phiên cõng qua. Còn khi nước ròng thì ba thằng Nghĩa thường “nghĩa hiệp” nắm tay dắt tao qua- bác Ba vừa nói, vừa đưa mắt nhìn ra con rạch Bần Cò ở phía bên kia lộ.

- Hồi đó phía bên kia rạch Bần Cò có trường học hả bác?- Tấn hỏi.

Bác ngập ngừng nói:

- Ừa! Nhưng mà trường lá lụp xụp lắm. Vách lá dừng sơ sài, che mưa tạt, nắng dội còn không kín. Bàn thì làm ba bốn cây nọc so đũa cắm xuống đất, đóng tấm ván lên đầu nọc để kê tập viết, mà tập không phải trắng bóng như bây giờ đâu, nó đen thui và nhám càu hà, viết nó xốc ngược, xốc xuôi, nặn ra được một chữ cực trần thân luôn. Còn chỗ ngồi thì kê mấy cọng bập lá dừa nước phía dưới để đặt đít cho đỡ mỏi chưn. Vậy mà có khi còn không có, phải đứng viết, cũng có khi ngồi dưới đất. Bàn ông thầy cũng làm kiểu vậy luôn. Bảng lớp thì vài mảnh ván ghép lại, màu sơn lam nham khó nhìn chữ thấy mồ. Cửa lớp thật rộng để khi nghe tiếng đầm già, trực thăng là thầy trò tiện việc nhanh chân lủi xuống hầm tránh đạn.

- Hồi thời đó trường học có hầm hả bác?- Tấn hỏi.

- Ờ! Phải có hầm chống đạn chứ mậy? Hổng có hầm để trốn, rủi thầy trò trúng đạn là tiêu đời sao. Nhưng rồi tao chỉ học được có năm rưỡi thì nghỉ, vì ông thầy bị bắt. Cái trường cũng bị địch phá mất. Thế là chấm dứt chuyện học hành từ đó. Nghỉ học đâu được một năm, mấy ông kia vào căn cứ trước. Tao và ba thằng Nghĩa hai năm sau cũng vọt theo luôn.

- Tính ra việc học hành của thời ba cháu và bác thật là gian nan, vất vả quá!- tôi nói.

Bác Ba quay qua tôi nói:

- Bây giờ đất nước yên ổn có nhiều lúc tao nằm suy nghĩ nhớ lại mà thương mấy chả lắm, nhất là ba mầy. Phải chi bây giờ mấy ảnh còn sống, chiều chiều ngồi uống trà với nhau, mà nghe tao nhắc lại cái thời đi học, nhất là chuyện cõng tao qua rạch Bần Cò chắc mấy chả cười dữ lắm!

***

Bầu trời thẫm bóng hoàng hôn. Những con cò trắng sải cánh tìm về chốn ngủ. Thằng Tí đòi tôi đưa về. Cậu cháu tôi và thằng bạn Tấn chào tạm biệt bác Ba. Trên đường về nhà, Tấn đột nhiên không nói không rằng. Đêm đến, hai thằng vào mùng, Tấn nói:

- Hồi chiều đến nhà bác Ba Hưng, nghe kể chuyện học hành của ông làm trong lòng tao có cái gì đó đau đau, xót xót.

- Mày đau xót gì nói tao nghe thử coi!

Tấn nói như than thở:

- Ngày xưa đất nước còn trong cảnh đau thương, cha anh mình muốn biết được con chữ phải đổi bằng cả mạng sống. Bác Ba Hưng chỉ học được một năm rưỡi thôi mà ông đã cho rằng mình quá may mắn. Còn bây giờ đất nước được bình yên, việc học hành của thế hệ hôm nay, thuận tiện hơn, đàng hoàng hơn. Nhà nước không ngừng quan tâm, đầu tư cho giáo dục, xem giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Thế mà có nhiều bạn học sinh, sinh viên lại không chịu lo học, thường đi chơi.

- Người ta thường có câu “sướng quá sinh ra lú” là vậy- tôi nói.

- Nghĩ đến thế hệ cha anh trước đây, bỗng thấy mình sao quá ư nhỏ bé phải không Nghĩa? Tao theo mày về quê lần này thật không phí công. Tao luôn dặn lòng mình phải nhớ câu chuyện của bác Ba Hưng, cũng như nhớ mãi sự hy sinh của cha ông đã đổ máu xương đấu tranh giành lại hòa bình, tự do cho dân tộc, cho thế hệ hôm nay được bình yên học hành, hạnh phúc.

Thật ra cảm nghĩ của Tấn cũng giống cảm nghĩ của tôi bấy lâu. Hai cảm nghĩ đồng điệu thức đến khuya chưa ngủ.

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh