Năm nào cũng vậy, qua giao thừa vợ chồng thằng Ửng mới tay xách nách mang kéo nhau về quê ăn tết. Nhưng năm nay tụi nó về sớm hơn tới nửa tháng. Ăn nên làm ra hay "ẵm độc đắc" rồi chớ gì? Không đâu, nếu có thì đôi mắt ông bà chín Tân- cha mẹ vợ của thằng Ửng- không rộng thênh thang và buồn hun hút.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Năm nào cũng vậy, qua giao thừa vợ chồng thằng Ửng mới tay xách nách mang kéo nhau về quê ăn tết. Nhưng năm nay tụi nó về sớm hơn tới nửa tháng. Ăn nên làm ra hay “ẵm độc đắc” rồi chớ gì? Không đâu, nếu có thì đôi mắt ông bà chín Tân- cha mẹ vợ của thằng Ửng- không rộng thênh thang và buồn hun hút.
Hoàn cảnh gia đình vợ chồng thằng Ửng thật đáng thương. Tụi nó cưới hỏi năm trước thì năm sau có được một đứa con gái trông kháu khỉnh và bụ bẫm. Ngỡ hạnh phúc lọt thỏm trong lòng bàn tay nào ngờ…
Con bé lên năm đang phổng phao khỏe mạnh bỗng quặt quẹo ốm đau sau lần té ngã, bởi lén mẹ cha cưỡi trên lưng con trâu đang nằm bất chợt nó đứng dậy. Vợ chồng thằng Ửng chạy rã rời chân cẳng lo chữa trị nhưng bệnh tình của con vẫn không thấy cạn.
Vườn ruộng không cánh mà bay hết theo tiền thuốc thang, còn thêm ắp lút bạc vay tiền hỏi. Cuối cùng, Chín Tân bóp bụng “gả” đôi bò cái, lấy tiền chở cháu ngoại lên thẳng bệnh viện lớn- bệnh viện Trung ương, vì đứa bé ở trong tình trạng sốt cao đi đến hôn mê bất tỉnh.
Các bác sĩ khám và định bệnh: Vết thương trên đỉnh đầu, do không được cấp cứu kịp thời nên đã sưng tấy lên, gây nhiễm trùng sọ não phải phẫu thuật gấp. Nhưng sức khỏe của bệnh nhân quá yếu, khả năng thành công của ca phẫu thuật rất thấp. Tức thật, điều không may mò đến rất chậm, tiền bán bò thì còn nhưng đứa bé lại tử vong sau hai tháng tính từ khi nằm trên giường mổ.
Chôn cất con xong, vợ chồng thằng Ửng gạt nước mắt lên thị thành vật vã với cuộc mưu sinh. Mấy năm gần đây, tụi nó ky cóp được một số tiền đủ trả nợ nần, sửa sang lại nhà cửa, nắng mưa không còn bị dội dột.
Thế rồi mê mải làm ăn quần quật, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vợ chồng thằng Ửng không quan tâm đến nên bị vỡ. Cả vợ và chồng đều đồng tình nạo bỏ cái thai, để rảnh tay làm kiếm thêm tiền chuộc lại đất cát. Vợ chồng nó về quê trong thời gian còn rất xa tết, chủ yếu xin ý kiến vợ chồng Chín Tân về chuyện chúng định làm.
Nghe sắp nhỏ “đề nghị tuyên án tử” đối với cháu ngoại mình đang còn trong trứng nước, ông bà Chín Tân phản đối thẳng thừng. Bà Chín Tân quay ngang nhổ bẹt bãi trầu.
- Tụi bây coi! Đồng tiền là tất cả nên làm tất cả để có đồng tiền, luôn cái việc vứt bỏ giọt máu của mình. Trời ơi! Bào thai đâu phải nhỏ, gần hai tháng lận à. Phá đi! Con mẹ nó sau này sẽ khổ. Chớ nghĩ đồng tiền là vạn năng, làm ác gặp ác à!
- Đúng, đồng tiền đâu mua được cái chân hạnh phúc bây ơi. Con người có nhân bản mới là quý. Ứ, tao gật đầu là đồng ý với việc giết cháu ngoại mình sao?- Mắt ông Chín Tân vằn tia máu, mặt tím lại nhăn nhúm vì giận dữ.
Nhưng mưa dầm thấm đất, vợ chồng thằng Ửng cố công thuyết phục, đem cảnh giật gấu vá vai, mang công mắc nợ, vì không có đất đai canh tác sau này ra dọa. Bà Chín Tân nghe riết cũng mủi lòng, phó thác chuyện giữ hay không cái mầm sống nhỏ nhoi ấy lại cho chồng, rồi buồn thiu bỏ ra về một nước.
Riêng, ông Chín Tân ỡm ờ hồi lâu, buông một lời khô khốc đến phũ phàng: “Thôi thì đèn nhà ai nấy sáng, tụi bây cứ tự lo liệu!”. Và ông cũng có khác chi vợ mình, vật vờ trôi về phía bờ sông với điếu thuốc rê trong buổi chiều cuối đông có quá nhiều gió lạnh.
Tối lại, Chín Tân cuộn tròn trong giấc ngủ không được sâu thì nghe một tiếng nổ như bom bừa. Chiếc chõng tre rung lên bần bật, hất tung Chín Tân xuống đất, nằm thoi thóp thở dài. Trước mắt ông xuất hiện vong linh tí tẻo, từ đen sạm chuyển sang tai tái, đi đến bạc phếch hoàn toàn. Nó len lỏi trong bầu trời thật thấp, thật bí ẩn và đang tan lạc vào xứ sở hư vô. Sau đó… Cái gì cà? Ôi! Một con người bé bỏng dễ thương, bận bộ bà ba đen hiện ra trên đọt bụi tre già. Chín Tân làm chi mất lòng mà người ấy mắng ông té tát.
- Ông chết đi, chết đi! Sống mà không phân biệt được phải trái đúng sai làm sao gìn giữ đặng huyệt hệ nói chi đến cội nguồn?
- Mầy… ừ, ờ… Tao bóp cổ mầy à! Chín Tân chồm lên định thực hiện theo lời mình nói, nhưng tay chân ông rệu rã không tài nào làm được. Con người bé bỏng dễ thương, bận bộ bà ba đen kia chợt thốt lên một chuỗi cười nghe rùng rợn.
- Ông có thể làm được điều đó vì ông có khối óc to. Còn tôi thì thèm có trái tim lớn!
- Á! Hóa ra mầy là…
- Ừ, tôi là con búp bê- quà của người cha dành tặng cho con trong thời ly loạn.
Ú, ớ cả giờ đồng hồ, Chín Tân gấp người ngồi dậy mới biết mình vừa trải qua giấc chiêm bao. Rồi trong một góc chật hẹp của ký ức Chín Tân, người bạn chiến đấu năm xưa, sui gia quá cố của ông bây giờ vẫn còn tồn tại.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, địch ra sức đánh phá, bình định một cách quyết liệt và dai dẳng. Các cán bộ nòng cốt ở Giồng Đất, kể cả Tư Ân- xã đội trưởng và anh em du kích, lực lượng tiên phong nổi dậy rầm rộ xuống đường trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, phải chém vè dưới hầm bí mật, vì tình thế hiện tại rất khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi.
Những ngày tháng thử thách cực kỳ nghiêm trọng như vậy, Tư Ân nhận được tin từ Chín Tân, trước kia là cán bộ binh vận, hoạt động hợp pháp cho biết: Vợ anh đã “đập bầu” sinh được một đứa con trai khôi ngô- thằng Ửng bây giờ.
Ôi! Người xã đội trưởng có khí chất hơi ngang tàng, có ngọn lửa ngùn ngụt ý chí chiến đấu kiên cường và trái tim giàu lòng yêu nước đã gần như lịm đi vì xúc động thiêng liêng dâng lên tràn đầy, mạnh mẽ. Tội nghiệp! Vốn cút côi từ khi lọt lòng mẹ. Và giờ đây đã đội trên đầu cái tuổi gần ba mươi, Tư Ân mới có một mụn con nối dõi, một chỗ dựa tinh thần rất cần thiết trong hiện thực lúc này. Nó khác chi dòng nước xanh trong dịu ngọt gột rửa cái tư tưởng dao động cứ manh nha và ngày một lớn dần lên.
Bởi chiến tranh mà trong thời điểm bị động chống đỡ địch phản kích hết sức khốc liệt, sự bắt lại liên lạc đối với trên không biết có còn một mảy may hy vọng? Rồi cái xác suất của sự hy sinh dù nhỏ bé đến mấy cũng sẽ rơi trúng vào anh hoặc đồng đội trong nay mai. Đó, thử hỏi người chiến sĩ cách mạng, người nông dân hai sương một nắng, đứng trục cầm cày, để dành ăn dụm làm gì tránh khỏi những phút giây hoang mang sợ hãi?
Thế nhưng từ khi thằng Ửng chào đời, cái tầm thường trong Tư Ân trốn biệt tăm không còn thập thò phô diễn ra nữa, thay vào đó là cái vẻ đẹp rực rỡ của người chỉ huy tài ba, người cha thương con một cách quá mức. Thương hơn thương chính bản thân mình, như để bù trừ cho trăm nỗi thiệt thòi của con đang sống trong vùng địch tạm chiếm.
Có lần rời hầm, cắt đồng bám sát theo chân địch, dẫn đường cho bộ đội chủ lực phục kích chống càn, Tư Ân nghe tiếng bom rú ghê rợn, theo sau tiếng nổ ầm ầm đinh tai nhức óc. Màn đêm tưởng vỡ vụn ra, mặt đất chòng chành tưởng đổ sụp.
Ngực bị ép lại quặn thắt nghiến đau vì áp lực của không khí, anh quỵ xuống ngất đi! Trong trạng thái mơ màng, Tư Ân nhớ đến con, nỗi nhớ vón cục lại cào cấu trong gan ruột và anh hình dung ra đôi môi xinh xẻo của “cục vàng” mình nhớn nhác lần tìm bầu vú mẹ.
Ôi, vợ của anh! Người đàn bà mà nếu có đốt đuốc sáng cả nhà cũng không tìm được vẻ đẹp xinh xắn mảnh mai, trau chuốt của người thành thị. Nhưng sờ vào sẽ gặp ngay cái tình cảm trên mức ồn ào khi biểu hiện, cái duyên quê rang quê rích ấy mà.
Ngỡ đáng ghét nhưng yêu đến nhắm tít cả hai mắt lận! Kìa, cái thẹo to tướng trên bả vai Tư Ân còn nổi cộm hai đầu dấu răng thớt không đủ nói lên điều đó sao? Tư Ân cảm thấy lành lạnh, phủi đít đứng lên, biết mình chưa “sứt càng gãy gọng”.
Rồi anh bẽn lẽn mỉm cười khi nhớ lại cái câu của mấy thằng du kích nằm chung hầm thường nói: “Nhớ con thấy mẹ”. Từ đó, Tư Ân chi tiêu dè sẻn số tiền vợ gởi cho mấy tháng trước, nhờ cơ sở mua dùm con búp bê thật dễ thương và tự tay anh cắt vải may bộ bà ba đen cho nó mặc. Đây là món quà của người cha dành tặng cho đứa con yêu trong ngày đoàn tụ.
Nhưng chiến tranh rất khắc nghiệt không dung nạp cho điều này. Bom B52, “dàn nhạc Tân Tay Lan”, hơn 60 khẩu pháo của ba cụm và nhiều thứ khác nữa luôn rình rập gieo thương đau chết chóc lên mái ấm gia đình người chiến sĩ.
Vào buổi chiều vắng, cánh cò lạc vào câu ca dao man mác. Nắng loang lổ trên cánh đồng năn thưa thớt mọc. Địch cho xe ủi đất tới ủi nát những chỗ chúng nghi là nơi đứng chân của ta ở Giồng Đất. Một bụi tre nhiều tuổi hôm sớm vặn mình kẽo kẹt tiếng võng đưa- chiếc nắp hầm kỳ diệu của Tư Ân và hai chiến sĩ du kích bị ủi tróc ra. Lập tức lựu đạn từ lòng đất tung lên ầm đùng nổ. Không gian chao đảo khét lẹt. Chiếc xe ủi đất dừng lại bặt tiếng im hơi. Chỉ có con búp bê ở lại trong hầm, còn những người con gan vàng Giống Đất dũng cảm xông lên!
Tư thế tiến công, quân thù bạt vía, đưa đến đần độn điên khùng, cứ xối đạn lên ba xác chết đang tựa lưng vào nhau giống như kiềng. Họ chọn cái chết để bảo vệ sự sống cho đồng bào đồng chí của mình và cho phong trào phá kiềm về sau càng thêm vững chắc!
Hai bên bờ sông vắng bìm bịp kêu âm âm. Nước rằm tháng Chạp lai láng bò lên đồng. Bóng tối nhợt nhạt của đêm trường vẫn còn trải rộng trên xóm thôn.
Nghĩ đến Tư Ân, không sao Chí Tân ngủ được nữa. Ông mở cửa soi đèn đi thẳng qua nhà con gái độc nhất của mình: Vợ thằng Ửng. Đến nơi, Chín Tân đẩy cửa lách mình bước vào và đến bên bàn thờ vợ chồng Tư Ân để thắp nhang. Ba nén nhang cháy cong lại thành một vòng tròn, nghĩ theo tín ngưỡng chắc những người đã khuất nghe được lời Chín Tân tâm sự.
- Anh chị sui ơi, bọn nhỏ nó non người trẻ dạ, lẽ ra tôi phải có trách nhiệm khuyên can, giúp đỡ của tiền. Đằng này… đúng là cá mè một lứa mà! Tôi hẹp hòi ích kỷ quá nên mới bị con búp bê nó mắng trong chiêm bao vừa rồi cũng phải. Thôi, coi như tôi nhận lỗi và tiện thể cho anh chị biết: Tôi cũng vừa nghe cơ quan có thẩm quyền thông báo, lúc trên đường từ nhà vợ chồng thằng Ửng buồn bã ra về.
Thửa đất năm công nơi tôi đang cất nhà để ở, sắp tới nhà nước quy hoạch, bởi nó nằm dưới gốc cây cầu bắc qua sông cái. Tiền bồi thường mọi thứ tôi giao hết cho con và rể. Tụi nó tính toán làm ăn như thế nào cũng được, miễn là cho vợ chồng tôi sống chung, cơm ngày hai bữa đủ rồi. Anh chị nghĩ đó, cứ khư khư ôm lấy số bạc đến hàng tỷ đồng.
Vợ chồng tôi nức tiếng là người giàu, nhưng đến khi gần đất xa trời, phủi sạch bàn chân “xuống lỗ” cháu chắt ngồi không chật manh chiếu trải trước đầu hòm, thì khác chi người nghèo chết không kèn trống? Chín Tân cười mủm mỉm một mình, vẻ mặt sáng trưng lên như bóng đèn dài hai thước.
Bên ngoài trời đã sáng. Cây mai trước cửa nhà lác đác trổ trước một vài bông. Năm nay, bà con Giồng Đất đã hiểu vì đâu gia đình Chín Tân ăn tết sớm.
HỒNG SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin